Từ nguồn nguyên liệu thế mạnh địa phương, HTX Hương trầm Hiền Linh đã sản xuất và đưa ra thị trường các sản phẩm như hương trầm, nụ trầm, vòng trầm, trầm cảnh...
Năm 2013, cơ sở sản xuất hương trầm Hiền Linh (xã Phúc Trạch, Hương Khê) được hình thành, bắt đầu sản xuất sản phẩm từ trầm – nguồn nguyên liệu thế mạnh của vùng núi Hương Khê. Để đáp ứng yêu cầu sản xuất, phục vụ thị trường, năm 2021, cơ sở nâng cấp thành Hợp tác xã Hương trầm Hiền Linh.
Anh Bùi Thức Chính – Giám đốc HTX cho biết: “Thời gian đầu, cơ sở chủ yếu làm hương trầm, bán cho khách hàng trong huyện và tỉnh, càng về sau sản phẩm càng đa dạng như: nụ trầm, vòng trầm, trầm cảnh... Năm 2023, doanh thu HTX đạt khoảng 2,5 tỷ đồng, cao gấp 3 – 4 lần so với năm 2021 và hơn 10 lần so với những năm bắt đầu sản xuất. Cùng với đầu tư máy móc sản xuất, để kết nối phát triển thị trường và có thêm khách hàng mới, chúng tôi đã tích cực quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội và tham gia các hội chợ thương mại. Trung bình mỗi năm chúng tôi tham gia 8 – 10 hội chợ từ Bắc đến Nam”.
HTX Hương trầm Hiền Linh thường xuyên tham gia sự kiện xúc tiến thương mại để tìm kiếm khách hàng, phát triển thị trường.
Với nguồn nguyên liệu dồi dào từ biển, chế biến nước mắm, thủy hải sản khô là thế mạnh của các địa phương như Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh, TX Kỳ Anh. Hiện nay, sản phẩm nước mắm, hải sản khô của nhiều cơ sở, HTX đã tạo dựng được thương hiệu, được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực và quốc gia, có sức tiêu thụ cao trên thị trường.
Anh Đặng Đình Minh – đại diện HTX Thu mua và chế biến thuỷ hải sản Chiến Thắng (xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh) cho biết: “Với truyền thống làm nước mắm lâu đời, năm 2016, HTX được thành lập, phát triển quy mô sản xuất. Đến nay, nước mắm Luận Nghiệp của HTX nhiều lần được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực, mỗi năm tiêu thụ gần 500.000 lít trên thị trường toàn quốc.
Năm 2023, nước mắm của chúng tôi được xuất khẩu chính ngạch đi Nga và Angola. Vừa qua, đối tác Thái Lan cũng đã khảo sát tại HTX và dự kiến tới đây chúng tôi sẽ xuất lô hàng đầu tiên đến đất nước này. Ngoài nước mắm, các sản phẩm khác như cá mờm, sứa, mắm ruốc cũng là những mặt hàng được nhiều khách hàng ưa chuộng. Với các sản phẩm chế biến này, hàng năm HTX đã thu mua nguồn nguyên liệu lớn do ngư dân địa phương, tạo việc làm và thu nhập cho lao động vùng biển”.
Nước mắm Luận Nghiệp tiêu thụ gần 500.000 lít/năm và đã xuất khẩu đi các nước Nga, Angola.
Việc khai thác và phát huy tiềm năng kinh tế từ các sản phẩm đặc trưng của địa phương đang trở thành chiến lược quan trọng để thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn. Trong những năm qua, từ quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thị trường bó hẹp trong tỉnh, nhiều cơ sở nước mắm, giò chả, kẹo cu đơ, nhung hươu, mật ong, trầm hương… đã đầu tư máy móc, mở rộng quy mô sản xuất, đưa sản phẩm của mình trở thành hàng hóa với thị trường rộng ra toàn quốc, thậm chí là xuất khẩu. Nhiều nông sản trước đây chủ yếu chỉ sơ chế hoặc sản xuất nguyên liệu thô thì nay đã chuyển sang chế biến sâu, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm.
Tên tuổi của các thương hiệu như nước mắm Phú Khương, bánh ram Anh Thu, cốm gạo lứt omega An Phát, tinh bột nghệ An Tâm, mật ong Cường Nga, nhung hươu Hiền Ngọc, chè Tây Sơn, đồ gỗ Thái Yên, dao thép làng rèn Trung Lương… được đông đảo người tiêu dùng biết đến.
Công nghiệp nông thôn phát triển góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa.
Theo đánh giá của Sở Công thương, các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển vững chắc, khai thác được đa dạng giá trị của khu vực nông thôn, nâng cấp các sản phẩm địa phương trở thành chuỗi giá trị bền vững. Phát triển công nghiệp nông thôn góp phần phát triển các làng nghề truyền thống, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Ông Lê Xuân Từ - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Toàn tỉnh hiện có gần 13.800 cơ sở công nghiệp nông thôn. Đến nay, có 15 sản phẩm/bộ sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, 49 sản phẩm/bộ sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực, 166 sản phẩm/bộ sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn đã được tham gia vào chuỗi cung ứng, giúp doanh nghiệp phát triển thành doanh nghiệp hỗ trợ; nhiều sản phẩm góp phần tăng cường số lượng các sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao.
Cơ sở giới thiệu, bán sản phẩm tại Hội chợ Thương mại sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm chủ lực tỉnh Hà Tĩnh năm 2024.
Nhằm thúc đẩy phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn, thời gian qua, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất như hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, thiết bị máy móc, chuyển đổi số. Đồng thời, hỗ trợ các cơ sở tham gia quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, hội nghị, tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp…
Thời gian tới, ngành công thương sẽ tiếp tục xây dựng chương trình khuyến công phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh; tập trung ưu tiên hỗ trợ đối với ngành sản xuất, chế biến sản phẩm có thế mạnh của tỉnh, những sản phẩm thân thiện với môi trường.
Nguồn: baohatinh.vn
( https ://baohatinh.vn/phat-trien-cong-nghiep-nong-thon-tu-the-manh-dia-phuong-post275902. html )
Tin mới cập nhật
- Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới ( 04/11)
- Huyện Cẩm Xuyên: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung tích tụ ruộng đất ( 23/10)
- Huyện Kỳ Anh tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 ( 02/10)
- Nông thôn mới và những trăn trở về gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa nông thôn ( 21/09)
- Thạch Hà phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao trong năm 2024 ( 19/09)