Báo chí đồng hành với tỉnh nhà trên con đường phát triển
EmailPrintAa
10:22 17/06/2016

Nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2016), Trang Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (tiêu đề do Ban Biên tập đặt).
 
 
                 Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy tặng hoa chúc mừng
           đại diện các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh (ngày 16/6/2016)
 

Ngày 21/6/1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập Báo Thanh niên, khai sinh nền Báo chí Cách mạng Việt Nam. Suốt 91 năm qua, báo chí cách mạng luôn đồng hành cùng dân tộc, trưởng thành cùng cách mạng, phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân. Người làm báo thực sự là chiến sỹ, góp phần xứng đáng vào công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Báo chí đã tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh giành chính quyền, đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hàng trăm nhà báo - chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, góp phần tô thắm trang sử vẻ vang của báo chí cách mạng và dân tộc Việt Nam.

Bước vào thời kỳ đổi mới, báo chí nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, vươn lên lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, cả nước có 857 cơ quan báo chí (199 báo in, 658 tạp chí); 105 báo, tạp chí điện tử; 01 hãng thông tấn quốc gia; 67 đài phát thanh - truyền hình... với hơn 18 nghìn nhà báo và hàng vạn người viết báo không chuyên. Đội ngũ báo chí đã thông tin kịp thời, phân tích sâu sắc những sự kiện, nhân tố mới, các phong trào thi đua lao động sản xuất; phản ánh thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, kết quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tuyên truyền, cổ vũ nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản bác các quan điểm, thông tin sai trái của các thế lực thù địch; đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; trật tự, an toàn xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại; giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đối với con đường phát triển của quốc gia, dân tộc, từ đó góp phần khẳng định, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Cùng với sự trưởng thành của báo chí cả nước, các thế hệ những người làm báo Hà Tĩnh đã có những đóng góp to lớn trong công cuộc giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.

Năm 1930, báo Bước tới - Cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ Hà Tĩnh ra số đầu tiên. Đến năm 1956, Phòng Thông tin - Truyền thanh Hà Tĩnh, tiền thân của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh được thành lập; ngày 02/9/1962, Báo Hà Tĩnh xuất bản số đầu tiên - đây là 2 cơ quan ngôn luận chính thức đầu tiên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh... Từ sau khi tái lập tỉnh đến nay, các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo Hà Tĩnh không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Các nhà báo đã luôn bám sát thực tiễn, kịp thời tuyên truyền các mặt đời sống của tỉnh; phản ánh, biểu dương gương người tốt, việc tốt; đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch; chuyển tải quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và định hướng tư tưởng cho nhân dân, trở thành tiếng nói, diễn đàn tin cậy của nhân dân trong toàn tỉnh.

Hiện nay, Hà Tĩnh có 06 cơ quan báo chí, 01 đặc san, 57 bản tin; 48 trang, cổng thông tin điện tử; 13 đài truyền thanh - truyền hình của các huyện, thành phố, thị xã; có 123 phóng viên, biên tập viên được cấp thẻ nhà báo và hàng trăm người viết báo không chuyên; có 07 văn phòng đại diện, 12 phóng viên thường trú, 08 phóng viên có thông báo hoạt động trên địa bàn. Tất cả đã và đang tạo nên sức mạnh tổng hợp của công tác tuyên truyền, góp phần chuyển tải đầy đủ thông tin trên các lĩnh vực của tỉnh đến với công chúng bạn đọc.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, báo chí Hà Tĩnh hoạt động khá hiệu quả. Nhìn chung, các cơ quan báo chí địa phương, trung ương đóng trên địa bàn tác nghiệp theo đúng tôn chỉ mục đích, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, thông tin kịp thời, đầy đủ diễn biến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh.

Trên lĩnh vực thời sự chính trị, với hơn 3.500 tin, bài, các báo tập trung tuyên truyền đậm nét về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, việc triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 03 và triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập; công tác chuẩn bị, tổ chức, không khí ngày hội và kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp,nhiệm kỳ 2016 - 2021...

Trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, với gần 7.000 tin, bài, các báo đã thông tin tuyên truyền về kết quả, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, báo chí tập trung phản ánh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả; sản xuất và thu hoạch vụ Xuân, triển khai vụ Hè - Thu; các hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư của tỉnh; kết quả đạt được trên lĩnh giáo dục - đào tạo, y tế, lao động, việc làm, an sinh xã hội…

Đặc biệt, thời gian qua, báo chí đã có nhiều tin, bài phản ánh các vấn đề liên quan đến hiện tượng hải sản chết bất thường trên vùng biển thuộc huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh. Hầu hết các báo đã có những nhận định khách quan về thiệt hại kinh tế đối với ngư dân và các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy, hải sản; thông tin kịp thời về kết quả quan trắc nước biển, kiểm định và xây dựng các điểm bán hải sản an toàn trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã. Trong đó, tập trung phản ánh sự vào cuộc quyết liệt, tích cực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong việc tìm nguyên nhân, đề ra các giải pháp khắc phục sự cố môi trường và thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân sớm ổn định cuộc sống, khôi phục và tiếp tục phát triển sản xuất.

Trong 6 tháng đầu năm, với trên 1.000 tin, bài, báo chí đã thông tin đầy đủ về hoạt động văn hóa - văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước. Các bài báo, phóng sự, các chương trình truyền thanh, truyền hình tuyên truyền về lĩnh vực văn hóa - văn nghệ được đăng tải, góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong toàn Đảng bộ và nhân dân; tạo sức lan tỏa về hình ảnh con người và quê hương Hà Tĩnh đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Báo chí đã tập trung tuyên truyền về các tác phẩm văn học - nghệ thuật; về mảnh đất, con người, về phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương...

Việc phản ánh các vấn đề trên lĩnh vực nội chính được các báo quan tâm. Có trên 1.500 tin, bài tuyên truyền về những chiến công của các lực lượng chức năng trong hoạt động phòng, chống tội phạm, điều tra, phá án. Báo, đài đã thông tin kịp thời về các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật như: trộm cắp tài sản, buôn bán ma túy, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng… kể cả sai sót của lực lượng chức năng trong thực hiện nhiệm vụ được giao; đồng thời nêu các giải pháp phòng, chống tội phạm, tai tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, góp phần ổn định tình hình trên địa bàn. Bên cạnh đó, báo chí đã nêu một số vụ việc tồn đọng, hạn chế trong quản lý đất đai, bảo vệ tài nguyên - môi trường, quản lý công trình xây dựng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo...

Các cơ quan báo chí chú trọng nâng cao, đổi mới nội dung và hình thức. Báo Hà Tĩnh, Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh, các tạp chí, bản tin trong tỉnh đã xuất bản nhiều số đặc biệt, tăng cường mở các chuyên trang, chuyên mục, đổi mới hình thức trình bày, có nhiều bài viết chuyên sâu, mang tính định hướng lớn; tăng thời lượng phát sóng, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất; động viên, khuyến khích các phóng viên, biên tập viên thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp.

Cùng với công tác tuyên truyền, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí được tăng cường. Từ đầu năm đến nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành 45 văn bản chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước, tuyên truyền các sự kiện diễn ra trên địa bàn tỉnh; tổ chức 04 hội nghị giao ban, 03 cuộc họp báo; qua đó cung cấp các thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, các chủ trương, chính sách lớn của tỉnh cho đội ngũ báo chí hoạt động trên địa bàn, đồng thời chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong hoạt động báo chí và định hướng công tác tuyên truyền trong thời gian tới. Việc hướng dẫn đoàn phóng viên nước ngoài tác nghiệp trên địa bàn được thực hiện tốt, đảm bảo đúng quy định.

Công tác điểm báo được cập nhật thường xuyên, qua đó nắm bắt thông tin, kịp thời đề xuất, tham mưu phương án chỉ đạo, quản lý báo chí và giải quyết các vấn đề báo chí phản ánh. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành 06 văn bản đề nghị một số địa phương, đơn vị xử lý vấn đề báo chí nêu, gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị xử lý theo quy định và yêu cầu các báo tiến hành kiểm tra, đăng cải chính thông tin. Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nhiều đơn thư. Nhiều địa phương, đơn vị đã làm tốt công tác phối hợp, thường xuyên có sự trao đổi thông tin với các cơ quan báo chí để tuyên truyền tốt các nhiệm vụ chính trị, như: Cục Hải quan, Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Tỉnh đoàn…

Công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trách nhiệm, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, phóng viên được chú trọng với hình thức phong phú. Nhiều giải báo chí, cuộc thi được tổ chức, thu hút đông đảo đội ngũ báo chí địa phương và Trung ương đóng trên địa bàn thamgia. Trong đó, có 03 tác phẩm đạt giải Báo chí quốc gia, gồm 01 giải B của nhóm tác giả Hạnh Loan - Đình Vũ - Từ Hải với chương trình đối thoại “Hồ sơ giả, hoàn thuế thật”; 02 giải C của tác giả Văn Chương với phóng sự điều tra “Lên rừng săn nhà gỗ lậu” và chùm bài phản ánh “Lao động nghề biển” của nhóm tác giả Hữu Trung - Nguyễn Oanh - Mai Thủy; nhà báo Anh Bình (báo Kinh tế nông thôn) đạt giải 3 cuộc thi viết về đề tài Tam nông do Báo Nhân dân tổ chức; có 26/77 tác phẩm đạt giải báo chí Trần Phú với 03 giải A, 05 giải B, 06 giải C; 12 giải khuyến khích…

Ngoài các hoạt động chuyên môn, đội ngũ báo chí trên địa bàn đã tích cực tham gia hoạt động từ thiện, 6 tháng đầu năm, các cơ quan báo chí đã huy động được trên 08 tỷ đồng, giúp đỡ nhiều người dân Hà Tĩnh vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, trong đó có hỗ trợ bà con ngư dân vùng biển. Các báo đã tích cực tham gia các phong trào thể dục - thể thao, giao lưu văn hóa  - văn nghệ, góp phần xây đắp, phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các hội viên, phóng viên hoạt động trên địa bàn, nhất là các hoạt động chào mừng kỷ niệm 91 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số nội dung tuyên truyền chưa được các báo phản ánh chuyên sâu như: việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII; việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; về gương người tốt, việc tốt; về hoạt động đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo... Một số báo phản ánh thiếu cân đối giữa các mặt tích cực và tiêu cực. Một số phóng viên chưa đề cao tính xây dựng, có những bài viết còn mang tính suy diễn, bình luận thiếu khách quan khi chưa có thông tin chính thức. Cách “giật tít”, diễn đạt, dùng từ của một số báo đã làm bạn đọc hiểu nhầm, gây dư luận không tốt trong nhân dân. Một số phóng viên chưa chấp hành nghiêm các nội quy, quy định hoạt động trên địa bàn, trong khi một số địa phương, đơn vị chưa quan tâm phản hồi và xử lý thông tin báo nêu; việc cung cấp, định hướng thông tin cho báo chí có lúc chưa kịp thời…

           

 

Đồng chí Hoàng Trung Dũng phát biểu tại cuộc gặp mặt các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh

 

Bối cảnh của đất nước, của tỉnh trong thời gian tới bên cạnh những thuận lợi, còn nhiều khó khăn, thách thức, đặt ra nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng tạo niềm cảm hứng, động lực cho đội ngũ báo chí dấn thân, thể hiện vai trò của mình trong đời sống xã hội. Chúng ta mong muốn và tin tưởng các cơ quan báo chí, đội ngũ báo chí trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế và triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

- Các báo tiếp tục mở các chuyên trang, chuyên mục, tăng cường các tin, bài phản ánh về việc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tại các địa phương, đơn vị; việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhất là tập trung tuyên truyền việc thực hiện các mũi đột phá; việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng; về triển khai đề án liên quan đến công tác cải cách hành chính, tinh giản biên chế...

- Chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại của quê hương, đất nước trong 6 tháng cuối năm 2016, trong đó tuyên truyền đậm nét về: kỷ niệm 185 năm thành lập tỉnh và 25 năm tái lập tỉnh Hà Tĩnh; kỷ niệm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02/9; Ngày Xô viết Nghệ Tĩnh (12/9); Đại hội đại biểu Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các ngày lễ lớn khác...

- Tiếp tục phản ánh tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn như: các dự án tại Khu Kinh tế Vũng Áng, Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, Dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang; tuyên truyền việc triển khai xây dựng các đô thị theo hướng văn minh, hiện đại (trong đó, xây dựng thành phố Hà Tĩnh trở thành đô thị loại II trước năm 2018, thị xã Hồng Lĩnh, thị xã Kỳ Anh trở thành đô thị loại III trước năm 2020).

- Chú trọng tuyên truyền chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển liên kết vùng sản xuất, xây dựng văn hóa nông thôn mới, các mô hình điển hình, bài học kinh nghiệm, huy động các nguồn lực, xây dựng các đề án sản xuất, các chính sách hỗ trợ về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...

- Tập trung tuyên truyền về kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2016; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Tăng cường các bài viết tuyên truyền về chủ quyền biển đảo; phản ánh nguyên nhân và các biện pháp khắc phục sự cố môi trường khách quan, góp phần phát triển kinh tế, ổn định tình hình chính trị - xã hội.

- Tích cực đưa tin, cổ vũ, biểu dương các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực. Phản ánh công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân; công tác phòng chống tham nhũng, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội. Chủ động, kiên quyết đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Đối với công tác chỉ đạo, quản lý báo chí cần chú trọng:

- Triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025". Chuẩn bị các điều kiện tổ chức tập huấn Luật Báo chí sửa đổi đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 05/4/2016. Tăng cường công tác định hướng tuyên truyền, cung cấp thông tin cho báo chí kịp thời, nhất là đối với các vấn đề lớn, trọng tâm của tỉnh, các vấn đề nóng, vấn đề dư luận quan tâm, thông qua các hình thức phù hợp. Phối hợp kiểm tra việc xử lý các vấn đề báo chí phản ánh.

- Tăng cường quản lý hoạt động của các Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, phóng viên, cộng tác viên của các cơ quan báo chí Trung ương và tỉnh bạn có thông báo hoạt động trên địa bàn; quản lý trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện và hệ thống truyền thanh cơ sở. Theo dõi việc thực hiện tôn chỉ, mục đích và Luật Báo chí của các báo; Tiếp tục tiến hành điểm báo, nắm bắt thông tin, kịp thời đề xuất, tham mưu phương án chỉ đạo, quản lý.

- Nâng cao chất lượng Giải Báo chí Trần Phú. Động viên các hội viên tích cực tham gia giải báo chí, các cuộc thi do Trung ương và tỉnh tổ chức. Tiếp tục làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ làm báo. Tăng cường các hoạt động từ thiện, các phong trào thể dục - thể thao, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, nâng cao tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn và các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh.

Kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang của báo chí Việt Nam và chặng đường hoạt động của đội ngũ báo chí Hà Tĩnh thời gian qua. Tin tưởng trong thời gian tới, những người làm báo Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đoàn kết, phát huy truyền thống, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; chung sức, đồng lòng cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh vượt qua khó khăn, thách thức để đưa tỉnh nhà vững bước trên con đường phát triển.

Hoàng Trung Dũng,

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy


    Ý kiến bạn đọc