Hội nông dân tỉnh Hà Tĩnh đẩy mạnh việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội
EmailPrintAa
17:02 19/07/2016

Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc “Ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, Thông báo số 46-TB/TU ngày 28/02/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc triển khai chương trình phản biện của hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, thời gian qua, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện chương trình giám sát và phản biện sửa đổi, bổ sung các chính sách của tỉnh.

Hội Nông dân tỉnh đã thành lập tổ công tác và ban hành kế hoạch, chỉ đạo các cấp Hội tổ chức khảo sát, nắm thông tin phục vụ công tác phản biện xã hội. Từ kế hoạch của tỉnh, các huyện, thành, thị, Hội đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo cơ sở Hội tổ chức lấy ý kiến của hội viên, nông dân và các thành phần có liên quan đến thực hiện chính sách. Ngay sau khi được triển khai, một số đơn vị đã chủ động và có cách làm sáng tạo trong cách thu thập thông tin, như: phân theo nhóm chính sách, chọn các địa phương trọng điểm, có tính đại diện để tổ chức hội thảo cấp xã, lựa chọn nhóm nông dân có hiểu biết và đã được tiếp cận, thụ hưởng chính sách để lấy thông tin… Các cấp Hội đã chủ động làm việc với các cấp, các ngành liên quan để tham vấn thêm các thông tin cần thiết, đa chiều, nhằm có sự đánh giá chính xác. Đến ngày 14/7/2016, đã tổ chức 65 cuộc họp, khảo sát và lấy ý kiến của 6.800 hội viên, nông dân, 536 cán bộ thuộc các cấp, các ngành liên quan và thu thập được hàng trăm ý kiến phản hồi của nhân dân.

 
 

Hội nghị lấy ý kiến phản biện chính sách về nông nghiệp, nông dân và xây dựng

                             nông thôn mới giai đoạn 2010-2015

 

Hầu hết các ý kiến cho rằng các chính sách của tỉnh ban hành thời gian qua có tính khả thi cao, nhân dân được thụ hưởng nhiều, như: chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi, thành lập mới hợp tác xã, hỗ trợ xây dựng mô hình vườn mẫu, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, môi trường nông thôn… Nhờ đó, nhiều hộ dân, các tổ chức, doanh nghiệp có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, một số chính sách chưa thực sự phù hợp và thỏa đáng với đặc thù của từng địa phương. Chẳng hạn, chính sách hỗ trợ trồng cây ăn quả và chăn nuôi quy định diện tích, quy mô, số lượng quá cao, nên các đối tượng nghèo, cận nghèo khó tiếp cận. Việc thành lập tổ hợp tác chăn nuôi lợn, theo quy định phải có 10 hộ trở lên và các hộ ở trong vòng bán kính 500m nhưng một số địa phương mật độ dân cư thưa nên khó thực hiện... Một số huyện miền núi đất đai sản xuất nông nghiệp không liền kề, diện tích nhỏ lẻ theo từng vùng, nên không đủ diện tích để hưởng chính sách theo Nghị quyết 139/2015/NQ-HĐND, ngày 17/7/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Quy mô để sản xuất, thu mua, tìm thị trường tiêu thụ các loại hàng hóa để được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 91/2014/NQ-HĐND, ngày 16/7/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh là quá lớn...

Từ đó, nhiều ý kiến đề nghị điều chỉnh quy mô, diện tích, số hộ để nhiều người dân có cơ hội thụ hưởng, như: Nghị quyết số 90/2014/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh cần giảm quy mô sản xuất lạc từ 100 ha trở lên xuống 10 ha (Điều 12); giảm quy mô chăn nuôi lợn xuống 10 con/lứa/hộ để cho hộ nghèo, cận nghèo có thể thực hiện; lĩnh vực lâm nghiệp quy định liên kết tiêu thụ thời gian 10 năm trở lên là quá dài (Điều 24)... Một số ý kiến phản ánh việc ban hành các văn bản hướng dẫn chưa kịp thời. Cụ thể như, ngày 16/7/2014 Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 90/2014/NQ-HĐND quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Tĩnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, đến ngày 10/10/2014 Ủy ban nhân dân tỉnh mới ban hành Quyết định số 67/QĐ-UBND, ngày 21/11/2014 ban hành Kế hoạch số 498/KH-UBND hướng dẫn thực hiện, và đến 27/12/2014 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới ban hành văn bản 5355/SNN-TY quy định mẫu thiết kế định hình chuồng trại chăn nuôi lợn quy mô vừa và nhỏ...

Thời gian tới các cấp Hội tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của hội viên, nông dân và các thành phần liên quan, đồng thời tổng hợp và xử lý thông tin một cách khoa học, có nhìn nhận khách quan, đa chiều, không bỏ sót những hiện tượng, dấu hiệu bất cập trong các chính sách, từ đó tham mưu để Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách giai đoạn 2016 - 2021 phù hợp với thực tiễn hơn, đồng thời ngăn chặn được các đối tượng lợi dụng kẽ hở của chính sách để trục lợi.

Trí Thức


    Ý kiến bạn đọc