Công tác kiểm tra, giám sát góp phần quan trọng để nâng cao sức chiến đấu của đảng
EmailPrintAa
17:04 04/10/2012

Khi sự nghiệp cách mạng càng phát triển công việc của Đảng, của cán bộ, đảng viên ngày càng nặng nề, đòi hỏi cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp cần tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát nhằm góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, giải quyết một số vấn đề bức xúc trong xã hội và đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Sức chiến đấu của Đảng là sự thống nhất về ý chí, hành động, nhằm tạo nên sức mạnh, sức  bền nội tại của Đảng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, vượt lên trong mọi hoàn cảnh; đó là khả năng đấu tranh kiên định, hiệu quả với mọi thế lực thù địch trên các lĩnh vực: chính trị - tư tưởng - tổ chức, bảo vệ trong sạch nội bộ; là tính tổ chức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, ý thức tập thể trong lãnh đạo, sinh hoạt Đảng, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên, uy tín của Đảng trong quần chúng. Công tác kiểm tra, giám sát góp phần quan trọng trong việc nâng cao sức chiến đấu của Đảng, bởi lẽ, mục đích, tác dụng của kiểm tra, giám sát là nhằm đảm bảo thực hiện dân chủ, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật; phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, tránh xa các nguy cơ sai lầm về đường lối, quan liêu, xa dân; kịp thời đánh giá đúng ưu điểm của tổ chức đảng, đảng viên để phát huy; phát hiện, làm rõ thiếu sót, khuyết điểm để uốn nắn, khắc phục, xử lý nghiêm minh khi có vi phạm; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và nâng cao tính gương mẫu, tự giác của cán bộ, đảng viên.

Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, do tác động của mặt trái kinh tế thị trường, quá trình toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế và việc thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, cùng với tình hình tham nhũng, lãng phí, tiêu cực còn diễn biến phức tạp, làm cho một bộ phận không nhỏ đảng viên thoái hoá, biến chất, “tự diễn biến, tự chuyển  hoá”,  không  phát huy được vai trò tiên phong gương mẫu và tính chiến đấu của người đảng viên, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Thực tiễn đó đã đặt ra yêu cầu vừa khách quan, vừa mang tính cấp thiết là phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng.

Thời  gian qua, cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp đã chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát; thường xuyên nâng cao nhận thức cho các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ đảng viên về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát. Từ đó, công tác kiểm tra, giám sát có những chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nền nếp, hoạt động hiệu quả, bám sát và đáp ứng kịp thời những yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng của từng địa phương, đơn vị. Việc xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên tổ chức đảng vi phạm kịp thời, nghiêm minh, khách quan, đảm bảo phương hướng, phương châm, nguyên tắc thủ tục, công khai, dân chủ. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn sự trong sạch của Ðảng, giữ vững  nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương;  nâng  cao  năng lực và sức chiến đấu của các tổ chức đảng để lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà giữ vững ổn định chính trị hội, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà nổi bật là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công tác tác định cư, giải phóng mặt bằng, chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Phát huy những thành tích đã đạt được, góp phần nâng cao sức chiến đấu của Đảng, thực hiện thắng lợi cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4  “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian tới cần tập trung các nhiệm vụ sau:

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chương 7, Chương 8 Điều lệ Đảng, Nghị quyết số 14-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, Kết luận số 72-KL/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020”, Thông báo Kết luận số 68- TB/TW, ngày 30/12/2011 của Bộ Chính trị sơ kết trên 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa  X), các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định của cấp uỷ về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng nhiệm kỳ 2010 - 2015 để đảm bảo các tổ chức đảng, đảng viên luôn chấp hành và thực hiện tốt Cương lĩnh, Điều lệ, chủ trương, chính sách của  Đảng, pháp luật của nhà nước. Trong đó, tập trung đi sâu kiểm tra, giám sát việc chấp hành, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ gìn đoàn kết nội bộ, thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình, chấp hành Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tăng cường kiểm tra, giám sát các đồng chí là cấp uỷ viên, cán bộ thuộc diện cấp uỷ cùng cấp quản lý, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - hội về chấp hành chỉ thị, nghị quyết, tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ và giữ gìn đạo đức, lối sống.

Thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát, phải coi trọng và phát huy được tính tiên phong,   gương  mẫu, liêm khiết của người cán bộ, đảng viên, đặc biệt là của người lãnh đạo, người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng. Kiên quyết kiểm tra làm rõ những hành vi, đối tượng tham nhũng dù ở bất cứ cấp nào, giữ những chức vụ gì. Đồng thời, góp phần quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên để chủ động phòng ngừa, hạn chế những sai phạm, khuyết điểm, khắc phục những hư hỏng trong Đảng. Kịp thời xem xét, xử lý nghiêm các trường hợp đảng viên, tổ chức đảng vi phạm, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng; kiên quyết loại bỏ ra khỏi Đảng những phần tử thoái hóa, biến chất, gây mất đoàn kết. Có như vậy, mới tạo nên được sự trong sạch, vững mạnh, thống nhất, giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, đó là những điều làm nên sức mạnh, sức bền nội tại để Đảng thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, vượt lên trong mọi hoàn cảnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu: muốn Đảng mạnh, phải tăng cường công tác kiểm tra, ủy ban kiểm tra các cấp phải mạnh, do đó, để thực hiện tốt những nhiệm vụ trên, cấp uỷ, tổ chức đảng ngoài việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát phải cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của ủy ban kiểm tra các cấp. Chăm lo kiện toàn, củng cố bộ máy ủy ban kiểm tra và cơ quan ủy ban kiểm tra có chất lượng, số lượng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; thực hiện tốt việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát vừa có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, vừa có bản lĩnh chính trị vững vàng, vững nghiệp vụ, linh hoạt, nhạy bén và có phương pháp khoa học trong thu nhận, sàng lọc, xử lý thông tin, giải quyết các vụ việc.

Võ Bá Tùng
 Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ

    Ý kiến bạn đọc