Bác Hồ sửa di chúc - Triết lý sửa mình của người cách mạng
EmailPrintAa
17:09 09/07/2014

1- Bác Hồ viết Di chúc lần đầu tiên vào ngày 15/5/1965, lúc Bác 75 tuổi và sửa Di chúc lần cuối cùng vào ngày 10/5/1969. Lần sửa cuối cùng, trong 10 ngày liền (từ 10 - 19/5/1969), ngày nào Bác cũng đọc và sửa lại bản Di chúc đó. Mỗi lần như vậy, Bác dành trọn một giờ (từ 9 đến 10 giờ sáng).
 

Sáng 10/5/1969, Bác dự Hội nghị Trung ương lần thứ 16 từ 7 giờ. Hồi ấy trong hoàn cảnh chiến tranh, các cuộc họp, hội nghị Trung ương của Đảng, của Quốc hội và Chính phủ đều rất sớm. Có khi mới 6 giờ sáng đã khai mạc phiên họp Quốc hội. Cũng có lần mới 5h30’ sáng, Bác đã có mặt tại phòng khách để tiễn khách quốc tế về nước. Thời gian khẩn trương, công việc bộn bề, trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, Bác lại tuổi cao, sức yếu, vậy mà Bác vẫn ngày đêm dồn hết tâm trí lo việc Nước, việc Dân, việc Đảng, việc Đời với nỗi đau nhân thế.

Phát biểu tại Hội nghị Trung ương lần thứ 16, Bác nhấn mạnh:

"1- Mỹ ở thế thua, ta ở thế mạnh, thế thắng. Mỹ còn ngoan cố, ta không được chủ quan, lơ là mất cảnh giác.

2- Phải ra sức phát triển nông nghiệp.

3- Phải làm tốt việc quản lý kinh tế, từ trên xuống dưới thực hành tiết kiệm. Nhà nước, nhân dân phải tiết kiệm. Thi đua phải thiết thực. Cán bộ đảng viên phải gương mẫu, chống chủ nghĩa cá nhân.

4- Phải giữ bí mật.

5- Phải giữ vững tinh thần độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế"(1).

Năm điểm nhấn mạnh ấy trong phát biểu của Bác, sau này, đọc vào Di chúc, chúng ta mới hiểu và thấm thía, đó là những điều Bác đã nghiền ngẫm từ rất lâu, đã hiển hiện trên từng ý, từng lời trong Di chúc. Ta cũng hiểu vì sao, vào lúc 9 giờ sáng, Hội nghị giải lao, Bác xin phép Trung ương ra về. Bác dặn đồng chí Lê Duẩn chủ trì Hội nghị thay Bác và đi về phía nhà sàn. Tại đây, Bác đọc và sửa Di chúc. Đó là những lần sửa cuối cùng. Viết Di chúc trong dịp sinh nhật, chữa Di chúc trong khoảng giờ tâm linh, từ 9 giờ đến 10 giờ sáng, cái giờ phút hiếm hoi, ít ỏi trong 24 giờ của một ngày đêm mà Bác cảm nhận thấy sáng suốt, minh mẫn, thanh thản nhất để viết những lời dặn dò gửi lại chúng ta, để dồn tất cả niềm tin, tình thương yêu trọn vẹn của Người cho Dân, cho Đảng, cho cả bạn bè quốc tế. Với dân tộc mình, ai là người Việt Nam đều có trong trái tim mênh mông của Người. Với thế giới nhân loại cũng vậy. Trí tuệ, tâm hồn và tình thương mến của Người dành cho tất cả con người và cuộc sống. Trong triết lý nhân sinh sâu thẳm của Người, chữ "người" theo nghĩa rộng nhất là ôm trùm cả nhân loại. Người đã từng viết như vậy. Trả lời phỏng vấn của một nữ phóng viên - một nhà báo cộng sản Cu Ba, từ nửa vòng trái đất đến Việt Nam để hỏi Người một câu thôi:

- Thưa Chủ tịch, trong cuộc đời của Chủ tịch, đâu là điều thiêng liêng nhất?

Người đặt bàn tay lên ngực, lên trái tim mình, xúc động và cũng chỉ nói một câu thôi:

- Tôi tự nguyện dâng hiến đời tôi cho nhân dân tôi, cho dân tộc tôi và cho cả nhân loại nữa.

Bởi xác định cho mình một lẽ sống như thế nên Bác Hồ của chúng ta đã dấn thân - tranh đấu đến cùng cho Độc lập - Tự do - Hạnh phúc của nhân dân, trọn cuộc đời chỉ sống vì dân, trước khi trút hơi thở cuối cùng vẫn chỉ nghĩ tới dân.

Người dấn thân trọn vẹn cho Đời nên Người đã hóa thân toàn vẹn vào cuộc sống của dân trên cõi đời này, hóa thân đến mức thân thể mình cũng không nghĩ về mình nữa, bởi Người dặn trong Di chúc, nếu như khi tôi đã qua đời mà miền Nam vẫn chưa được giải phóng thì xin gửi lại một ít tro xương cho đồng bào miền Nam. Người đã bao lần nói với chúng ta "miền Nam luôn ở trong trái tim tôi". Người cố chờ đợi miền Nam mà không chờ được nên phút lâm chung Người muốn uống một ngụm nước dừa.

Tình cảm, tấm lòng ấy của Người đã làm cho Người sống mãi trong lòng dân và trong trái tim nhân loại.

Tinh tế biết bao nhiêu, khi sửa Di chúc, Người gạch chữ "xương" đi, chỉ để lại chữ "tro" thôi và căn dặn “tro” thì chia vào 3 hộp sành, cho miền Bắc một hộp, miền Trung một hộp, miền Nam một hộp. Tìm đồi cao mà chôn xuống. Người dặn, trên mả (mộ) không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi. Viết những dòng này, Bác lại chỉ nghĩ đến dân, chu đáo, ân tình, sâu nặng nghĩa tình. Vô ngã vị tha là vậy, là một trong những ngọn nguồn sâu thẳm và bền bỉ trong văn hóa Hồ Chí Minh, lấp lánh sự cao quý trong triết lý nhân sinh và hành động của Người.

2- Từ khi Người viết Di chúc và ra đi, trở về với thế giới Người Hiền trong cõi vĩnh hằng, thời gian đã có gần một nửa thế kỷ. Những tư liệu, chuyện kể về Người mà chúng ta biết được ngày một nhiều thêm, ta càng hiểu rõ thêm vì sao thế giới đánh giá về Người, coi Người là một trong những lãnh tụ hiếm hoi đã trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống.

Theo dòng cảm xúc ấy, chúng ta hãy cùng nhớ lại, lúc sinh thời, ngày nào Người cũng dành khoảng thời gian linh thiêng ấy, từ 9 đến 10 giờ sáng để đọc báo và chú tâm đọc kỹ những thông tin về người tốt, việc tốt. Năm 1968, cùng với việc sửa Di chúc, Bác đã rất mực quan tâm chỉ đạo phong trào "Người tốt, việc tốt", động viên cán bộ công nhân ngành than vùng mỏ Quảng Ninh và sửa điều lệ Hợp tác xã nông nghiệp. Trong thời điểm ấy, hậu phương lớn miền Bắc hết lòng hết sức chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nạm là vô cùng hệ trọng. Bác đã chăm lo những công việc cụ thể ấy với tầm nhìn chiến lược. Mười năm cuối đời, Bác đã thưởng 6.000 huy hiệu "Người tốt, việc tốt" cho những điển hình tiên tiến, từ em nhỏ 7 tuổi đến các cụ phụ lão "bạch đầu quân" có thành tích trong sản xuất, chiến đấu. Bác để lại cho đời một câu nói đã đi vào lịch sử: "mỗi người tốt là một bông hoa đẹp, cả nước, cả dân tộc là một vườn hoa đẹp". Hãy nhớ lại lời dạy của Bác "gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất". "Một tấm gương sống còn quý hơn hàng trăm bài diễn văn". Bởi đề cao sự gương mẫu nên Người rất chú trọng giáo dục và thực thành đạo đức mà bản thân Người là tấm gương tỏa sáng nhất.

Viết Di chúc trong dịp sinh nhật - Người đã đem sự sống, niềm vui sống, khát vọng sống vượt lên cái chết.

Sửa Di chúc trong giờ tâm linh mà những người giúp việc bên cạnh Người gọi là "giờ thiêng liêng" của Bác, Bác đã dành cho tất cả chúng ta tình thương yêu từ những giây phút thanh thản, sự thăng hoa của trí tuệ, tư tưởng, cả sự thánh thiện trong tĩnh lặng của Người.

Lại cũng những giờ phút ấy trong ngày, Người dồn tâm trí, sức lực để phát hiện và nâng niu những gương người tốt việc tốt… Thế rồi, Bác của chúng ta đã trút hơi thở cuối cùng trong phút giây linh thiêng huyền diệu ấy: 9 giờ sáng, tim Bác ngừng đập… và 9 giờ 47 phút, sau khi các bác sĩ đã cố hết sức hồi sức cho Người mà không được, Bác mãi ra đi trong nỗi đau không gì có thể bù đắp được của triệu triệu, của muôn triệu người ở lại - đó là chúng ta và bạn bè của chúng ta ở khắp mọi nơi trên trái đất này. Đó lại là ngày 2 tháng 9 năm 1969, ngày 24 năm về trước, Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Vậy là, lập nước ngày nào Bác ra đi ngày đó. Như Thánh Gióng của thời đại mới, sau khi đã làm hết sức mình lo cho Dân cho Nước, để lại một di sản cao quý nhất, một thời đại hào hùng, rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta  - Thời đại Hồ Chí Minh, Người đã đi về cõi vĩnh hằng. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một trong những học trò kiệt xuất của Người đã nói về Người: Hồ Chí Minh đã đi trọn lôgíc của mình, trọn vẹn và toàn vẹn, trong như ánh sáng, trong suốt như pha lê.

3- Bản Di chúc 1.000 từ mà Bác đã dành những 4 - 5 năm liền để viết và sửa, để vào đó bao nhiêu tâm sức, nén chặt trong từng câu từng chữ những tư tưởng lớn, những niềm tin yêu và hy vọng, những cảm xúc và tình yêu thiết tha của Người. Đã bao lần chúng ta đọc đi đọc lại Di chúc đến mức có thể thuộc lòng, vậy mà chúng ta hiểu Bác liệu được bao nhiêu! Mong sao chúng ta có thể thấu hiểuthấu cảm về Bác. Đó là hạnh phúc, bởi "yêu Bác lòng ta trong sáng hơn"! Tình yêu ấy cho ta sức mạnh bền bỉ để học Bác và làm theo Bác một cách tự nguyện, tự nhiên, từ những điều giản dị nhất giữa đời thường. Rất mực chân thành và rất mực khiêm nhường, Bác không bao giờ muốn nói những lời to tát. Chúng ta gọi là Di chúc trong khi Bác chỉ xem đó là một bức thư, Bác viết sẵn mấy lời để lại, phòng khi Bác sẽ đi gặp cụ Các - Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác thì đồng bào cả nước, đồng chí trong đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột.

Trong bút tích của Bác, Bác gạch bỏ chữ "phải" thay bằng chữ "sẽ". Bác không một lần dùng từ "chết" trong những lời Bác viết. Bác ung dung, thanh thản, chủ động mà cũng rất nhẹ nhàng trước cái hữu hạn của đời người. Hiểu cái tất yếu nên suy nghĩ và xử thế của Người là tự do. Trải nghiệm sự sống đến độ thấu lý nên Người đạt tới tinh thần Minh triết. Trong đoạn dẫn trên, Người sâu sắc và tinh tế biết bao khi trước hết Người nhắc tới "đồng bào cả nước", liền sau đó là "đồng chí trong đảng" và không quên "bầu bạn khắp nơi". Trong trí tuệ mẫn tiệp và trong tình nghĩa thủy chung của Người, dân chúng, đồng bào là trước hếttrên hết. Có dân thì mới có đảng và Đảng vì dân, Đảng của dân nên Đảng gắn bó máu thịt với dân và dân tin yêu Đảng thiết tha, tự hào về Đảng của mình. Bác của chúng ta như vậy đó. Đừng bao giờ xem đó là trật tự hình thức của chữ nghĩa mà đó là lôgíc tư tưởng, là lý trí sáng suốt, là đạo nghĩa ở đời và làm người của Bác. Ở đời thì phải thân dân, làm người thì phải chính tâm. Đạo thánh hiền này từ ông cha truyền lại, đến Bác trở nên hiện đại và quang minh chính đại. Bởi thế, với Hồ Chí Minh "thân dân" phải vươn tới "dân chủ" và "chính tâm" phải vươn tới "đạo đức cách mạng" - Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư của người cộng sản. Trong Di chúc, Bác dặn "trước hết nói về Đảng" và điều căn dặn đầu tiên là "giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như gìn giữ con ngươi của mắt mình". "Công việc đầu tiên là công việc với con người". Trong đoạn ngắn nói về Đảng cầm quyền, có tới 4 lần Bác nhắc tới chữ "Thật" và "Thật sự": "thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng".

"thật sự cần kiệm liêm chính".

"giữ gìn Đảng ta thật trong sạch…".

"xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".

Chỉ vậy thôi mà bao nhiêu mong muốn, bao nhiêu khát vọng, bao nhiêu ký thác, Người gửi vào chúng ta. Đây là triết lý đạo đức của Đảng chính trị, là văn hóa đạo đức của Đảng cầm quyền. Ở đây còn có cả triết lý tu dưỡng, sửa mình của người cách mạng. Ta bỗng nhớ lại, hồi kháng chiến chống Pháp, giữa núi rừng Việt Bắc, Người viết "Sửa đổi lối làm việc" (1947), trong đó nổi bật "12 điều xây dựng Đảng cách mạng chân chính". Chỉ vẻn vẹn 12 điều, 456 từ, mà toát lên tất cả thần thái một chủ thuyết về Đảng Cộng sản cầm quyền của Hồ Chí Minh: Đảng là một tổ chức cách mạng, phục vụ giai cấp, dân tộc, thế giới và nhân loại… vào Đảng để phấn đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân, không phải để làm quan phát tài, phải dựa vào dân mà xây dựng Đảng.

Nói tới tự phê bình và phê bình trong Đảng, Người đã bổ sung một điều quan trọng, khi sửa, đó là "phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau". Vào lúc này, lời dạy của Người trở nên hệ trọng và thấm thía biết bao… Còn có thể dẫn ra nhiều chi tiết nữa trong các bút tích bản Di chúc của Người qua những lần viết và sửa từ 5-1965 đến 5-1969. Song chỉ đôi điều nhắc tới trên đây cũng đủ làm trái tim ta xúc động vô hạn, vô hồi. Bốn tháng sau, kể từ khi sửa Di chúc lần cuối cùng, Người ra đi mãi mãi nhưng không bao giờ ta cảm thấy Bác đi khỏi cuộc đời chúng ta.

Bác yên giấc ngàn thu trong niềm thương nhớ và kính yêu của toàn dân, toàn Đảng, của các thế hệ người Việt Nam hôm nay, mai sau và mãi muôn đời. Bác cũng từ Việt Nam mà đến với thế giới, thuộc về nhân loại, ở trong trái tim nhân loại.

"Trọn cuộc đời, Bác có ngủ yên đâu

Nay Bác ngủ chúng con canh giấc ngủ".

Và chúng ta còn cả cuộc đời để thương yêu, để ngưỡng mộ, thành kính, biết ơn Bác, để học tập và làm theo Bác - từ tư tưởng đến phương pháp, phong cách, đạo đức, lối sống và nhân cách của Người.

Hãy tự sửa mình như một thói quen rửa mặt hằng ngày, như một nhu cầu văn hóa để cho cái hay, cái tốt này nở như hoa mùa Xuân, cái xấu, cái dở thì mất dần đi rồi mất hẳn như điều Bác hằng mong ở mỗi chúng ta.

GS.TS Hoàng Chí Bảo

Hội đồng Lý luận Trung ương

­(1) Trần Viết Hoàn, Nhớ mãi ngày sinh Bác Hồ, CTQG, H., 2010, tr.75.


    Ý kiến bạn đọc