Xây dựng và phát triển văn hóa, con người ở nước ta hiện nay
EmailPrintAa
17:05 09/07/2014

Hơn 80 năm qua kể từ ngày thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng đều quan tâm đến vấn đề văn hóa, vấn đề con người. Điều này cũng dễ hiểu, vì dân tộc Việt Nam vốn là dân tộc có hàng nghìn năm văn hiến, biết coi trọng các phẩm giá của con người, và cũng bởi vì người sáng lập và trực tiếp tổ chức, rèn luyện Đảng ta - Chủ tịch Hồ Chí Minh - là nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc và của thời đại.

 Những tư tưởng của Bác, đặc biệt những tư tưởng về văn hóa đã dần dần được quán triệt trong các quan điểm, đường lối văn hóa của Đảng, kể từ “Đề cương văn hóa năm 1943”, “Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (1998) và trong Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) vừa qua.

Cần thừa nhận rằng việc triển khai những tư tưởng cơ bản của các nghị quyết về văn hóa trước đây đã góp phần tạo nên sức mạnh thần kỳ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Mối quan hệ giữa con người với con người từ trong phạm vi gia đình ra ngoài xã hội, cũng như hình ảnh con người Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế càng trở nên đẹp đẽ hơn. Điều này chắc chắn có nhiều lý do, nhưng một lý do không thể thiếu, đó là trong hoạt động văn hóa nói riêng và các hoạt động xã hội nói chung, chúng ta đặc biệt quan tâm đến con người, đến sự nghiệp trồng người như Bác Hồ đã dạy.

 

Môi trường cảnh quan ở Lữ đoàn Tăng-Thiết giáp 273 (Quân đoàn 3) luôn tươi đẹp, là cơ sở quan trọng để xây dựng nhân cách quân nhân. Ảnh: Phong Thu.

Bước vào sự nghiệp đổi mới hôm nay, đất nước ta đã thực sự bước sang thời kỳ lịch sử mới. Đó là thời kỳ tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, thời kỳ hội nhập quốc tế. Bấy nhiêu nhân tố đã tác động một cách sâu sắc và toàn diện tới các lĩnh vực đời sống xã hội, từ thân phận mỗi cá nhân đến gia đình, cộng đồng và dân tộc. Trước những biến động dữ dội đó, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, năm 1998, Đảng ta cho ra đời Nghị quyết Trung ương 5 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. 16 năm qua, việc triển khai Nghị quyết Trung ương 5 về văn hóa đã mang lại khá nhiều thành tựu, giúp chúng ta đủ sức nắm bắt được các thời cơ và từng bước vượt qua những thách thức, nguy cơ. Tuy vậy, như Nghị quyết Trung ương 9 đã chỉ ra, “các thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng, chưa đủ sức tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh”. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng.

Nhằm khắc phục những hạn chế và yếu kém trên lĩnh vực văn hóa và con người, đồng thời để đáp ứng những nhu cầu mới mà sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước đang đặt ra, trên cơ sở kế thừa các giá trị của Nghị quyết Trung ương 5, Nghị quyết Trung ương 9 lần này đã bổ sung và phát triển một số nội dung quan trọng. Ngay tên gọi của nghị quyết đã gắn vấn đề văn hóa với con người: “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đây là vấn đề vừa có ý nghĩa lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn cực kỳ quan trọng. Văn hóa do con người sinh ra, và đến lượt mình, văn hóa tạo ra con người. Không có con người thì không có văn hóa, mặt khác, nếu không được sinh ra và lớn lên trong môi trường văn hóa, một con người rất khó trở thành con người. Chân lý từ ngàn xưa là vậy. Sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận xã hội hiện nay phải chăng đang chứng tỏ họ đã và đang sống tách hẳn môi trường văn hóa, thậm chí quay lưng lại với các giá trị văn hóa. Và phải chăng sự xuống cấp trong một số các hoạt động văn hóa (bao gồm giáo dục-đào tạo, văn học nghệ thuật, lễ hội, thông tin truyền thông...) chính là hậu quả của việc không gắn các hoạt động đó với sự nghiệp trồng người. Chính vì vậy, khi xác định mục tiêu cụ thể của Định hướng xây dựng và phát triển văn hóa, con người, Nghị quyết Trung ương 9 đề lên hàng đầu việc “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn...”. Cũng nhằm triển khai tư tưởng gắn văn hóa với con người, trong việc xác định các quan điểm chỉ đạo và các nhiệm vụ cụ thể, Nghị quyết Trung ương 9 khẳng định: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp,...”. Trong các nhiệm vụ chủ yếu, nhiệm vụ đầu tiên được đề ra là: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện mà trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách”.

Cùng với việc tập trung xây dựng con người là vấn đề xây dựng môi trường văn hóa. Đây cũng là một nội dung quan trọng trong quan điểm chỉ đạo và trong những nhiệm vụ mà Nghị quyết Trung ương 9 đã đề ra. Nghị quyết khẳng định: “Mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức, phải là một môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống. Đưa nội dung giáo dục đạo đức con người, đạo đức công dân vào các hoạt động giáo dục của xã hội. Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người,...”.

Vấn đề văn hóa như Bác Hồ thường dạy: “Không nằm ngoài chính trị và kinh tế”. Thực tế chứng minh rằng khi một chủ trương chính sách về kinh tế xã hội được chưng cất, kết tinh bởi các giá trị văn hóa thì thường rất dễ tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội. Trái lại, việc xuất hiện các chủ trương chính sách không hợp lòng dân (thường do hạn chế trong nhận thức của cán bộ, hoặc do lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm che mờ), thì thường để lại những hậu quả xấu trên cả lĩnh vực đời sống vật chất lẫn đời sống tinh thần. Vì vậy, việc tập trung “Xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể... phải là nhân tố quan trong để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Đây cũng chính là một nội dung cơ bản của cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Nghị quyết Trung ương 9 ra đời trong bối cảnh đất nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Điều đó vừa tạo cho văn hóa nhiều thời cơ, nhưng cũng lắm nguy cơ. Thông qua nhiều kênh giao tiếp với thế giới bên ngoài, nhân dân ta (bao gồm giới trí thức, các nhà khoa học, các nhà quản lý xã hội, các văn nghệ sĩ...) có dịp tiếp xúc với các thành tựu về văn hóa, về khoa học, về nghệ thuật của thế giới. Nhưng chính cái thế giới phẳng trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay cũng tạo nên những phức tạp, khó khăn trong việc giáo dục con người, đặc biệt đối với thế hệ trẻ. Người ta nói rằng: Chiếc xe Lexus (tượng trưng cho kinh tế thị trường trong quá trình toàn cầu hóa) đi đến đâu, thì rừng Olive (tượng trưng cho các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc) bị tàn phá đến đấy. Điều này đã và đang được chứng thực ở rất nhiều quốc gia, trong đó có nước ta. Có phải đã và đang xuất hiện nguy cơ vừa thiếu hiểu biết, vừa thiếu ý thức tôn trọng đối với các giá trị truyền thống quý báu của dân tộc trong một số người hay không? Những giá trị tinh thần chủ đạo của dân tộc thường được coi là “Quốc hồn, quốc túy”, là cội rễ để xây dựng đất nước, đang có nguy cơ bị xem nhẹ. Đó đang là thách thức lớn, thậm chí là nguy cơ lớn. Chính trong bối cảnh đó, Nghị quyết Trung ương 9 đặt ra vấn đề phải “Huy động sức mạnh xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hóa văn hóa nhân loại, làm giàu văn hóa dân tộc”. Nghị quyết cũng chỉ ra phải “Phát triển đi đôi với giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; khắc phục tình trạng lạm dụng tiếng nước ngoài. Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống...”.

Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, vai trò của công nghệ thông tin truyền thông, của các báo mạng là vô cùng to lớn. Đó là kênh thông tin phổ biến nhất, thường xuyên thường trực đến với mọi người, mọi nơi và mọi lúc. Hầu hết các quốc gia, đặc biệt các nước đang phát triển, đang phải đối diện trực tiếp với những vấn đề phức tạp và nóng bỏng do công nghệ thông tin truyền thông mang tới. Xuất phát từ tình hình đó, Nghị quyết Trung ương 9 lần này khẳng định: “Chú trọng công tác quản lý các loại thông tin trên mạng internet để định hướng tư tưởng và thẩm mĩ cho nhân dân, nhất là cho thanh thiếu niên”. Cần “Chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước... Đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt kết quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc”. Để làm được điều này, trong tình hình hiện nay, cần phát triển mạnh công nghiệp văn hóa, xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa, mà nội dung chủ yếu là nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam, khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người là sự nghiệp trọng đại nhưng cũng rất khó khăn. Khó khăn đầu tiên và chủ yếu nhất là ở khâu nhận thức. Điều này đã được khẳng định khi Nghị quyết Trung ương 9 đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến những yếu kém trong quá trình triển khai Nghị quyết Trung ương 5 về văn hóa: “Chủ yếu là do nhiều cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ lĩnh vực này; lãnh đạo, chỉ đạo chưa thật quyết liệt...”. Để khắc phục sự yếu kém đó, trong phần Mục tiêu của Định hướng xây dựng và phát triển văn hóa, con người, Nghị quyết Trung ương 9 viết: “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nói cách khác, sự phát triển văn hóa và con người sẽ tạo nên mọi sức mạnh vật chất và tinh thần để bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước. Cha ông ta thường dạy: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao. Nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp”. Có lẽ cùng chung suy nghĩ như vậy, từ đầu thế kỉ XX, đại văn hào M.Goóc-ki (M.Gorky) cũng đã từng tuyên bố: “Đối với tôi, lời kêu gọi Tổ quốc lâm nguy cũng không đáng sợ hơn lời kêu gọi: Hỡi các công dân, văn hóa lâm nguy”.

GS.TS.NGND TRẦN VĂN BÍNH


    Ý kiến bạn đọc