Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII
EmailPrintAa
15:07 31/10/2014

Sáng ngày 20/10/2014, tại Trụ sở Nhà Quốc hội - Hội trường Ba Ðình mới, Thủ đô Hà Nội, Quốc hội khóa XIII khai mạc trọng thể kỳ họp thứ tám. Ðây là kỳ họp cuối năm với nhiều nội dung mang tầm quan trọng đặc biệt trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát, quyết định những vấn đề về kinh tế - xã hội của đất nước.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Kỳ họp của Quốc hội diễn ra trong lúc kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi, nhưng còn chậm; an ninh chính trị, xung đột vũ trang, dịch bệnh ở một số nơi diễn biến phức tạp tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - chính trị khu vực và toàn cầu. Tình hình đó đòi hỏi toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta phải quyết tâm cao hơn nữa, có các chủ trương, giải pháp căn cơ, đồng bộ để tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi đà tăng trưởng....

Tiếp đó, Quốc hội đã nghe đồng chí Nguyễn Tấn Dũng - Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội (KT - XH ) năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Theo Báo cáo, trong bối cảnh năm 2014 với nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo, xung đột xảy ra ở nhiều nơi. Căng thẳng trên biển Hoa Ðông và Biển Ðông. Nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, đồng bào cả nước và cộng đồng doanh nghiệp, KT - XH nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực. Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, tính chung 9 tháng đầu năm đạt 5,62%, cao hơn cùng kỳ hai năm trước; ước cả năm 2014 đạt khoảng 5,8%.

Tại phiên khai mạc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân Chủ tịch - Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Theo đó, cử tri và nhân dân đánh giá cao kết quả đạt được của kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII. Các luật, nghị quyết và các vấn đề quan trọng khác được QH thông qua tại kỳ họp và sự điều hành quyết liệt của Chính phủ đã góp phần sớm triển khai thi hành Hiến pháp (sửa đổi), tạo cơ chế cho phát triển KT - XH; xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch và hiệu quả; tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng theo pháp luật; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền quốc gia. Cử tri và nhân dân tiếp tục quan tâm đến tình hình Biển Ðông và mong muốn các cơ quan chức năng của Nhà nước thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng, kịp thời hơn nữa để người dân hiểu đầy đủ về tình hình, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần đoàn kết, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Cử tri và nhân dân mong muốn Nhà nước có chính sách ưu đãi hơn nữa đối với ngư dân, đồng thời tăng cường các biện pháp đấu tranh kiên quyết, ngăn chặn không để các tàu của nước ngoài đe dọa. Cử tri và nhân dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng về: nền kinh tế phát triển chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao ở nhiều tỉnh miền núi, thất nghiệp, dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, tham nhũng, lãng phí.v.v...

Thay mặt Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình KT - XH năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT - XH năm 2014, Báo cáo thẩm tra nhấn mạnh: với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, nhất là chỉ đạo, điều hành sâu sát, nhạy bén, kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các cấp đã thực hiện đạt mục tiêu tổng quát, hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu KT - XH năm 2014 theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra đánh giá các chỉ tiêu KT-XH, môi trường đạt thấp theo Nghị quyết của QH về Kế hoạch năm năm 2011-2015. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình bốn năm 2011-2014 dự kiến sẽ chỉ đạt khoảng 5,67%/năm, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo Kế hoạch (6,5% - 7%). So với khu vực ASEAN thì tăng trưởng kinh tế của nước ta chậm lại trong khi một số nước có sự cải thiện và duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Tốc độ tăng trưởng trong ngành nông nghiệp có xu hướng giảm dần (năm 2011 là 4,02%; năm 2012 là 2,68%; năm 2013 là 2,67%), năm 2014 ước tính tăng trở lại nhưng cũng ở mức 3% đến 3,1%... Về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, thời gian tới, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện quyết liệt và có hiệu quả ba đột phá chiến lược. Ðẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, tạo sự thay đổi đột phá mạnh mẽ về thể chế quản lý nhà nước, kinh tế, tài chính công, về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, cải cách tư pháp. Tăng cường kiểm tra, giám sát của các cơ quan trung ương đi đôi với nâng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, hướng tập trung vào mục tiêu đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Quốc hội đã nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác này. Báo cáo của Chính phủ nêu rõ: công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) tiếp tục được đẩy mạnh, có những chuyển biến tích cực, đạt được một số kết quả nhất định, góp phần thiết thực vào việc ổn định tình hình và nhiệm vụ phát triển KT-XH của đất nước.

Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Phạm Vũ Luận, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về Ðề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH (VHGDTNTN và NÐ) Ðào Trọng Thi trình bày Báo cáo thẩm tra về Ðề án này. Theo đó, Ủy ban VHGDTNTN và NÐ nhất trí về cơ bản với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thay cho Nghị quyết số 40/QH10 năm 2000 về vấn đề này đã được thực hiện từ năm học 2002 - 2003 đến nay.

Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Bộ trưởng Tài chính Ðinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015. Bộ trưởng Tài chính Ðinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật này.

Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Tài chính Ðinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật này. Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn trình bày Tờ trình về dự án Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật nêu trên.

Dự kiến kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra trong 35 ngày.

T.H


    Ý kiến bạn đọc