Nâng cao hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh
EmailPrintAa
14:55 31/10/2014

Tiếp xúc cử tri (TXCT) là một trong những hoạt động rất quan trọng của người đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND), là cầu nối giữa đại biểu HĐND với cử tri và cơ quan nhà nước. Qua hoạt động TXCT, đại biểu HĐND báo cáo kết quả hoạt động của mình, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương và nghe cử tri trình bày tâm tư nguyện vọng, kiến nghị về những vấn đề bức xúc diễn ra tại các địa phương, đơn vị.

Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác tiếp xúc cử tri trong hoạt động của HĐND tỉnh, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2011 - 2016 đến nay, HĐND tỉnh đã nỗ lực, chủ động đề ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh, nhất là việc đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri. Đặc biệt, ngày 24/8/2012, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 38/2012/HĐND về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động kỳ họp của HĐND tỉnh.

Thời gian qua, hoạt động tiếp xúc cử tri được thực hiện thường xuyên, kịp thời trước và sau các kỳ họp thường lệ hằng năm. Sự phối hợp trong hoạt động TXCT giữa các tổ đại biểu và các đại biểu với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, chính quyền địa phương ngày càng chặt chẽ, phương thức tiến hành ngày được cải tiến khoa học và hiệu quả hơn. Đa số ý kiến, kiến nghị của cử tri được các cơ quan chức năng và đại biểu đối thoại, giải trình đầy đủ, có phương hướng giải quyết cụ thể tại hội nghị TXCT, số còn lại được tiếp thu tổng hợp kịp thời, đầy đủ và báo cáo tại kỳ họp HĐND. Sau hội nghị TXCT các tổ đại biểu HĐND tỉnh đã tổ chức làm việc với lãnh đạo huyện để nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương, cũng như thông qua ý kiến, kiến nghị của cử tri và lựa chọn nội dung chất vấn gửi đến kỳ họp.

Ngoài việc tổ chức các hội nghị TXCT trước, sau kỳ họp, thời gian qua, HĐND tỉnh đã tổ chức được 15 cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề để tham vấn ý kiến nhân dân về các đề án, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp. Một số đại biểu HĐND cũng chủ động TXCT bằng cách gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với cử tri nơi công tác, nơi cư trú, nơi đến làm việc... qua đó phân loại, tổng hợp, kiến nghị với HĐND và các cơ quan chức năng có thẩm quyền để giải quyết. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức TXCT 239 cuộc ở 12 huyện, thị xã, thành phố, với trên 17.600 lượt cử tri tham gia, tập hợp trên 162 nhóm ý kiến, kiến nghị của cử tri. Các ý kiến trả lời thông qua tiếp xúc, các đại biểu HĐND tỉnh đã trả lời cho cử tri. Mặt khác, các trả lời được đăng tải đầy đủ trên Trang thông tin điện tử của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh (www.dbndhatinh.vn) để cử tri tiện theo dõi... Nhìn chung, hầu hết các kiến nghị của cử tri đều được HĐND, UBND các cấp và các cơ quan liên quan tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả, được cử tri toàn tỉnh đánh giá cao, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động TXCT của đại biểu HĐND tỉnh trong những năm qua còn một số hạn chế cần được khắc phục như: Thường trực HĐND, các ban HĐND, đại biểu và tổ đại biểu HĐND ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức công tác TXCT, chưa thực hiện nghiêm túc việc đổi mới công tác TXCT theo tinh thần Nghị quyết số 38/2012/HĐND về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động kỳ họp của HĐND tỉnh ngày 24/8/2012 của HĐND tỉnh. Hình thức tổ chức TXCT chưa phong phú, đa dạng, chủ yếu chỉ mới tổ chức TXCT định kỳ theo tổ đại biểu trước và sau kỳ họp; tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri chủ yếu là ”đại cử tri” (cán bộ lãnh đạo UBND, các tổ chức đoàn thể cấp xã); phần lớn các ý kiến, kiến nghị của cử tri chủ yếu tập trung vào các vấn đề cụ thể của địa phương hoặc chủ yếu đề nghị cấp trên bố trí, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản tại địa phương; mở rộng các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức; số ít cử tri còn lại là những người đang có đơn khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết hoặc đã giải quyết nhưng chưa thỏa mãn, thậm chí có những cử tri đến chỉ để hỏi về các chế độ, chính sách... số ý kiến tham gia vào nội dung, chương trình kỳ họp còn ít. Ngoài ra, kỹ năng tiếp xúc, đối thoại với cử tri của một số đại biểu HĐND còn hạn chế. Công tác chuẩn bị, cung cấp thông tin phục vụ cho đại biểu tiếp xúc cử tri ở một số địa phương còn yếu; việc giải trình và tiếp thu ý kiến cử tri của một số đại biểu HĐND tại các cuộc tiếp xúc chưa tốt, đa số chỉ mới tiếp thu chứ chưa nghiên cứu giải trình tại chỗ đáp ứng nguyện vọng của cử tri. Chất lượng giải quyết một số ý kiến, kiến nghị cử tri của UBND các cấp và các cơ quan hữu quan chưa cao, thiếu kịp thời. Nhiều ý kiến được UBND các cấp giao cho các cơ quan, đơn vị giải quyết, trả lời đối với các phản ánh, kiến nghị liên quan đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị đó nên không bảo đảm tính khách quan, cử tri thiếu tin tưởng vào kết quả giải quyết, ý kiến trả lời. Một số cơ quan, đơn vị trả lời cho xong việc mà ít quan tâm kiểm tra, giải quyết và thường trả lời chậm so với yêu cầu. Công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc UBND, các ngành, địa phương, đơn vị giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri chưa thường xuyên. Việc tổ chức các hoạt động giám sát trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa được nhiều. Bên cạnh việc văn bản quy phạm pháp luật chưa có chế tài cụ thể đối với trách nhiệm các cơ quan chức năng trong việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri Thường trực HĐND và các đại biểu HĐND tỉnh cũng chưa có các giải pháp để các ý kiến trả lời của cơ quan chức năng đảm bảo chất lượng, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.

Từ thực tiễn hoạt động TXCT thời gian qua, để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác TXCT trong thời gian tới, ngoài việc khắc phục những hạn chế, bất cập trên, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu HĐND tỉnh. Tổ chức tập huấn về kỹ năng tiếp xúc cử tri cho đại biểu HĐND, như kỹ năng chuẩn bị báo cáo, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nói, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng tổng hợp giải trình, tiếp thu... để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đại biểu dân cử.

Thứ hai, thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri của đại biểu và các tổ đại biểu HĐND. Thường trực HĐND phối hợp tốt với Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri cho đại biểu HĐND thật sự khoa học, bám sát các yêu cầu đổi mới nâng cao hiệu quả tiếp xúc cử tri theo Nghị quyết HĐND tỉnh. Nâng cao ý thức và trách nhiệm của các cơ quan có nhiệm vụ tổ chức và phối hợp tổ chức cho đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri, trong đó chú trọng vai trò tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri của chính quyền tỉnh, huyện và cơ sở để thực hiện nhiệm vụ tiếp thu và giải trình các nội dung liên quan tới địa phương.

Thứ ba, mở rộng các hình thức TXCT phù hợp, bảo đảm để đại biểu HĐND tiếp xúc với cử tri ở đơn vị bầu cử, nơi cư trú, nơi công tác; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu HĐND quan tâm. Đại biểu HĐND dành thời gian tiếp xúc, thâm nhập đời sống nhân dân, nắm bắt, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri ở địa bàn ứng cử. Ngoài việc tiếp xúc cử tri theo kế hoạch của HĐND, đại biểu cần chủ động tiếp xúc, giữ mối liên hệ với cử tri bằng các hình thức khác theo hướng đối thoại trực tiếp với nhân dân.

Thứ tư, tăng thời gian, số điểm tiếp xúc cử tri, mở rộng tiếp xúc cử tri về tận thôn xóm, hạn chế thủ tục hành chính, tiếp xúc “đại cử tri”. Bố trí hợp lý thành phần chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri.

Thứ năm, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị các báo cáo trước cử tri. Nội dung báo cáo trước cử tri phải được các đại biểu HĐND chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng; báo cáo với cử tri những nội dung cụ thể mà kỳ họp sẽ quyết định; khắc phục tình trạng báo cáo chung chung, không định hướng, gợi mở được những vấn đề cần cử tri phát biểu. Sau hội nghị tiếp xúc cử tri, các tổ đại biểu HĐND tổ chức làm việc với lãnh đạo địa phương để thống nhất các nội dung về ý kiến, kiến nghị của cử tri và lựa chọn nội dung chất vấn gửi đến Kỳ họp.  

Trong thời gian diễn ra Kỳ họp, tổ chức tốt việc trực và tiếp nhận thông tin của cử tri thông qua đường dây nóng để thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Thực hiện nghiêm túc việc trả lời và thực hiện nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri. Tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần nâng cao chất luowngj và hiệu quả các cuộc TXCT, từ đó tạo niềm tin của cử tri vào vai trò đại diện của người đại biểu HĐND./.

Nguyễn Thị Nữ Y - TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh


    Ý kiến bạn đọc