Chùa Đại Hùng - Một trong 1417 điểm có thờ cúng các vị Vua Hùng trong cả nước tại Hà Tĩnh
EmailPrintAa
16:33 06/05/2015

Hồng Lĩnh - vùng đất được xem là địa linh nhân kiệt, sơn thủy hữu tình và thấm đẫm nhiều vỉa tầng văn hóa. Nơi đây không chỉ là quê hương của Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ, của song trạng nguyên: Sử Huy Nhan và Sử Đức Huy mà còn là nơi lưu giữ nhiều dấu tích của các bậc tu hành. Minh chứng cụ thể nhất đó là nhiều ngôi chùa cổ Đại Hùng có niên đại khoảng trên 600 năm hiện đang tồn tại trên mảnh đất này. Theo sử sách chép lại thì chùa được xây dựng vào khoảng đời nhà Trần. Hàng năm thu hút khá đông đồng bào, phật tử trên địa bàn thị xã và các vùng, các tỉnh lân cận về lễ chùa, viễn cảnh.

Từ tỉnh lỵ Hà Tĩnh theo quốc lộ 1A đi ra phía bắc khoảng 27 km rẽ phải theo đường Bùi Cầm Hổ chừng 1 km, gặp ngã ba thì tiếp tục rẽ trái khoảng 700 m sẽ gặp biển chỉ dẫn vào di tích chùa Đại Hùng, chùa được dựng trên mái núi thuộc khối 6 - phường Đậu Liêu - thị xã Hồng Lĩnh, ở độ cao khoảng 40 m so với mực nước biển. Du khách có thể đi bộ khoảng 200 m theo con đường nhỏ được ghép bằng đá sẽ gặp miếu Cô Chín, Tam Quan, tượng Quan Âm, nhà Tổ, nhà Hạ Điện, nhà Tam bảo. Trải qua hàng trăm năm với sự khắc nghiệt của thời tiết, sự biến động của lịch sử vì vậy đa số các hạng mục của di tích ở đây đều bị ảnh hưởng, thậm chí có nhiều hạng mục đã trở thành phế tích. Song với ý thức tâm linh, với tinh thần bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa, chính quyền địa phương phường Đậu Liêu cùng với các tín đồ phật tử ở khắp nơi đã đóng góp công đức, kinh phí nâng cấp tôn tạo. Hiện di tích cơ bản vẫn giữ được đường nét kiến trúc cổ xưa. Đặc biệt, trong các hiện vật có giá trị được lưu giữ ở đây quý nhất có lẽ là quả chuông cao trên 1 m, nặng khoảng 100 kg, được chạm trổ tinh xảo và có khắc tên “Đại Hùng Tự Chung”, qua nội dung bài minh chuông cho chúng ta thấy chuông được đúc vào năm thứ 7, niên hiệu Cảnh Thịnh (1793 - 1807).

Có lẽ điểm khác biệt lớn nhất của chùa Đại Hùng so với các ngôi chùa có trên địa bàn Hà Tĩnh là ở chỗ chùa không chỉ là nơi để các phật tử dâng hương niệm Phật mà hàng năm cứ đến dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) thì bà con trong vùng và các vùng phụ cận của các huyện: Can Lộc, Đức Thọ, Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An cũng đến dâng hương để tưởng niệm các vua Hùng. Đây được coi là địa chỉ tâm linh độc đáo với sự kết hợp giữa tín ngưỡng thờ cúng đạo Phật và thờ cúng các vua Hùng. Từ xa xưa, trong tâm thức của người dân Việt luôn âm vang câu ca: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba” để nhắc nhớ về cội nguồn và đạo lý thủy chung phù hợp tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên lâu đời và bền vững của dân tộc Việt Nam.

Sức mạnh tâm linh tín ngưỡng Hùng Vương thể hiện niềm tin sâu sắc, vững chắc về thời đại Hùng Vương - thời đại “khai thiên lập địa” của nước nhà, là khẳng định sự bền vững của giang sơn, bờ cõi nước Việt và truyền thống dân tộc. Sức mạnh ấy là sự phát triển tinh thần đoàn kết của cộng đồng dân tộc Việt qua đấu tranh chinh phục thiên nhiên, trải qua các cuộc đấu tranh chống thù trong giặc ngoài, bảo vệ vững chắc nền độc lập của nước nhà.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thực sự là tín ngưỡng bản địa; tục thờ thuần việt ở đây đối tượng được tôn thờ là vua Hùng - ông Tổ không phải của một dòng họ, một làng, một vùng mà là Tổ của dân, của nước (đây là điểm khác biệt so với đền Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ). Ý nghĩa đặc trưng của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là ý nghĩa nhớ về cội nguồn dân tộc “ăn quả nhớ người trồng cây”; “uống nước nhớ nguồn”; sự kết nối hình thành nên tính đại diện cộng đồng sâu sắc.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có không gian văn hóa rộng rãi, trải dài khắp cả nước, từ Bắc vào Nam, nơi nào có người Việt sinh sống, nơi đó có thờ cúng Hùng Vương gắn với thờ cúng tổ tiên trong gia đình, dòng họ, làng xã. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có không gian văn hóa rộng lớn, không biên giới; không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài, nơi có cộng đồng người Việt sinh sống. Điều đó đã tạo nên triết lý nhân văn sâu sắc, tạo nên động lực tinh thần của dân tộc Việt Nam.

... Thờ cúng Hùng Vương là biểu hiện tình cảm, sự biết ơn và tri ân công đức vua Hùng có công khai quốc, sinh dân. Thông qua nghi lễ thờ cúng nhằm xác lập mối liên hệ giữa các vua Hùng với các thế hệ trong cộng đồng người Việt từ quá khứ, hiện tại đến mai sau. Là sợi dây liên kết tinh thần giữa thời đại Hùng Vương và thời đại Hồ Chí Minh, phản ánh quan niệm sống của người Việt Nam: trọng tình nghĩa, thủy chung, sự biết ơn, lòng yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển kinh tế. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương luôn là sợi dây vô hình để kết nối cộng đồng dân tộc. Chính sự kết nối đó đã tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thành khối bền vững để vượt qua gian nan, thách thức trong quá trình dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.

Văn hóa Hùng Vương mãi tỏa sáng trong lòng dân tộc và thờ cúng Hùng Vương là niềm tin thiêng liêng trong trái tim mỗi người dân đất Việt.

Như Tâm


    Ý kiến bạn đọc