Để quyền lợi chính đáng của công nhân lao động được đảm bảo
EmailPrintAa
17:12 06/05/2015

Trong các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, mỗi địa phương như: tài nguyên thiên nhiên, vốn, khoa học - công nghệ, con người … thì nguồn lực con người là quan trọng và có tính chất quyết định đến sự phát triển và tăng trưởng.

Ở tỉnh ta trong những năm qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các ngành, các cấp luôn đặt đúng vai trò của nguồn lực con người, coi trọng việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các công trình, dự án trọng điểm, nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Đội ngũ công nhân lao động trên địa bàn tỉnh tăng nhanh về số lượng và chất lượng, hiện trên địa bàn tỉnh có trên 82.000 công nhân lao động có mặt trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; trong đó lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 17,45%, nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 10,40%, xây dựng chiếm 24,58%, thương mại, du lịch, dịch vụ chiếm 47,57%. Công nhân lao động và doanh nghiệp đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là lực lượng chủ yếu tạo ra nguồn thu ngân sách, năm 2013 tạo ra 75,9% tổng số thu ngân sách, năm 2014 tạo ra 89,5% tổng số thu ngân sách toàn tỉnh.

Để phát huy tốt nguồn lực con người trong phát triển kinh tế - xã hội, cùng với việc chăm lo xây dựng đội ngũ công nhân lao động về số lượng và chất lượng thì nội dung quan trọng, có tính chất quyết định là phải thực hiện và chăm lo tốt quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, như: ký kết hợp đồng lao động, đảm bảo việc làm thường xuyên, chế độ tiền lương, BHXH, BHYT, an toàn vệ sinh lao động, phúc lợi xã hội... Thực tế cho thấy nơi nào quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động được đảm bảo thì ở đó người lao động yên tâm, gắn bó, đồng hành, có trách nhiệm với doanh nghiệp, thì doanh nghiệp ổn định và phát triển bền vững.

Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh ta nhìn chung các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã quan tâm thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động, quyền lợi của người lao động được đảm bảo. Tuy vậy, vẫn có một bộ phận người lao động quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng chưa được đảm bảo (hiện tại còn khoảng 15% công nhân lao động chưa được ký hợp đồng lao động đúng qui định; mới có 40,5% công nhân lao động được đóng bảo hiểm xã hội; việc thi tay nghề, nâng bậc thợ, nâng lương chưa được quan tâm đúng mức; an toàn vệ sinh lao động chưa được đảm bảo...). Tồn tại trên đây làm hạn chế việc phát huy vai trò của nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để quyền lợi chính đáng của công nhân lao động được đảm bảo, trong thời gian tới, các ngành, các cấp cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, nhất là tổ chức công đoàn trong chăm lo xây dựng đội ngũ công nhân lao động và việc thực hiện tốt chế độ chính sách đối với người lao động; thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền lợi của người lao động phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là chính sách về việc làm, tiền lương, BHXH, BHYT, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, xây dựng thang lương, bảng lương, thi tay nghề, nâng bậc thợ, nâng lương…, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần để người lao động được hưởng các quyền lợi tương xứng với cống hiến của họ và sự phát triển của đất nước, của tỉnh. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, phát huy quyền làm chủ của công nhân lao động trong tham gia đóng góp ý kiến xây dựng doanh nghiệp phát triển, làm cho người lao động gắn bó với doanh nghiệp, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Thứ hai, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người lao động và người sử dụng lao động, nhất là pháp luật lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Doanh nghiệp, Luật Việc làm… Nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho công nhân lao động và chủ sử dụng lao động, để chủ sử dụng lao động thấy hết trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với người lao động, tự giác thực hiện việc đảm bảo chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật, đồng thời người lao động hiểu biết được pháp luật, để tự bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của mình trong quan hệ lao động.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các dự án đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực tỉnh có lợi thế, các dự án giải quyết được nhiều việc làm cho lao động. Đẩy mạnh thực hiện các công trình dự án trên địa bàn tỉnh, sớm hoàn thành đưa vào hoạt động và tiếp tục thực hiệu có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với chuyển đổi mới mô hình tăng trưởng, hội nhập quốc tế. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách và tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, từ đó giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho người lao động.

Thứ tư, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, thu hút đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giỏi, đổi mới chương trình và nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề cho người lao động, nhất là những ngành nghề mà doanh nghiệp và xã hội đang cần nhu cầu lao động; giao chỉ tiêu và kinh phí đào tạo cho các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho người lao động. Thực hiện kết nối nhà trường với doanh nghiệp và người học; gắn việc đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp để vừa đáp ứng nhu cầu nguồn lực cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo việc làm cho người lao động sau khi được đào tạo nghề.

Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát của các cơ quan chức năng đối với người sử dụng lao động, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật, nhất là Luật lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn, các chế độ chính sách đối với người lao động theo qui định của pháp luật, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động. 

Thứ sáu, quan tâm xây dựng nhà ở xã hội, các công trình phúc lợi, như: nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, trạm y tế, khu văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí phục vụ công nhân lao động. Đẩy mạnh các hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện; tiếp tục phát huy có hiệu quả Quỹ "Mái ấm Công đoàn", kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn có điều kiện vươn lên trong sản xuất và cuộc sống.  

Thứ bảy, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người lao động và chủ sử dụng lao động về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, tạo điều kiện để người lao động gia nhập tổ chức công đoàn. Chăm lo xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, thực sự là chỗ dựa vững chắc của người lao động, làm tốt chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động và góp phần nâng cao đời sống của người lao động, tạonền tảng cho sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp trong tình hình mới.

Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh


    Ý kiến bạn đọc