Dự báo khí tượng thủy văn chính xác, kịp thời góp phần phòng chống, giảm nhẹ thiên tai
EmailPrintAa
17:00 06/05/2015

Trong những năm gần đây, với sự tác động của biến đổi của khí hậu toàn cầu, thiên tai ở nước ta ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Do đặc điểm địa lý, nước ta với hơn 3.000 km bờ biển, địa hình đa dạng, phức tạp, nằm ở khu vực giao tranh mạnh mẽ của các khối khí và ở một trong năm ổ bão lớn trên thế giới, nên hàng năm, hàng loạt các hiện tượng thiên tai diễn ra trên khắp mọi miền Tổ quốc với tần suất dày đặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Theo đánh giá của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên & Môi trường), thiệt hại do thiên tai ở Việt Nam thuộc loại lớn trên thế giới. Trong 5 năm gần đây, mỗi năm thiên tai làm chết khoảng 500 người, bị thương hàng nghìn người, gây thiệt hại về kinh tế khoảng 14.500 tỷ đồng, tương đương 1 - 1,5% GDP cả nước.

Công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) hạn chế thiệt hại, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên được Đảng và Nhà Nước hết sức quan tâm. Hàng năm công tác PCTT được các cấp, các ngành triển khai một cách quyết liệt, từ việc xây dựng các phương án đến chuẩn bị mọi nguồn lực chuẩn bị đối phó với thiên tai, nhờ vậy đã góp phần không nhỏ vào việc hạn chế thiệt hại. Các chủ trương, chính sách chỉ đạo về công tác PCTT thường xuyên được ban hành sát với thực tế và giai đoạn phát triển. Tháng 6/2013 kỳ họp thứ 5 Quốc Hội khóa XIII đã biểu quyết thông qua Luật Phòng chống thiên tai, việc luật hóa các chủ trương, chính sách về PCTT thể hiện rõ quan điểm, quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc PCTT nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân trước việc thiên tai xảy ra ngày càng nguy hiểm.

Trong bối cảnh hiện nay, khi các hiện tượng thiên tai xuất hiện ngày càng nhiều, cường độ của một số loại thiên tai có dấu hiệu gia tăng một cách đáng quan ngại như các trận siêu bão, lũ, lụt… thì nhu cầu về các thông tin cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn chính xác, kịp thời đã trở nên vô cùng cần thiết đối với cộng đồng và mỗi người dân.

Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng, chống thiên tai, trong những năm qua, ngành Khí tượng Thủy văn đã có nhiều nỗ lực nhằm từng bước nâng cao chất lượng hoạt động dự báo khí tượng, thủy văn. Hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn ngày càng được đầu tư xây dựng đồng bộ nhằm cung cấp các số liệu đáp ứng yêu cầu dự báo, cảnh báo thiên tai. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào dự báo tác nghiệp; tăng cường hợp tác song phương và đa phương với các nước và các tổ chức thế giới và khu vực, khai thác và phát huy tiềm năng công nghệ, kỹ thuật hiện ứng dụng có hiệu quả vào nghiệp vụ dự báo. Nhờ vậy,chất lượng bản tin cảnh báo, dự báo khí tượng thuỷ văn không ngừng được đổi mới, hoàn thiện góp phần đáng kể trong công tác phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Không nằm ngoài xu thế chung của cả nước, trong những năm gần đây trên khu vực tỉnh Hà Tĩnh thiên tai xảy ra ngày càng nhiều và diễn biến thất thường và phức tạp. Có thể kể ra những trận thiên tai gây thiệt hại lớn để lại dấu ấn khó phai mờ trong lòng những người dân Hà Tĩnh như: Trận lũ kép lịch sử xảy ra vào tháng 10/2010 đã làm ngập chìm 183/262 xã thuộc 12 huyện, thị thành phố, làm chết 50 người, bị thương 175 người, hàng ngàn ngôi nhà bị ngập sâu, hư hỏng; kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, hệ thống điện, viễn thông… bị hư hại nghiêm trọng. Tổng thiệt hại lên đến gần 6.400 tỷ đồng. Năm 2013, trận lũ kép do hoàn lưu bão số 10 và số 11 xảy ra vào ngày 30/9 - 8/10, làm chết 5 người, 66 người bị thương, 141 ngôi nhà bị cuốn trôi, hư hỏng, 1458 ha lúa và hoa màu bị ngập và hư hỏng; hạ tầng giao thông, thủy lợi, trạm y tế… bị thiệt hại nặng. Tổng thiệt hại ước tính 2.208 tỷ đồng.

Ngoài nguy cơ bão, lũ thường xuyên đe dọa, thiên tai xảy ra tại tỉnh Hà Tĩnh còn rất đa dạng, có thể nói rằng trong 19 loại thiên tai được quy định trong Luật Phòng Chống thiên tai đều có khả năng xảy ra ở Hà Tĩnh, trong đó một số loại thiên tai còn có tần suất xuất hiện khá cao như: mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, lốc, sét, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá

Là một đơn vị được giao trọng trách làm công tác dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn phục vụ công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, trong những năm qua Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hà Tĩnh luôn chú trọng nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo. Nhờ việc ứng nhiều tiến bộ công nghệ và phương pháp dự báo mới vào dự báo tác nghiệp mà chất lượng các bản tin cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn ngày càng được nâng lên rõ rệt. Hệ thống thông tin chuyên ngành ngày càng được hoàn thiện giúp cho việc khai thác thông tin từ các trạm đo trong khu vực cũng như việc khai thác tốt các thông tin phục vụ dự báo như: ảnh mây vệ tinh, Rada thời tiết…cũng góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng các bản tin dự báo.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết để làm dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết thủy văn nguy hiểm, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo của tỉnh trong phòng, chống thiên tai. Phối hợp chặt chẽ với các phương tiện thông tin đại chúng duy trì đều đặn và đạt chất lượng việc dự báo, cảnh báo thời tiết; theo dõi, dự báo sát tình hình diễn biến của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới, nhất là những cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến thời tiết khu vực; đưa các thông tin cụ thể hóa bản tin như phạm vi ảnh hưởng, cường độ gió, hiện tượng nước dâng và mức độ bão gây ra trên đất liền của tỉnh. Dự báo được 80% các trận mưa vừa mưa lớn trên diện rộng, dự báo tương đối sát thực tế các đợt lũ trên các sông với thời gian dự báo 24 - 48 giờ. Cảnh báo được hầu hết các đợt nắng nóng, khô hạn kéo dài. Dự báo được hầu hết các đợt gió mùa đông bắc, trong đó dự báo khá chính xác các đợt rét đậm, rét hại.

Những năm gần đây, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hà Tĩnh đã cải tiến đáng kể các phương pháp truyền tin, đưa hệ thống liên lạc trực tuyến vào hoạt động, áp dụng phương pháp truyền tin về thiên tai bằng tin nhắn đến Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh để đảm bảo thông tin đến kịp thời, giúp cho chính quyền các cấp chủ động ứng phó kịp thời hơn đối với thiên tai.

Biến đổi khí hậu ngày càng tác động mạnh mẽ đến thời tiết, khí hậu, làm gia tăng các hiện tượng thiên tai, để làm tốt công tác phòng chống thiên tai ngoài việc cần thiết các bản tin dự báo khí tượng, thủy văn chính xác kịp thời cần phải tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống thiên tai, nâng cao ý thức người dân trong công tác phòng chống nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Trần Đức Bá - Giám Đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hà Tĩnh


    Ý kiến bạn đọc