Thành công của Đại hội cơ sở góp phần quan trọng để tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp
EmailPrintAa
08:41 11/05/2015

Đại hội Đảng là sự kiện chính trị trọng đại, tác động đến toàn bộ quá trình hoạt động của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Thành công của Đại hội Đảng bộ các cấp là nhân tố quan trọng tạo thêm sức mạnh đoàn kết, thống nhất cả ý chí và hành động góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, là động lực thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó, tổ chức tốt đại hội các chi bộ, đảng bộ cơ sở là tiền đề quan trọng, cơ sở bảo đảm cho sự thành công của đại hội Đảng bộ các cấp.
 
Các đồng chí lãnh đạo huyện chúc mừng BCH Đảng bộ xã Kỳ Ninh  nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ảnh: P.V  

Đồng thời với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị năm 2015, các cấp ủy cần chuẩn bị nghiêm túc, tích cực, trách nhiệm, bám sát quan điểm, tư tưởng, định hướng trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đại hội Đảng bộ cơ sở, coi đây là nhân tố quan trọng hàng đầu cho sự thành công của đại hội cấp huyện, cấp tỉnh, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị năm 2015. Việc chuẩn bị và tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp lần này phải tiếp tục đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng; coi trọng nội dung, chất lượng đại hội, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, tránh phô trương hình thức; phát huy đầy đủ trí tuệ, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Việc chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo, có chất lượng các dự thảo văn kiện trình đại hội (báo cáo chính trị và báo cáo kiểm điểm của cấp ủy) là nội dung tiên quyết, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, nội dung của đại hội.  Việc xây dựng dự thảo báo cáo chính trị phải được chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy, ban thường vụ, mà trực tiếp là đồng chí bí thư cấp ủy. Báo cáo chính trị cần đánh giá toàn diện sự lãnh đạo của đảng bộ, chi bộ trên các lĩnh vực: phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị... nhưng cần thể hiện ngắn gọn, tập trung vào những vấn đề cơ bản, quan trọng, thiết yếu, sát thực với đặc điểm, tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ nhiệm kỳ qua cần đối chiếu các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết đã đề ra; các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ, các nghị quyết, chỉ thị và sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên để làm rõ những việc đã làm được và chưa làm được. Khi xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của đảng bộ trong nhiệm kỳ tới, cần căn cứ và yêu cầu nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài, nghiên cứu kỹ quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ trong dự thảo các văn kiện của Trung ương trình Đại hội XII của Đảng và của đại hội Đảng bộ cấp trên trực tiếp để vận dụng, cụ thể hoá, đề ra nhiệm vụ cho sát hợp với đặc điểm, tình hình của đảng bộ. Trong điều kiện của hầu hết các địa phương hiện nay cần xác định việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là mục tiêu cơ bản, xuyên suốt của Báo cáo Chính trị. Chú trọng đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực, khả thi để thực hiện, nhất là đối với những vấn đề lớn, quan trọng và bức xúc ở địa phương, đơn vị mà cán bộ, đảng viên và nhân dân đang quan tâm. Nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp tập trung hoàn thành Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, gắn lộ trình, chỉ tiêu phấn đấu với thực hiện các tiêu chí về đích nông thôn mới để tạo bước đột phá, mũi nhọn cụ thể cho địa phương, đơn vị. Tuy nhiên, qua tổng kết, rút kinh nghiệm một số kỳ đại hội Đảng bộ các cấp vừa qua, nhiều cấp ủy, tổ chức đảng đều có hạn chế là việc chuẩn bị văn kiện, nhất là Báo cáo Chính trị và việc tổ chức thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo các văn kiện chưa được quan tâm chỉ đạo đúng mức, chưa tương xứng với công tác chuẩn bị nhân sự đại hội, báo cáo còn nặng về liệt kê, số liệu, bố cục thường máy móc, rập khuôn, chưa thể hiện được tính đột phá, trọng tâm, nhất là thiếu sự tổng kết bài học chưa thành công gắn với thực tiễn tại đơn vị một cách sâu sắc, chưa đi sâu vào các vấn đề cốt lõi trong công tác xây dựng Đảng… Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót trên và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới, việc chuẩn bị báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm của cấp ủy trình đại hội lần này, các cấp ủy cần quán triệt sâu sắc yêu cầu, nội dung của Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính, các kế hoạch của tỉnh, của huyện, nhất là những vấn đề mới để chuẩn bị.

Đối với huyện Kỳ Anh, trên cơ sở Đề án điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập thị xã mới phía Nam tỉnh Hà Tĩnh, cấp ủy đã chủ động chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ cơ sở thống kê, đánh giá theo hai khu vực để xây dựng phương hướng, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2015 - 2020, dự báo sát tình hình, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương, đơn vị. Trong đó định hướng phát triển kinh tế - xã hội được xác định rõ: Thị xã Kỳ Anh phát triển theo hướng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và đô thị; phấn đấu đến năm 2020 đạt đô thị loại III; huyện Kỳ Anh phát triển theo hướng tiểu thủ công nghiệp, thương mại, du lịch dịch vụ và xây dựng nông thôn mới.

Quá trình chuẩn bị và xây dựng dự thảo báo cáo chính trị, cần mở rộng, thực sự phát huy dân chủ, tập hợp được trí tuệ của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong đảng bộ. Thảo luận trong đại hội, Đoàn Chủ tịch cần tạo được không khí dân chủ, cởi mở, dành thời gian thỏa đáng để các đại biểu thảo luận, tham gia ý kiến vào Dự thảo báo cáo, các chỉ tiêu, nghị quyết đại hội, nhất là những vấn đề lớn, quan trọng, những vấn đề có ý kiến khác nhau để thống nhất cao về quan điểm và hành động của toàn đảng bộ. Các ý kiến phát biểu phải được nghiên cứu kỹ, có chất lượng sâu và nhất thiết không trình bày theo phương pháp đọc văn bản.

Việc chuẩn bị báo cáo kiểm điểm của cấp ủy trình đại hội phải do đồng chí bí thư hoặc phó bí thư trực tiếp chuẩn bị. Báo cáo kiểm điểm cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng mức những ưu điểm, thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm nhất là khuyết điểm chủ quan về sự lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể cấp ủy, từng cấp ủy viên trên các lĩnh vực hoạt động của đảng bộ và các nhiệm vụ được phân công phụ trách. Nét mới trong báo cáo kiểm điểm của cấp ủy kỳ này là đánh giá kết quả, làm rõ trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Xác định trách nhiệm của cấp ủy, từng cấp uỷ viên đối với 3 vấn đề cấp bách nêu trong Nghị quyết, xây dựng kế hoạch, chỉ đạo sửa chữa, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được kết luận sau kiểm điểm, tự phê bình và phê bình. Kiểm điểm về trách nhiệm nêu gương của tập thể cấp ủy và các cấp ủy viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, các tổ chức trong hệ thống chính trị là điểm nhấn mà các nhiệm kỳ trước chưa có.

Quá trình chuẩn bị đại hội, cùng với chuẩn bị tốt các văn kiện, cần phải hết sức quan tâm việc chuẩn bị nhân sự cấp ủy, ủy ban kiểm tra. Chất lượng của cấp ủy, ủy ban kiểm tra được tạo nên bởi chất lượng cấp ủy viên, ủy viên ủy ban kiểm tra và sự bố trí hợp lý cơ cấu nhân sự. Do đó, trong quá trình xây dựng nhân sự cũng như bầu cử cấp ủy tại đại hội, phải đặc biệt chú trọng tiêu chuẩn, đồng thời xử lý tốt mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu. Mỗi cấp ủy viên khi đã được lựa chọn phải thực sự là người đứng đầu xuất sắc, là “tư lệnh” trong một ngành, lĩnh vực, đơn vị, địa phương. Nhân sự đó phải bảo đảm phẩm chất, năng lực, năng động, biết trăn trở, tìm tòi, sáng trong lãnh đạo, chỉ đạo, là tác nhân tạo nên sức mạnh, năng lượng mới cho tập thể cấp ủy, ủy ban kiểm tra. Cùng với công tác chuẩn bị các nội dung của đại hội, công tác tuyên truyền và tổ chức các hoạt động chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cũng cần được quan tâm chỉ đạo. Đẩy mạnh phong trào thi đua của các cấp, các ngành lập thành tích chào mừng đại hội Đảng các cấp, gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2015.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy về công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở,  tính đến nay, huyện Kỳ Anh đã có 100% chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở hoàn thành việc tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2015 - 2017; 03 đảng bộ, chi bộ đại hội điểm, 08 đảng bộ, chi bộ khác tổ chức thành công và hầu hết các đảng bộ, chi bộ đã chuẩn bị tốt công tác tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2015 - 2020. Nhìn chung, các đại hội chi bộ, đảng bộ đại hội điểm đã được tổ chức theo đúng Điều lệ Đảng, đảm bảo nguyên tắc, trình tự theo quy định. Không khí các đại hội phấn khởi, đoàn kết phát huy dân chủ, trí tuệ, tham gia xây dựng thảo luận các văn kiện. Có thể khẳng định rằng việc chuẩn bị nghiêm túc, tích cực, bám sát quan điểm chỉ đạo, định hướng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đại hội đảng bộ, chi bộ cở sở với tinh thần dân chủ, kỷ cương, đoàn kết, trí tuệ; đổi mới đã góp phần quan trọng vào sự thành công của đại hội cấp huyện, cấp tỉnh, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị năm 2015, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

          Nguyễn Văn Danh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kỳ Anh                                            


    Ý kiến bạn đọc