Giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội
EmailPrintAa
15:28 04/08/2016

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã nêu rõ: “Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, ngăn chặn đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch”. Hoạt động “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá ta của các thế lực thù địch diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhưng có thể nói cốt lõi nhất, tập trung nhất là chúng nhằm vào lĩnh vực chính trị, tư tưởng mà nổi lên là tuyên truyền đa nguyên, đa đảng và chống phá sự nghiệp đổi mới kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Nhìn lại lịch sử nước nhà, trước sự bế tắc của các phong trào yêu nước, chống đế quốc, thực dân và phong kiến, Nguyễn Ái Quốc đã giải quyết thành công cuộc khủng hoảng triền miên về đường lối cứu nước từ nửa thế kỷ XIX đến những năm 20 của thế kỷ XX ở nước ta. Tiếp thu và giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin, từ việc bắt gặp tư tưởng của V.Lênin về quyền tự quyết của dân tộc và thực tiễn thắng lợi vĩ đại của cách mạng Tháng Mười Nga, vận dụng sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam, Hồ Chí Minh đã phát hiện ra quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam trong thời đại mới, đó là: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Và, để làm được cuộc cách mạng như thế thì phải có một đảng cách mạng chân chính. Đảng phải có lý tưởng, có mục tiêu, phải “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới chủ nghĩa cộng sản” như Nguyễn Ái Quốc đã nêu trong “Chính Cương vắn tắt” của Đảng. Chính Người đã sáng lập ra Đảng dựa trên tính đặc thù của cách mạng Việt Nam. Đảng là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào yêu nước của dân tộc. Vì vậy bản chất của Đảng là luôn gắn bó mật thiết với Nhân dân. Nhân dân và dân tộc là cơ sở bền vững của Đảng. Đảng ra đời, tồn tại và đấu tranh chỉ với mục đích duy nhất là giành độc lập cho tổ quốc, tự do và hạnh phúc cho dân tộc và Nhân dân. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là lí tưởng và mục tiêu phấn đấu của Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam được phát huy cao độ, gắn liền với chủ nghĩa quốc tế; sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại tạo nên sức mạnh tổng hợp của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam từ nô lệ, từ nghèo nàn lạc hậu đứng lên giành độc lập dân tộc và phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đây là sự gặp nhau giữa lý tưởng ái quốc với lý tưởng cộng sản mang tính thời đại.

Thực tế quá trình đấu tranh của Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chứng minh hùng hồn rằng, độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chỉ có xây dựng chủ nghĩa xã hội thì mới thực sự có độc lập cho Tổ quốc, tự do hạnh phúc cho Nhân dân. Từ khi ra đời, dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng đã phát động phong trào Xô Viết. Mặc dầu bị kẻ địch đàn áp đẫm máu, nhưng những người cộng sản vẫn kiên định và quần chúng cách mạng vẫn tin tưởng vào ngọn cờ tất thắng đó để làm nên Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, giành độc lập dân tộc, chiến thắng hai kẻ thù xâm lược thực là dân Pháp và đế quốc Mỹ giành thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, đưa nước nhà tiến lên chủ nghĩa xã hội. Dẫu rằng trong quá trình tìm tòi để đưa cách mạng phát triển không tránh khỏi những vấp váp và nhất là khi đứng trước sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa, nhưng cách mạng Việt Nam vẫn đứng vững. Không những thế, nhờ kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, với bản lĩnh chính trị vững vàng, Đảng ta đã vận dụng chủ nghĩa Mác-lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách sáng tạo, phù hợp với cách mạng Việt Nam để tìm ra con đường đổi mới, vượt qua thử thách hiểm nguy đưa nước nhà tiếp tục tiến lên và đạt được những thành tựu to lớn dưới ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Để giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong quá trình đổi mới, trước hết phải cũng cố và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. “Kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng và đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng có hiệu lực, hiệu quả; giữ vững bản lĩnh chính trị của Đảng, của các tổ chức Đảng, của cán bộ, đảng viên” (Nghị quyết Đại hội XII). Thường xuyên quan tâm chỉnh đốn Đảng để ngang tầm với công cuộc đổi mới, để Đảng thực sự là điều kiện tiên quyết trong việc giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, thực sự là lương tâm, trí tuệ, danh dự của dân tộc và của thời đại. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng đã ghi rõ nội dung quan trọng trong mục tiêu xây dựng Đảng là: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất đạo đức và năng lực. Kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; chống quan liêu cửa quyền, sống cơ hội, thực dụng. Đổi mới phương thức lãnh đạo, thường xuyên tự phê bình và phê bình; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ và kỷ luật nghiêm minh để nâng cao sức chiến đấu của Đảng nhằm đáp ứng sự lãnh đạo và tín nhiệm của Nhân dân trước những yêu cầu mới của cách mạng.

Giữ vững mục tiêu độc lập và chủ nghĩa xã hội phải thường xuyên nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nghị quyết Đại hội XII khẳng định: “Tiếp tục quán triệt và xử lý tốt các mối quan hệ lớn…; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Trong thời đại toàn cầu hóa cần hết sức quan tâm đến mối quan hệ giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính, đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền với hợp tác quốc tế, trên cơ sở đó phát huy tinh thần độc lập tự chủ với việc tiếp thu sáng tạo những thành tựu mới của thời đại phù hợp với sự vận động của thực tiễn ở Việt Nam. Kiên định nguyên tắc chiến lược, nhưng cần linh hoạt sáng tạo trong việc xử lý cũng như tổ chức thực hiện cụ thể, làm sao cho thích hợp với tình hình đảm bảo hài hòa các mối quan hệ theo như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Để giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội phải hết sức quan tâm đến mối quan hệ giữa chính trị với kinh tế, văn hóa - xã hội theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”. Đổi mới kinh tế xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần việc hình thành cơ chế thị trường cần phải gắn liền và đảm bảo vai trò quản lý của nhà nước. Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với công bằng xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân; quan tâm đến bảo vệ môi trường, sinh thái; giữ gìn và phát huy bản sắc con người và văn hóa dân tộc Việt Nam. Kết hợp chặt chẽ đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, đổi mới với ổn định và phát triển. Phải lấy sự phát triển của đất nước làm mục tiêu và động lực cho sự ổn định cao hơn và bền vững hơn trong sự phát triển không ngừng trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong thời đại ngày nay độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội phải được thực thi trên cơ sở một nền dân chủ thực sự, thực hiện dân chủ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội mà cốt lõi là xây dựng Nhà nước pháp quyền, Nhà nước của dân, do dân, vì dân chứ không phải “đứng trên dân”. Cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết TW4 (khóa XI) để ngăn chặn sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Xử lý nghiêm minh tệ tham nhũng, bệnh quan liêu, bệnh hình thức, kẻ cơ hội. Tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng làm cơ sở cho khối đại đoàn kết toàn dân. Quan tâm ổn định chính trị từ gốc, từ bên trong. Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; âm mưu hoạt động “diễn biến hòa bình”.

Mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo, tổ chức thực hiện được toàn dân tộc hưởng ứng, đồng tình trong suốt quá trình đấu tranh và phát triển của cách mạng Việt Nam từ khi Đảng ra đời cho đến nay đã đạt được những thắng lợi to lớn và có tính khẳng định. Dẫu biết để giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong điều kiện hiện nay vẫn còn muôn vàn khó khăn, thách thức, nhưng từ lý luận và thực tiễn đã rút ra được có đầy đủ cơ sở để cán bộ, đảng viên và toàn dân ta tin tưởng vào tiến trình phát triển của lịch sử nước nhà dưới ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp đổi mới và tiếp tục được khẳng định ở Đại hội XII của Đảng: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa”.

TS. Đặng Duy Báu


    Ý kiến bạn đọc