Nhớ thuở "Tới nơi tiên tiến, cổ vũ tiên tiến"
EmailPrintAa
09:23 01/09/2015

Trong một dịp kỷ niệm trọng thể của Ngành, có bạn hỏi tôi: “Ông công tác tuyên huấn từ bao giờ?”. Tôi trả lời vui: “Tôi làm công tác tư tưởng từ khi được đứng trong hàng ngũ Đảng, tháng 10 năm 1950 vì đã là đảng viên thì có trách nhiệm làm công tác tư tưởng, vận động quần chúng”.

Thực chất thì đúng như vậy, nhưng chắc anh bạn muốn hỏi về thời gian làm công tác tư tưởng chuyên nghiệp, thế thì có thể kể từ khi là chính trị viên trung đội du kích “Căm Hờn” năm 1950 ở địch hậu Thái Bình rồi làm chính trị viên đại đội bộ đội chủ lực thuộc Trung đoàn 50 năm 1953, sau đó tham gia Thường vụ thị uỷ phụ trách tuyên huấn khi tiếp quản thị xã Hải Dương sau Hiệp định Giơnevơ tháng 7/1954 và làm báo Đảng từ năm 1957.

Kể dài dòng như thế để thấy công tác tư tưởng có nhiều lĩnh vực, mỗi lĩnh vực có phương thức khác nhau trên cơ sở nhiệm vụ chung, nhưng tôi xin kể một chút kỷ niệm nhỏ khi được Đảng phân công làm công tác báo chí chuyên nghiệp, là một lĩnh vực quan trọng của công tác tư tưởng.

Lớp làm báo chống Mỹ cứu nước, vừa sản xuất vừa chiến đấu thời anh Tố Hữu làm Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương đều thấm nhuần phương châm “Đi tới nơi tiên tiến, cổ vũ phong trào tiên tiến”, vì lúc đó phải thông qua các điển hình tiên tiến, cổ vũ nhân tố mới để cổ vũ phong trào quần chúng “Tất cả để chiến thắng” vì miền Nam ruột thịt, thống nhất đất nước. Phương châm đó không chỉ là phương châm tác nghiệp của người làm báo chúng tôi mà quán triệt trong các bộ phận của ngành Tuyên huấn. Ở Ban Tuyên huấn lúc đó, tôi nhớ trong vụ tuyên truyền có anh Lục phụ trách tuyên truyền về nông nghiệp, anh Đắc phục trách công nghiệp, anh Đàm, người dân tộc thiểu số phụ trách tuyên truyền về miền núi… Các đồng chí đó đều luôn luôn đi công tác dài ngày ở cơ sở, rất am hiểu tình hình thực tiễn… Chúng tôi đi nông thôn thường gặp anh Lục, đi các xí nghiệp lại gặp anh Đắc và đi Lạng Sơn, Lào Cai lại đụng đầu anh Đàm…, là các chuyên viên Ban, ngay cả các cán bộ của Ban chuyên làm công tác lý luận hay các lĩnh vực khác như anh Duy, anh Ngọc… mà tôi quen biết cũng thường về nằm ở địa phương, cơ sở nhiều ngày. Đó là chưa kể các đồng chí đó vốn được điều động từ địa phương lên, cho nên họ là những đồng chí am hiểu khá sâu sắc tình hình thực tiễn mà cánh làm báo chúng tôi thường gặp gỡ để trao đổi kinh nghiệm. Rồi trong chiến tranh, đi công tác ở các vùng chiến sự khẩn trương, ác liệt chúng tôi cũng thường gặp cán bộ Ban Tuyên huấn, không chỉ các chuyên viên, mà cả các đồng chí Trưởng, Phó ban, vụ trưởng, vụ phó.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước lúc đó cũng rất quan tâm việc đi thực tiễn và quan tâm việc cán bộ Trung ương gắn với thực tiễn. Còn nhớ khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Uỷ viên bộ Chính trị được phân công phụ trách nông nghiệp, anh cũng luôn luôn đi công tác cơ sở và nhiều lần anh kéo tôi đi theo. Một lần ở Vĩnh Yên, anh nêu câu hỏi với chúng tôi “đi tìm và viết về tiên tiến thì các cậu thử thảo luận xem điển hình tiên tiến là gì?”. Một việc thường xuyên làm nhưng lại không dễ hiểu kỹ, cho nên mỗi người một ý, sau đó anh kết luận, mà tôi còn nhớ: “Điển hình tiên tiến là đường lối, chính sách của Đảng cộng với sáng tạo của quần chúng; nhiều khi sáng tạo của quần chúng trở thành gợi ý cho đường lối, chính sách của Đảng. Cho nên đi thực tiễn, gắn với thực tiễn có ý nghĩa lớn lao như vậy!”. Rồi lại nhớ phát biểu của Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi gặp chúng tôi ở nhà nghỉ số 2 Bến Bính – Hải Phòng năm 1982. Anh hỏi chúng tôi: “Các cậu đi đâu đấy?”. Theo cách nói thông thường, chúng tôi trả lời: “Thưa anh, chúng tôi đi thực tiễn”. Anh cười hồn nhiên, nói: “Để tôi sửa cho các cậu một từ: “Phải nói sống trong thực tiễn chứ không nên nói đi thực tiễn vì “đi” là từ ngoài đến, phải “sống” trong thực tiễn thì mới từ trong lòng thực tiễn mà hiểu kỹ và viết về họ. Mà phải sống sâu sắc, say sưa chứ không phải hời hợt, lấy lệ”. Từ ý đó tôi viết bài 4S (Sống sâu sắc, say sưa) theo lời dặn của anh.

Theo phương châm “Đi tới nơi tiên tiến, cổ vũ phong trào tiên tiến” của ngành Tuyên huấn, có thể nói rằng, cánh báo chí chúng tôi thời đó rất chịu khó đi cơ sở (phải nói là sống ở cơ sở như anh Phạm Văn Đồng đã dặn), do đó trên cơ sở của khẩu hiệu “Tất cả để chiến thắng, tất cả vì miền Nam ruột thịt”, báo chí lúc đó đã cổ vũ phong trào quần chúng rất sôi nổi như “Chiếc gậy Trường Sơn lên đường đánh Mỹ” từ điển hình Hoà Xá - Hà Sơn Bình, phong trào “Xe chưa qua nhà không tiếc” của Võ Ninh, Hải Trạch - Quảng Bình, “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” từ điển hình Lê Mã Lương, “Nhằm thẳng quân thù mà bắn” của Nguyễn Viết Xuân trên đèo Mụ Giạ… Trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước và phong trào “Phá xiềng ba sào”, “Ba mục tiêu”, “Đại phong”, “Duyên hải”, “Thành Công”, “Ba Nhất” trong các phong trào nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp, lực lượng vũ trang… Phong trào quần chúng thi đua theo gương các điển hình tiên tiến rất sôi nổi và phong phú làm cho các khẩu hiệu chính trị rất sinh động trong thực tiễn, có sức lay động lòng người chứ không “tích cực”, “đẩy mạnh” khô khan, áp đặt như Bác Hồ từng phê phán.

Tiếp theo kinh nghiệm gắn với thực tiễn, ủng hộ những sáng tạo của cơ sở và địa phương, báo chí đã góp công trong công trình đổi mới và luôn nhớ đã có thời cùng các bạn đồng nghiệp Lê Diền, Thái Duy (Báo Đại Đoàn kết), Hồng Giao (Tạp chí Cộng sản) và các bạn đồng hành cùng sự nghiệp đổi mới trong nông nghiệp.

Nhìn lại quá trình viết và cổ vũ nhân tố mới, tôi tự nhận thấy công cũng có mà tội cũng có. Không phải nhân tố mới nào cũng hoàn chỉnh, con người dù là tiên tiến cũng không phải là những ông thánh. Sống ở cơ sở chúng tôi cũng biết có báo cáo chưa trung thực, hoặc chưa có sức thuyết phục khi chưa nói tới các khuyết điểm và sự trợ giúp to lớn của cấp trên, rồi cũng có nghe về những hành vi tiêu cực, tham ô, lãng phí, mất dân chủ, bệnh thành tích… ngay ở những điển hình tiên tiến quan trọng nhưng không nói và viết ra. Có việc không biết vì tuy sống ở cơ sở nhưng vẫn thiếu sâu sát do đó không nghe được ý kiến nhiều chiều; có việc biết nhưng không viết ra sợ “làm giảm nhuệ khí của phong trào”. Cũng có trường hợp mạnh mẽ cổ vũ cả những việc làm sai như ca ngợi cách làm tập trung, cải tạo nhanh, muốn lên to, lên cao nhanh… theo chỉ đạo từ cấp trên nhưng mắc bệnh “một chiều”, không quan tâm tới các ý kiến trái chiều của nhân dân và một số cán bộ cơ sở, thiếu dũng cảm trong việc phản biện các chủ trương, chính sách. Thẳng thắn nói công khai những thiếu sót trong công việc của chúng tôi và những bạn đồng nghiệp cũng là để sòng phẳng, công bằng trong đánh giá và tránh những thiếu sót “tô hồng”, “một chiều” trong công tác tư tưởng; tuy nhiên cũng phản đối ý kiến của một số người phủ nhận phương châm “Đến với tiên tiến, cổ vũ tiên tiến”, vì phương châm hoạt động đó vẫn có ý nghĩa quan trọng trong phương hướng công tác tư tưởng ngày nay, xét hiệu quả lớn việc cổ vũ phong trào cách mạng sôi nổi của nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhân dịp kỷ niệm ngày lễ trọng thể của Ngành, tôi muốn nhắc lại một vài bài học viết về cổ vũ nhân tố mới để nói về việc gắn với cơ sở, thực tiễn và xin mạo muội nói rằng việc gắn bó với cơ sở, ở cơ sở dài ngày để khảo sát tình hình, tổng kết thực tiễn của cán bộ là công tác tư tưởng trong đó có cán bộ báo chí ngày nay không được như trước đây, cho dù điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều… Rồi kinh nghiệm xuất phát từ cơ sở, nắm rõ “ước vọng của nhân dân” như Bác Hồ căn dặn, trung thực phản ánh ý kiến nhiều chiều trong hoạt động tham mưu của cán bộ các bộ phận trong ngành tư tưởng - văn hoá. Theo tôi nghĩ, trong thời nào thì những bài học đó vẫn có ý nghĩa để đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác của Ngành ta góp phần thực hiện phương hướng: Tăng cường thông tin, đối thoại, hướng về cơ sở.

Nhà báo Hữu Thọ

Nguyên Trưởng Ban Văn hóa - Tư tưởng Trung ương

 


    Ý kiến bạn đọc