3 mũi đột phá của Hà Tĩnh trong nhiệm kỳ mới
EmailPrintAa
16:30 26/10/2015

Nhiệm kỳ 2010 - 2015, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ, động viên của Trung ương, hợp tác phát triển của các tỉnh bạn, các tổ chức quốc tế, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp, với quyết tâm cao của hệ thống chính trị, nỗ lực của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã đoàn kết vươn lên giành được những kết quả toàn diện, nổi bật trên tất cả các lĩnh vực.

Lê Đình Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh

Kinh tế Hà Tĩnh liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 18%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (14%)[1]. GDP bình quân đầu người năm 2015 dự kiến đạt trên 44 triệu đồng, tăng gần 3 lần so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng - dịch vụ trên 82%; giảm tỷ trọng nông nghiệp. Huy động đa dạng các nguồn lực ưu tiên cho đầu tư phát triển, giai đoạn 2011 - 2015 đạt 287.000 tỷ đồng (chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII là 230.000 tỷ đồng), trong đó: vốn tư nhân và hộ gia đình chiếm 14,39%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 71,51%. Thu ngân sách trên địa bàn tăng nhanh, năm 2015 dự kiến đạt trên 15.000 tỷ đồng, gấp gần 7 lần so với năm 2010, trong đó thu nội địa đạt 7.500 tỷ đồng (chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII là trên 5.000 tỷ đồng).

Từ một tỉnh nghèo, với sự nỗ lực, phấn đấu cao của Đảng bộ và nhân dân, nhiệm kỳ qua, Hà Tĩnh đã có bước phát triển vượt bậc, trở thành một trong những tỉnh thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước. Với sự phát triển năng động của Khu Kinh tế (KKT) Vũng Áng và KKT Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, Hà Tĩnh thực sự trở thành trung tâm công nghiệp luyện thép, trung tâm điện năng và trung tâm cảng biển lớn nhất của cả nước, có tầm cỡ quốc tế. Nhờ việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án nên nguồn thu ngân sách đã tăng nhanh, từ nguồn thu trong công nghiệp, Hà Tĩnh đã biết ưu tiên đầu tư để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. 

Bên cạnhviệc ưu tiên đẩy nhanh tiến độ các công trình dự án trọng điểm của quốc gia, của tỉnh, Hà Tĩnh đặc biệt chú trọng lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng Nông thôn mới (NTM); mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ xanh; đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất chăn nuôi quy mô lớn; thực hiện liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp… đã góp phần chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo giá trị, hiệu quả kinh tế cao.

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Tĩnh đặt quyết tâm cao để thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển KT-XH: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân năm đạt trên 22%; đến năm 2020, GDP bình quân đầu người đạt trên 120 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 80 triệu đồng, thu ngân sách trên địa bàn đạt 46.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 24.000 tỷ, trên 50% số xã và từ 3-4 huyện đạt chuẩn NTM.     

Theo đó, tỉnh xác định 3 mũi đột phá là: “1. Đa dạng hoá huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng sớm trở thành khu kinh tế động lực có tầm cỡ quốc gia, quốc tế; phát triển nhanh các ngành công nghiệp nặng, cơ khí, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và công nghiệp hỗ trợ. 2. Thực hiện đồng bộ cải cách hành chính; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện. 3. Đầu tư phát triển các đô thị theo hướng văn minh, hiện đại gắn xây dựng nông thôn mới; phát triển dịch vụ thương mại, du lịch trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh và liên kết vùng, liên vùng và khu vực”.

         1. Hiện nay, KKT Vũng Áng thực sự đang phát triển sôi động, đã có 105 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 20 tỷ USD; có chuyên gia, công nhân của 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, của 25 tỉnh trong cả nước đang làm việc; hiện tại, trong dự án Formosa có gần 4 vạn lao động (trong đó có 1 vạn chuyên gia và lao động nước ngoài), trong KKT có khi lên tới 10 vạn. KKT Vũng Áng đã góp phần tăng nhanh thu ngân sách trên địa bàn, năm 2015 thu ngân sách từ KKT Vũng Áng đạt trên 11.000 tỷ đồng, chiếm 70% và tăng thu ngân sách 43%. KKT Vũng Áng được xác định là nền tảng, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh nhà. Trong thời gian tới, cần tập trung huy động, đa dạng hoá huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng KKT Vũng Áng sớm trở thành trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả khu vực và quốc gia, có tầm cỡ quốc tế với các sản phẩm công nghiệp chủ lực như nhiệt điện, luyện thép và dịch vụ cảng biển; tích cực xúc tiến kêu gọi đầu tư Nhà máy Lọc dầu tại KKT Vũng Áng, kết hợp phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm sau thép, hóa dầu…

Hoạt động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tăng cường thu hút các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, PPP... để đầu tư xây dựng hoàn thiện đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, tuyến giao thông ven biển, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, làng nghề; hạ tầng dịch vụ Logistics trong KKT Vũng Áng, KKT Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, xây dựng các đô thị phát triển theo hướng văn minh, hiện đại gắn xây dựng nông thôn mới; phát triển nhanh các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp và công nghiệp hỗ trợ.

Tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển KKT Vũng Áng trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng biển lớn của cả nước, khu vực và quốc tế. KKT Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ lớn phía Tây của tỉnh. Ưu tiên nguồn lực đầu tư để đến năm 2017 thành phố Hà Tĩnh đạt đô thị loại II, năm 2018 thị xã Hồng Lĩnh đạt đô thị loại III. Quy hoạch và từng bướcđầu tưhoàn thiện kết cấuhạ tầng,xây dựng thị xã Kỳ Anh trở thành đô thị loại III vào năm 2020.

Hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển các dự án điện lực đầu tư theo hình thức BOT; tích cực xúc tiến kêu gọi đầu tư Nhà máy Lọc dầu tại Khu kinh tế Vũng Áng; kết hợp phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm sau thép, hóa dầu, như: sản xuất polypropylen, sợi tổng hợp, chất dẻo, phân bón tổng hợp, chất tẩy rửa và các sản phẩm khác... Đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư, từng bước lấp đầy các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tạo đà phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; kêu gọi đầu tư các ngành dệt may, giày dép... để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông - công nghiệp. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn. Thu hút các dự án đầu tư có sử dụng công nghệ hiện đại; các dự án đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản, thủ công mỹ nghệ. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. 

Tập trung phát triển công nghiệp sau thép, phát triển công nghiệp hỗ trợ, như: đóng tàu, cơ khí chế tạo thiết bị, máy móc, sản xuất hàng tiêu dùng. Khuyến khích các nhà đầu tư thứ cấp. Ưu tiên nguồn lực đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân, hộ cá thể, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh. Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người lao động.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư. Huy động và lồng ghép sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của các doanh nghiệp, nhân dân và các nguồn tài trợ với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Đẩy mạnh xã hội hoá trong đầu tư phát triển; khuyến khích, ưu đãi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nông thôn mới và các lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục đào tạo, thể thao, môi trườngThực hiện việc bán, cho thuê, nhượng quyền quản lý, khai thác các hạ tầng hiện có mà nhà nước đang quản lý, nhằm tạo ra những nguồn tài chính mới trong đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường. Đối với các công trình, dự án đầu tư mới có thể thực hiện cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” hoặc nhà đầu tư được hưởng lợi từ việc sở hữu, khai thác, kinh doanh các loại hình dịch vụ khác đang thuộc quyền quản lý của nhà nước. Tiếp tục chuyển đổi cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập có thu sang cơ chế cung ứng dịch vụ, thực hiện đấu thầu các dịch vụ do nhà nước đặt hàng nhằm khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế tham gia.

2.Đẩy mạnh cải cách hành chính, bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi tăng cường thu hút đầu tư; tích cực huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Tăng cường mở rộng, hợp tác và phát triển kinh tế đối ngoại giai đoạn 2013 - 2015 và những năm tiếp theo”; nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại, tranh thủ tối đa nguồn lực đầu tư từ bên ngoài để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư bằng nhiều hình thức thích hợp; tranh thủ sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan ngoại giao để vận động, thu hút nguồn vốn FDI, ODA, NGO; vận động con em người Hà Tĩnh ở ngoại tỉnh và nước ngoài về đầu tư xây dựng và phát triển quê hương. Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên cơ sở danh mục các lĩnh vực trọng điểm cần khuyến khích đã xác định; tăng cường xúc tiến đầu tư trực tiếp. Phấn đấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 đạt 500.000 tỷ đồng, trong đó vốn FDI chiếm trên 65%.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được xác định là mũi đột phá quan trọng, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu; đây là nhiệm vụ cấp bách đáp ứng yêu cầu phục vụ các công trình dự án trọng điểm, đồng thời là nhiệm vụ chiến lược lâu dài bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Trên cơ sở tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29 của BCH Trung ương Đảng (khoá XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết 05 ngày của Tỉnh ủy về phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đến năm 2015 và những năm tiếp theo; Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hà Tĩnh đã được tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 878 ngày 27/3/2012 của UBND tỉnh đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục - đào tạo.

Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, năng lực, phẩm chất đạo đức, kỹ năng sống cho người học. Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệm, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo.

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, quản lý, theo dõi, tư vấn, phân luồng học sinh chuyển sang học nghề từ trung học cơ sở. Phấn đấu đến năm 2020, có trên 90% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương; gắn đào tạo với nhu cầu nguồn nhân lực và tạo việc làm. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tuyển sinh, đào tạo nghề mới cho 125 nghìn học sinh, sinh viên. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70% vào cuối năm 2020, trong đó có bằng cấp chứng chỉ trên 30%. Tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số chính sách về đào tạo - giải quyết việc làm, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và đảm bảo nhân lực cho KKT Vũng Áng; tập trung đầu tư mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng đào tạo nghề phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tế của thị trường, đẩy mạnh liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động và của xã hội trên địa bàn. Xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới; đổi mới chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ vào giáo dục và đào tạo. Thực hiện đồng bộ chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng cơ chế, chính sách, môi trường làm việc để thu hút con em Hà Tĩnh về địa phương làm việc.

Bên cạnh đó, cần phải gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nguồn nhân lực của con người Hà Tĩnh với truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng để đánh giá về nguồn nhân lực, để biết tiếp cận khoa học và công nghệ, hội nhập trong thời kỳ mới. Khoa học và công nghệ phát triển mạnh là động lực đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh, thúc đẩy kinh tế tri thức, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng… Chính vì vậy, giai đoạn tới ưu tiên nguồn lực đầu tư và tăng cường các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ theo hướng bám sát thực tiễn của đời sống xã hội, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và chất lượng cuộc sống của người dân. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 20 của BCH Trung ương Đảng khoá IX, Nghị quyết số 09 của BCH Đảng bộ tỉnh khoá XVII về phát triển khoa học và công nghệ trong giai đoạn mới, đảm bảo yêu cầu hội nhập và phát triển của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới về giống, công nghệ trong sản xuất, chế biến, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; khuyến khích ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, trong đó ưu tiên thông qua doanh nghiệp; tạo sự đồng nhất về giống, công nghệ sản xuất, để tạo sự đồng nhất về sản phẩm với quy mô lớn. Ưu tiên đầu tư thỏa đáng để đưa các giống, công nghệ cao, cơ giới hoá vào sản xuất; phát triển các cơ sở bảo quản, chế biến gắn với vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng và lợi thế cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong nước và một số sản phẩm ở thị trường thế giới.

3. Đầu tư phát triển mạnh dịch vụ thương mại, du lịch trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh và liên kết vùng, liên vùng và khu vực.

Khai thác lợi thế của KKT Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, đầu tư hoàn thành kết cấu hạ tầng dịch vụ cảng biển Vũng Áng - Sơn Dương, hình thành các khu Logisics có hiệu quả; hình thành các trung tâm dịch vụ thương mại và hậu cần cho các đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp. Hoàn thành đưa vào sử dụng Trung tâm thương mại tổng hợp hiện đại tại TP Hà Tĩnh của Tập đoàn Vincom; các trung tâm thương mại, dịch vụ và nhà ở tại thị xã Kỳ Anh và các địa phương khác trong toàn tỉnh. Triển khai dự án khách sạn tại Trung tâm thương mại chợ Hội (Cẩm Xuyên) gắn với phát triển du lịch Hồ Kẻ Gỗ và khu du lịch biển Thiên Cầm. Quan tâm đầu tư xây dựng một số chợ đầu mối; mở rộng, nâng cấp hệ thống chợ nông thôn và các thị tứ; tăng cường công tác quản lý thị trường, nhất là chất lượng các loại hàng hóa; xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Kết nối chuỗi từ sản xuất, tiêu thụ, du lịch trong tỉnh, trong nước và quốc tế... Khai thác có hiệu quả các Trung tâm thương mại- Siêu thị hiện có trên địa bàn: Coopmart, Ocean Mart....

Phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch văn hóa, du lịch biển và sinh thái; tích cực xúc tiến, quảng bá du lịch với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; nâng cao chất lượng các dịch vụ, sản phẩm du lịch và hạ tầng du lịch. Khai thác có hiệu quả thị trường khách quốc tế, nhất là du khách đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Thái Lan và các nước khác trong khối ASEAN; đồng thời hết sức chú trọng khai thác thị trường khách du lịch nội địa, vùng và liên vùng. Triển khai xây dựng trạm dừng chân cho khách du lịch đường bộ, du lịch caravan trên 3 tuyến đường: Hồ Chí Minh - Quốc lộ IA - Quốc lộ 8A. Củng cố mối quan hệ hợp tác truyền thống giữa các tỉnh 3 nước (Việt Nam - Lào - Thái Lan) có sử dụng đường 8, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách quốc tế qua Cửa khẩu Cầu Treo. Chú trọng phát triển các tour, tuyến du lịch trọng điểm: nội tỉnh, liên vùng, quốc tế, du lịch tâm linh… Tuyên truyền quảng bá và xúc tiến du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ và tinh thần thái độ phục vụ, từng bước tạo lập và nâng cao hình ảnh con người và quê hương Hà Tĩnh trong lòng bè bạn trong nước và quốc tế.

Tiếp tục thực hiện Đề án phát triển xuất khẩu đến năm 2020. Đa dạng hàng hóa xuất khẩu, đảm bảo tính bền vững trong cơ cấu xuất khẩu, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm của tỉnh.

Tích cực huy động các nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; phát triển mạnh các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, hộ cá thể nhằm tăng nhanh nguồn thu ngân sách trên từng địa bàn gắn với tiết kiệm chi. Nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng; tăng cường huy động vốn, mở rộng đầu tư tín dụng, đảm bảo nguồn vốn cho phát triển.

Những năm tới, bên cạnh những thời cơ và vận hội lớn, Hà Tĩnh sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trên con đường phát triển. Tình hình đó, đòi hỏi sự đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà trong việc thực hiện thành công 3 mũi đột phá trong nhiệm kỳ tiếp theo, đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh và bền vững.

[1] Trong đó: Năm 2011 đạt 11,68%, năm 2012 đạt 13,44%, năm 2013 đạt 19,2%, năm 2014 đạt 26,01%, năm 2015 dự kiến đạt 24%.


    Ý kiến bạn đọc