Tranh thủ thời cơ, huy động mọi nguồn lực đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững theo hướng văn minh, hiện đại
EmailPrintAa
16:34 26/10/2015

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 trong bối cảnh thế giới, khu vực có những diễn biến phức tạp; tình hình trong nước, trong tỉnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của suy thoái trong những năm đầu nhiệm kỳ, Hà Tĩnh triển khai nhiều công trình, dự án trọng điểm phải giải phóng mặt bằng, di dời tái định cư cho hàng ngàn hộ dân; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều phức tạp.... Song với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ hiệu quả của Trung ương, Hà Tĩnh đã nỗ lực phấn đấu giành được những kết quả nổi bật và toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế phát triển nhanh, thu ngân sách đạt cao; văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển; quốc phòng - an ninh được đảm bảo; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường. Cơ bản “về đích” trước một năm các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, tạo thuận lợi để tỉnh nhà thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch 5 năm 2015 -2020.

Võ Kim Cự - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh

5 năm qua, Hà Tĩnh đã tập trung triển khai và phát huy hiệu quả các dự án trọng điểm trên địa bàn, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Khu Kinh tế Vũng Áng đã trở thành một trong năm khu kinh tế trọng điểm quốc gia với các dự án tầm cỡ khu vực: Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn Formosa có tổng mức đầu tư gần 10 tỷ USD; Trung tâm điện lực Vũng Áng, tổng công suất lên đến 7.000MW; Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được mở rộng, nâng cấp đã và đang thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh…

Hoạt động đối ngoại và kinh tế đối ngoại được mở rộng và tăng cường, đặc biệt là quan hệ với các tỉnh của Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan, đại sứ quán và các tổ chức doanh nghiệp các nước Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Cannada… Đến nay đã thu hút được 64 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký 17 tỷ USD.

Tỉnh đã tập trung huy động các nguồn vốn để xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 15, Quốc lộ 8, tuyến đường ven biển và các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, đường liên xã được đầu tư làm mới, cải tạo, nâng cấp đảm bảo thuận lợi đi lại cho nhân dân; hệ thống cảng biển được ưu tiên đầu tư, đặc biệt là cảng nước sâu Sơn Dương thiết kế đón tàu trọng tải 30 vạn tấn. Cảng Vũng Áng, cảng Xuân Hải được đầu tư mở rộng, tạo điều kiện để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội vùng và liên vùng.

Lĩnh vực thương mại - dịch vụ phát triển khá. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân giai đoạn 2011 -  2015 đạt trên 34,6%. Giá trị hàng hóa nhập khẩu tăng nhanh, giai đoạn 2011 - 2015 dự kiến đạt 15,87 tỷ USD; riêng năm 2015 đạt 3,35 tỷ USD.

Lĩnh vực nông nghiệp được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đồng bộ từ hoạch định chủ trương, ban hành chính sách đến triển khai thực hiện sát, đúng với thực tiễn của tỉnh. Đề án tái cơ cấu nền kinh tế được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tổ chức sản xuất theo hướng doanh nghiệp hóa sản phẩm, liên kết hóa sản xuất và xã hội hóa đầu tư, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị sản phẩm nông nghiệp. Chính sách khuyến nông đã được phát huy tốt, xây dựng được 8.000 mô hình sản xuất có hiệu quả, trong đó có nhiều mô hình có doanh thu trên 1 tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt là mô hình sử dụng cộng nghệ cao sản xuất rau, củ, quả trên cát mang lại hiệu quả kinh tế cao từng bước được nhân rộng. Năm năm qua, tốc độ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp bình quân đạt 5,46%/năm (chỉ tiêu Đại hội trên 3,3%/năm); giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt trên 70 triệu tấn/ha (chỉ tiêu Đại hội XVII trên 65 triệu đồng); sản lượng lương thực đạt trên 51 vạn tấn, cao nhất từ trước đến nay.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, với nhiều cơ chế, chính sách linh hoạt, có nhiều cách làm sáng tạo, đạt kết quả toàn diện, được cán bộ đảng viên và nhân dân đồng thuận, hưởng ứng, tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, toàn tỉnh có trên 99 nghìn hộ dân hiến đất với trên 5 triệu m2, trị giá hàng chục tỷ đồng; xây dựng 412 Khu dân cư  nông thôn mới kiểu mẫu, 800 vườn mẫu; nhựa hoá và bê tông hoá hơn 3,4 nghìn km đường giao thông, kiên cố hoá gần 720 km kênh mương thuỷ lợi, xây dựng 968 nhà văn hóa, 880 khu thể thao thôn xóm, khối phố. Đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên, diện mạo nông nghiệp, nông thôn ngày càng khởi sắc, đổi mới. Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh đã được Trung ương đánh giá là điểm sáng của cả nước; dự kiến đến cuối năm 2015, có 52 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm gần 23% tổng số xã (chỉ tiêu Đại hội 47 xã, chiếm 20%), không còn xã dưới 8 tiêu chí.

 Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt gần 18% (chỉ tiêu Đại hội trên 14%; giai đoạn 2006 - 2010 đạt 9,6%). GDP bình quân đầu người dự kiến đạt trên 44 triệu đồng (chỉ tiêu Đại hội 35 triệu đồng). Đây là con số ấn tượng, thể hiện sự phát triển vượt bậc của Hà Tĩnh trong điều kiện khó khăn chung và là dấu mốc quan trọng để mở ra bước đột phá về thu ngân sách, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh luôn chăm lo phát triển văn hóa - xã hội. Truyền thống hiếu học của quê hương “địa linh nhân kiệt” tiếp tục được phát huy, giáo dục Hà Tĩnh nhiều năm qua luôn được xếp vào tốp các tỉnh, thành dẫn đầu cả nước. Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, chất lượng giáo dục mũi nhọn được nâng cao, có học sinh đạt Huy chương vàng, Huy chương đồng Olimpic Toán quốc tế. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm có nhiều chuyển biến tích cực. Thực hiện đầy đủ, kịp thời  chế độ cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, làm tốt công tác an sinh xã hội, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5%, hộ cận nghèo còn 9%. Hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa được quan tâm thỏa đáng. Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Quốc phòng - an ninh tiếp tục được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; tai nạn giao thông được kiềm chế, tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi. Các vụ việc nổi cộm phát sinh được kiểm soát kịp thời, sớm ổn định tình hình, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tiến bộ. Các đảng bộ, chi bộ đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với thực hiện Chỉ thị 03 - CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Một số tập thể, cá nhân có sai phạm được xử lý kịp thời, thấu tình, đạt lý, từng bước uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, suy thoái trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, tạo niềm tin trong nhân dân.

Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh ở các ngành, các cấp. Chỉ thị 35, Kết luận 05, Chỉ thị 20 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được ban hành kịp thời, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, thực sự đi vào cuộc sống, góp phần chấn chỉnh một bước về tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Đặc biệt đã tập trung cải cách hành chính, cắt giảm 1/3 thủ tục thành phần hồ sơ, giảm 1/2 thời gian giải quyết nhanh các vấn đề cho người dân và doanh nghiệp; từng bước xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Công tác tổ chức, cán bộ được triển khai đồng bộ và có nhiều đổi mới; công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường; công tác vận đồng quần chúng ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân luôn hướng mạnh về cơ sở...

Những kết quả toàn diện, nổi bật trên các lĩnh vực của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đã đạt được trong nhiêm kỳ 2010 - 2015 là hết sức quan trọng, tạo thế và lực mới để chúng ta tiếp tục tự tin, vững bước trên con đường xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu mạnh.

Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, xác định rõ phương hướng, mục tiêu tổng quát là “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ, đoàn kết; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững theo hướng công nghiệp hiện đại”. Trong đó đã đề ra các chỉ tiêu phấn đấu chủ yếu như: Tốc độ tăng trưởng bình quân trên 22%/năm; GDP bình quân đầu người đạt trên 120 triệu đồng, thu nhập bình quân đạt 80 triệu, khu vực nông thôn đạt 65 triệu đồng/người; thu ngân sách đạt trên 46 nghìn tỷ đồng; trên 50% số xã và 3-4 huyện đạt chuẩn NTM; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,5 - 3%/năm; hàng năm có trên 70% tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh... Đặc biệt, tập trung vào các khâu đột phá của tỉnh: “1. Đa dạng hoá huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng sớm trở thành khu kinh tế động lực có tầm cỡ quốc gia, quốc tế; phát triển nhanh các ngành công nghiệp nặng, cơ khí, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và công nghiệp hỗ trợ. 2. Thực hiện đồng bộ cải cách hành chính; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện. 3. Đầu tư phát triển các đô thị theo hướng văn minh, hiện đại gắn xây dựng nông thôn mới; phát triển dịch vụ thương mại, du lịch trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh và liên kết vùng, liên vùng và khu vực. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức không nhỏ, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm chính trị cao của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong suốt cả nhiệm kỳ.

Trước hết, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) trên cơ sở khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm trong nhiệm kỳ qua, đồng thời thường xuyên chú ý ngăn ngừa, ngăn chặn những nguy cơ có thể phát sinh khuyết điểm. Chú trọng xây dựng và nâng cao uy tín của từng tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, từng cán bộ, đảng viên; phát huy nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm cá nhân, tinh thần tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong toàn Đảng bộ, đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang đảm bảo phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Giải quyết dứt điểm, kịp thời khiếu nại, tố cáo của công dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn.

Tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động; duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững; thực hiện quan điểm phát triển hài hòa giữa các vùng miền và khu vực trong tỉnh, đảm bảo an sinh và công bằng xã hội. Đa dạng hóa việc thu hút nguồn vốn, huy động tối đa các nguồn lực của toàn xã hội cho đầu tư phát triển. Tranh thủ sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, các cơ quan ngoại giao nhằm vận động nguồn vốn ODA, NGO… Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tích cực đầu tư nhiều dự án vào Hà Tĩnh. Xây dựng và phát triển Khu Kinh tế Vũng Áng trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng biển lớn nhất cả nước, khu vực và quốc tế; Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ lớn nhất phía Tây của tỉnh; tích cực xúc tiến kêu gọi đầu tư Nhà máy Lọc dầu tại Khu Kinh tế Vũng Áng; kết hợp phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm sau hóa dầu; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn…; Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nền nông nghiệp đi vào chiều sâu; mô hình tăng trưởng mới nhằm phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, trong đó chú trọng sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực.

 Huy động cả hệ thống chính trị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu; ưu tiên ngân sách các cấp, hoàn thiện cơ chế, tạo động lực đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng gắn với khu dân cư kiểu mẫu. Làm cho diện mạo của nông thôn Hà Tĩnh ngày càng đổi mới, giàu đẹp và văn minh.

Quan tâm thỏa đáng đầu tư phát triển mạnh thương mại, dịch vụ phục sản xuất và đời sống dân sinh, ưu tiên phát triển các loại hình dịch vụ như CNTT, viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm… Khai thác lợi thế của Khu Kinh tế Vũng Áng và Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng dịch vụ cảng biển Vũng Áng - Sơn Dương; hình thành các trung tâm thương mại và và hậu cần cho các đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp...

Chú trong phát triển các lĩnh vực văn hóa xã hội. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 33 của Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đầu tư cho văn hóa tương xứng với sự phát triển kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới. Quan tâm chăm lo công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, đảm bảo dân chủ, kỷ cương phép nước, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội. Kiện toàn, sắp xếp cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức hội theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là tài chính, đất đai, khoáng sản, thuế… Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo công dân. Thường xuyên đề cao cảnh giác, chủ động nắm chắc tình hình, nâng cao sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang, bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh các tuyến biên giới, hải đảo. Tăng cường hoạt động của các lực lượng chức năng trong đấu tranh, truy quét, trấn áp các loại tội phạm, tệ ạn xã hội; kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. 

Chặng đường 5 năm tới của Hà Tĩnh sẽ còn không ít khó khăn, thách thức, song yếu tố thuận lợi vẫn là cơ bản, tin tưởng sâu sắc rằng với thế mạnh của vùng quê giàu truyền thống văn hóa và cách mạng; kế thừa và phát huy những kết quả và thành tựu đã đạt được cùng với sự đoàn kết, thống nhất của toàn Đảng bộ, sự đồng thuận của nhân dân; dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất định Hà Tĩnh sẽ phát triển nhanh và bền vững theo hướng văn minh, hiện đại, xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của mảnh đất “địa linh nhân kiệt”.

V.K.C


    Ý kiến bạn đọc