Năm 13 tuổi (1919), Hà Huy Tập thi đỗ thủ khoa tại trường tỉnh và được đặc cách vào thẳng trường Quốc học Huế. Năm 1923, tốt nghiệp Quốc học Huế với tấm bằng hạng ưu và được bổ vào dạy học tại trường tiểu học Pháp - Việt, thị trấn Nha Trang. Năm 1926, chuyển về dạy ở trường Cao Xuân Dục, thành phố Vinh. Hà Huy Tập tham gia hoạt động trong tổ chức Hội Phục Việt (sau đổi thành Hội Hưng Nam), tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ cách mạng cho học sinh, công nhân, nông dân; tổ chức quần chúng đấu tranh chống bọn thực dân, phong kiến. Thấy rõ sự phát triển của Hội Hưng Nam và vai trò của Hà Huy Tập, chính quyền thực dân Pháp đã tìm mọi cách loại đồng chí ra khỏi phong trào công nhân. Hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của địch, Hội Hưng Nam đã chuyển Hà Huy Tập vào Sài Gòn hoạt động. Trong thời gian ở Sài Gòn, Hà Huy Tập cùng với một số đồng chí trong Hội Hưng Nam sáng lập ra Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng Đảng ở Nam kỳ do Nguyễn Đình Kiên làm Bí thư, Hà Huy Tập làm thư ký. Tháng 12-1928, Hà Huy Tập rời Sài Gòn sang Trung Quốc hoạt động, được Quốc tế Cộng sản cử sang học tại trường Đại học Phương Đông (Liên Xô). Trong thời gian học ở Trường, Hà Huy Tập say mê nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của C.Mác - Ph.Ăng-ghen, V.I.Lê-nin, các văn kiện của Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Liên Xô; Hà Huy Tập đã viết nhiều bài gửi tạp chí Bôn-sơ-vích - cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản Pháp và biên soạn nhiều tài liệu khác gửi Quốc tế Cộng sản.
Tháng 3/1932, Hà Huy Tập tốt nghiệp trường đại học Phương Đông và ở lại Liên Xô hoạt động. Trong thời gian ở Liên Xô, Hà Huy Tập viết cuốn sách “Sơ thảo lịch sử Đảng Cộng sản Đông Dương”. Cuốn sách nêu bật lịch sử đấu tranh oanh liệt của quần chúng công nông, vai trò và uy tín của đảng viên Cộng sản, rút ra những bài học về phương pháp đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc của kẻ địch. Giữa năm 1933, Hà Huy Tập bí mật về Trung Quốc, bắt liên lạc với Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai và một số đồng chí khác lập ra Ban Chỉ huy ở ngoài, do Lê Hồng Phong làm thư ký và Hà Huy Tập làm ủy viên phụ trách tuyên truyền cổ động, Tổng Biên tập tạp chí Bôn-sơ-vích. Nhiệm vụ trọng tâm của Ban là khôi phục lại các tổ chức Đảng trong nước bị địch phá vỡ sau cao trào cách mạng 1930 - 1931 và chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội lần thứ nhất của Đảng.
Sau một thời gian chuẩn bị, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất đã họp tại Ma Cao (Trung Quốc) từ ngày 27 đến ngày 31/3/1935. Đồng chí Hà Huy Tập chủ trì và đọc Báo cáo chính trị của Đại hội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Trung ương gồm 5 người, do đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư, đồng chí Hà Huy Tập làm Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài. Thời gian này do đồng chí Lê Hồng Phong bận đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, nên thực chất trọng trách lãnh đạo cách mạng do Hà Huy Tập đảm nhiệm.
Tháng 7/1936, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương đã phân công đồng chí Hà Huy Tập về nước tổ chức lại Ban Chấp hành Trung ương mới và khôi phục các tổ chức Đảng trong nước. Ngày 12/10/1936, Hà Huy Tập triệu tập Hội nghị cán bộ để bầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Tại Hội nghị này, đồng chí chính thức được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Trong thời gian làm Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Hà Huy Tập đã tận dụng được thuận lợi do tình hình quốc tế đem lại, tích cực lăn lộn trong phong trào quần chúng, móc nối với các tổ chức Đảng trong nước, sớm hình thành được Ban Chấp hành Trung ương từ tháng 10/1936. Đồng chí đã triệu tập và chủ trì ba Hội nghị Trung ương (tháng 3/1937, tháng 9/1937 và tháng 3/1938); tổng kết tình hình, đề xuất chủ trương, biện pháp lãnh đạo, cùng với tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thử thách, đưa phong trào tiến lên những bước mới.
Vốn là người say mê nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, đã từng là Tổng Biên tập tạp chí Bôn-sơ-vích, Hà Huy Tập thấu hiểu vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và quần chúng, nên ngay từ khi trở lại Sài Gòn, đồng chí đã tập trung mọi nỗ lực chỉ đạo mở rộng các hoạt động tuyên truyền, cổ động thông qua các báo chí công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp của Đảng để đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng tới đảng viên và quần chúng. Trong điều kiện Đảng ta còn phải hoạt động dưới sự kiểm soát của chính quyền thực dân, Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã cho ra đời tờ báo bằng tiếng Pháp L'Avant Garde (Tiền phong) với danh nghĩa là cơ quan của lao động và nhân dân Đông Dương, thực chất là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương. Báo chính thức ra đời ngày 29/5/1937 tại Sài Gòn với Tuyên ngôn mang tiêu đề Hội những người lao động, những người bị áp bức ở Đông Dương, Hà Huy Tập đã khẳng định rõ mục đích của tờ báo. Là cơ quan ngôn luận đầu tiên của Trung ương Đảng được ra hoạt động công khai, nội dung tờ báo rất phong phú, phản ánh khá toàn diện những vấn đề nóng bỏng của phong trào cách mạng Đông Dương trong cuộc đấu tranh đòi tự do, cơm áo và hoà bình. Đặc biệt, tờ báo rất quan tâm đến tuyên truyền đường lối của Đảng và cuộc đấu tranh chống bọn Tờ-rốt-xkít.
Tháng 5/1937, Hà Huy Tập với bút danh Thanh Hương công bố tác phẩm Tờ-rốt-xkít và phản cách mạng được Tiền Phong thư xã xuất bản ở Sài Gòn. Trong năm 1937, cũng với bút danh Thanh Hương, Hà Huy Tập đã xuất bản cuốn sách Vì sao phải ủng hộ Mặt trận bình dân Pháp. Ngày 28/8/1937, sau khi báo L'Avant-Garde bị đình bản, Đảng ta thuê tờ báo Kịch Bóng của tư nhân để làm cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng, Hà Huy Tập là Tổng Biên tập. Ngày 24/9/1937, báo Le Peuple (Nhân dân) - cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng ra số đầu tiên, Hà Huy Tập tiếp tục là Tổng Biên tập. Sự ra đời của báo L'Avant- Garde và Le Peuple bằng tiếng Pháp với chức năng là cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng là một cố gắng lớn của Đảng ta, trong đó có đóng góp to lớn của Tổng Bí thư, Tổng Biên tập Hà Huy Tập. Những tờ báo đó cùng những bài viết của Hà Huy Tập thời kỳ này đã góp phần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, cổ động của Đảng và là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự ra đời một số tờ báo bằng tiếng Pháp và tiếng Việt theo xu hướng tiến bộ, ủng hộ cách mạng xuất hiện sau đó. Đó là kết quả rất đáng tự hào về sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, trong đó có sự đóng góp to lớn của nhà lý luận sắc sảo Hà Huy Tập.
Đang say sưa, nhiệt tình hoạt động cách mạng thì trong một lần đi thị sát cuộc đấu tranh của nhân dân do Đảng ta tổ chức tại Sài Gòn, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1938, Hà Huy Tập bị địch bắt và đưa về giam ở Khám Lớn, Sài Gòn. Kẻ thù đã dùng những thủ đoạn dã man nhất tra tấn đồng chí, nhưng cuối cùng chúng phải khuất phục trước tinh thần gang thép của người cộng sản. Trước tòa án của thực dân Pháp, đồng chí đã khảng khái nói: “Tôi chả có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống, tôi tiếp tục hoạt động”. Ý chí và nghị lực của đồng chí Hà Huy Tập, Tổng Bí thư thứ ba của Đảng, đã nêu tấm gương sáng, cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng cho các chiến sĩ cộng sản và các tầng lớp nhân dân.
Ngày 28/8/1941, thực dân Pháp đã xử bắn đồng chí Hà Huy Tập. Đồng chí ngã xuống ở tuổi 35, độ tuổi đang tràn đầy sức lực và tài năng sáng tạo cống hiến cho cách mạng. Hà Huy Tập đi vào cõi vĩnh hằng một cách thản nhiên với lời hô: “Cách mạng muôn năm”. Đó chính là khí phách hiên ngang của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, thể hiện niềm tin son sắt vào thắng lợi tất yếu của cách mạng Việt Nam.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hà Huy Tập đã hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng và của dân tộc. Hà Huy Tập là chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lý luận chính trị sắc sảo, giữ vị trí hàng đầu trong hoạt động báo chí của Đảng thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Không chỉ là nhà lý luận sắc sảo, Hà Huy Tập còn là nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử đích thực, đã để lại khá nhiều tác phẩm quan trọng và tiêu biểu, phong phú về nội dung, đa dạng về thể loại, đặc sắc về cách diễn đạt. Tài năng và phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản Hà Huy Tập là tấm gương bất diệt để những người cộng sản và toàn thể nhân dân Việt Nam học tập và noi theo.
Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Tổng Bí thư Hà Huy Tập, nhằm ghi nhớ những công lao to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân, chúng ta tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
TS. Lê Văn Yên
Tin mới cập nhật
- Diễn văn bế mạc Đại hội XII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ( 05/02)
- Đảng bộ Hà Tĩnh có 2 đồng chí trúng cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ( 05/02)
- Tạo thế và lực mới để đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại ( 05/02)
- Năm mới, khí thế mới, quyết tâm đưa Nghị quyết XII của Đảng vào cuộc sống ( 05/02)
- Phát huy sức mạnh của văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc ( 05/02)