Năm mới, khí thế mới, quyết tâm đưa Nghị quyết XII của Đảng vào cuộc sống
EmailPrintAa
10:45 05/02/2016

Bước vào năm mới Bính Thân, đất nước chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII với khí thế mới. Ba mươi năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, một giai đoạn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong sự phát triển của nước nhà, đã tạo nên những cải biến sâu sắc và toàn diện, đem lại những thành tựu phát triển to lớn trong tiến trình lịch sử của dân tộc cũng như sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa hiện nay. Đất nước đã thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội và kém phát triển, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng khá; đói nghèo, lạc hậu được đẩy lùi, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, có mức thu nhập vào loại trung bình của thế giới. Chính trị xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được tăng cường, văn hoá - xã hội có bước phát triển tích cực. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy. Vai trò lãnh đạo của Đảng và sức mạnh của đất nước được nâng lên. Uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được đề cao. Phát huy những thành tựu đó, Đại hội XII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ là tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ, phát triển sáng tạo; sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Cùng với việc đánh giá đúng những thắng lợi to lớn, cần nhận diện rõ những khó khăn, thử thách và những yếu kém nội tại để khắc phục và rút kinh nghiệm cho phát triển. Trong thực tế đã bộ lộ rõ hơn nguy cơ tụt hậu của nước ta với các nước công nghiệp và nhiều nước trong khu vực; chất lượng tăng trưởng, năng suất hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp. Các mặt văn hoá - xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, môi trường còn nhiều bất cập; tham nhũng, tiêu cực vẫn chưa đẩy lùi có hiệu quả, cuộc sống Nhân dân ở một số vùng còn khó khăn… Nguyên nhân có nhiều, nhưng quy tụ là ở việc thực hiện đột phá chiến lược về kinh tế, đó là hoàn thiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ chuyển biến chậm và còn nhiều hạn chế; quản lý đất nước, quản lý xã hội còn nhiều bất cập.

Trước tình hình đó Đại hội XII của Đảng đã xác định cần đổi mới tư duy và phương thức đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Phải xem công nghiệp hoá, hiện đại hoá là một cuộc cách mạng, là sự nghiệp của toàn dân, của toàn xã hội. Tập trung chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, hướng vào xuất khẩu thay thế nhập khẩu, tham gia chuỗi sản xuất và giá trị toàn cầu; phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, du lịch, vận tải, viễn thông, giáo dục, y tế… Công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn cần tập trung xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu vệ sinh thực phẩm. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường đảm bảo sự định hướng xã hội chủ nghĩa; nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế có sự quản lý của Nhà nước. Tập trung cho phát triển khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực có chất lượng cao. Muốn phát triển được lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế tri thức, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế nhất thiết phải lấy khoa học - công nghệ làm động lực. Có cơ chế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ. Củng cố và nâng cao chất lượng các cơ sở, viện nghiên cứu khoa học - công nghệ theo hướng gắn liền với phát triển sản xuất, quan tâm đến mô hình quản lý hiện đại nhằm nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ là yêu cầu cấp thiết để giải quyết một trong những điểm nghẽn trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá của nước ta. Cần có quy hoạch thật tốt đầu tư cho phát triển hệ thống giao thông; phát triển nguồn điện; phát triển đồng bộ các công trình thuỷ lợi; hiện đại hoá ngành thông tin truyền thông… Nâng cao chất lượng và quản lý tốt quy hoạch đô thị; hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp đáp ứng yêu cầu sản xuất và bảo vệ môi trường. Chủ động hội nhập quốc tế và nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia. Tận dụng được cơ hội hội nhập quốc tế gắn với việc tham gia nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu, thực hiện có hiệu quả các hiệp định song phương, đa phương đã ký kết. Chuẩn bị lực lượng để cạnh tranh thắng lợi trên sân nhà khi mở cửa thị trường cho các đối tác nước ngoài vào nước ta. Giảm thiếu tác động tiêu cực trong quá trình hội nhập, xây dựng nền kinh tế tự chủ, giữ vững chủ quyền quốc gia. Tiến hành cải cách hệ thống chính trị quốc gia toàn diện và sâu sắc. Tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách theo những chuẩn mực giá trị hiện đại. Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước các cấp theo hướng tinh gọn, đảm bảo hiệu lực và hiệu quả quản lý ở các cấp. Có cơ chế phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cửa quyền có hiệu lực.

Để thực hiện được những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội rất cơ bản như trên, Đại hội Đảng đã nêu ra một hệ thống giải pháp, trong đó tập trung và quy tụ nhất là xây dựng được hệ thống chính trị vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và ra sức chiến đấu của Đảng cầm quyền có chính trị vững vàng, tư tưởng tiên tiến, tổ chức thống nhất và đoàn kết, đạo đức cách mạng trong sáng; bộ máy quản lý Nhà nước trong sạch hết lòng vì dân; các đoàn thể Nhân dân hoạt động có hiệu quả; tập hợp, đoàn kết được toàn dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức có phẩm chất đạo đức, có ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ Nhân dân. Từ định hướng lớn của Nghị quyết Đại hội Đảng, các cấp, các ngành vận dụng vào thực tiễn thành hành động cách mạng cụ thể với những giải pháp phù hợp và sáng tạo để Nghị quyết thành hiện thực.

Kinh nghiệm 86 năm lãnh đạo cách mạng, cho thấy, khi có lý luận dẫn đường soi sáng, có cương lĩnh và nghị quyết đúng đắn sáng tạo, khoa học, phù hợp, được đông đảo Nhân dân ủng hộ và đồng tình thực hiện; bộ máy cầm quyền có hiệu lực và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cầm quyền có phẩm chất tốt có năng lực giỏi, không việc gì không thành công. Xuyên suốt vào linh hồn của những vấn đề lớn mang tính quy luật và rút ra từ thực tiễn như đã nêu, cần thực thi thống nhất và sâu sắc mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Đây là một cơ chế thống nhất và đặc trưng của văn hoá chính trị Việt Nam hiện đại trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân và hội nhập quốc tế. Đó cũng là yếu tố cơ bản nhất để Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, đảm bảo đưa đất nước phát triển theo hướng hiện đại, gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội và sánh vai với các cường quốc năm châu.

TS. Đặng Duy Báu


    Ý kiến bạn đọc