Bền sâu mạch nguồn Ví Giặm
EmailPrintAa
14:35 15/04/2016

Bất cứ khi nào, được thu vào tầm mắt cái hùng vỹ của dãy Ngàn Hống hoặc cái mênh mang, hiền dịu của dòng La, Lam xanh mơ màng, trong tâm trí tôi cũng ngân lên những câu hát giặm: “Quanh quanh đường vô Xứ Nghệ/ Ôi sơn thuỷ hữu tình/ Miền nước biếc non xanh/ Mênh mang câu Ví Giặm/ Sâu nặng nghĩa tình câu Ví Giặm”.Có lẽ chính sức sống nội sinh mạnh mẽ, cái nghĩa tình sâu nặng ẩn chứa trong mỗi câu hát của người Nghệ, đã khiến một thổ sản văn hoá vùng miền bước ra thế giới, thành di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Anh Hoài

 Có một ngày, tôi vô tình bắt gặp một cuộc hát Ví, Giặm của người dân khi ngang qua ngôi làng cổ Trường Lưu nổi tiếng của Can Lộc. Sự xúc động sâu sắc đã dẫn tôi trởvề với hình ảnh những chàng trai Tiên Điền tài hoa vượt truông Cố Ghép trên dãy Ngàn Hống để sang Trường Lưu hát đối, hát hò với những thôn nữ ngồi sau khung cửi. Chính họ đã tạo nên nét độc đáo của Ví phường vải Trường Lưu mà không có nơi nào trên dải đất Lam Hồng này có được. Nó cũng tựa như sự độc đáo của Giặm Đức Sơn (Thanh Chương - Nghệ An), hay Ví trèo non, đò đưa… ở những vùng khác. Tuy vậy, tất cả đều cùng gặp gỡ nhau ở một điểm chung để tạo nên màu sắc riêng biệt, độc đáo của dân ca Ví Giặm mà không vùng miền nào khác có được. Ở bất kỳ nơi đâu, khi nghe câu ví giặm người ta cũng có thể nhìn rõ cái sóng sánh của sông nước, cái hùng vĩ hay cheo leo của núi non, cái lồng lộng của trời xanh và cái thăm thẳm của tâm hồn, của tình người xứ Nghệ.

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là một hình thức văn nghệ dân gian hình thành từ chính trong những công việc hàng ngày của Nhân dân. Ở bất cứ nơi đâu, bên khung cửi, trên đồng ruộng, trên sông nước hay non cao… những người dân Nghệ Tĩnh có tài năng ca hát và khả năng ứng biến ngôn ngữ linh hoạt đều có thể cất lên khúc hát của tâm hồn mình mà không cần sự hỗ trợ của bất kỳ nhạc cụ nào. Những câu hát đơn sơ, mộc mạc và khúc điệu đầy biểu cảm được thoát thai từ ruộng đồng, sông nước, từ những tâm hồn mộc mạc mà tinh tế, giản dị mà sâu sắc đã dần dần định hình thành thể hát dân ca sinh hoạt trữ tình, tồn tại vững chắc trong lòng bao thế hệ. Có lẽ khi khai sinh ra câu hò, điệu ví, những cư dân cổ xưa ở vùng đất phên giậu, lắm nắng nhiều mưa Nghệ Tĩnh không ngờ có một ngày nó lại trở thành một trong những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ở đâu có lao động, ở đó có Ví Giặm. Người lao động xứ Nghệ hát cho vui, cho quên bớt mệt nhọc và để thể hiện tình cảm của mình với bạn tình. Dần dần các cách hát đã định hình thành 3 thể loại: Ví, Giặm và Hò. Cơ bản, nội dung bài hát Ví là một cuộc chơi đối đáp rất nho nhã về chữ nghĩa. Mỗi điệu hát, một nỗi niềm, một cách thể hiện riêng, nhưng tất cả đều tha thiết lắng đọng, mộc mạc chân chất như chính hồn quê Xứ Nghệ.Làn điệu Ví trước sau chỉ là một, nhưng biến hóa vô cùng về âm sắc. Giọng hát Ví cất lên nghe trầm trầm, tha thiết, lắng sâu vào lòng người, nghe có gì nấc nghẹn trong lòng, đứng gần nghe như nhắn nhủ, như nỉ non tâm sự, đứng xa nghe man mác, bâng khuâng…

Có thể nói, Giặm là hình thức hát độc đáo, đậm dấu ấn thổ sản nhất của người Nghệ, chỉ có người Nghệ mới hát được Giặm còn khách phương xa có học cũng chỉ hát được điệu Ví, điệu Hò mà thôi. Giặm là thể hát nói có tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh, phách nhẹ và nhịp nội, nhịp ngoại. Lời hát chủ yếu là thơ ngụ ngôn, thường thì cứ 4 câu lại lặp lại câu 4, vì lẽ đó Giặm có nghĩa là đan cài, điền vào một chỗ thiếu. Lời bài hát Giặm rất sâu sắc bởi hầu hết đều do nho sỹ sáng tác rồi được nhân dân yêu thích và phổ biến. Trong hát Giặm có thể phân biệt được nhiều làn điệu như Giặm kể, Giặm cửa quyền, Giặm ru, Giặm nối, Giặm xẩm, Giặm mời trầu… Do làn điệu sôi nổi và không cần đến tài ứng biến ngôn ngữ linh hoạt của người hát nên hát Giặm về sau này khá phổ biến trong những sinh hoạt văn nghệ ở các miền quê Nghệ Tĩnh.

Ngoài Ví và Giặm, ở Nghệ Tĩnh còn có điệu Hò. Phổ biến ở 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh là các điệu Hò: kéo gỗ, kéo đá, leo núi, bơi thuyền, kéo lưới, đi đường, ra khơi… Về thể cách nó cũng giống những làn điệu hò của các vùng miền khác, chỉ khác ở âm hưởng dân ca Ví, Giặm và phương ngữ Nghệ Tĩnh.

Ví, Giặm Nghệ Tĩnh mang trong mình truyền thống của nhiều thế hệ, ẩn sâu trong đó văn hoá của cả một vùng đất.Bởi vậy, qua bao đổi thay của thời gian và thăng trầm của đời sống xã hội, tập quán sinh hoạt, dân ca Ví, Giặm không hề biến mất mà vẫn tồn tại trong đời sống nghệ thuật dưới nhiều hình thức đồng hành cùng đời sống của người dân nơi đây. Trong chiến tranh, Ví,Giặm là nguồn động viên, cổ vũ nhân dân, dân quân, bộ đội vững tâm chiến đấu, vượt khó bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Trong đời sống hôm nay, dân ca Ví,Giặm hiện hữu trong sinh hoạt văn nghệ làng xã, là nơi chuyển tải những mong ước, chuyển tải tình cảm của người dân với Đảng, với nước, với quê hương…

Không chỉ tồn tại độc lập, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh còn có sức ảnh hưởng lớn đến âm nhạc hiện đại. Những sáng tác đậm âm hưởng dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh đã được công chúng cả nước đón nhận và yêu mến. Có thể nhắc đến những tác phẩm như: Xa khơi, Chào em cô gái Lam Hồng, Cô dân quân làng Đỏ, Trồng cây lại nhớ đến Người, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Hương cau vườn Bác, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Câu đợi câu chờ, Hà Tĩnh quê mình, Về quê mình, Lời quê, Núi Hồng sông Lam, Sông La ngày về, Điệu ví giặm là em…

Với tính biểu cảm đa năng, tính phổ cập rất cao, ngày nay những câu ví vẫn được cất lên phía sau những luỹ tre xanh, sau những nhọc nhằn mưu sinh và trên những tình cảm đẹp đẽ của người dân Xứ Nghệ. Dân ca Ví,Giặm dù tồn tại dưới hình thức nào cũng mãi mãi luôn là niềm tự hào của người bản xứ, là nỗi nhớ, niềm thương níu kéo những bước chân lãng du níu bóng quay về…

A.H


    Ý kiến bạn đọc