Để xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, bền vững
EmailPrintAa
14:36 15/04/2016

Giai đoạn 2011 - 2015, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, khơi dậy sự đồng lòng, chung sức của cộng đồng dân cư, Hà Tĩnh đã có những đột phá trong xây dựng nông thôn mới (NTM), được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất trong phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”. Nông thôn trở thành “nơi đáng sống”

Khi bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn, như: cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ, thu nhập GDP bình quân đạt 12,7 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo 23,8%, bình quân mỗi xã đạt 3,5 tiêu chí, đặc biệt có 20 xã không có tiêu chí nào, 52% số xã đạt dưới 5 tiêu chí và chưa có xã nào trên 10 tiêu chí.

Sau 5 năm, bằng sự nỗ lực chung sức của cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân từ tỉnh đến cơ sở, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả khá cao, toàn diện, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn tỉnh nhà . Sản xuất liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 7,04%/năm, cao gấp 3,2 lần so với giai đoạn 2006 - 2010; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 23 triệu đồng, tăng 2,7 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo còn 5,82%, giảm bình quân 3,1%/năm; tất cả các tiêu chí đều nâng mức đạt chuẩn lên 2 đến 3 lần, bình quân mỗi xã đạt 13,7 tiêu chí (tăng 10,2 tiêu chí/xã so năm 2011), có 52 xã (chiếm 22,6%) đạt chuẩn nông thôn mới và không còn xã dưới 8 tiêu chí. Chương trình đã tạo được sự đồng thuận cao, sức lan tỏa lớn trong toàn xã hội, người dân đã ý thức được vai trò chủ thể của mình, chủ động, tự giác trong tổ chức thực hiện. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống người dân được cải thiện và nâng cao, nông thôn đang ngày càng trở thành là "Nơi đáng sống”.

Rút ra những bài học từ thực tiễn…

Để đạt được những kết quả trên, tỉnh đã tập trung thực hiện một số nội dung, giải pháp trọng tâm. Đó cũng chính là những kinh nghiệm được rút ra trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM, cụ thể:

Một là, tập trung cao cho công tác tuyên truyền, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, dành sự ưu tiên cao nhất cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và nông thôn mới; tạo được sự đồng thuận cao, sức lan tỏa lớn trong toàn xã hội, trở thành một cuộc cách mạng lớn thực sự ở nông thôn; người dân ý thức được vai trò chủ thể của mình, chủ động, tự giác cao trong tổ chức thực hiện. Cấp ủy, chính quyền các cấp đều dành thêm ngày thứ 7 cho NTM, thường xuyên kiểm tra, sâu sát cơ sở, đôn đốc, nhắc nhở, kịp thời tháo gỡ những nút thắt, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Hai là, tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp một cách mạnh mẽ, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hình thành các chuỗi liên kết theo sản phẩm trên từng lĩnh vực từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm và thu nhập nông dân. Ngay từ năm 2011, tỉnh đã sớm thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, với việc xác định các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, tập trung chỉ đạo tổ chức lại sản xuất theo mô hình tăng trưởng mới theo hướng “Doanh nghiệp hóa sản phẩm, liên kết hóa sản xuất, xã hội hóa đầu tư”, theo chuỗi liên kết “vừa tập trung, vừa phân tán”, đồng nhất về giống, công nghệ sản xuất, tạo sản phẩm có quy mô lớn, đồng nhất. Đã hình thành mới trên 10.000 mô hình sản xuất có hiệu quả, 2.000 doanh nghiệp, 1.100 hợp tác xã, 2.700 tổ hợp tác.

Ba là, ban hành đồng bộ hệ thống các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM và ưu tiên nguồn lực thực hiện từ nguồn tăng thu ngân sách. Trước những năm 2010, mỗi năm chỉ dành 5-7 tỷ đồng cho chính sách nông nghiệp, thì đến năm 2015 đạt trên 200 tỷ đồng (nếu tính cả nguồn hỗ trợ xây dựng hạ tầng NTM đạt trên 1.000 tỷ đồng); chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn phát triển sản xuất, với mức hỗ trợ 50%, đã kích hoạt nguồn vốn tín dụng khá lớn; cùng với cơ chế trao quyền đầy đủ cho người dân và cộng đồng tự tổ chức triển khai xây dựng NTM... đã tạo động lực lớn cho việc huy động nguồn lực trong 5 năm qua, đạt hơn 60.000 tỷ đồng.

Bốn là, xuất phát từ thực tiễn những năm đầu xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, các xã mặc dù đã được công nhận đạt chuẩn theo quy định của Trung ương nhưng tính thuyết phục chưa cao, như vấn đề môi trường, mức sống và nhất là việc chỉnh trang hạ tầng chưa gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, cảnh quan nông thôn. Để xây dựng NTM thực sự đến với từng cộng đồng, người dân một cách bền vững, tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí NTM trên địa bàn tỉnh theo hướng bổ sung, nâng mức đạt chuẩn một số chỉ tiêu, như: Tiêu chí thu nhập năm 2015 là 27 triệu đồng (quy định của Trung ương là 18 triệu đồng); tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất quy định mỗi xã bình quân hàng năm thành lập mới 3-5 doanh nghiệp, 3-4 hợp tác xã và 10 tổ hợp tác; điều chỉnh tiêu chí cây xanh, rãnh thoát nước ở các trục đường giao thông... Đồng thời, tỉnh chủ động thực hiện chủ trương xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu; nay đã trở thành phong trào rộng khắp, người dân nô nức, thi đua triển khai; đã có hơn 1.000 khu dân cư NTM kiểu mẫu và 2.000 vườn mẫu được xây dựng, trong đó có 424 khu dân cư kiểu mẫu, 800 vườn mẫu đã đạt chuẩn. Kết quả bước đầu khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, thiết thực, nhận được sự đồng thuận cao, góp phần tạo ra diện mạo mới ở nhiều địa phương, từng bước hình thành mô hình khu dân cư nông thôn văn minh, hiện đại, thân thiện.

Năm là, việc đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn NTM được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, thực chất và chính xác, không chạy đua thành tích. Ngay từ đầu năm, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh đã chủ trì tổ chức khảo sát, đánh giá đầu kỳ tại các xã đăng ký đạt chuẩn, từ đó hướng dẫn xã xây dựng khung kế hoạch, phương án - dự toán thực hiện để đạt chuẩn; đồng thời thành lập các tổ phụ trách địa bàn đến tận xã để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chương trình. Trên cơ sở kết quả đánh giá, thẩm định của cấp huyện; các sở, ngành theo tiêu chí tự thẩm định trước; sau đó Đoàn liên ngành của tỉnh gồm các sở, ngành sẽ đánh giá mức độ đạt chuẩn theo tiêu chí phụ trách, Ủy ban MTTQ tỉnh đánh giá sự hài lòng của người dân đối với Chương trình; Văn phòng Điều phối NTM tỉnh điều tra xã hội học. Sau khi có kết quả thẩm định của Đoàn liên ngành, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh tham mưu Hội đồng tổ chức họp và bỏ phiếu theo đúng quy định tại Thông tư số 40/2014/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Như vậy, các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đảm bảo rất thực chất, thuyết phục và bền vững.

Tiếp tục xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, bền vững

 Trên cơ sở những kết quả đạt được và từ những bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình triển khai thực hiện, Hà Tĩnh quyết tâm phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 50% số xã, 3 - 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và có xã nông thôn mới kiểu mẫu; hằng năm bình quân mỗi xã có thêm ít nhất 3 - 5 doanh nghiệp, 3 - 4 hợp tác xã, 10 tổ hợp tác; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 140 triệu đồng/ha/năm; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 65 triệu đồng.

Để tiếp tục đưa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đi vào chiều sâu, bền vững, tỉnh xác định đây là Chương trình có tính chiến lược, lâu dài và là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở.

Trong đó cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Nâng cao chất lượng nội dung, đổi mới hình thức tuyên truyền về những cách làm hay, mô hình, điển hình tốt trên các lĩnh vực. Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại công nghệ cao, chuyển sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp hội nhập. Tập trung chỉ đạo quyết liệt các xã đạt chuẩn NTM, huyện đạt chuẩn NTM đảm bảo lộ trình; nhân nhanh các xã NTM kiểu mẫu; tạo sự chuyển biến rõ nét tại các xã có số tiêu chí đạt còn thấp; quan tâm cao các xã khó khăn. Có cơ chế chính sách đủ mạnh khuyến khích ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, gắn với việc chỉnh trang, xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu. Thực hiện có hiệu quả cơ chế trao quyền cho người dân và cộng đồng trong xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn. Tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, giám sát, phối hợp thực hiện của các cấp ủy đảng, các ban xây dựng Đảng, Hội đồng nhân dân, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp đó, tin tưởng xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh sẽ đi vào chiều sâu, bền vững và đạt kết quả cao, góp phần nâng cao đời sống người dân và làm thay đổi diện mạo nông thôn tỉnh nhà, tạo đà quan trọng để sớm đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại. 

Ngô Đình Long

Phó Chánh Văn phòng Điều phối

Chương trình nông thôn mới tỉnh


    Ý kiến bạn đọc