62 năm đã đi qua, nhân dân ta luôn luôn nhớ về chiến thắng lẫy lừng ở Điện Biên Phủ.
Cuối năm 1953, trước nguy cơ bị tiêu diệt ở Tây Bắc và Thượng Lào, tướng Pháp Nava cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương (tất cả có 49 cứ điểm). Ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định chọn Điện Biên Phủ là điểm quyết chiến chiến lược giữa ta và địch trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954. Ngày 13/3/1954, ta nổ súng tiến công Điện Biên Phủ. Sau 55 ngày đêm liên tục chiến đấu “đầu nung lửa sắt, khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn đen, gan không núng, chí không mòn…”(1), chiều 7/5/1954, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm. Quân địch bị diệt và bị bắt là 16.000 tên, trong đó có 01 thiếu tướng, 16 đại tá, trung tá; 62 máy bay bị bắn rơi và bị phá huỷ. Ta thu toàn bộ vũ khí, kho tàng, cơ sở vật chất, kỹ thuật của địch ở Điện Biên Phủ(2).
Chiến thắng trên mặt trận Điện Biên Phủ đã thúc đẩy cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954. Trong cuộc tiến công chiến lược này, quân và dân ta đã diệt 112.000 tên địch trên các chiến trường (riêng ở mặt trận Điện Biên Phủ là 16.000 tên), thu 19.000 súng các loại, phá 177 máy bay, 81 đại bác, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn ở đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Chiến thắng của ta đã hoàn toàn đập tan kế hoạch Nava, giáng một đòn quyết định vào dã tâm xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh ở Đông Dương.
Thắng lợi to lớn của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ đã xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo điều kiện cho mặt trận ngoại giao phát triển thuận lợi. Một ngày sau chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương đã khai mạc. Cùng với thắng lợi về quân sự trên chiến trường, thái độ đúng đắn của phái đoàn Chính phủ ta, mặc dầu có nhiều khó khăn, trở ngại, ngày 20/07/1954, Hiệp định Giơnevơ lập lại hoà bình ở Đông Dương đã được ký kết. Các thành viên tham gia Hội nghị (trừ Mỹ) đã cam kết tôn trọng chủ quyền đôc lập thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của các nước: Việt Nam, Lào, Cămpuchia, tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước này. Cùng với thắng lợi về quân sự trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến thắng Đông Xuân 1953 - 1954, Hiệp định Giơnevơ đã buộc thực dân Pháp chấm dứt chiến tranh, rút quân đội xâm lược về nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, một thời kỳ lịch sử mới của cách mạng Việt Nam đã được mở ra: thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời tiếp tục đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà.
Thắng lợi của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp, mà đòn quyết định là thắng lợi ở Điện Biên Phủ còn có tác dụng cổ vũ phong trào đấu tranh tự giải phóng của các nước thuộc địa Pháp ở Bắc Phi, Tây Phi… và hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc trên thế giới. Ở Bắc Phi và Tây Phi được mở đầu bằng cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân Angiêri bùng nổ tháng 11/1954, sau đó nhiều quốc gia đã giành được độc lập dân tộc. Chiến thắng “chấn động địa cầu” được Huari Bumêdiên - Chủ tịch Hội đồng cách mạng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Angiêri (ngày 15/03/1974) đánh giá: “Điện Biên Phủ là một trường học vĩ đại, không những là trường học sống mà còn là sự cáo chung của chủ nghĩa đế quốc ở Việt Nam và chủ nghĩa đế quốc trên thế giới, sự góp vào công cuộc đại cách mạng đang tiến hành trên khắp thế giới để giải phóng các dân tộc bị áp bức, nô dịch”(5).
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”(3). Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới(4). Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Bí thư Đảng uỷ kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ đã viết: “Điện Biên Phủ là điểm hẹn mà lịch sử dành cho những cuộc chiến tranh xâm lược trong thời đại ngày nay”(5).
Chiến thắng Điện Biên Phủ được dư luận trên thế giới đánh giá rất cao. Báo Sao đỏ Liên Xô, ngày 08/5/1954 viết: “Chiến thắng Điện Biên Phủ có ảnh hưởng và giá trị vô cùng to lớn đối với cuộc kháng chiến của ba nước Việt Nam - Lào - Khơme và đối với phong trào đấu tranh bảo vệ hòa bình thế giới hiện nay”(5). Báo Grama Cu Ba, ngày 07/05/1969 đã viết: “Với chiến thắng của mình chống bọn thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam đã ghi vào lịch sử của thời đại chúng ta một trong những trang sử đấu tranh đẹp nhất chống đế quốc. Điện Biên Phủ đã trở thành tượng trưng cho cuộc đấu tranh anh dũng của một dân tộc yêu chuộng tự do và có một sức sống bất khuất”(5).
Chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc(6). Khi biết tin ta thắng lợi hoàn toàn ở mặt trận Điện Biên Phủ, ngay đêm đó nhà thơ Tố Hữu đã viết:
“… Kháng chiến ba ngàn ngày
Không đêm nào vui bằng đêm nay
Đêm lịch sử, Điện Biên sáng rực
Trên đất nước như huân chương trên ngực
Dân tộc ta, dân tộc anh hùng
Điện Biên vời vợi ngàn trùng
Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta
Đêm nay bè bạn gần xa
Tin về chắc cũng chan hoà chung vui”…(1)
Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là tiếng vang lẫy lừng “Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ”. Đó là một biểu tượng của dân tộc Việt Nam anh hùng. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã cổ vũ dân tộcViệt Nam, chiến công nối tiếp chiến công, góp phần giành thắng lợi trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội.
Lê Văn Thiện
_____________________
(1) Thơ Tố Hữu: Nhà xuất bản văn học.
(2) Giáo trình trung học chính trị: Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
(3) và (4) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Hà Nội, năm 2011.
(5) Điện Biên Phủ - Điểm hẹn, NXB Nghệ An, năm 2009.
(6) Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do vì CNXH tiến lên giành những thắng lợi mới, NXB Sự thật, năm 1976.
Tin mới cập nhật
- Công tác học tập, quán triệt Nghị quyết phải khắc phục bệnh hình thức, học qua loa cho xong. …(*) ( 17/05)
- Thông báo(*) Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc làm việc với các địa phương bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường ( 17/05)
- Kết quả hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 ( 17/05)
- Chủ động chuẩn bị các điều kiện đảm bảo để tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 ( 17/05)
- Ký ức về ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên trên quê tôi ( 17/05)
- Tiếp tục đẩy manh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ( 17/05)