Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - Một đột phá quan trọng của tỉnh trong nhiệm kỳ 2015 - 2020
EmailPrintAa
15:22 17/05/2016

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 trên cơ sở đánh giá tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã rút ra những bài học kinh nghiệm cho chặng đường mới. Đại hội đã khẳng định vai trò, tầm quan trọng của yếu tố con người - nguồn nhân lực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà và coi đây là một trong bốn bài học cốt lõi cho quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XVII đã chỉ rõ:“Quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp bố trí cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp có phẩm chất, năng lực, năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, có khát vọng, tâm huyết, tổ chức thực hiện sáng tạo, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và kiểm tra, giám sát; động viên, khen thưởng kịp thời”1. Việc cụ thể hóa bài học này là đòi hỏi cần thiết và cấp bách cho nhiệm kỳ tới.

“Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” là một trong những nội dung quan trọng trong các nhiệm vụ đột phá của Đại hội XVIII để sớm đưa Hà Tĩnh “phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại”2. Nhìn lại quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm chăm lo phát triển nhân tố con người, đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực để xây dựng và bảo vệ đất nước. Điều đó được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam (bổ sung, phát triển năm 2011): “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân. Kết hợp và phát huy đầy đủ vai trò của xã hội, gia đình, nhà trường, từng tập thể lao động, các đoàn thể và cộng đồng dân cư trong việc chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khoẻ, lao động giỏi; sống có văn hoá, nghĩa tình; có tinh thần quốc tế chân chính”. Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII “Về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000” đã khẳng định một trong những tư tưởng chỉ đạo phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là: “Nhiệm vụ và mục tiêu cơ bản của giáo dục là nhằm xây dựng những con người và thế hệ thiết tha gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức trong sáng, có ý chí kiên cường xây dựng và bảo vệ tổ quốc; công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, có năng lực tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phát huy tiềm năng của dân tộc và con người Việt Nam, có ý thức cộng đồng và phát huy tính tích cực của cá nhân, làm chủ tri thức khoa học và công nghệ hiện đại, có tư duy sáng tạo, có kỹ năng thực hành giỏi, có tác phong công nghiệp, có tính tổ chức kỷ luật; có sức khỏe, là những người thừa kế xây dựng CNXH vừa “hồng” vừa “chuyên” như lời dặn của Bác Hồ”. Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã tiếp tục khẳng định quan điểm chỉ đạo trong giai đoạn mới là “Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội ”. Gần đây nhất, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” tiếp tục khẳng định: “...Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”3. Chính nhờ chăm lo phát triển nguồn nhân lực, Việt Nam chúng ta đã bước đầu thực hiện có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng CNXH; Khẳng định vai trò, vị thế của đất nước trên mọi phương diện trong các tổ chức hợp tác mà Việt Nam là thành viên.

Hà Tĩnh, mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, người dân Hà Tĩnh cần cù sáng tạo, chịu thương chịu khó là những nét đẹp thuộc về bản sắc quê hương. Trong những năm qua, quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Đảng và từ những bài học quý báu của quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh nhà, nhất là từ khi tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ Hà Tĩnh thường xuyên chăm lo phát triển, nâng cao chất lượng nhân tố con người, đặc biệt là chăm lo xây dựng phát triển nguồn nhân lực. Điều đó được thể hiện rõ bằng việc kịp thời ban hành các nghị quyết như: Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 03/11/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XVII “về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân đến năm 2015 và những năm tiếp theo”; Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 20/12/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XVII về “về phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đến năm 2015 và những năm tiếp theo”. Đặc biệt đã ban hành một số cơ chế, chính sách, đề án phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hiệu quả chăm lo phát triển nguồn nhân lực được thể hiện rõ ở những kết quả phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh nhà trong những năm qua, nhất là trong giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 18% (chỉ tiêu Đại hội XVII trên 14%); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng - dịch vụ trên 82%; giảm tỷ trọng nông nghiệp; GRDP bình quân đầu người đạt trên 44 triệu đồng (chỉ tiêu Đại hội XVII là 35 triệu đồng).

Tuy nhiên, khi Hà Tĩnh đặt vấn đề đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội trong các nhiệm kỳ tới, thì một trong những khó khăn, thách thức đầu tiên phải kể đến đó là chất lượng, số lượng nguồn nhân lực bao gồm cả nhân lực lãnh đạo quản lý và nhân lực lao động kỹ thuật, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao để có đủ khả năng điều hành quản lý các chương trình, mục tiêu kinh tế - xã hội trọng tâm của tỉnh, làm chủ nền khoa học - công nghệ trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức, trong thời kỳ hội nhập cả chiều rộng lẫn chiều sâu như hiện nay. Thực trạng phát triển kinh tế trong những năm qua thể hiện rõ sự thiếu hụt và bất cập về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao. Một số cơ sở đào tạo chưa đạt chuẩn về cả đội ngũ giảng viên cán bộ quản lý và cơ sở vật chất trang thiết bị nên chất lượng đào tạo yếu, chưa đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp, địa phương.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra ba nhiệm vụ đột phá, trong đó ở nhiệm vụ đột phá thứ hai có một nội dung rất quan trọng đó là phải“nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”nhằm hướng tới tháo gỡ những điểm nghẽn trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh bằng cách xây dựng một đội ngũ những người làm chủ xã hội, đủ trí tuệ và bản lĩnh tổ chức hoạch định và triển khai các chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Nhiệm vụ này phải được các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nhận thức một cách sâu sắc, thấm nhuần để biến thành hành động cụ thể, hiệu quả.

Xây dựng và phát huy nguồn nhân lực chính là xây dựng phát huy nhân tố con người. Đây là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách và mang tính chiến lược, không phải trong một thời gian ngắn có thể thực hiện được. Trong những năm tiếp theo, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng kịp thời yêu cầu mới đặt ra từ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, cần thực hiện đồng bộ, thống nhất một số nội dung sau:

Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể chính trị xã hội cần làm tốt công tác tuyên truyền, đổi mới nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng đảm bảo phát triển bền vững của địa phương; Xây dựng phát triển nguồn nhân lực là trách nhiệm của toàn xã hội, của các cấp lãnh đạo, của nhà trường, doanh nghiệp, gia đình và mỗi công dân. Từ đó phải nhanh chóng khắc phục những bất cập, yếu kém về nguồn nhân lực như: số lượng đông, tay nghề thấp, thiếu tác phong công nghiệp...

Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 878/QĐ-UBND ngày 27/03/2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2020. Trước mắt cần tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng công tác giáo dục phổ thông, thực hiện tốt công tác định hướng phân luồng đào tạo sau trung học cơ sở và trung học phổ thông. Tập trung nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nghề hiện có đạt tiêu chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế; tăng cường liên kết với các trường đại học, các cơ sở đào tạo có uy tín ở trong nước; phải mở rộng hợp tác quốc tế về đào tạo nhân lực. Tiếp tục nghiên cứu cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thành các cơ chế chính sách riêng của tỉnh nhằm thu hút nhân tài; tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nhân lực.

Hai là, phát huy vai trò của gia đình, tạo sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc chăm lo phát triển nguồn nhân lực. Việc chăm lo xây dựng và phát triển nguồn nhân lực trước hết phải được thực hiện từ chính mỗi gia đình, dòng họ. Mỗi gia đình ngoài sự chăm sóc nuôi dưỡng cần phải có sự định hướng phát triển cho thế hệ trẻ để chính những chủ nhân tương lai của đất nước có thể vững vàng lựa chọn ngành nghề ngay từ khi còn ngồi trên nghế nhà trường. Bên cạnh đó xây dựng cho thế hệ trẻ có lối sống lành mạnh, giàu lòng yêu thương con người, có tinh thần đoàn kết, khát khao cống hiến cho quê hương, đất nước. Các cấp, bậc học phải tăng cường giáo dục đạo đức, lý tưởng cách mạng, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục, quản lý theo dõi, tư vấn phân luồng học sinh học nghề từ trung học cơ sở, gắn học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội.

Ba là, đối với nguồn nhân lực lãnh đạo quản lý, cấp ủy các cấp cần sớm xây dựng chiến lược cán bộ thời kỳ mới. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo vị trí, chức danh công việc nhằm đảm bảo cho đội ngũ đạt chuẩn về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, dày dạn thực tiễn,có bản lĩnh trong xây dựng và hoạch định các chiến lược kinh tế - xã hội của tỉnh. Để làm tốt nội dung này, trước hết phải không ngừng nâng cao chất lượng công tác cán bộ, gắn quy hoạch với đào tạo và bố trí sử dụng. Đảm bảo tính kế thừa theo mỗi giai đoạn, nhiệm kỳ. Có chính sách đầu tư thỏa đáng về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, giảng viên cho Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện để thực sự là cái nôi đào tạo những người vừa “hồng” vừa “chuyên” cho Đảng, cho Nhân dân; cần có cơ chế đánh giá, sàng lọc chặt chẽ, đồng thời phải dựa vào nhân dân để lựa chọn được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ trí tuệ, tâm huyết và kinh nghiệm đứng vào hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của tỉnh.

Bốn là, cải tiến và tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các chủ thể tham gia phát triển nhân lực. Trên cơ sở Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của quốc gia, của Bộ ngành Trung ương và của tỉnh đến năm 2020, các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã cần xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực của địa phương, đơn vị mình cho phù hợp; trong quá trình quy hoạch cần lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, của doanh nghiệp và nhân dân. Trên cơ sở các quy hoạch, nghiên cứu, đề xuất các chương trình, đề án, chính sách, cơ chế phát triển nguồn nhân lực phù hợp. Thủ trưởng các ngành, đơn vị, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã phải xác định rõ phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm của ngành, địa phương mình để tập trung chỉ đạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

Xây dựng và phát huy nguồn nhân lực trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đối với một tỉnh mà điểm xuất phát thấp như Hà Tĩnh là nhiệm vụ hết sức khó khăn. Do đó, việc thực hiện đồng bộ và thống nhất các giải pháp trong toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở là yếu tố cốt lõi cho sự thành công trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ đột phá mà Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII đã đề ra.

Nguyễn Xuân Bé

                                                                   Trường Chính trị Trần Phú Hà Tĩnh

1. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII.

2. Trích chủ đề Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII trình tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006). Nghị quyết TW lần 9 khóa XI (NQ số 33-NQ/TW) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.


    Ý kiến bạn đọc