Phát huy vai trò công tác vận động quần chúng trong xây dựng nông thôn mới
EmailPrintAa
15:33 17/05/2016

Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là chương trình mục tiêu quốc gia tổng hợp về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng, được thực hiện theo nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ; cả hệ thống chính trị tham gia, người dân thực hiện”.

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Hà Tĩnh đã giành được nhiều kết quả toàn diện và nổi bật, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội. Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM đạt được kết quả khá toàn diện. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh đã có 52 xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 8 tiêu chí. Hệ thống quy hoạch được xây dựng đồng bộ, kinh tế nông thôn phát triển khá, hình thành được một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực. Đến nay, toàn tỉnh xây dựng và phát triển được 10.596 mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; trong đó có 983 mô hình lớn, 1.118 mô hình vừa, 8.495 mô hình nhỏ. Riêng năm 2015, đã thành lập mới được 3.335 mô hình sản xuất có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên; thành lập mới 1.818 Tổ hợp tác, 346 hợp tác xã và 318 doanh nghiệp, nâng tổng số hiện nay có 2.750 tổ hợp tác, 1.118 hợp tác xã, 2.079 doanh nghiệp trên địa bàn nông thôn; từng bước hình thành chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung xây dựng; văn hóa, giáo dục, y tế môi trường có chuyển biến tích cực. An ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, kiện toàn; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Đạt được kết quả đó là nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò rất quan trọng của công tác vận động quần chúng của hệ thống chính trị, nhất là khối Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở.

Bám sát các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh và chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã chỉ đạo, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và hệ thống Dân vận xây dựng kế hoạch, tổ chức phát động các phong trào thi đua thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM sát với yêu cầu thực tiễn của các địa phương, đơn vị. Trọng tâm là tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức được vai trò chủ thể của mình trong XDNTM; tổ chức tập huấn, dạy nghề, tư vấn, chuyển đổi việc làm... cho hàng vạn lượt hội viên, đoàn viên và nhân dân; tập huấn chuyên sâu về vai trò của MTTQ, các đoàn thể nhân dân và phát huy dân chủ trong huy động nguồn lực XDNTM cho đội ngũ cán bộ Dân vận, Mặt trận, các đoàn thể từ huyện đến cơ sở; hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ đoàn viên, hội viên và nhân dân xây dựng hàng ngàn mô hình về phát triển kinh tế - xã hội, mô hình "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Nhờ phát huy tốt vai trò của công tác vận động quần chúng trong XDNTM, các cấp, các ngành đã tuyên truyền, vận động nhân dân hiến 4.329.836m2 đất với giá trị gần 496.899 triệu đồng; nhựa hóa và bê tông 3.457 km đường giao thông nông thôn, 719 km kênh mương thủy lợi nội đồng, xây dựng 610 km đường điện, 91 trạm y tế, xây dựng 101 nhà văn hóa cấp xã, 72 khu thể thao xã, 968 nhà văn hóa thôn xóm, khối phố, 880 khu thể thao thôn; xóa bỏ 13.260 nhà tạm; xây dựng và nâng cấp 56 khu nghĩa trang và 61 khu xử lý rác thải; xây dựng và sửa chữa 51.098 nhà đại đoàn kết, nhà ở cho hộ nghèo và hộ chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên, diện mạo nông nghiệp, nông thôn có nhiều khởi sắc. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng nhanh. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,5%; tỷ lệ gia đình văn hoá đạt 78,6%, làng văn hóa đạt 41,5%, tổ dân phố văn hóa đạt 85%, khu dân cư có nhà văn hoá đạt 95,4%.

Tuy vậy, công tác vận động quần chúng trong XDNTM còn một số tồn tại, hạn chế như: Phương pháp lãnh đạo, phương thức tuyên truyền vận động gặp nhiều khó khăn và hiệu quả chưa cao. Một số chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân và nông thôn chưa đi vào cuộc sống. Công tác giám sát và phản biện xã hội chưa được quan tâm đúng mức. Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra ở một số địa phương chưa tốt, một số nơi còn hình thức ảnh hưởng đến niềm tin và sự tham gia của nhân dân trong XDNTM. 

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế nêu trên, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra, công tác vận động quần chúng cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị, nòng cốt là khối dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng tập trung tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về các chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm có tính chiến lược, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy đảng, chính quyền, của các cơ quan, đơn vị, địa phương; phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới, thực sự trao quyền tự chủ cho người dân.

Thứ hai, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của mỗi địa phương, đơn vị, tập trung vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, trọng tâm là xây dựng các mô hình, điển hình trong sản xuất kinh doanh, huy động nguồn lực và tổ chức xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư... Có cơ chế phản ánh thông tin kịp thời với lãnh đạo tỉnh về tình hình thực hiện ở cơ sở, nhất là những bức xúc, những  tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; đồng thời, kịp thời phản bác những thông tin sai lệch, cố tình bóp méo sự thật gây ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba, trên cơ sở các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã phát động như: phong trào thi đua dân vận khéo, cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống ở khu dân cư, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, phong trào 5 không, 3 sạch, phong trào 5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, Cựu chiến binh giúp nhau phát triển kinh tế..., từ đó tập trung hướng dẫn cơ sở, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, hiệu quả, bền vững.

Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tổ chức lại hình thức sản xuất theo hướng tích tụ, tập trung ruộng đất, phát triển kinh tế hợp tác; khuyến khích đoàn viên, hội viên, nông dân liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trên cơ sở các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của từng vùng sinh thái đã được xác định. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình trên các lĩnh, trọng tâm là xây dựng các mô hình, điển hình trong sản xuất kinh doanh, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư...

 Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm trên, tin tưởng công tác dân vận sẽ có nhiều đóng góp tích cực trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn tỉnh nhà và thực hiện thành công các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra.

PHAN CAO THANH

                                                                UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy


    Ý kiến bạn đọc