Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
EmailPrintAa
10:12 12/07/2016

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là di sản tinh thần vô giá của dân tộc không chỉ hôm nay mà cho cả mai sau.

Từ nhiều năm qua, đặc biệt từ Đại hội X của Đảng, Đảng ta đã có các nghị quyết về học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức của Người. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức của Bác đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa sôi nổi trong Đảng và trong các tầng lớp nhân dân. Ai cũng hy vọng và chờ đợi đó sẽ là một ngọn gió lành mang lại nguồn sinh khí để xua tan những đám mây đen, những tà khí đang xuất hiện đây đó trên đất nước ta. Nhưng cho đến nay, kỳ vọng đó chưa thực sự trở thành hiện thực như chúng ta mong muốn.

Ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 05 về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Điều mà Chỉ thị nhấn mạnh là phải gắn vấn đề đạo đức, phong cách với vấn đề tư tưởng, phải gắn việc học tập với làm theo tấm gương của Bác, và phải làm từ trên xuống, từ trong ra ngoài. Đó là những điểm nhấn rất quan trọng, nhằm khắc phục những yếu kém trước đây.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Đây không chỉ là sự tổng kết tiến trình lịch sử ngàn năm qua của dân tộc, mà còn là động lực tinh thần to lớn để mỗi người Việt Nam vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục xây dựng và phát triển đất nước.

Kể từ khi Đảng ra đời, trong công tác giáo dục rèn luyện cán bộ, đảng viên, Bác đặc biệt coi trọng việc giáo dục tư tưởng. Đó là giáo dục về chủ nghĩa yêu nước truyền thống và về chủ nghĩa Mác - Lênin. Chính sự thống nhất giữa chủ nghĩa yêu nước truyền thống với chủ nghĩa Mác - Lênin là cơ sở để hình thành những nguyên tắc cơ bản của đạo đức cách mạng:

- Tận trung với nước, tận hiếu với dân;

- Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư;

- Thống nhất cao độ giữa lời nói và việc làm.

Bác thường dạy chúng ta: "Dân tộc ta vốn sống với nhau rất có tình, có nghĩa. Từ ngày có Đảng lãnh đạo, tình nghĩa đó càng phát triển. Học chủ nghĩa Mác - Lênin là phải biết sống với nhau cho có tình, có nghĩa. Nếu đọc bao nhiêu sách Mác - Lênin mà không sống tình nghĩa với nhau thì làm sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin được". Cũng từ sự thống nhất giữa chủ nghĩa yêu nước truyền thống với chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định Đảng lấy dân làm gốc, coi mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân là mối quan hệ máu thịt. Khi Đảng lấy dân làm gốc thì mọi biểu hiện của chủ nghĩa quan liêu, cùng thói hách dịch, cửa quyền với dân, tinh thần vô cảm trước những khổ đau của quần chúng v.v.. đều là trái với đạo đức cách mạng. Đáng tiếc, cho đến hôm nay, những biểu hiện đó vẫn chưa bị đẩy lùi. Trong bài phát biểu gần đây về việc tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại một tư tưởng lớn của danh nhân văn hóa, người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi: "Đẩy thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân". Đó là sự cảnh báo nghiêm khắc đối với những ai đang thờ ơ, vô cảm với đời sống của quần chúng.

Kể từ sau Đại hội XII của Đảng, với sự hình thành một đội ngũ cán bộ lãnh đạo mới ở các cấp, các ngành, đã xuất hiện một số cá nhân, được xã hội ghi nhận cao. Đó là những đồng chí dám vượt qua rào cản của chủ nghĩa cá nhân, dám trực diện phê phán thói vô cảm của một số cán bộ, để đem lại sự công bằng và bình yên cho xã hội. Hy vọng những tấm gương đó sẽ tạo có sức lan tỏa ra mọi nơi, tạo ra một luồng sinh khí mới cho đất nước. Mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với quần chúng, lòng tin của quần chúng đối với Đảng chắc chắn sẽ được củng cố và phát triển.

Chúng ta đều biết cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Nhưng sự nghiệp cách mạng không thể tiến hành một cách tự phát, thiếu tổ chức. Đó phải là hành động tự giác, có tổ chức, có sự lãnh đạo của lực lượng tiên phong.

Văn hóa nói chung, tư tưởng, đạo đức, lối sống nói riêng luôn luôn chịu sự biến động của xã hội. Trong sự biến động khôn lường đó, cần thiết có sự định hướng, sự chọn lọc, sự đào thải những cái lỗi thời để sáng tạo và tiếp thu những nhân tố mới. Hơn thế nữa, các hoạt động tư tưởng, đạo đức, lối sống, đòi hỏi phải có sự nêu gương. Đúng như Bác Hồ thường dạy, đối với các dân tộc phương Đông, một tấm gương sáng còn có giá trị gấp trăm lần những lời tuyên bố hoa mỹ. Chính vì vậy, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy là hoạt động xã hội có tính rộng rãi trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, nhưng trước hết phải làm thật tốt từ trong Đảng, trong các bộ phận lãnh đạo cao nhất của Đảng. Kinh nghiệm chỉ ra rằng nhiều khi chỉ qua một hành vi, cử chỉ nhỏ, nhưng thật chân tình của người lãnh đạo đã có sức cảm hóa mãnh liệt đối với quần chúng, thậm chí giải tỏa được những băn khoăn, ấm ức trước đây của người dân. Câu chuyện về một bí thư thành ủy trước đây của một thành phố lớn, hiện đang được nhiều người nhớ đến. Một lần có một bác nông dân tìm đến nhà bí thư để giãi bày những thắc mắc của mình. Được mời vào nhà, bác nông dân thấy bí thư đang ngồi ăn khoai luộc. Thấy lạ, bác nông dân hỏi: Sao bí thư mà phải ăn sáng bằng khoai lang luộc à? Bí thư thong thả trả lời: Ăn khoai lang luộc thì đã sao. Mình sinh ra từ nông thôn, bao đời nay bà con ta đều ăn khoai lang luộc, có gì mà lạ, và nhân tiện mời bác cùng ăn. Một câu trả lời chân tình đó đã xóa đi bao băn khoăn, ấm ức trước đây của bác. À, té ra bí thư một thành phố lớn mà vẫn sống giản dị như người lao động bình thường. Cảm động trước tấm gương sống giản dị, chân tình đó của bí thư, mọi thắc mắc, ấm ức trước đây của bác hầu như đã được giải tỏa. Qua câu chuyện để thấy rằng, nếu tất cả cán bộ, đảng viên, đặc biệt các đồng chí lãnh đạo cao cấp thấm nhuần và thường xuyên thể hiện những giá trị của tư tưởng, đạo đức của Bác trong công tác cũng như trong cuộc sống thường ngày, thì đó sẽ là điều kiện không thể thiếu để  việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác thật sự đạt kết quả như chúng ta mong muốn.

Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh là một cuộc vận động lớn về văn hóa, về đạo đức. Để đạt được kết quả tốt, đòi hỏi mỗi người, đặc biệt các cán bộ, đảng viên, phải luôn suy ngẫm để tự đặt ra và tự giải quyết tốt các mối quan hệ thường xuyên, thường trực. Đó là:

- Mình đối với bản thân mình phải thế nào.

- Đối với đồng chí mình phải thế nào.

- Đối với công việc phải thế nào.

- Đối với nhân dân phải thế nào.

- Đối với đoàn thể, tức đối với Đảng phải thế nào.

Giải quyết tốt hàng loạt mối quan hệ đó cũng là cách gắn việc học tập với làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác. Có ý thức thường xuyên giải quyết tốt các mối quan hệ đó cũng là biện pháp tự giáo dục bản thân và qua đó tiếp nhận được sự giám sát và hỗ trợ của tập thể, của quần chúng nhân dân.

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác phải được thể hiện trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc về kinh tế - xã hội, về xây dựng Đảng, về cải cách hành chính, về an ninh - quốc phòng trên phạm vi toàn quốc cũng như ở từng địa phương, từng ngành.

Tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác đã vượt xa những giới hạn lịch sử cụ thể để trở thành những giá trị trường tồn. Hạt nhân của các giá trị đó là thái độ đối với con người, tình thương và tinh thần trách nhiệm cao đối với con người. Không phải không có lý do, từ gần 100 năm trước, nhà báo Xô Viết nổi tiếng Măngđenx-tam đã khẳng định: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra ánh sáng của một nền văn hóa tương lai”.

GS.TS. Trần Văn Bính


    Ý kiến bạn đọc