Tăng cường hoạt động đối ngoại để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
EmailPrintAa
15:21 04/08/2016

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới chưa thực sự phục hồi vững chắc, tốc độ tăng trưởng chậm hơn kỳ vọng; các nước lớn đẩy mạnh cạnh tranh, đã làm gia tăng nguy cơ tiềm ẩn đối với môi trường hòa bình, ổn định của khu vực, ảnh hưởng sâu sắc, nhiều chiều tới nước ta nói chung và định hướng phát triển của tỉnh ta nói riêng. Tình hình đó đòi hỏi công tác đối ngoại phải không ngừng nỗ lực, củng cố, đưa mối quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế, huy động có hiệu quả các nguồn ngoại lực về hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, góp phần tạo thế và lực phục vụ nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Công tác đối ngoại góp phần nâng tầm vị thế tỉnh nhà

Thời gian qua, Hà Tĩnh quán triệt và thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, tích cực mở rộng hợp tác quốc tế, chủ động tham gia và có trách nhiệm vào cộng đồng quốc tế. Tỉnh đẩy mạnh thắt chặt hợp tác hữu nghị truyền thống với các tỉnh của nước bạn Lào và Đông Bắc Thái Lan; tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực trong khuôn khổ hợp tác với các thành viên của Hiệp hội các tỉnh 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan có sử dụng chung đường 8, đường 12; các nước trong khu vực hành lang kinh tế Đông - Tây và Tiểu vùng Sông Mekong mở rộng nhằm phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa - xã hội giữa tỉnh Hà Tĩnh và khu vực; củng cố và đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, thành phố của các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Canada, Đức, Pháp, Bỉ, Nga, Séc, Israel, vùng lãnh thổ Đài Loan... và các tổ chức quốc tế: WB, IMF, ADB, IFAD, UNESCO…, các Đại sứ quán, Lãnh sự quán các nước tại Việt Nam. Qua đó, tăng cường trao đổi thông tin xúc tiến đầu tư và tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài khảo sát thị trường đầu tư, kinh doanh tại Hà Tĩnh. Tích cực xúc tiến thiết lập mối quan hệ hữu nghị, hợp tác mới với các tỉnh, thành phố của các nước có nhiều điểm tương đồng với tỉnh Hà Tĩnh và có tiềm năng, thế mạnh trong việc hợp tác phát triển kinh tế, chuyển giao công nghệ, giao lưu văn hóa, gồm: Kanagawa (Nhật Bản), Dangjin (Hàn Quốc), Port Hedland (Úc), Bang Oregon (Hoa Kỳ).

Hiện nay, Hà Tĩnh có quan hệ với hơn 70 tổ chức, cơ quan đại diện ngoại giao của các nước; có hàng ngàn chuyên gia, người lao động đến từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ làm việc trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã thu hút được 64 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng số vốn đăng ký trên 20 tỷ USD, trong đó Khu Kinh tế Vũng Áng thu hút 49 dự án FDI, với vốn đăng ký trên 17 tỷ USD. Giai đoạn 2011 – 2015, Hà Tĩnh vận động được 36 chương trình, dự án viện trợ phát triển chính thức (ODA), gần 100 dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO) với tổng giá trị trên 7.800 tỷ đồng. Việc vận động các nguồn lực bên ngoài đầu tư vào tỉnh đã tạo đà cho sự phát triển và khơi dậy được các tiềm năng, nguồn lực tại chỗ, làm cơ sở cho sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.

Song song với phát triển kinh tế, Hà Tĩnh cũng thực hiện tốt hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực: khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, giáo dục và an ninh - quốc phòng. Công tác thông tin đối ngoại và ngoại giao văn hóa được đẩy mạnh. Hà Tĩnh vinh dự được UNESCO công nhận Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Mộc bản Trường học Phúc Giang được ghi danh vào Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức Thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới; triển khai tuyên truyền sâu rộng về các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trên các phương tiện thông tin đại chúng; vận động kiều bào và thân nhân kiều bào về tham gia đóng góp phát triển quê hương, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo hộ công dân. Tăng cường công tác lãnh sự, nắm bắt tình hình người nước ngoài trên địa bàn tỉnh đặc biệt là tại các khu kinh tế của tỉnh, đảm bảo an ninh tuyệt đối cho người nước ngoài yên tâm làm việc trên địa bàn tỉnh. Tăng cường triển khai phối hợp với các đơn vị có liên quan đảm bảo tình hình ổn định tại khu vực biên giới trên đất liền và biển đảo, góp phần xây dựng một khu vực hòa bình và phát triển.

Bên cạnh những kết quả nổi bật trên, công tác đối ngoại phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua còn có những hạn chế như: Công tác tuyên truyền nâng cao vai trò của hội nhập quốc tế chưa đạt hiệu quả cao; hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại và các chính sách liên quan đến công tác người Việt Nam ở nước ngoài còn hạn chế; công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoàigặp khó khăn do tình hình biến động về chính trị, kinh tế thế giới, ảnh hưởng lớn đến nguồn hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ; việc hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu quảng bá sản phẩm, khảo sát, tìm hiểu thị truờng, đánh giá đối tác chưa thường xuyên.

Tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế

Thời gian tới, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII đã đề ra, công tác đối ngoại của tỉnh cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, phải coi công tác đối ngoại là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, bảo đảm vai trò lãnh đạo thống nhất và toàn diện của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phát huy hiệu quả quản lý của chính quyền đối với hoạt động đối ngoại của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trên địa bàn tỉnh. Huy động được sức mạnh của quần chúng nhân dân trong tỉnh và kiều bào ta ở nước ngoài. Tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các hoạt động đối ngoại trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu tranh, hoạt động đối ngoại nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

Hai là, trên cơ sở Quy hoạch chung của tỉnh, phải xây dựng Quy hoạch công tác đối ngoại của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 để các sở, ngành và đơn vị trong toàn tỉnh có định hướng cụ thể và triển khai hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế một cách đồng bộ và toàn diện trên toàn tỉnh. Đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế thông qua việc sớm ban hành Quy chế Quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh, để có cơ sở rà soát, thay thế các văn bản quản lý nhà nước của tỉnh về hoạt động đối ngoại đã không còn đáp ứng được định hướng, yêu cầu đối ngoại trong tình hình mới. Qua đó tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, ban hành Nghị quyết của tỉnh Đảng bộ về tăng cường hội nhập quốc tế đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Ba là, tiếp tục tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế, đưa các mối quan hệ vào chiều sâu, thiết thực, tạo tiền đề phát triển kinh tế đối ngoại, huy động các nguồn ngoại lực về hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Tăng cường hợp tác với các tỉnh các nước trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tổ chức thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư tại Mỹ, Canada và Israel; tiếp tục triển khai các thỏa thuận hợp tác đã ký kết tại các Hội nghị xúc tiến đầu tư vừa qua tổ chức tại CHLB Đức, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Tích cực tham gia các diễn đàn kinh tế trong nước, khu vực và thế giới để giới thiệu, quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư tại Hà Tĩnh ra nước ngoài.

Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò của hội nhập quốc tế trong hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Không ngừng đổi mới tư duy, nhận thức trên tất cả các lĩnh vực đối ngoại và hội nhập, cả về định hướng, nội dung và phương thức triển khai. Tăng cường nền tảng, sự gắn kết và thống nhất trong thực tiễn triển khai hoạt động đối ngoại giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Đồng thời, trong cục diện thế giới và khu vực phức tạp như hiện nay, cần nắm chắc phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến" trong kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Năm là, thường xuyên củng cố và tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ phụ trách công tác đối ngoại. Xây dựng một đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực chuyên môn toàn diện, am hiểu luật pháp, lễ tân đối ngoại, giỏi ngoại ngữ và bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc triển khai hiệu quả các hoạt động đối ngoại.

Với những thành quả quan trọng, nổi bật đã đạt được thời gian qua và quyết tâm mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, tin tưởng công tác đối ngoại của Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đạt được những kết quả thực chất, hiệu quả, toàn diện, góp phần vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà nói riêng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung.

Hồ Quang Minh

 Giám đốc Sở Ngoại vụ


    Ý kiến bạn đọc