Qua cơ kết 03 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn tỉnh cho thấy: Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân trong toàn tỉnh được nâng cao, đó là điều kiện để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, củng cố nền tảng xã hội theo đúng phương châm “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
Tính từ ngày 01/01/2013 đến hết ngày 30/5/2016, toàn tỉnh đã tổ chức 21.346 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp cho hơn 1.855.013 lượt người; tổ chức 1.013 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 967.473 người tham gia; phát hành miễn phí 1.279.040 tài liệu; đăng tải 17.623 tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng… Kết quả này đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, quản lý xã hội, thực hiện phát triển kinh tế - xã hội. Trong tổng thể bức tranh chung của công tác PBGDPL của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương đã lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật phù hợp đến với người dân ở cơ sở. Trong đó chú trọng một số vấn đề như: Sau khi Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 được Quốc hội thông qua, nhiều Bộ luật, Luật mới đã ra đời; đồng thời, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách mới, quan trọng, tác động trực đến người dân ở cơ sở. Điều kiện tiên quyết, đầu tiên để các văn bản, chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả trên thực tế thì phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền. Trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh, các ngành, địa phương về cơ bản đã chủ động triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kịp thời truyền tải các văn bản, chính sách đến với Nhân dân. Chú trọng triển khai công tác PBGDPL phù hợp với địa bàn, đối tượng được phổ biến. Đặc biệt, trong thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho Nhân dân ở vùng biên giới, ven biển và các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, trong đó có đồng bào dân tộc Chứt (huyện Hương Khê. Trong những năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều dự án lớn như: dự án Fomosa, thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang… Công tác PBGDPL kết hợp với công tác vận động, thuyết phục đã được triển khai, tạo sự đồng thuận, chung tay góp sức của Nhân dân để các dự án này được triển khai thuận lợi. Bên cạnh đảm bảo trang bị đầy đủ hệ thống loa truyền thanh cơ sở tại 262/262 xã, phường, thị trấn thì nhiều mô hình PBGDPL đã được chỉ đạo xây dựng, tổ chức tại cơ sở. Trong đó, các câu lạc bộ như: Nông dân với pháp luật; Phụ nữ với pháp luật; Bình đẳng giới… đã phát huy hiệu quả trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho Nhân dân.
Mặc dù đã tích cực triển khai công tác PBGDPL, nhưng thực tế cho thấy vẫn còn tình trạng “thiếu” kiến thức pháp luật, đặc biệt là đối với Nhân dân ở các địa bàn nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; kể cả ở khu vực thị tứ, đô thị, một bộ phận Nhân dân kiến thức pháp luật còn hạn chế. Tình trạng vi phạm pháp luật còn diễn biến phức tạp, một bộ phận người dân do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật không cao nên đã có hành vi xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, cộng đồng và lợi ích của người khác; trong đó, có nhiều hành vi vi phạm pháp luật đã gây bức xúc trong dư luận xã hội, để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Công tác PBGDPL nói chung và công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân ở cơ sở nói riêng cần tiếp tục được chú trọng đổi mới, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực và hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 29/9/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nội chính đến năm 2020 và định hướng những năm tiếp theo đã đề ra. Để thực hiện có hiệu quả công tác này, cần tập trung triển khai một số nội dung sau:
Trước hết, phải xác định việc đưa văn bản, chính sách pháp luật đi vào cuộc sống là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Công tác PBGDPL phải được chú trọng triển khai thực hiện liên tục, thường xuyên, tránh tính hình thức, phong trào dẫn đến hiệu quả không cao. Kết hợp chặt chẽ giữa PBGDPL với theo dõi thi hành pháp luật; nghiêm túc, kịp thời trong thực hiện công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác này.
Cần tiếp tục đổi mới trong nội dung, hình thức tuyên truyền, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng được phổ biến. Bên cạnh, đảm bảo truyền tải kịp thời các văn bản, chính sách pháp luật mới, phải chú trọng tuyên truyền, phổ biến các văn bản, chính sách pháp luật mà dư luận quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội. Đồng thời, phải đánh giá được hiệu quả của các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, từ đó có biện pháp triển khai thực hiện tốt hơn.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật có lúc, có nơi phải được kết hợp nhuần nhuyễn với công tác vận động, thuyết phục; ở một số trường hợp phải kết hợp với công tác giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ.
Hiện nay, toàn tỉnh có 290 báo cáo viên pháp luật, 2.162 tuyên truyền viên pháp luật và 15.254 hòa giải viên ở cơ sở. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, cần quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này. Đồng thời phải chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước về công tác PBGDPL.
Một trong những khó khăn, hạn chế ảnh hưởng đến công tác PBGDPL nói chung và công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân ở cơ sở nói riêng đó là nguồn kinh phí bảo đảm thực hiện. Khắc phục vấn đề này, vừa qua, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết số 166/2015/NQ-HĐND quy định mức chi thực hiện công tác PBGDPL và hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu đề ra là sau khi Nghị quyết được thông qua thì cần phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết. Có như vậy thì mới đảm bảo được nguồn kinh phí phục vụ cho công tác này.
Thực hiện đồng bộ các nội dung trên sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL nói chung và công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về cơ sở nói riêng.
Nguyễn Thanh Hải
Phó Giám đốc Sở Tư pháp
Tin mới cập nhật
- Về đổi mới, xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng ( 04/08)
- Ngành Tuyên giáo Đảng bộ Hà Tĩnh - 86 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành ( 04/08)
- Xây dựng lực lượng công an Hà Tĩnh vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới ( 04/08)
- Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh tăng cường lãnh đạo công tác cải cách hành chính ( 04/08)
- Tăng cường hoạt động đối ngoại để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ( 04/08)