Niềm tự hào được tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
EmailPrintAa
10:02 05/09/2016

Ông Nguyễn Viết Dưỡng - từng là học viên lớp đào tạo sĩ quan an ninh khóa 2 - Bộ Công an. Ngày 2/9/1973, công trình Lăng Bác được khởi công xây dựng. Bộ Công an và nhiều đơn vị khác được cử người tham gia thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Ông và nhiều đồng chí khác trong lớp học đã vinh dự được tuyển chọn. Thời gian đó cách đây đã 33 năm tròn, nhưng trong ký ức của ông Dưỡng, kỷ niệm đó vẫn còn nguyên vẹn và rất đỗi tự hào. Trong những ngày này, ông càng thêm xúc động khi nhớ về những kỷ niệm đó. Ông đã từng công tác tại Bộ Công an, Công an Nghệ Tĩnh, rồi Công an Hà Tĩnh. Dù đã nghỉ hưu, nhưng ông vẫn tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội. Hiện ông là Chủ tịch Hội người cao tuổi phường Nguyễn Du và là Tư vấn viên của Hội Luật gia tỉnh Hà Tĩnh.

Tạp chí Thông tin Tư tưởng xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông về kỷ niệm đáng tự hào này.

 
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: P.V  

Mỗi năm, khi ngày Quốc khánh 2/9 đến gần, hàng triệu trái tim lại hướng về quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tôi cũng vậy, cứ vào dịp này, lòng lại cứ xúc động, bồi hồi và vô cùng tự hào khi nhớ lại những tháng ngày được cùng đồng đội góp sức tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Chủ tịch Gồ Chí Minh tiếp tục cùng Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo nhân dân ta khôi phục phát triển kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiếp tục thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, đấu tranh thống nhất nước nhà. Giữa lúc cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ diễn ra ác liệt nhất, thì tin Người từ trần đã làm mọi người choáng váng, bất ngờ và hết sức đau thương...

Để đáp lại ý nguyện của toàn dân tộc và đặc biệt của chiến sĩ đồng bào miền Nam chưa một lần được gặp Bác Hồ, Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã quyết định sớm xúc tiến việc xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuối năm 1969, đầu năm 1970, các nhà kiến trúc đã bắt đầu công việc thiết kế lăng. Giữa năm 1970, hàng trăm mô hình được đem trưng bày ở Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Việt Bắc, Tây Bắc để lấy ý kiến nhân dân. Tôi cũng được tham gia góp ý kiến tại phòng trưng bày Tràng Tiền, Hà Nội.

Mùa xuân 1973, sau chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không", Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris và rút quân về nước. Công việc xây dựng Lăng lại được tiếp tục triển khai, những chiếc cọc thép đầu tiên được cắm sâu vào lòng đất Ba Đình. Ngày 02/9/1973, công trình Lăng Bác được khởi công xây dựng. Biết bao nhiêu vật liệu xây dựng đặc biệt của cả nước được chuyển về. Các chuyên gia Liên Xô, kiến trúc sư, kỹ sư lao động và những người thợ xây dựng lành nghề đều về đây làm việc say sưa, với tinh thần sáng tạo, thể hiện lòng biết ơn công lao to lớn của Bác Hồ kính yêu. Nhiều tổ chức xã hội, đoàn thể, bà con các dân tộc, tôn giáo… ở mọi miền đất nước muốn trực tiếp được góp phần xây dựng Lăng Bác. Bộ Công an nhiều đơn vị cũng được cử người vào tham gia từng công đoạn. Giai đoạn đổ bê tông cốt thép, lớp đào tạo sĩ quan an ninh khoá 2 (Đ2) của chúng tôi gồm những đảng viên trẻ và đoàn viên ưu tú vinh dự được cử đến tham gia lao động 14 ngày cùng với các đơn vị bộ đội. Với nhiệm vụ nạo chuốt rỉ, đánh bóng cốt thép để đổ bê tông lớp ngoài vỏ Lăng. Vào đầu tháng 6/1974, tất cả mọi người đều vui mừng chuẩn bị bi đông nước, mũ cối, giầy vải buộc chắc chắn leo lên giàn cốt thép để đánh bóng chuẩn bị cho đổ bê tông.

Hôm đó, đúng 5h30, chúng tôi đã có mặt tại địa điểm tập kết đầu cửa vào công trường, điểm danh và nhận một băng màu đỏ có dòng chữ vàng “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại” dán lên mũ rồi qua trạm kiểm soát đổi chứng minh thư đỏ (CAND), lấy thẻ có số vào từng phòng hầm làm việc, không ai được vào khu vực khác nơi làm việc của mình. Là một thanh niên trẻ, Phó Bí thư chi bộ, cán bộ Ban Chấp hành Đoàn trường, tôi vô cùng xúc động vì được đóng góp phần công sức nhỏ bé của mình vào công trình thiêng liêng của dân tộc. Ngày 05/9/1969, tôi đã tham gia bảo vệ lễ tang của Bác, hướng dẫn các đoàn đại biểu của Hà Nội lần lượt vào viếng Bác, trực tiếp thấy thi hài Bác nằm trong lồng kính, nước mắt tôi giàn dụa:

 Con đau lòng khi được tin Bác mất

Hai hàng lệ chảy tràn má của con

Mưa Ba Đình lòng người quặn thắt

Cứ ngỡ Bác còn sống mãi nước non....

Được tận tay đánh bóng chuốt sạch rỉ cốt thép để đổ bê tông xây dựng Lăng Bác. Tôi cùng mọi người hăng say làm việc không biết mệt mỏi, mặc cho trưa hè nóng bức, mồ hôi ướt đẫm cả áo, nhưng hết giờ vẫn chưa muốn ra về. Xây Lăng Bác mọi người đều tự giác tuân thủ nội quy, không ai được mang theo vật gì dù là nhỏ nhất ngoài chiếc phù hiệu cấp hàng ngày và số hiệu vào từng phòng. Trong những ngày miệt mài chuốt rỉ đánh bóng những tấm thép, nhìn những tấm lưới thép Φ6, Φ8, Φ10 đan buộc chằng chịt, tôi luôn nghĩ đến Bác và thầm cầu nguyện Bác phù hộ độ trì cho con được suốt đời cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Bởi trong tôi, Bác không chỉ là vị lãnh tụ kính yêu, vị cha già dân tộc mà còn là một nhà tình báo vĩ đại, nhà ngoại giao lão luyện. Một tấm gương sáng chói về tư cách, đạo đức người công an cách mạng mà Bác đã đúc kết thành “6 điều dạy Công an nhân dân Việt Nam”. Những ngày làm việc trên giàn thép buộc phía trên Lăng được tận mắt chứng kiến cả công trường xây dựng Lăng, bộ phận nào cũng hoạt động tự giác, phối hợp rất nhịp nhàng ăn ý, cùng chung một ước nguyện xây dựng "ngôi nhà vĩnh cửu" - nơi an nghỉ vĩnh hằng của Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách tốt nhất, đảm bảo kỹ thuật khắt khe, tuyệt đối an toàn với thời gian ngắn nhất. Mười bốn ngày cần cù cùng đồng đội chuốt sạch rỉ sắt, đánh bóng cốt thép để đổ bê tông xây Lăng Bác là 14 ngày chúng tôi cảm nhận tâm hồn mình như trong sáng hơn. Những cỗ máy bên cạnh chạy đều đều, những dùi cui đầm bê tông ly tâm hoạt động không nghỉ, tất cả đều cùng hòa nhịp với những người thợ tạo nên công trình thiêng liêng này. Tự đáy lòng mình tôi nhớ đến câu thơ của nhà thơ Tố Hữu và cất lên:

Bên Bác lòng ta trong sáng hơn ”

Quyết giữ vẹn toàn non nước Việt

Giang sơn gấm vóc mãi trường tồn"..

Đã hơn 40 năm trôi qua, mỗi lần vào viếng Bác hoặc có dịp đi qua Ba Đình, lòng tôi tràn ngập niềm vui. Công trình Lăng Bác kết tinh trí tuệ, tình cảm công sức và nhiều vật liệu quý của cả nước được khánh thành vào ngày 29/8/1975. Tính đến nay đã có hàng chục triệu đồng bào ta và hàng chục nghìn đoàn đại biểu nước ngoài đến thăm Lăng và viếng Bác. Mỗi lần đi qua đó, tôi không khỏi tự hào được đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho công trình thiêng liêng vĩnh cữu ấy và trong Lăng có một vị lãnh tụ thiên tài muôn vàn kính yêu đang yên giấc ngủ với dung nhan hồng hào thanh thản như Người còn sống. Trong tôi, Bác là tình yêu bao la, là lương tâm của thời đại, tinh hoa của loài người. Tôi nguyện suốt đời học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Nguyễn Viết Dưỡng


    Ý kiến bạn đọc