Vận dụng bài học kinh nghiệm trong Cách mạng Tháng Tám 1945 vào bảo vệ chủ quyền biển, đảo ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
EmailPrintAa
10:13 05/09/2016

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nước Việt Nam trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cầm quyền. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Những bài học còn nguyên giá trị

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 Đảng luôn vững mạnh về tư tưởng, xác định đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn và phương pháp cách mạng thích hợp; Đảng đã xây dựng tổ chức đảng trong sạch, ăn sâu bám rễ trong quần chúng nhân dân. Đảng đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, có phương pháp và hình thức đấu tranh phù hợp; biết nắm bắt thời cơ, xây dựng lực lượng và tổ chức, sử dụng lực lượng; phát huy được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để dẫn dắt quần chúng đứng lên giành và giữ chính quyền. Đảng ta đã chăm lo xây dựng lực lượng cách mạng, làm cho lực lượng cách mạng đủ mạnh, thu hút được đông đảo quần chúng tham gia, từ đó làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch, tạo ra thời cơ cách mạng để đưa cuộc cách mạng đến thành công. Để giữ vững chính quyền, Đảng và Nhà nước ta đã dựa chắc vào nhân dân, tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần để đấu tranh thắng lợi với thù trong giặc ngoài. Đảng ta biết kiên quyết dùng bạo lực cách mạng và sử dụng bạo lực cách mạng thích hợp và đúng lúc để đập tan bộ máy nhà nước cũ, lập ra nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Đảng đã xác định việc giành chính quyền về tay nhân dân trên cơ sở tập hợp và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trên nền tảng liên minh công nhân-nông dân-trí thức.

Nhờ những quyết sách tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản, Việt Nam thuộc địa đã giành được quyền tự quyết vận mệnh chính trị của mình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Nhà nước độc lập, dân chủ đầu tiên tại Đông Nam Á. 

Vận dụng trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay

Sau bao nhiêu năm, những bài học nêu trên vẫn được Đảng ta ghi nhớ, vận dụng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thời gian qua, tình hình thế giới, khu vực và trên biển Đông có nhiều biến đổi khôn lường khiến nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ đất nước, nhất là an ninh trên biển ở Việt Nam trở thành nhiệm vụ khó khăn với nhiều thách thức. Cụ thể, Trung Quốc có hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam. Khởi đầu là tháng 5 năm 2014, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương- 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc là muốn hiện thực hóa đường “lưỡi bò”, độc chiếm Biển Đông, muốn khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc. Hành động này của Trung quốc đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng biển của Việt Nam. Đây chỉ là một vụ việc trong một chuỗi các vụ việc mà Trung Quốc đã và sẽ làm.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng thể hiện mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong giai đoạn hiện nay là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển, đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN…Tại Điều 1, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013 thể hiện: “Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”. Như vậy, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân; là nhân tố quan trọng bảo đảm cho Đảng, Nhà nước và dân tộc ta phát triển bền vững. Vận dụng những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vào bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay của Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương hợp lý.

Đảng và Nhà nước ta xác định giữ vững độc lập, tự chủ về đường lối cách mạng với phương châm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Quan điểm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được hiểu một cách tổng quát là, lấy cái không thay đổi để đối phó với muôn sự thay đổi. Đây là quan điểm mang tính nguyên tắc phương pháp luận biện chứng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hoạt động đối ngoại. Chủ quyền biển, đảo là chủ quyền quốc gia trên biển - là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, là cái bất biến; để đấu tranh bảo vệ lợi ích thiêng liêng đó, phải linh hoạt - phải ứng vạn biến. Điều đó có nghĩa là giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia là “dĩ bất biến”, còn kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình, kể cả đấu tranh pháp lý trên cơ sở luật pháp quốc tế, thậm chí bằng biện pháp quân sự là “ứng vạn biến”. Đảng và Nhà nước ta thể hiện cho nhân dân thế giới thấy chúng ta chỉ muốn hòa bình, lên án mạnh mẽ hành động phi pháp của phía Trung Quốc dùng xâm lược, vẽ lại bản đồ để khẳng định chủ quyền là việc làm trái đạo lý, trái luật pháp quốc tế, không thể chấp nhận trong thời đại ngày nay.

 Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, điều kiện tiên quyết là phải duy trì hòa bình, ổn định thì mới phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Để bảo vệ Tổ quốc thì phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân, trong đó xây dựng tiềm lực quốc phòng là nhiệm vụ trung tâm, chúng ta trang bị vũ khí để phòng thủ, tự vệ; xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh thì chúng ta mới có thể tự mình bảo vệ chủ quyền được. Cụ thể, để bảo vệ chủ quyền biển đảo, Chính phủ đã tăng cường xây dựng lực lượng thực thi pháp luật trên biển, kêu gọi hợp tác đầu tư ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn, hiện đại để vươn ra khơi xa đánh bắt hải sản…là những việc làm hết sức đúng đắn và cần thiết.

Đồng thời, Đảng và Nhà nước ta đã huy động lực lượng toàn dân, phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại vào cuộc đấu tranh chung. Để bảo vệ chủ quyền biển, đảo Nhân dân cả nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài đã cùng lực lượng thực thi pháp luật trên thực địa bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đảng và Nhà nước ta đã tố cáo hành vi ngang ngược của nhà nước Trung Quốc trên trường quốc tế để tranh thủ dư luận tiến bộ trên toàn thế giới; đồng thời chúng ta kiên trì dùng ngoại giao để các nước có chung quyền lợi trên biển Đông hợp sức với Việt Nam ngăn chặn âm mưu và hành động độc chiếm biển Đông của Trung Quốc như cách mà Hồ Chủ tịch đã làm trong việc tranh thủ các lực lượng tiến bộ bên ngoài, phát huy nội lực bên trong tạo nên sức mạnh tổng hợp để làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám lịch sử.

Ngoài ra, Đảng và Nhà nước ta kiên trì các giải pháp hòa bình trên cơ sở phát huy nội lực và tuân thủ luật pháp quốc tế; linh hoạt, khôn khéo sử dụng các phương sách từ ngoại giao, pháp lý, đến ứng xử trên thực địa. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định sức mạnh nội lực là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Nội lực là sức mạnh bên trong gồm sức mạnh của nền kinh tế độc lập tự chủ, nền chính trị độc lập tự chủ, sức mạnh quân sự và văn hóa, xã hội của đất nước; sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh của sự đồng thuận - đó là sức mạnh tổng hợp quốc gia, là thực lực quốc gia. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước ta luôn tuân thủ pháp luật quốc tế. Cụ thể, Việt Nam đã nhiều lần chủ động gửi công hàm, giao thiệp ở nhiều cấp khác nhau để phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan và tàu hộ tống vào vùng biển của Việt Nam - hành động xâm phạm các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam; yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam đã nhiều lần gửi thư đề nghị Tổng Thư ký Liên hợp quốc lưu hành các tài liệu của Việt Nam liên quan đến chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

 Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước hiện nay và mai sau. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ trọng yếu và là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay là lâu dài, gian khổ, đòi hỏi chúng ta phải kiên quyết, nhưng phải bình tĩnh, kiên trì, vận dụng đúng đắn những bài học rút ra từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám lịch sử nhằm đạt mục đích cuối cùng là độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Quỳnh Nghi - Tạp chí Cộng sản


    Ý kiến bạn đọc