Rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh
EmailPrintAa
10:06 05/09/2016

Có nhiều cách hiểu khác nhau về đạo đức, có thể hiểu theo nghĩa chung nhất: Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, là tổng hợp các quy nguyên tắc, chuẩn mực xã hội, nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích và hạnh phúc của con người, với tiến bộ xã hội, trong các mối quan hệ cá nhân với cá nhân và cá nhân với xã hội.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi bà con nông dân. Ảnh: Tư liệu  

Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất cầm quyền, vấn đề rèn luyện đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn có ý nghĩa quan trọng trong mọi thời kỳ cách mạng. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Sau Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), Đại hội XII của Đảng (tháng 1/2016) đã đặt vấn đề xây dựng Đảng về mặt đạo đức cùng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Điều đó cho thấy, trước những yêu cầu đổi mới hiện nay, việc tăng cường rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống  trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp chiến lược là một yêu cầu khách quan, cấp thiết trong công tác xây dựng đảng hiện nay.

Vì vậy, để đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên cần nắm một số vấn đề có tính nguyên tắc theo Tư tưởng Hồ Chí Minh:

Một là, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện lời nói phải đi đôi với việc làm và luôn nêu gương sáng về đạo đức, lối sống.

Theo Hồ Chí Minh, đây là yêu cầu có tính nguyên tắc để rèn luyện về mặt đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên. Kiên quyết khắc phục tình trạng nói nhiều, làm ít, nói mà không làm, nói một đằng, làm một nẻo đang diễn ra khá phổ biến hiện nay. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Nói đi đôi với làm phải gắn với nêu cao tinh thần trách nhiệm và chống chủ nghĩa cá nhân. Học Bác, để thực hiện được sự thống nhất giữa lời nói và việc làm, chúng ta phải có nhận thức đúng và quyết tâm vượt qua chính mình. Có nhận thức đúng nhưng không vượt qua được sự cám dỗ của lợi ích cá nhân thì sẽ dẫn đến nói không đi đôi với làm. Để nói đi đôi với làm còn cần sự cố gắng, bền bỉ và quyết tâm, bởi bất kỳ công việc nào, nhiệm vụ gì, dù lớn hay nhỏ, khó hay dễ, phức tạp hay giản đơn, nhưng nếu không ra sức phấn đấu thì cũng không thể thành công được. Hồ Chí Minh cũng nói nhiều về sự nêu gương của cán bộ, đảng viên. Theo Người, một tấm gương sống còn hơn nhiều bài diễn văn tuyên truyền. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới việc nêu gương về đạo đức, lối sống. Đó là tấm gương của bố mẹ đối với con cái; của thầy, cô giáo đối với học sinh. Trong tổ chức Đảng, Nhà nước đó là sự nêu gương của những người đứng đầu, của cấp trên đối với cấp dưới. Đó là những tấm gương cán bộ, đảng viên mẫu mực, luôn dám nghĩ, dám làm, biết đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, lợi ích của tập thể và địa phương mình, có đạo đức cách mạng mẫu mực, kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân… Và chính Người là biểu hiện tập trung nhất, tấm gương sáng nhất suốt đời đấu tranh, phấn đấu cho lý tưởng, mục tiêu, sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc ta,

Hai là, kết hợp chặt chẽ  “xây đi đôi với chống” trong rèn luyện đạo đức cách mạng.

Theo Hồ Chí Minh, trong mỗi người đều có cái tốt - cái xấu, cái thiện - cái ác… Vì vậy, “phải làm sao cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”. Muốn vậy, đồng thời với việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng phải đi đôi với kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống những hành vi phi đạo đức. Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên “trước hết phải đánh thắng lòng tà là kẻ thù trong mình”. Và phải phê phán đấu tranh loại bỏ hàng trăm thứ bệnh do chủ nghĩa cá nhân gây ra, vì nó là vật cản nguy hiểm cho việc xây dựng đạo đức cách mạng. Cũng vì vậy, Hồ Chí Minh căn dặn toàn Đảng “muốn xây phải chống, chống nhằm mục đích cho xây”, “phải cương quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn thể, tính tổ chức và kỷ luật”. Xây phải đi đôi với chống, với việc loại bỏ cái sai, cái xấu, cái vô đạo đức trong đời sống hằng ngày, để xây và chống có kết quả phải tạo thành phong trào quần chúng rộng rãi. Đây là một quá trình lâu dài, khó khăn và gian khổ.

Ba là, phải tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức suốt đời

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đạo đức cách mạng phải qua đấu tranh, rèn luyện bền bỉ mới thành. Người nói, đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức suốt đời, Người dạy: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự rèn luyện có vai trò rất quan trọng, dám nhìn thẳng vào con người mình, không tự lừa dối, huyễn hoặc; thấy rõ cái hay, cái tốt, cái thiện để phát huy và thấy rõ cái dở, cái xấu, cái ác để khắc phục. Tu dưỡng đạo đức phải được thực hiện trong mọi hoạt động thực tiễn, trong đời tư cũng như trong sinh hoạt cộng đồng, trong các mối quan hệ cá nhân. Việc tu dưỡng đạo đức cách mạng phải trên tinh thần tự giác, tự nguyện, dựa vào lương tâm của mỗi người và sự giúp đỡ của tập thể, của quần chúng. Người nói “tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lên lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ. Vì vậy gột rửa chủ nghĩa cá nhân ví như rửa mặt thì phải rửa hằng ngày". Cho nên, xây dựng, rèn luyện tu dưỡng đạo đức cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân là phải được tiến hành đồng thời, thường xuyên, bền bỉ, suốt đời trong quá trình hoạt động cách mạng.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, theo những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức mà Người đã chỉ ra chính là biện pháp quan trọng để mọi cán bộ, đảng viên và tổ chức đang sửa chữa, khắc phục tình trạng suy thoái “có tính nghiêm trọng” về đạo đức, lối sống, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

TS. Hứa Khánh Vy

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh


    Ý kiến bạn đọc