Biển Miền Trung đang hồi sinh
EmailPrintAa
10:42 25/01/2017

Vợ chồng ông Nguyễn Xuân Thắm, thôn Phú Lợi, xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh năm nay đã gần 60. Tuổi đời bao nhiêu thì cũng chừng ấy năm ông sống trên biển. Chẳng bao giờ ông Thắm nghĩ rằng mình sẽ rời xa nghề biển. Thế rồi sự cố môi trường xảy ra, ông day dứt không chỉ bởi lo sợ cho kế sinh nhai, đó là day dứt của người con gắn bó máu thịt với biển. Ông tâm sự: "Có lúc như người thất thần, cứ nghĩ sẽ bỏ tất cả. Thế nhưng, sinh nghề tử nghiệp. Ngày trước chỉ quanh quẩn trong bờ, giờ sẽ đi xa hơn, đánh bắt những loại hải sản có giá trị hơn". Ông đã vay 50 triệu đồng mua thêm lưới cụ, sửa sang lại thuyền, chuẩn bị cho những chuyến biển xa. Ông bảo cá, tôm đã trở lại vùng biển Kỳ Anh. Trên khuôn mặt dạn dày truân chuyên ngời ngời niềm tin. “Những ngày thuận gió, tôi theo thuyền ra khơi xa, ngày được cá cũng có thu nhập khoảng 500 nghìn đồng. Bà con ngư dân vẫn chưa qua ngày tháng vất vả, nhưng một nguồn sống mới ở đại dương đang sinh sôi. Chúng tôi không mất biển là hạnh phúc rồi…!”.

Nụ cười đã trở lại với người đàn ông bước sang tuổi “xưa nay hiếm” Mai Khi, xóm 3, Đông Yên, Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh. Ông từng là một ngư dân lành nghề, bây giờ, mỗi khi nhớ biển ông vẫn dong thuyền ra biển, còn bình thường ông lại say sưa với nghề làm ăn mới - nghề nuôi bò. “Trước tôi đã có 7 con bò rồi, sau khi sự cố biển xảy ra, được nhà nước tạo điều kiện, tôi vay thêm 50 triệu đồng phát triển thêm đàn bò 20 con”. Ông khẳng định, nhờ chính sách của nhà nước mà bây giờ ngư dân làng chài như ông yên tâm xây cho mình những dự định tương lai.

Chị Nguyễn Thị Toàn, xóm 4, Đông Yên lại đang mong ngóng từng ngày lứa thỏ đầu tiên sắp sửa phối giống cho kỳ sinh sản. Từ ngày sự cố môi trường xảy ra, vợ chồng chị “lên bờ” vay vốn ngân hàng để xây chuồng thử sức với con nuôi mới. Chị tâm sự: “So với nghề biển thì nuôi thỏ cần tỷ mỉ, chăm chút hơn nhưng tôi vẫn hi vọng sẽ bền vững hơn kiểu đi biển được bữa hôm lo bữa mai như trước. Nhờ chính sách ưu đãi vay vốn của nhà nước mà ngư dân tìm được đường “thoát thân”. Trước khi biển hồi sinh trở lại thì ngư dân chúng tôi đã có thêm một nghề sản xuất mới để đảm bảo cuộc sống hơn”. Hiện tại, toàn xã có khoảng 20 mô hình chăn nuôi gà (100 con trở lên); 12 hộ nuôi thỏ (50 con/hộ); 20 hộ chăn nuôi bò (20 con/hộ).

Được biết, nhờ sự vào cuộc của các cấp chính quyền mà công tác đánh giá, kiểm kê ở địa phương được tập trung với tinh thần cao nhất, giải quyết những bức thiết của bà con. Trong đó, rà soát, hỗ trợ bà con ngư dân chuyển đổi nghề theo hướng phát triển bền vững. Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết: “Huyện đã rà soát nhu cầu của các đối tượng, trong đó khuyến khích đóng tàu có công suất lớn, chuyển đổi từ đánh bắt gần bờ sang xa bờ. Theo đó, tìm kiếm các chủ tàu có tiềm lực, phương án sản xuất tốt để hướng dẫn tiếp cận vốn ưu đãi của nhà nước, vừa tái cơ cấu ngành đánh bắt, vừa giải quyết việc làm cho người lao động. Đối với đối tượng chuyển đổi nghề khác thì khảo sát nguồn lực, tập huấn chuyển đổi nghề phù hợp. Xây dựng mô hình chăn nuôi trang trại đang được bà con ngư dân đồng tình ủng hộ”.

Ngược về Thạch Kim, gần một tháng nay, cảng cá đã bắt đầu “ấm” trở lại. Cảnh trên bến dưới thuyền, nơi gùi cá lên bờ, nơi nhộn nhịp cảnh mua bán như xua tan đi cái lạnh giá mùa đông, xua tan cả khung cảnh ảm đạm của ngày hay tin Fomosa làm nhiễm độc biển. Ông Nguyễn Tiến Thành, thôn Phú Mậu, xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà trở về sau chuyến đi biển 3 ngày. Thuyền ông gặp được luồng cá lớn nên thành quả thu về cũng khấm khá. Ông Thành chia sẻ: “Nay sinh thái biển đang hồi sinh nên tôi ra khơi. Tôi đánh bắt ở vùng biển cách bờ khoảng 40 hải lý. Rất may gặp luồng cá nhỡ, 3 ngày thuyền tôi thu về khoảng 10 triệu đồng. Cứ ngày nào không có gió, tôi sẽ ra khơi để kịp những chuyến biển phục vụ tết”. Ông bảo, vui nhất là ra biển thấy cá đã trở về với vùng biển của mình. Những dấu hiệu hồi sinh của biển đang làm cho những ngư dân như ông thấy ấm lòng và tin tưởng.

Phần lớn tàu đánh bắt của địa phương xã Thạch Kim, Thạch Bằng đều chuyển sang đánh bắt xa bờ (từ 20 - 40 hải lý so với đất liền). Đúng là biển không phụ lòng người, liên tục cả tháng nay, cảng cá này đón nhận nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao và phục vụ xuất khẩu.

Theo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất nuôi trồng, khai thác hải sản toàn tỉnh đang từng bước được khôi phục. Diện tích thả nuôi 7.820ha, đạt 101% kế hoạch; lượng tàu thuyền đánh bắt tăng dần, số tàu khai thác ven bờ đạt tỷ lệ từ 70 - 80%, tàu xa bờ đạt tỷ lệ từ 85 - 90%. Đặc biệt, có 17 tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ đã được phê duyệt đóng mới, trong đó có 2 tàu đã đưa vào sản xuất. Đồng thời, các địa phương phát triển thêm 68 tàu xa bờ, nâng tổng số tàu xa bờ lên 298 chiếc. Sự nỗ lực này, có ý chí can trường của nhân dân vùng biển, có cả quyết sách đúng đắn của chính quyền. Giữa lúc khó khăn nhất, tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ theo Quyết định 1822 không chỉ là “phao cứu sinh” giữa lúc “đói lòng” mà còn thể hiện sự đồng lòng, đồng sức của cả hệ thống chính trị sát cánh cùng bà con vượt khó khăn. Nỗi đau ngày biển “chảy máu” đang vơi dần trong lòng những ngư dân làng biển. Niềm tin vào sự chỉ đạo của Đảng đang dẫn lối cho họ bước đến một cuộc sống mới, không còn mất mát, không còn đói nghèo… Một mùa xuân mới gõ cửa, dự cảm sẽ mang lại nhiều niềm vui tươi mới đến với mọi người, mọi nhà trên mảnh đất Hà Tĩnh thân thương.

Nguyễn Oanh


    Ý kiến bạn đọc