Văn hóa công sở nét đẹp cần được gìn giữ và xây dựng
EmailPrintAa
10:44 25/01/2017

Hiện nay đang có nhiều cách hiểu và định nghĩa khác nhau về văn hóa công sở. Theo quan điểm chung nhất, được nhiều tài liệu nghiên cứu ghi nhận, thì văn hóa công sở là các giá trị có tính chuẩn mực chung, làm nền tảng cho sự gắn kết giữa cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện các nhiệm vụ được giao; bao gồm hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần phản ánh sự đúng đắn, tính nhân văn, nét đẹp và niềm tin được hình thành trong quá trình hoạt động, phát triển của công sở, được mọi người tuân thủ, tự giác thực hiện vì mục tiêu chung.

Theo đó, văn hóa công sở bao gồm 2 nhóm yếu tố cấu thành, đó là:

Các yếu tố phi vật chất, gồm: hệ thống các quy định, quy chế, quy tắc chuẩn mực hành vi của con người; các biểu hiện về thái độ giao tiếp, ứng xử; mối quan hệ, tinh thần đoàn kết, dân chủ trong cơ quan; ý thức trách nhiệm, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; cách thức, hiệu quả, hiệu lực quản lý điều hành của cơ quan...

Các yếu tố vật chất, gồm: trụ sở, cảnh quan môi trường; các thực thể văn hoá và cách bài trí như quốc huy, quốc kỳ, biển hiệu, bảng thông báo, chỉ dẫn..; các trang bị, phương tiện, trang phục... được sử dụng trong hoạt động của cơ quan...

Với cấu trúc như vậy, văn hoá công sở có vai trò, vị trí hết sức quan trọng. Nhận thức được yêu cầu đó, hầu hết cơ quan, đơn vị thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh đã ban hành tiêu chuẩn đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các quy chế hoạt động của cơ quan, tổ chức đảng, đoàn thể; một số cơ quan, đơn vị ban hành Bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, quy định về trang phục, tác phong, lề lối làm việc v.v.. Thực hiện Quy chế dân chủ trong các cơ quan ngày càng tốt hơn. Công tác cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo khá quyết liệt, hoạt động quản lý, điều hành, tác nghiệp của phần lớn cơ quan được cải tiến theo hướng ngày càng hiện đại, thuận tiện, hiệu quả. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được nâng lên, tuyệt đại bộ phận có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; kỷ luật, kỷ cương hành chính, thái độ giao tiếp, ứng xử, phục vụ nhân dân có chuyển biến tích cực. Phần lớn cơ quan, đơn vị được đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, bố trí sắp xếp lại trụ sở làm việc; có cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp, góp phần xây dựng đô thị văn minh.

Tuy vậy, việc xây dựng văn hoá công sở tại một số cơ quan, đơn vị vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Cấp uỷ, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự chú trọng triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng văn hoá công sở. Nhận thức của một số cấp ủy, lãnh đạo cơ quan và một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về xây dựng văn hóa công sở chưa đầy đủ, chưa thấy rõ mối liên hệ giữa văn hóa công sở với hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác cải cách hành chính và yêu cầu cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Quy chế, quy định của một số cơ quan, đơn vị còn chung chung, hiệu lực thi hành hạn chế; phương thức, lề lối làm việc thiếu khoa học, hội họp còn nhiều, chất lượng một số cuộc họp không cao; tác dụng, hiệu quả xử lý, giải quyết công việc sau hội họp còn hạn chế. Việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng, điều chuyển, bổ nhiệm cán bộ ở một số đơn vị chưa chú trọng đúng mức đến phẩm chất và năng lực thực sự của cán bộ; công tác đào tạo cán bộ còn lãng phí, hiệu quả thấp; việc giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thiếu chặt chẽ, toàn diện. Chưa kịp thời phát hiện, giáo dục, ngăn ngừa hiệu quả một số biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Việc xây dựng cảnh quan môi trường, bài trí công sở ở một số cơ quan, đơn vị còn bất cập; việc ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý, điều hành, tác nghiệp chưa được chú trọng, hiệu quả hạn chế.

Trong những năm tới, để thực hiện thắng lợi mục tiêu “đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hoá, con người Hà Tĩnh nói chung, xây dựng văn hoá công sở nói riêng trở thành một đòi hỏi khách quan, cấp thiết. Trước mắt, cần tập trung xây dựng ý thức trách nhiệm và phong cách ứng xử chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức trong giao tiếp, giải quyết công việc với nhân dân, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân đối với bộ máy cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của tỉnh. Để thực hiện được các nội dung trên, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, phát huy vai trò người đứng đầu, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đối với việc xây dựng văn hóa công sở.

Cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, phát triển văn hóa, con người; chỉ đạo ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế văn hóa công sở tại cơ quan, đơn vị gắn với thực hiện thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; tiếp tục rà soát, xây dựng, bổ sung hoàn thiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đưa nội dung xây dựng văn hóa công sở vào sinh hoạt thường kỳ của cấp ủy, chi bộ và chương trình, kế hoạch hoạt động của cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể.

Đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị. Phân công một đồng chí lãnh đạo cơ quan phụ trách, đồng thời người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đoàn thể phải gương mẫu trong thực hiện các nhiệm vụ xây dựng văn hóa công sở.

Hằng năm, cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, các đoàn thể tổ chức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên cam kết thực hiện Quy chế văn hóa công sở của đơn vị; đưa nội dung đánh giá, nhận xét việc thực hiện Quy chế văn hoá công sở vào sinh hoạt chi bộ và chào cờ hằng tháng. Các đoàn thể vận động đoàn viên, hội viên thực hiện tốt Quy chế văn hóa công sở; giám sát kết quả thực hiện của hội viên, đoàn viên.

Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao.

Cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng; nâng cao trình độ lý luận; chú trọng giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, thái độ giao tiếp, ứng xử của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức.

Cấp uỷ các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch, đồng thời tập trung lãnh đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05- CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (Khoá XII) về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hành chính cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, theo hướng thiết thực, phục vụ yêu cầu công tác và theo quy hoạch cán bộ. Có các chế độ, chính sách khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tự học tập, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ. Tổ chức tập huấn kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; kỹ năng quản lý, điều hành cho cán bộ lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Các đoàn thể quần chúng trong cơ quan, đơn vị tổ chức hoặc tham gia, phối hợp tổ chức diễn đàn, hội thảo, hội thi về cải cách hành chính, đạo đức công vụ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử.

Ba là, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính.

- Đẩy mạnh thực hiện Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Ban Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý; chú trọng công tác chỉ đạo, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cán bộ, công chức, viên chức theo các chỉ thị, kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và quyết định của UBND tỉnh.

Mở rộng dân chủ, xây dựng nội bộ cơ quan, đơn vị đoàn kết, thống nhất. Phát huy vai trò lãnh đạo của cấp uỷ, chức năng tham gia quản lý và giám sát của các tổ chức đoàn thể đối với các hoạt động của cơ quan, nhất là trong chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; công tác cán bộ; việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản, phương tiện công; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tệ nạn xã hội…

Tập trung lãnh đạo đẩy mạnh cải cách hành chính; tiến hành đồng bộ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đơn vị sự nghiệp và tổ chức đoàn thể. Cân nhắc, lựa chọn, phân công cán bộ có trình độ, tâm huyết, có đạo đức, trách nhiệm làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Tăng cường tổ chức, khâu nối các cơ quan, đơn vị, phòng ban liên quan trong phối hợp giải quyết thủ tục hành chính v.v..

Lãnh đạo thực hiện tốt Kết luận số 05-KL/TU ngày 29/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ “về một số chủ trương nâng cao năng lực, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị”. Các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quyết định số 3713/QĐ-UBND ngày 25/11/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đổi mới phương thức hoạt động của các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và hoạt động của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, điều hành, tác nghiệp; cải tiến nội dung, hình thức hội họp theo hướng hiệu quả, tiết kiệm thời gian, kinh phí.

Đầu tư cở sở vật chất, trang bị đáp ứng yêu cầu hoạt động của cơ quan và điều kiện làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Tổ chức và duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tạo sự gắn bó giữa người lao động với cơ quan, đơn vị.

Bốn là, tăng cường phối hợp, thanh tra, kiểm tra, giám sát, tổng kết, đánh giá việc thực hiện văn hóa công sở.

Cấp ủy phối hợp với thủ trưởng cơ quan và các tổ chức đoàn thể quần chúng trong đơn vị thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế văn hoá công sở của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá thực hiện; lấy kết quả xây dựng văn hóa công sở làm một trong các tiêu chí đánh giá, xếp loại tổ chức, cá nhân hàng năm.

Các cơ quan liên quan như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nội vụ, Liên đoàn lao động tỉnh phối hợp tham mưu Uỷ ban Nhân dân tỉnh ban hành quy định, hệ thống các tiêu chí về văn hoá công sở và hướng dẫn tổ chức thực hiện.

Các cơ quan, đơn vị hằng năm tổ chức lấy ý kiến đánh giá, góp ý của các doanh nghiệp, đơn vị cơ sở; thực hiện có hiệu quả quy định của Đảng, Nhà nước về lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ phụ trách các lĩnh vực thường xuyên làm việc, tiếp xúc với nhân dân; bố trí “Hộp thư góp ý” tại công sở và trên trang thông tin điện tử của đơn vị; khuyến khích sự tham gia giám sát của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với hoạt động của cơ quan. Giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn công sở.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, tin tưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh sẽ thực hiện tốt việc xây dựng văn hóa công sở, góp phần quan trọng trong thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Lê Văn Vinh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh


    Ý kiến bạn đọc