Một số kết quả đáng ghi nhận
Ngày 20/3/2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TU về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định 31/QĐ-UBND, ngày 06/7/2012 về việc ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống, đón nhận các danh hiệu thi đua trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Sau 4 năm triển khai thực hiện Chỉ thị của Tỉnh ủy và Quyết định của UBND tỉnh, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể được nâng lên; việc thực hiện nếp sống văn minh trong cưới, tang, lễ hội trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào quy cũ. Cùng với phong trào Toàn dân đoàn kết xây đời sống văn hóa, phong trào xây dựng Nông thôn mới, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã có những thay đổi rõ nét, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của đại bộ phận cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên và các tầng lớp nhân dân.
Để việc cưới, việc tang, lễ hội trở thành nét đẹp văn hóa và ngày càng văn minh, tiết kiệm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy định hướng nội dung công tác tuyên truyền Chỉ thị 20-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và qua hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền miệng từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là định hướng cơ sở tuyên truyền thông qua các đợt sinh hoạt chính trị, hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề...Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã gắn việc thực hiện Chỉ thị vào nội dung thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Các đoàn thể đưa nội dung Chỉ thị 20 vào các phong trào, cuộc vận động, tuyên truyền đoàn viên, hội viên nghiêm túc thực hiện.
Bên cạnh đó, đảng bộ, chính quyền các huyện, thành, thị đã ban hành hướng dẫn, quy chế thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội; các làng, xã, khối phố đã kịp thời bổ sung và đưa nội dung quy định trong Chỉ thị 20-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Quyết định 31/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh vào trong các hương ước, quy ước của địa phương mình.
Có thể nói, sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 20-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy việc cưới, việc tang và lễ hội ngày càng văn minh, tiết kiệm, không phô trương, hình thức, góp phần quan trọng vào việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo lập lối sống mới và trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao mức sống cho nhân dân tỉnh nhà.Việc cưới tổ chức đảm bảo quy định, các thủ tục được đơn giản hóa; quy mô phù hợp với thuần phong, mỹ tục và điều kiện kinh tế của mỗi gia đình; việc đăng ký kết hôn thực hiện đúng quy định của pháp luật; khắc phục các hủ tục lạc hậu và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc trong việc cưới. Trước đây, cưới hỏi có nhiều lễ và nhiều thủ tục như giạm ngõ, bỏ trầu, ăn hỏi, nạp tài nhưng đến nay các lễ đó được gộp lại thành một lễ; việc tổ chức ăn cưới linh đình nhiều ngày, đến nay chỉ mời anh em họ hàng, bà con lối xóm, ban bè gần gủi và tổ chức ngắn gọn trong ngày, đơn giản hóa lễ cưới, không bày biện thuốc lá trong đám cưới… Theo số liệu thống kê từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh có 61.525 đám cưới được tổ chức thì có 45.527 đám cưới tổ chức theo nếp sống văn hóa mới. Một số mô hình đám cưới văn minh, tiết kiệm do Đoàn Thanh niên tổ chức tại Hội trường UBND xã, tại nhà riêng, trước lễ cưới cô dâu, chú rể đến dâng hương, hoa, trồng cây lưu niệm tại đài tưởng niệm hoặc nghĩa trang liệt sỹ, gửi thiếp báo hỷ thay cho thiệp mời cưới… Tiêu biểu: Phường Tân Giang, Thạch Linh, Đại Nài, Văn Yên (Thành phố Hà Tĩnh); Phường Sông Trí, xã Kỳ Ninh, Kỳ Hoa (Thị xã Kỳ Anh); xã Kỳ Hải, Kỳ Phú, Kỳ Tiến, Kỳ Thư (huyện Kỳ Anh); xã Trường Lộc, Thiên Lộc, Khối phố 7 thị trận Nghèn (Can Lộc); xã Đức Lạc, Trung Lễ, Yên Hồ, Trường Sơn (Đức Thọ); xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Vịnh, Cẩm Thành, Cẩm Bình (Cẩm Xuyên); xã Phú Phong, Hương Liên, Hương Bình (Hương Khê); xã Xuân Phổ, Xuân Mỹ, Xuân Viên, Xuân Thành (Nghi Xuân); xã Sơn Trường, Sơn Phúc, Sơn Tân (Hương Sơn)...
Việc tang được tổ chức chu đáo, trang nghiêm. Mọi nghi thức tang lễ được thực hiện gọn gàng, vệ sinh, văn minh, tiết kiệm phù hợp với thuần phong mỹ tục và điều kiện kinh tế của từng gia đình. Hầu hết các địa phương vận dụng, đưa vào các quy ước, hương ước khu dân cư để cùng nhau thực hiện như sử dụng đội trống kèn, mở băng nhạc tang, không sử dụng nhạc tang kéo dài sau 22 giờ đêm và trước 5 giờ sáng… các gia đình có người mất đều đến chính quyền địa phương để làm giấy khai tử; một số dịch vụ tang lễ được hình thành đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của nhân dân và góp phần thực hiện nếp sống văn minh trong tang lễ. Trong 4 năm (2012 - 2016), toàn tỉnh có 39.137 đám tang trong đó có 35.608 đám tang được thực hiện theo nếp sống văn hóa mới. Một số địa phương thực hiện tốt việc tang như:Phường Trung Lương, Đậu Liêu, xã Đức Thuận, Thuận Lộc (Thị xã Hồng Lĩnh); Phường Tân Giang, Thạch Bình, Nam Hà, Đại Nài (thành phố Hà Tĩnh); xã Đức La, Đức Quang, Trung Lễ (Đức Thọ); Thị trấn Cẩm Xuyên, xã Cẩm Vịnh, Cẩm Thành (Cẩm Xuyên); xã Sơn Phúc, Sơn Hòa, Sơn Mai, Thị trấn Phố Châu (Hương Sơn); Thôn Đại Tiến xã Thạch Trị (Thạch Hà)…
Về lễ hội, Hà Tĩnh là địa phương có số lễ hội dân gian khá nhiều, theo số liệu thống kê hiện nay toàn tỉnh có gần 1.000 lễ hội dân gian truyền thống và lễ hội lịch sử cách mạng, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, số lễ hội dân gian càng ngày mai một và đang từng bước được khôi phục, hiện nay toàn tỉnh còn 70 lễ hội với 12 lễ hội thường xuyên, có quy mô lớn, một số lễ hội tiêu biểu như: lễ hội Chùa Hương tích (Can Lộc), lễ giỗ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (Kỳ Anh), Lễ hội Đền Chiêu Trưng (Thạch Hà), Đền Chợ Củi, Lễ hội Sỹ, Nông, Công, Thương (Nghi Xuân), Đền Đô Đài Bùi Cầm Hổ, Lễ hội đua thuyền Trung Lương (thị xã Hồng Lĩnh), lễ hộ cầu ngư và chèo cạn (Cẩm Xuyên)... Thời gian qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn toàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nền nếp và theo hướng xã hội hóa. Phần lễ cơ bản bảo đảm các nghi lễ truyền thống; phần hội, ngoài khôi phục các tục, trò chơi dân gian, các địa phương đã có nhiều sáng tạo, tổ chức thêm các hình thức văn nghệ, thể thao, tạo được không khí vui vẻ, phấn khởi trong quần chúng nhân dân.
Các hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm các sự kiện cấp quốc gia, cấp tỉnh, kỷ niệm ngày sinh của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, ngày mất, ngày sinh của các Danh nhân... được tỉnh và các địa phương cơ sở tổ chức trang nghiêm, trọng thể, tiết kiệm được các tầng lớp nhân dân đồng tình.
Từ những kết quả nêu trên đã thể hiện rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối kết hợp giữa MTTQ và các đoàn thể nhân dân, đặc biệt là sự hưởng ứng tham gia và ủng hộ tích cực của các tầng lớp nhân dân trong việc văn minh, lành mạnh hóa việc cưới, việc tang và lễ hội.
Những điều cần suy ngẫm
So với mục đích, yêu cầu đặt ra, việc thực hiện Chỉ thị 20-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thời gian qua còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Một số địa phương, đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc, thiếu các giải pháp đồng bộ, thiếu kiểm tra, đôn đốc và chưa quyết liệt trong việc phê bình, chưa có chế tài đối với những cá nhân, đơn vị vi phạm các quy định trong cưới, tang, lễ hội. Việc bình xét công nhận các danh hiệu gia đình, khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa... ở đa số các địa phương chưa áp dụng triệt để các tiêu chí về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Một số đám cưới tổ chức linh đình, mời khách đông, hiện tượng thương mại hóa trong tiệc cưới vẫn còn tồn tại, trong đó một số cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu tổ chức việc cưới trong giờ hành chính, sử dụng rượu bia không đúng với nội dung Chỉ thị 20 của tỉnh... Trong việc tang, việc để thi hài người chết dài ngày vẫn còn diễn ra ở một số địa phương; các hiện tượng mê tín dị đoan: cúng ma, đốt, rải vàng mã vẫn diễn ra ở một số đám tang; việc phúng điếu còn có nhiều vòng hoa, bức trướng, hiện tượng mở nhạc tang với tần suất âm thanh quá lớn gây ồn ào trong khu dân cư có chiều hướng gia tăng... Trong lễ hội, tình trạng thương mại hóa trong các lễ hội vẫn tồn tại; một số lễ hội truyền thống chưa được quan tâm khôi phục, hoặc đã được khôi phục nhưng chưa được tổ chức thường xuyên và đúng tầm với giá trị nhân văn của nó; các hoạt động văn hóa, thể thao trong các lễ hội còn bị xem nhẹ, tổ chức sơ sài; trong khi đó, hiện tượng lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan: rút quẻ, xem bói, lên đồng, cầu hồn... vẫn còn diễn ra ở một số đền, chùa tại các địa phương trong tỉnh.
Những việc cần làm ngay
Để lành mạnh hơn nữa việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo tinh thần Chỉ thị 20-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong thời gian tới cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về ý nghĩa của việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, coi đây là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương, đơn vị. Gắn việc thực hiện Chỉ thị 20-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyết định 31 của UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Chỉ thị 35-CT/TU, Kết luận 05-KL/TU về siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang với việc nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Thực hiện nghiêmChỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Hàng năm, xét công nhận cấp ủy đảng, tổ chức đảng đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; bình xét các danh hiệu thi đua của từng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên phải gắn với việc thực hiện Chỉ thị 20 và Quyết định 31 của Ủy ban nhân dân tỉnh... Các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội; thường xuyên kiểm tra việc tổ chức cưới, tang, lễ hội ở các địa phương, hộ gia đình, khu dân cư... kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, những việc làm sai trái, những hiện tượng tiêu cực.
Những vấn đề liên quan đến việc cưới, việc tang, lễ hội không bao giờ là chuyện cũ, nó tồn tại và đồng hành trong đời sống tinh thần của mỗi người, gia đình và cộng đồng. Điều chỉnh ứng xử của con người, gia đình, cộng đồng khi có việc cưới, việc tang, lễ hội là biểu hiện nhận thức về văn hóa, trình độ, năng lực quản lý, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền, trong đó việc tiếp tục thể chế các quan điểm, chủ trương của tỉnh trên lĩnh vực này thành các văn bản mang tính pháp lý phù hợp, thuyết phục là khâu quyết định. Chủ trương đã rõ, nhân dân đã nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tác dụng của việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Nhưng vấn đề đặt ra trong thời gian tới là cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và tổ chức thực hiện Chỉ thị một cách có hiệu quả, thiết thực để tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân là điều cần thiết, trong đó người thực hiện nêu gương trước hết phải là những cán bộ, đảng viên.
Hà Tiến Lam - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Tin mới cập nhật
- Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng để lãnh đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững ( 25/01)
- Nét mới trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ( 25/01)
- Đường lối xây dựng Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng ( 25/01)
- Đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc về Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng ( 25/01)
- Sưởi ấm lòng người dân vùng lũ ( 25/01)
- Khi Lòng dân đồng thuận ( 25/01)