Thạch Hà tích cực triển khai công tác chuẩn bị bầu cử
EmailPrintAa
08:10 22/03/2016

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 sẽ được tổ chức vào ngày 22/5/2016. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, ngày hội của toàn dân trong việc thực hiện quyền dân chủ, lựa chọn những người thật sự xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân vào các cơ quan dân cử, góp phần xây dựng chính quyền vững mạnh, thực sự của dân, do dân và vì dân.
               Hội nghị hiệp thương lần hai bầu cử đại biểu HĐND huyện

Nhận thức được tầm quan trọng của cuộc bầu cử, huyện đã bám sát Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh để triển khai trên địa bàn, đến nay, huyện Thạch Hà đã thành lập Ban Chỉ đạo bầu cử, Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp từ huyện đến cơ sở; xây dựng kế hoạch khung từ đầu cho đến kết thúc cuộc bầu cử; tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai sâu rộng về công tác bầu cử trong đội ngũ cán bộ cốt cán toàn huyện; ban hành các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn tổ chức thực hiện; phối hợp Sở Tư pháp tổ chức hội nghị nghiên cứu, quán triệt học tập Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Luật tổ chức chính quyền địa phương cho 234 cán bộ và các thành phần liên quan.

Trên cơ sở kết quả hai vòng hiệp thương, Thường trực HĐND huyện và cơ sở đã điều chỉnh cơ cấu, thành phần và  số lượng người ứng cử đại biểu HĐND các cấp để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thông báo cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ra ứng cử, đồng thời tổ chức lấy ý kiến của cử tri nơi công tác.

Với dân số toàn huyện 150.359 người, trong đó có 108.000 cử tri,  Thạch Hà được chia thành 09 đơn vị bầu cử, số lượng đại biểu HĐND huyện được bầu là 41, số lượng người được giới thiệu là 71, trong đó nữ chiếm 39,7%, trẻ dưới 35 tuổi chiếm 21,9 %, ngoài Đảng chiếm 13,7%. Cấp xã có 174 khu vực bỏ phiếu, tổng số đại biểu được bầu 781, số lượng người được giới thiệu 1.370, trong đó nữ chiếm 37,94%, trẻ dưới 35 tuổi chiếm 23,79%, ngoài Đảng chiếm 20,68% và tái cử chiếm 40,52%. Một số đơn vị có tỷ lệ nữ được giới thiệu cao trên 41% là: Thạch Kênh, Phù Việt, Thạch Tiến, Thạch Hương và Thạch Văn; tỷ lệ trẻ được giới thiệu trên 32% là Thạch Tân, Ngọc Sơn, Thạch Kênh và Thạch Bàn; tỷ lệ người ngoài Đảng được giới thiệu trên 32% là Thạch Thắng, Thạch Bàn, Thạch Khê, Thạch Kênh, Thạch Liên và Thạch Long. Nhìn chung, Ban Chỉ đạo và Ủy ban bầu cử các cấp hoạt động tích cực; quy trình các bước chuẩn bị bầu cử được triển khai đúng theo khung kế hoạch, đảm bảo dân chủ, khách quan, đúng pháp luật, không nảy sinh vấn đề phức tạp.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác bầu cử còn bộc lộ một số khó khăn, tồn tại: Sau đại hội Đảng các cấp, một số cán bộ chủ chốt cơ sở có sự thay đổi, chưa có kinh nghiệm về bầu cử nên có phần bị động, lúng túng; có nơi thực hiện quy trình chưa chặt chẽ, cơ cấu thành phần, số lượng đại biểu không đảm bảo. Cá biệt một số nơi phát sinh đơn thư nặc danh, mạo danh gửi cấp ủy, chính quyền huyện nhằm làm giảm uy tín ứng cử viên. Những tồn tại ấy đã được Ủy ban bầu cử huyện bổ cứu kịp thời, đảm bảo sự thống nhất và ổn định.

 Khó khăn lớn nhất, mang tính khách quan mà huyện và cơ sở đang vướng phải đó là về độ tuổi tham gia đại biểu HĐND tối thiểu phải trọn một nhiệm kỳ. Qua soát xét, ở cấp xã có 60 trường hợp vướng mắc (07 Bí thư Đảng ủy , 05 Phó Bí thư Đảng ủy, 01 Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND), 01 Phó Chủ tịch UBND, 15 Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, còn lại là trưởng đoàn thể). Ở huyện, đồng chí Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đều không đủ tuổi ứng cử theo quy định. Tuy đã có hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương bổ sung về độ tuổi đối với những người dự kiến ứng cử các chức danh lãnh đạo HĐND, UBND nhiệm kỳ 2016 - 2021 nhưng cũng chỉ giải quyết được một số trường hợp. Nếu không sắp xếp lại thì sẽ thiếu người đại diện cho nhân dân trong một số tổ chức Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân, nhưng nếu phải bố trí sẻ ảnh hưởng hiệu quả và chất lượng công tác. Việc lựa chọn những người là nữ, trẻ tuổi, ngoài đảng để giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND ở một số đơn vị cũng có khó khăn, do số học hành tốt, năng động, sáng tạo thì đã thi vào các trường đại học, cao đẳng hoặc đi làm ăn xa, số còn lại thì có mặt hạn chế.

Từ thực tiễn tình hình của địa phương, để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đạt kết quả tốt, xin kiến nghị đề xuất với Hội đồng bầu cử Trung ương, Ban Chỉ đạo và Ủy ban bầu cử các cấp tập trung thực hiện một số giải pháp như sau:

Một là, tiếp tục nghiên cứu đề xuất với Ban Tổ chức Trung ương điều chỉnh thêm về độ tuổi, để các đồng chí là cấp ủy đang giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, trưởng các tổ chức đoàn thể chính trị, có độ tuổi nam sinh từ tháng 9 năm 1958, nữ sinh tháng 9 năm 1963 trở lại đây được tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp, nhất là ở những đơn vị có cấp trưởng và cấp phó không đảm bảo về độ tuổi.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền miệng qua các hội nghị, trên các phương tiện thông tin đại chúng, mở các chuyên trang, chuyên mục trên báo, đài, nghệ thuật hóa bằng sân khấu… Đặc biệt là chú trọng công tác tập huấn, cung cấp đầy đủ tài liệu cho đội ngũ những người làm công tác bầu cử các cấp. Chỉ khi nào mỗi người dân nhận thức được tầm quan trọng, mục đích, yêu cầu, nội dung của cuộc bầu cử thì khi đó mới thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình.

Ba là, chọn những người có uy tín, tâm huyết, trình độ, năng lực vào các tổ bầu cử, vì họ là người trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn cử tri thực hiện công tác bầu cử ở các thôn xóm, tổ dân phố, đơn vị. Chỉ khi nào tất cả các tổ bầu cử thực hiện tốt nhiệm vụ thì cuộc bầu cử mới thành công.

Bốn là, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các khâu, các bước của cuộc bầu cử; kịp thời bổ cứu những sai sót, giúp cơ sở tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai để đảm bảo theo khung kế hoạch đã đề ra. Kịp thời xử lý các đơn thư kiến nghị của cử tri có liên quan theo quy định của pháp luật.

Năm là, đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất cho cuộc bầu cử, từ khâu tuyên truyền, in ấn tài liệu, tập huấn, phiếu bầu, hòm phiếu, con dấu... cho đến đảm bảo an ninh trật tự. Cần xác định rõ mức kinh phí hỗ trợ của cấp trên để các cấp chủ động cân đối ngân sách đảm bảo cho các hoạt động cuộc bầu cử.

Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp sắp cận kề, với công tác chuẩn bị khá tích cực, nghiêm túc, thận trọng của các cấp, các ngành, của Ủy ban bầu cử từ huyện tới cơ sở, nhất định cuộc bầu cử sẽ thành công tốt đẹp./.

   Nguyễn Lương Lĩnh

                                    (Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy,

                           Phó Chủ tịch HĐND huyện Thạch Hà)


    Ý kiến bạn đọc