Mỹ thách thức chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông như thế nào?
EmailPrintAa
08:46 16/10/2015

Trước yêu sách chủ quyền phi lý mà Trung Quốc áp đặt đối với các đảo nước này cải tạo phi pháp ở Biển Đông, Mỹ đã có những tính toán hết sức rõ ràng.

Sẵn sàng đưa Hải quân tiến sâu vào khu vực 12 hải lý

Hải quân Mỹ dự tính sẽ tiến hành các chiến dịch nhằm đảm bảo “tự do hàng hải” bằng cách đưa các tàu của mình vào trong khu vực 12 hải lý mà Trung Quốc áp đặt chủ quyền đối với các đảo nước này cả tạo phi pháp ở Biển Đông.

 

Các tàu thuộc biên chế Hạm đội 7 Thái Bình Dương của Mỹ luôn sẵn sàng tiến sát các đảo mà Trung Quốc cải tạo trái phép ở Biển Đông nếu được Chính phủ "bật đèn xanh". Ảnh Wikipedia

 

Theo tạp chí Diplomat, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang bị áp lực phải thể hiện quan điểm rõ ràng của mình trong vấn đề này.

Các quan chức Mỹ và châu Á chia sẻ trên tờ New York Times rằng, các đồng minh của Mỹ đều được thông báo về các chiến dịch nói trên, trong đó có việc tàu Hải quân Mỹ sẽ áp sát ít nhất một trong số các đảo mà Trung Quốc đã tiến hành xây dựng các công trình quân sự ở Biển Đông.

Ông Daniel Kritenbrink, tân Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, tiết lộ rằng, kế hoạch nói trên đã được Chính phủ Mỹ “bật đèn xanh”.

Trong khi đó, trong nhiều tháng qua, truyền thông Mỹ liên tục đăng tải thông tin rằng, Bộ Quốc phòng Mỹ đã hối thúc Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao trong việc tiến hành các chiến dịch “đảm bảo tự do hàng hải” trong khu vực 12 hải lý tại các đảo do Trung Quốc cải tạo và xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Thượng Nghị sĩ Mỹ John McCain đã tổng kết lại những lời hối thúc đang nóng hơn bao giờ hết về việc này bằng câu nói ngắn gọn: “Chúng ta vẫn đang tiếp tục ngăn cản Hải quân hoạt động trong khu vực 12 hải lý tại các đảo mà Trung Quốc cải tạo và xây dựng trái phép ở Biển Đông. Đây là một sai lầm nguy hiểm khiến Trung Quốc cho rằng Mỹ đã chấp thuận tuyên bố chủ quyền của nước này đối với các đảo nhân tạo nói trên”.

Chia sẻ quan điểm này, ông Colin Clark, Biên tập viên tạp chí Breaking Defense nhấn mạnh: “Tôi hiểu rằng chúng ta trên thực tế đã chấp nhận việc Trung Quốc xây dựng các công trình trái phép ở các đảo nói trên bằng các giới hạn Hải quân và Không quân chỉ được theo dõi diễn biến của việc này ngoài khu vực 12 hải lý”.

Với những tuyên bố như trên, nhiều người cho rằng, Mỹ hoặc đã công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo mà nước này cải tạo phi pháp nói trên hoặc đã công nhận lãnh hải của Trung Quốc bao quanh khu vực này. Tuy nhiên, cả hai nhận định trên đều là hoàn toàn sai lầm.

Trung Quốc không có chủ quyền với các đảo cải tạo phi pháp

Trên thực tế, những tuyên bố gần đây của Bộ Ngoại giao Trung Quốc liên quan đến việc Mỹ dự tính đưa tàu vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo mà nước này cải tạo phi pháp ở Biển Đông đã cho thấy sự phi lý của Trung Quốc trong vấn đề này, dù Mỹ chưa hề thực thi điều này.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 10/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh khẳng định: “Trung Quốc sẽ không bao giờ tha thứ cho bất kỳ nước nào xâm phạm lãnh hải và không phận của nước này dưới “chiêu bài duy trì tự do hàng hải và hàng không”.

Trước đó, hồi tháng 5, bà Hoa Xuân Doanh cũng tuyên bố: “Trung Quốc ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông. Tuy nhiên, quyền tự do này không có nghĩa các tàu và máy bay quân sự của nước ngoài có thể xâm phạm vùng nội thủy và không phận nước khác một cách tùy tiện”.

Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc lại không hề nêu rõ hay ra yêu sách chủ quyền cụ thể đối với vùng biển xung quanh các đảo mà nước này cải tạo phi pháp ở Biển Đông nói trên.

Chính vì thế, những tuyên bố của bà Hoa Xuân Doanh chỉ là những lời lẽ mơ hồ mà giới chức Trung Quốc đưa ra giống hệt như những gì mà nước này nêu trong cái gọi là yêu sách đường 9 đoạn đáng ngờ của mình.

Chính vì thế, những gì mà ông McCain và nhiều quan chức khác của Mỹ lo ngại về việc Mỹ không hành động gì, không đồng nghĩa với việc Mỹ chấp thuận chủ quyền phi lý mà Trung Quốc áp đặt đối với các đảo nhân tạo nói trên. Điều này dựa trên chính những quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Tầm quan trọng của chủ quyền 12 hải lý theo quy định của UNCLOS là ở chỗ, thông thường các quốc gia ven biển có quyền áp đặt vùng lãnh hải 12 hải lý tính từ bờ biển của mình.

Tuy nhiên, vì Trung Quốc không thể nêu rõ đường cơ sở để áp đặt vùng lãnh hải 12 hải lý của mình ở Biển Đông, việc tàu các nước hoạt động trong khu vực 12 hải lý tại các đảo mà Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông hoàn toàn không vi phạm các quy định của UNCLOS.

Ngoài ra, việc Mỹ điều các tàu đến khu vực 12 hải lý tại các đảo mà Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông cũng sẽ được xem xét dưới các khía cạnh khác nhau tùy thuộc vào tính chất thực tế của các đảo (ban đầu là các bãi đá) nói trên.

Trong khi tránh nêu ra những thuật ngữ có thể gây hiểu nhầm trong quy định của UNCLOS, về cơ bản có hai loại thực thể mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, trong đó có “các đảo nhân tạo”.

Các đảo nhân tạo này được xây dựng trên các bãi đá tự nhiên hoàn toàn nằm chìm dưới nước khi thủy triều lên cao. Với việc dự tính đưa tàu Hải quân vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo này, Mỹ muốn truyền đi một thông điệp rằng, việc cải tạo các bãi đá này sẽ không tạo ra chủ quyền lãnh hải cho bất kỳ quốc gia nào làm việc này và chính vì thế, quốc gia đó không được phép tuyên bố thiết lập vùng lãnh hải 12 hải lý.

Thực thể thứ hai được gọi là “các đảo được mở rộng”. Tên gọi này cho thấy, các đảo này được mở rộng ra thông qua việc bồi đắp các thực thể tự nhiên có một phần nổi trên mặt nước khi thủy triều lên cao.

Vùng lãnh hải đối với các đảo được mở rộng này chỉ có thể được thiết lập nếu như chủ quyền của một nước đối với các đảo này được chấp thuận. Chính vì thế, tại thời điểm hiện tại, việc đi vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo này vẫn chỉ được hiểu là di chuyển qua vùng biển chưa xác định rõ chủ quyền.

Trong trường hợp Trung Quốc muốn phản đối hành động này của Mỹ theo ngôn ngữ của UNCLOS, Trung Quốc phải chứng minh được rằng các tàu của Mỹ không đáp ứng được các quy định về “việc đi qua khu vực này một cách vô hại”.

Trước đó, Trung Quốc từng cố tình áp đặt nguyên tắc rằng, các tàu đi qua khu vực nói trên phải thông báo trước hoặc phải được Trung Quốc cho phép mới được thực thi quyền “đi qua một cách vô hại”, điều không hề được quy định trong UNCLOS.

Mục tiêu và thách thức đối với Mỹ

Như vậy, các chiến dịch nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải của Mỹ qua các đảo nói trên có tầm quan trọng quyết định đối với tính pháp lý trong việc công nhận chủ quyền đối với các đảo này của Trung Quốc.

Tuy nhiên, một khó khăn đối với Mỹ chính là việc nước này không phải là thành viên của UNCLOS vì Thượng viện Mỹ không phê chuẩn.

Mặc dù vậy, Mỹ vẫn sẽ tiến hành các chiến dịch của mình và nếu các đề xuất của Bộ Quốc phòng Mỹ được thông qua, câu hỏi được đặt ra ở đây sẽ là các tàu này sẽ tiếp cận các đảo nào mà Trung Quốc đang cải tạo phi pháp và Chính phủ Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào? Ngoài ra, Hải quân Mỹ sẽ có nhiệm vụ cụ thể như thế nào sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào mục tiêu mà Chính quyền Mỹ muốn đạt được.

 

Hình ảnh vệ tinh cho thấy một đảo bị Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông. Ảnh CSIS

 

Một trong những mục tiêu mà Mỹ nhắm tới là buộc Chính phủ Trung Quốc phải đưa ra tuyên bố chủ quyền chính thức theo ngôn ngữ của UNCLOS, nhất là những tuyên bố mà một quốc gia tham gia UNCLOS có thể thách thức tính hợp pháp trong tuyên bố của Trung Quốc sau này.

Từ trước đến nay, những yêu cầu của Mỹ trong các diễn đàn chính thức và không chính thức về việc Trung Quốc cần làm rõ yêu sách chủ quyền của mình đều không được hồi  đáp. Chính vì thế, việc Mỹ dự định đưa tàu Hải quân đến các đảo nói trên nhằm thực thi quyền tự do hàng hải được cho là sẽ tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc để đạt được mục tiêu này.

Một mục tiêu khác của Mỹ là sẽ tiếp tục thực thi quyền tự do hàng hải của mình như từ trước đến nay vẫn làm để cho thấy Mỹ “có hành động cụ thể” đối với các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông khiến nhiều nước trong khu vực phải đồng loạt lên tiếng phản đối.

Tuy nhiên, hành động này của Mỹ được cho là có thể dẫn tới những phản ứng tiêu cực của phía Trung Quốc có thể tính đến những chiến thuật nguy hiểm như tấn công các tàu của Mỹ.

Các quan chức Mỹ cũng có thể cho rằng, chiến lược của Trung Quốc là “thay đổi hiện trạng thực tế trong khu vực” trong khi tránh đưa ra những tuyên bố cụ thể dẫn tới bất lợi cho nước này theo luật pháp quốc tế.

Nếu như vậy, việc đẩy giới chức Trung Quốc vào tình thế có thể đưa ra những phản ứng tiêu cực là hoàn toàn có thể chấp nhận được. Trong trược hợp đó, Mỹ hoàn toàn có thể làm tốt hơn việc chỉ tham gia tuần tra chung với các đồng minh của mình, vốn cũng là các thành viên của UNCLOS bởi các nước này có thể sẵn sàng kiện Trung Quốc ra tòa nếu cần thiết./.

Theo Trần Khánh/VOV.VN


    Ý kiến bạn đọc