Nga không kích IS hiệu quả tại Syria khiến Mỹ “mất điểm” ở Trung Đông
EmailPrintAa
08:29 14/10/2015

Không kích IS hiệu quả tại Syria, Tổng thống Nga Putin đã trở lại nổi bật trên trường quốc tế, cạnh tranh với Mỹ ở Trung Đông

Ngày 30/9, Nga bắt đầu chiến dịch không kích vào lực lượng của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria. Chiến dịch này là chiến dịch quân sự đầu tiên Moscow tiến hành ngoài khu vực thuộc Liên Xô cũ kể từ sau khi can dự cuộc chiến tại Afghanistan năm 1979.

Chỉ trong hơn một tuần, các cuộc không kích của Nga đã đánh trúng hơn 110 mục tiêu của IS, hơn 40% các công trình của IS bị san phẳng. Các máy bay chiến đấu tham gia vào chiến dịch không kích của Nga gồm cả các chiến đấu cơ đời mới và các máy bay cũ thời Xô Viết. Trong đó, oanh tạc cơ Su-24 và cường kích Su-25 được coi là đóng vai trò then chốt.

 

Những người ủng hộ chính quyền Syria đi tuần hành, cầm biểu ngữ với dòng chữ "Cảm ơn nước Nga" (Ảnh AP).

 

Chiếm được lòng tin của nhiều người Iraq và Syria

Các vụ không kích hiệu quả của Nga đã giành được lòng tin của nhiều người ở Iraq và Syria. Những người này nhìn thấy các cuộc không kích của Nga ở Syria là “một bước ngoặt” sau hơn một năm nỗ lực tấn công nhưng phần lớn là không hiệu quả của liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu.

Dư luận về các cuộc không kích của Nga xem ra khá trái ngược nhau. Trong khi phương Tây ra sức chỉ trích Tổng thống Nga Putin mượn cớ chống IS để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Syria Al-Assad, một số chuyên gia quốc tế khác lại ủng hộ Putin, coi ông là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược.

"Putin làm nhiều hơn là chỉ nói," AP ngày 13/10 dẫn lời chuyên gia Sohban Elewi của Damascus cho biết. Đây cũng là quan điểm của nhiều người Syria khi họ nhìn nhận chính sách của Mỹ ở Syria và Iraq là “mò mẫm và lúng túng”.

Nga bắt đầu chiến dịch không kích vào Syria từ ngày 30/9, tại một thời điểm rất quan trọng đối với Assad và quân đội của ông. Quân đội Syria đã “đánh mất” Idlib, một thành phố phía bắc trọng yếu của Syria, mở đường cho phiến quân tiến gần hơn đến trung tâm vùng duyên hải của tộc người Alawite.

Nga luôn khẳng định các cuộc không kích của mình nhắm tới mục tiêu là các nhóm Nhà nước Hồi giáo và các "phần tử khủng bố". Nhưng phiến quân Syria và các lực lượng đối lập cáo buộc rằng, các máy bay chiến đấu của Moscow đã tập trung vào Idlib và các tỉnh miền Trung Hama, tiến đánh lực lượng phiến quân được Mỹ hậu thuẫn ở cả khu vực không có chiến binh IS.

 

Tổng thống Nga Putin trả lời phỏng vấn của kênh Russia 1 ở Sochi về chiến dịch không kích IS tại Syria (Ảnh AP).

 

Các máy bay chiến đấu của Nga cũng yểm trợ cho lực lượng bộ binh Syria tiến hành các cuộc tấn công ở miền trung Syria, củng cố quan điểm của Mỹ và phương Tây rằng mục tiêu chính của Nga là để hỗ trợ lực lượng của ông Assad.

Thể hiện quan điểm bằng sức mạnh quân sự

Trong các cuộc tấn công, ngoài chiến đấu cơ cất cánh từ căn cứ Latakia, tàu chiến Nga từ biển Caspi mở đầu trận chiến bằng việc bắn tên lửa nhằm vào các mục tiêu cách hơn 1.500km về Iran và Iraq để tấn công các tỉnh Raqqa và Aleppo. Một động thái mà phương Tây cho là nhằm phô trương sức mạnh hơn là vì một mục tiêu quân sự cụ thể.

Với chiến dịch không kích IS tại Syria, Tổng thống Nga Putin đã trở lại nổi bật trên trường quốc tế, khẳng định vai trò của mình trên chính trường Trung Đông.

Giới phân tích quốc tế cho rằng, việc tiêu diệt IS và các nhóm cực đoan khác ở Syria là một phần trong nỗ lực cạnh tranh, và cũng ẩn chứa một lời cảnh báo tới phương Tây. AFP ngày 11/10 dẫn lời ông Mattew Rojansky, giám đốc Viện Kennan tại Washington, nói: “Thay vì vấn đề chủ yếu là về Syria hay về IS, cuộc tranh chấp này đã vượt qua mức độ áp lực kinh tế và thủ đoạn ngoại giao”. Theo ông này, hiện Nga đã đạt đến mức sử dụng sức mạnh quân sự để thể hiện quan điểm chính trị của mình.

Nga trình diễn sức mạnh quân sự trong bối cảnh kinh tế nước này đang bị suy yếu do giá dầu trượt dốc và bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây. Bất chấp những khó khăn về kinh tế, Kremlin đã đầu tư cho ngân sách quốc phòng ở mức kỷ lục 3,29 nghìn tỷ ruble (tương đương 53 tỷ USD), chiếm hơn 4% GDP nước này.

Người dân Iraq kỳ vọng ở Nga

Sự can thiệp quân sự của Nga tại Syria được xem như là một dấu hiệu thay đổi liên minh trong khu vực, với việc như Nga nổi lên đóng một vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống IS.

Tại Iraq, nhiều người đã lên tiếng nói rằng họ cũng muốn Nga mở rộng các cuộc không kích nhắm vào IS trên đất nước họ.

 

Một phụ nữ Syria hôn lên poster in hình Tổng thống Nga Putin (Ảnh AP).

 

AP trích dẫn lời nhận định của Tiến sĩ Samir Haddad từ Homs: "Nga đã khích lệ tinh thần chiến đấu của quân đội và người dân Syria".

"Tổng thống Putin có một tính cách nổi bật và quyến rũ, và rõ ràng là dần dần các nhà lãnh đạo thế giới đã bắt đầu ghi nhận sự can thiệp của Nga vào Syria, hoặc công khai hoặc chưa công khai", ông nói.

Tại Iraq, nơi mà các cuộc chiến tranh do Mỹ dẫn đầu với IS đã bị đình trệ, nhiều người cho rằng họ muốn các cuộc không kích của Nga trước IS để mở rộng đến đất nước của họ.

Tại Baghdad, giữa các bức tranh kiến ​​trúc Baghdad, nhà thờ Hồi giáo và tranh phong cảnh, một số cửa hàng mỹ thuật đã bắt đầu bán các bức chân dung của Tổng thống Nga Putin. Đó dường như là một cách ủng hộ sự can thiệp của ông mà người Iraq kỳ vọng là một mặt trận quân sự mới nhằm chống lại IS.

"Nga không chơi trò chơi. Họ là những người giải quyết vấn đề, và họ làm những việc đó âm thầm và hiệu quả, không giống như người Mỹ thích làm tất cả mọi thứ trước máy quay phim chụp ảnh", AP dẫn lời Hussein Karim, một sinh viên y khoa 21 tuổi từ Baghdad nói./.

 Theo Bích Đào/VOV.VN


    Ý kiến bạn đọc