Theo Sputnik News, nhận định trên được nhà báo Anh Peter Henn đưa ra nhằm tổng kết một năm đầy những dấu ấn của ông chủ điện Kremlin khi phải đối đầu với muôn vàn khó khăn trong nước cũng như thái độ “không mấy tôn trọng” của phương Tây.
Phong thái tự tin và hành động đầy quyết liệt và đạt hiệu quả cao của Tổng thống Nga Putin đã giành được sự tôn trọng của cả lãnh đạo và người dân phương Tây. Ảnh Sputnik |
Khởi đầu từ một vị thế không mấy dễ chịu
Năm 2015 bắt đầu không mấy “xuôi chèo mát mái” đối với Tổng thống Nga Putin. Rất nhiều chính trị gia phương Tây đã không ngần ngại cáo buộc Tổng thống Nga là “kiểu nhân vật phản diện trong các bộ phim của Điệp viên 007 James Bond [ngầm ám chỉ ông có tham vọng thống trị thế giới- ND].
Ông Putin “bước vào năm 2015 trong bối cảnh mối quan hệ Nga- phương Tây trở nên xấu nhất kể từ Chiến tranh Lạnh”, nhà báo Henn nhận xét trong một bài viết đăng trên tờ Daily Express.
Tại thời điểm đó, Tổng thống Nga bị phương Tây cáo buộc “xâm chiếm Ukraine, bắn hạ chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines, ra lệnh cho các chiến đấu cơ của Nga xâm nhập không phận Anh cũng như thủ tiêu các chính trị gia đối lập”.
Dù Bộ Ngoại giao Nga nhiều lần lên tiếng bác bỏ những cáo buộc mà họ cho là “vô căn cứ này”, nhưng trong mắt giới truyền thông phương Tây, những tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga được coi là “có quan điểm chống phương Tây”.
“Tuy nhiên, đã có điều gì đó xảy ra khiến phương Tây thay đổi thái độ 180 độ đối với ông Putin. Chỉ trong vài tháng trời, quan điểm không khoan nhượng của ông đối với IS đã giúp ông giành được sự ngưỡng mộ của rất nhiều người”, nhà báo Henn viết.
Giành lại sự tôn trọng của phương Tây
Theo nhà báo này, đúng trong ngày cuối cùng của tháng 9, Nga đã bắt đầu chiến dịch không kích chống IS tại Syria. “Trong chiến dịch đó, các máy bay chiến đấu của Nga đã tiến hàng hàng trăm đợt ném bom vào nhiều vị trí của IS”.
Độ chính xác cực cao trong các cuộc tấn công của các máy bay chiến đấu Su-24M, Su-25 và Su-34 không chỉ khiến IS hoảng loạn mà còn giúp giành lại vị thế vững chắc cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al Assad- người đã yêu cầu ông Putin trợ giúp mình.
Theo nhà báo Henn, chiến dịch “không kích không ngừng nghỉ” của ông Putin bất chấp “cú đâm sau lưng bất ngờ” của Thổ Nhĩ Kỳ đã dần dần làm thay đổi định kiến của giới chức phương Tây về nhà lãnh đạo Nga.
Ông Henn viện dẫn việc hồi tháng 11 vừa qua, Mỹ- nước luôn có quan điểm chống lại Nga trong rất nhiều vấn đề kể từ sau cuộc khủng hoảng Ukraine- đã tuyên bố Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Mỹ Barack Obama đã thống nhất được một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria.
“Giờ Tổng thống Nga Putin- người từng bị phương Tây kinh sợ và thù ghét- đã “buộc giới lãnh đạo phương Tây phải lắng nghe mình và người dân phương Tây phải tôn trọng mình”, ông Henn kết luận.
Dốc toàn lực tiêu diệt IS
Ngày 25/12, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, kể từ khi bắt đầu chiến dịch không kích IS, các máy bay chiến đấu của Nga đã tiến hành tổng cộng 5.240 đợt tấn công vào các vị trí của tổ chức khủng bố này.
Trong đó, chỉ trong 3 ngày 5-8/12, các máy bay của Nga đã tiêu diệt 600 mục tiêu IS, phá hủy 70 trụ sở chỉ huy, 21 trại huấn luyện, 6 nhà máy sản xuất đạn dược và chất nổ, 43 kho đạn dược và 6 cơ sở sản xuất dầu của IS.
Chỉ riêng ngày 24/12, Nga đã điều các máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-22 thực hiện 145 vụ dội bom với hơn 2.000 quả bom được thả vào các cơ sở hạ tầng của IS và các máy bay chiến đấu tiến hành 189 vụ không kích IS.
Một mục tiêu IS bị Không quân Nga không kích. Ảnh Reuters |
Không những thế, ngày 8/12, Nga cũng đã phóng tên lửa hành trình Kalibr từ tàu ngầm lớp Kilo Rostov-on-Don vào các vị trí của IS ở thủ phủ của chúng là Raqqa ở Syria.
Tại thời điểm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu tuyên bố: “Các quả tên lửa này đã bắn trúng 2 mục tiêu quan trọng của IS ở Raqqa. Chúng tôi có thể chắc chắn rằng, những quả tên lửa này đã phá hủy nhiều kho đạn, một khu mỏ và cả các công trình sản xuất dầu mỏ của chúng.
“Chiến dịch không kích này có sự tham gia của các máy bay ném bom Tu-22 cùng nhiều loại máy bay chiến đấu khác cất cánh từ căn cứ Hmeimim. Tất cả các loại máy bay này đều được tiêm kích Su-30 bay hộ tống [để ngăn ngừa khả năng bị chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ như chiếc Su-24 của Nga khi đang làm nhiệm vụ ở khu vực biên giới Syria- Thổ Nhĩ Kỳ-ND]”.
Tên lửa Kalibr của Nga phóng từ tàu ngầm lớp Kilo Rostov-on-Don. Ảnh Telegraph |
Tổng thống Nga Putin lúc đó cũng thể hiện quyết tâm tiêu diệt IS đến cùng của mình và không quên răn đe rằng: “Chúng tôi phải phân tích mọi diễn biến trên chiến trường cũng như các loại vũ khí sẽ có tác động như thế nào. Tên lửa Kalibr (phóng từ tàu ngầm) đã chứng tỏ là loại vũ khí hiện đại và có hiệu quả rất tốt.
Giờ chúng tôi có thể chắc chắn rằng, các loại vũ khí chính xác của chúng tôi có thể trang bị cả loại đầu đạn truyền thống và đầu đạn đặc biệt mà trong trường hợp này là đầu đạn hạt nhân”.
Dĩ nhiên, trong cuộc chiến chống khủng bố hiện nay loại vũ khí mang đầu đạn hạt nhân là không cần thiết và tôi hy vọng rằng sẽ không bao giờ phải sử dụng đến”./.
Theo Trần Khánh/VOV.VN
Tin mới cập nhật
- Việt Nam, Lào hoàn thành Dự án tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới ( 17/03)
- Tranh cử trong Đảng Dân chủ: Bà Hillary Clinton liệu sẽ thành công? ( 26/01)
- Tổng thống Mỹ Obama sẽ làm gì sau khi rời Nhà Trắng? ( 21/01)
- Dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, liệu quan hệ Mỹ - Iran có thăng hoa? ( 19/01)
- Tổng thống Obama: Người Mỹ hãy luôn sẵn sàng cho những đổi thay ( 14/01)
- Putin chỉ trích các sai lầm của phương Tây sau Chiến tranh Lạnh ( 12/01)