Thấy gì qua Thông điệp Liên bang của ông Putin năm 2015?
EmailPrintAa
14:11 04/12/2015

Thông điệp Liên bang 2015 đã nêu bật nhiều vấn đề lớn của nước Nga như cuộc chiến chống khủng bố, bảo vệ an ninh nước Nga và các biện pháp hồi phục kinh tế.

Vào lúc 12h ngày 3/12 (tức 16h- giờ Việt Nam), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đọc Thông điệp Liên bang trước Quốc hội Nga. Bài phát biểu quan trọng này của Tổng thống Putin đã được phát sóng trực tiếp trên các kênh truyền hình và phát thanh quốc gia của Nga. 

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đọc Thông điệp Liên Bang trước Quốc Hội Nga. (ảnh: Sputnik).

 

Thông điệp Liên bang năm nay được Tổng thống Nga Putin công bố trong bối cảnh khá phức tạp khi quan hệ giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của NATO đang căng thẳng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu của Nga.

Bên cạnh đó, năm nay là năm đầu tiên Nga chính thức tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố bên ngoài lãnh thổ bằng chiến dịch không kích nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria. Trong khi đó, nền kinh tế Nga cũng đang tiếp tục đối mặt với các biện pháp trừng phạt kéo dài của phương Tây do cuộc khủng hoảng Ukraine.

Vấn đề đối ngoại chiếm vị trí then chốt

Từ khi ra đời, Thông điệp Liên bang của nước Nga đã luôn thu hút sự quan tâm theo dõi không chỉ đối với người dân Nga mà đã trở thành tâm điểm của thế giới.

Có thể nói, vấn đề đối ngoại trong Thông điệp Liên bang thứ 12 này của Tổng thống Nga Putin chiếm một vị trí then chốt. Nội dung mà Thông điệp Liên bang chủ yếu nhắm tới là cuộc chiến chống khủng bố với “nhân tố” Thổ Nhĩ Kỳ và vụ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga.

Chính sách đối ngoại của Nga trong Thông điệp Liên bang năm nay vừa mang tính tất yếu vừa thể hiện những vấn đề then chốt không chỉ đối với nước Nga mà còn mang tính toàn cầu.

Với chính sách này Nga sẽ giúp thế giới nhận diện rõ các nguy cơ, mối đe doạ hiện hữu cũng như tiềm tàng, từ đó mở đường cho các chính sách đối ngoại của nhiều quốc gia nhằm cùng nhau hướng đến một thế giới bình đẳng trong quan hệ, bền vững trong hợp tác và thống nhất trong mặt trận chống lại mọi sự đe doạ chủ quyền, an ninh quốc gia và cuộc sống bình yên của nhân loại.

Cách tiếp cận mới trong cuộc chiến chống khủng bố

Nước Nga đã từng phải đối mặt để tạo ra được bước ngoặt trong cuộc chiến với  khủng bố trong nước từ hàng chục năm qua và giờ đây, Liên Hợp Quốc cũng đã có những công bố rất rõ ràng để mọi quốc gia có thể nhận diện được chủ nghĩa khủng bố

 

Máy bay Nga oanh kích tổ chức khủng bố IS ở Syria. (Ảnh: Sputnik).

 

Cuộc chiến chống khủng bố hiện nay của Nga ở Syria cùng với sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga tại biên giới Syria với Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp nước Nga vén màn cho thế giới hiểu đúng hơn, chính xác hơn về chủ nghĩa khủng bố và nguyên nhân tồn tại chủ nghĩa khủng bố.

Tổng thống Putin đã nêu một thực tế là những quốc gia cách đây không lâu vẫn đang ổn định và khá phồn thịnh ở Trung Đông - Bắc Phi như Iraq, Lybia, Syria - đã trở thành khu vực hỗn loạn, vô chính phủ và từ đó, đã xuất hiện mối đe dọa đối với toàn thế giới.

Có thể nói, Thông điệp Liên bang năm nay của Tổng thống Nga đã đưa ra một cách tiếp cận mới trong cuộc chiến chống khủng bố không chỉ đơn thuần là nhận diện khủng bố mà phải biết nó ra đời từ đâu và còn phục vụ lợi ích của quốc gia nào nữa?

Tổng thống Nga đã nêu rõ: “Chúng ta biết ai muốn lật đổ những chế độ không hợp ý họ và áp đặt những điều luật của mình một cách thô bạo. Kết quả là thế nào? Người ta đã gây ra tình trạng hỗn loạn, đã phá vỡ thể chế nhà nước, đã đẩy người dân đến chỗ xung đột nhau và sau đó, đơn giản, như người Nga thường nói, đã "rửa sạch tay" rồi mở đường cho những lực lượng cực đoan và những kẻ khủng bố”.

Cùng với những công bố mà nước Nga đã đưa ra về sự dính líu của chính quyền Ankara với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), sau vụ chiến đấu cơ Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ kỳ bắn hạ, thì chủ nghĩa khủng bố được đề cập trong Thông điệp Liên bang năm nay của Tổng thống Nga Putin đã chỉ ra cho thế giới về sự hiện diện của “mục tiêu kép” trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.

Với cách tiếp cận chính xác và thẳng thắn này đã giúp cho cộng đồng quốc tế không bị mơ hồ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố hiện hữu mà còn ngăn chặn nguy cơ tiếp tay, dung túng và tạo ra chủ nghĩa khủng bố trong tương lai.

An ninh quốc gia vẫn là mục tiêu hàng đầu

An ninh quốc gia là một trong những chủ đề nóng được quan tâm trong bản thông điệp liên bang 2015 của Tổng thống Nga. Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố: “Nếu đối với một số nước châu Âu, niềm tự hào quốc gia là một khái niệm đã bị lãng quên từ lâu và chủ quyền là một thứ xa xỉ, thì chủ quyền thực sự đối với Nga chính là sự cần thiết phải tồn tại”.

Có lẽ, ý thức hệ dân tộc Nga về chủ quyền và an ninh Quốc gia đã và đang tạo dựng một nước Nga hùng cường, bền chặt. Cho nên, không chỉ khi nước Nga đối mặt với các thách thức, đe doạ trực tiếp từ bên ngoài thì an ninh quốc gia mới được quan tâm mà điều này luôn được đặt lên hàng đầu.

Lịch sử đã chứng minh, nước Nga luôn chủ động và sẵn sàng ứng phó với mọi thách thức, đe doạ tới an ninh và chủ quyền quốc gia. Thực tế này một lần nữa đã được Tổng thống Nga khẳng định trong Thông điệp Liên bang: “Quân đội Nga rất lịch thiệp, nhưng vô cùng đáng sợ và không thể bị đánh bại”.

Kỳ vọng vào hợp tác kinh tế với Cộng đồng ASEAN trong đó có Việt Nam

Cũng như năm ngoái, bản Thông điệp liên bang năm nay đã đề ra những biện pháp hồi phục kinh tế mà nước Nga cần thực hiện trong bối cảnh cuộc bao vây cấm vận của Mỹ và phương Tây vẫn được duy trì và giá dầu vẫn ở mức thấp.

Trải qua gần 2 năm phải chịu các lệnh trừng phạt kinh tế, có thể nói bài học mà nước Nga rút ra được trong bối cảnh này là rất nhiều, trong đó có việc phát huy những tiềm năng nội lực, thúc đẩy cải cách và đấu tranh chống tham nhũng ...

Tổng thống Nga Putin khẳng định trong Thông điệp rằng: “Quan hệ đối tác cần phải xây dựng dựa trên nguyên tắc bình đẳng và tính đến quyền lợi của nhau”. 

 

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng thống Nga V. Putin vào ngày  15/5. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

 

Trong Thông điệp, Tổng thống Putin đã đề xuất cùng với các đồng nghiệp trong Liên minh Á - Âu bắt đầu quá trình tham vấn với các thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Cộng đồng ASEAN về hình thành quan hệ đối tác kinh tế tiềm năng.

Về chiến lược kinh tế, Tổng thống Putin tuyên bố: “Nước Nga có khả năng trở thành một nhà cung cấp lớn hàng đầu thế giới về những thực phẩm lành mạnh, sạch về sinh thái, có chất lượng cao”.

Với tiềm năng đất đai, công nghệ và các nguồn lực khác thì mục tiêu này không chỉ giúp nước Nga đến năm 2020 hoàn toàn bảo đảm được lương thực thực phẩm nội địa cho thị trường trong nước như Tổng thống Putin nêu trong Thông điệp, mà mục tiêu này còn giúp thế giới hướng đến việc giải bài toán nhu cầu thực phẩm sạch cũng như mở ra sự hợp tác rộng rãi với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Một trong những kết quả ban đầu được Tổng thống Nga Putin thông báo trong Thông điệp Liên bang là việc thành lập hành lang mậu dịch với Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam được nhắc đến trong Thông điệp Liên bang của Tổng thống Nga Putin. Hành lang mậu dịch Việt- Nga được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội mới của không gian thống nhất cho sự trung chuyển tự do các nguồn vốn, hàng hoá, sức lao động... không chỉ giữa hai nước mà còn có hiệu ứng lan toả rất lớn trong khu vực./.

 Theo Điệp Anh/VOV- Moscow


    Ý kiến bạn đọc