Vì sao bà Angela Merkel được tạp chí TIME chọn là nhân vật của năm?
EmailPrintAa
09:32 11/12/2015

Tạp chí danh tiếng TIME tôn vinh Thủ tướng Đức Angela Merkel là “nhân vật của năm 2015”, có ảnh hưởng lớn đến thế giới, theo thông lệ hàng năm của họ.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã vượt qua 7 nhân vật khác để trở thành nhân vật của năm do TIME bình chọn, trong số đó bao gồm Tổng thống Nga Valdimir Putin, Tổng thống Iran Hassan Rouhani, thủ lĩnh tổ chức khủng bố IS (Nhà nước Hồi giáo tự xưng) Abu Bakr al-Baghdadi, và cả ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump…

 

Hình Thủ tướng Đức Angela Merkel trên bìa tạp chí TIME. 

 

Việc Thủ tướng Đức được lựa chọn là sự công nhận đối với quá trình lãnh đạo của bà trong việc xử lý, giải quyết các cuộc khủng hoảng nợ công, khủng hoảng nhập cư và tị nạn hoành hành tại châu Âu suốt năm qua.

Bà Merkel là người phụ nữ thứ 4 được TIME bình chọn kể từ năm 1927. Những người phụ nữ khác từng được TIME xướng danh là bà Wallis Simpson (người đã khiến vua Edward VIII của Anh phải thoái vị để cưới bà); Nữ hoàng Elizabeth II, và cựu Tổng thống Philippines Corazon Aquino. “Nhân vật của năm” của năm ngoái được tờ tạp chí danh tiếng này bình chọn là những người trực tiếp chống lại dịch bệnh khủng khiếp Ebola.

Người cầm lái châu Âu

Về lý do lựa chọn bà Merkel, Tổng biên tập tạp chí TIME, Nancy Gibbs đã dành những lời có cánh cho bà: “Vì xem những người tị nạn là nạn nhân cần được giải cứu thay vì coi họ là một đội quân quân xâm lược, người phụ nữ lớn lên sau Bức màn sắt đã đánh cược bằng sự tự do (của nước Đức). Người con gái của mục sư đã dùng lòng thương xót như một thứ vũ khí”. 

Tổng biên tập TIME cho biết thêm: “Vì Angela Merkel đã yêu cầu nhiều ở đất nước của bà hơn hầu hết các chính trị gia dám yêu cầu, đã đứng vững trước sự bạo ngược và thủ đoạn, bà đã cho thấy một tinh thần kiên định – thứ đang thiếu trên thế giới hiện nay”. 

Có thể thấy, trong năm qua, bà Merkel đã có những chính sách không giống như nhiều nhà lãnh đạo khác trước hàng loạt những cuộc khủng hoảng mà châu Âu phải đối mặt. Phát biểu với CNN, biên tập viên cao cấp của TIME Karl Vick nói rằng: “Quá dễ dàng để chọn ra bà Merkel”.

EU đã đối mặt với ít nhất 2 cuộc khủng hoảng trong năm nay, cuộc khủng hoảng người tị nạn và cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp đe dọa đến vận mệnh khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone.

 

Bà Merkel đã có những chính sách không giống như nhiều nhà lãnh đạo khác trước hàng loạt những cuộc khủng hoảng mà châu Âu phải đối mặt. (ảnh: Reuters).

 

Quyết sách mang tính lịch sử nhất của bà chính là sự mở cửa biên giới đối với người tị nạn. Đức là quốc gia cho phép người di cư nhập cảnh vào nước mình nhiều nhất (800.000 người trong năm 2015), dù hàng loạt vụ khủng bố đẫm máu đã diễn ra ở ngay trong lòng châu Âu khiến nhiều nhà lãnh đạo trở nên e dè hơn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng.

Ngay cả khi châu Âu quay lưng lại với người tị nạn, tỷ lệ ủng hộ bà giảm sút trong nước, Thủ tướng Đức Merkel vẫn kiên định lập trường chào đón dòng người lũ lượt từ phương xa đến, đồng thời kêu gọi các nước khác cũng có trách nhiệm cho người tị nạn nơi trú chân, sinh sống.

Quyết sách táo bạo của bà Merkel có thể gây nhiều tranh cãi, nhưng cũng khiến cả thế giới ngưỡng mộ vì sự hào phóng, tốt bụng, cởi mở của người Đức. Lòng tốt người Đức lan tỏa đi khắp nơi và người ta gọi bà là “lương tâm của châu Âu”.

Tiếp đó, trong cuộc khủng hoảng đồng euro, đồng tiền chung của 19 quốc gia, đứng trên bờ vực đổ vỡ do khủng hoảng nợ công ở một nước thành viên là Hy Lạp, bà Merkel đã kiên nhẫn thuyết phục các quốc gia và nỗ lực để giữ chân Hy Lạp ở lại.

Trong khi các cuộc đàm phán giữa Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras với các chủ nợ quốc tế có lúc tưởng như đi vào ngõ cụt, “bà đầm thép” nước Đức vẫn giữ niềm tin rằng một thỏa thuận về khủng hoảng nợ Hy Lạp vẫn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, Athens cần phải làm đúng trách nhiệm của họ.

Cuối cùng, dù rất khó khăn, thỏa thuận giữa Athens và EU đã được ký với sự đồng ý của tất cả các quốc gia thành viên. EU và Hy Lạp đều nhượng bộ để vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại. Nhiều người đã gọi cuộc khủng hoảng này là phép thử lòng kiên nhẫn của người Đức, thậm chí xuất hiện một khái niệm được tạo ra lấy cảm hứng từ Thủ tướng Đức, đó là “Merkeling” ( với hàm ý giải quyết sự việc một cách từ từ, nhưng cương quyết).

"Một lần nữa nếu bạn có câu hỏi về tương lai của châu Âu, bà Merkel chính là người cầm lái”, biên tập viên của TIME, Karl Vick cho hay.

Từ con gái mục sư trở thành “bà đầm thép”

Theo BBC, bà Angela Merkel là một vị Thủ tướng đặc biệt. Hầu hết các nhà lãnh đạo đều xuất thân từ phía Tây Đức, bà Merkel đã lớn lên tại miền Đông nước này.

Cha của bà là một mục sư Tin lành được bổ nhiệm về một khu vực ở phía Đông sau khi bé Angel được sinh ra ít lâu. Căn nhà 3 tầng rộng rãi của gia đình bà đã chào đón nhiều người khuyết tật, những vị khách từ phương xa.

Ở trường, bà là một học sinh xuất sắc có năng khiếu toán học, khoa học và ngoại ngữ. Năm 1978, bà đã giành được bằng tiến sĩ vật lý.

 

Trong ảnh là một người tị nạn chụp ảnh cùng Thủ tướng Đức. Ảnh AFP

 

Cũng trong năm 1978, bà đã gặp và kết hôn với bạn đồng môn Ulrich Merkel. Năm 1982, họ ly hôn. Sau đó, bà tái hôn với ông Joachim Sauer, giáo sư ngành Hóa, tuy nhiên bà vẫn giữ nguyên họ của người chồng đầu và rất kín đáo về đời tư của mình.

Theo tạp chí TIME, bà Merkel hội tụ đủ phẩm chất cần thiết của một người làm chính trị phía Đông trước khi bức tường Berlin sụp đổ: kiên nhẫn, ôn hòa, nghiêm khắc, thông minh, kín đáo nhưng cũng rất mạnh mẽ.

Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989 đã trở thành ký ức chính trị đặc biệt đối với bà Merkel và 16 năm sau đó bà trở thành người Đông Đức đầu tiên lên làm Thủ tướng.

Năm 1990, bà Merkel được bầu vào Quốc hội Đức và chỉ trong vòng một năm sau đó, bà đã giành được một vị trí ở trong Nội các.

Bà trở thành thủ tướng nữ đầu tiên của nước này vào năm 2005, và 8 năm sau, bà tiếp tục tuyên thệ nhậm chức cho nhiệm kỳ thứ ba của mình trong Văn phòng Chính phủ nước Đức.

Năm 2015 đánh dấu 10 năm làm Thủ tướng của bà Angela Merkel. Khi đã ở đỉnh cao của quyền lực, bà vẫn giữ một phong thái giản dị trong lối sống: bà sống ở căn hộ bình thường trong hơn 1 thập kỷ qua, bà vẫn là người nấu ăn trong gia đình, thích thưởng thức những món ăn đơn giản, và thường xuyên xem bóng đá cùng với chồng. Những người dân ủng hộ bà gọi bà là “mẹ”.

Các chính sách của bà Merkel tuy vẫn còn nhiều tranh cãi, nhất là chính sách về nhập cư, nhưng bà có lý do riêng để làm điều đó. Bà từng nói: “Nếu châu Âu không thể giải câu đố về người tị nạn, đó không phải là châu Âu mà chúng ta vẫn mong ước”.

Nhiều chuyên gia cũng không nghĩ rằng chính sách nhập cư của bà Merkel là một điều gì đó “mạo hiểm” như những gì báo chí phương Tây miêu tả bởi vì từ trước đến nay, bà vẫn nổi tiếng là chính trị gia thận trọng, ngại rủi ro. Có một chi tiết đáng chú ý trong tuổi thơ của bà vào năm 9 tuổi, trong buổi học thể dục, cô bé Angela đã đứng bất động trên ván nhảy suốt 45 phút đồng hồ trước khi quyết định nhảy xuống bể ngay trước khi giờ học kết thúc.

"Các bạn có thể đồng ý với bà ấy hoặc không, nhưng bà ấy đã không chọn con đường dễ đi. Các nhà lãnh đạo chỉ được thử thách khi người dân không muốn nghe theo họ", Tổng biên tập Gibbs của Tạp chí TIME nhận định./.

 Theo Phương Chi/VOV.VN


    Ý kiến bạn đọc