Hội thảo lấy ý kiến phản biện các chính sách về nông nghiệp, nông thôn, nông dân
EmailPrintAa
16:27 13/10/2016

Ngày 12/10/2016, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội thảo lấy ý kiến phản biện về các chính sách về nông nghiệp, nông thôn, nông dân và xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2011 - 2016. Dự Hội thảo có đồng chí Từ Văn Diện, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; đồng chí Phan Cao Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành cấp tỉnh.
 

 

Đồng chí Phan Cao Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ,
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy phát biểu tại hội thảo

Hội Nông dân tỉnh được phân công tổ chức phản biện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh: Nghị quyết số 90/2014/NQ-HĐND về quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn phục vụ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới; Nghị quyết 157/2015/NQ-HĐND sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 90/2014/NQ-HĐND,Nghị quyết 91 NQ/HĐND về việc ban hành quy định chính sách hỗ trợ tiêu thụ một số sản phẩm chủ yếu sản xuất trong tỉnh đến năm 2020. Theo đó, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 11-KH/HNDT, ngày 23/5/2016 để triển khai phản biện, góp ý, sửa đổi chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đồng thời tổ chức hội nghị triển khai quán triệt, chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố, thị xã tổ chức khảo sát lấy ý kiến phản biện thông qua cán bộ, hội viên nông dân. Đến nay, các cấp Hội đã thu thập hơn 300 lượt ý kiến của hội viên nông dân và 15 tổ hợp tác, hợp tác xã; 3 lần tổ chức hội thảo cấp tỉnh.

Tại Hội thảo lần này, hầu hết các ý kiến đều khẳng định việc ban hành các cơ chế chính sách, nhất là Nghị quyết 90/2014/NQ-HĐND đã khuyến khích phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh. Đặc biệt, các chính sách đã khuyến khích mạnh mẽ đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát triển hình thức tổ chức sản xuất vừa tập trung vừa phân tán, đồng nhất về giống, công nghệ sản xuất, tạo sự đồng nhất về sản phẩm, có quy mô lớn và hàm lượng khoa học cao trong sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Các chính sách đã góp phần tạo bước đột phá về ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là khâu sản xuất giống, việc ưu tiên cho sản xuất giống lợn, bò, tôm, hươu, lúa, rau, củ, quả... Các chính sách về nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã có sự tác động tích cực đến việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân và giữ gìn môi trường nông thôn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền chính sách ở một số địa phương chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ, dẫn đến một số cán bộ và người dân  nhận thức chưa đầy đủ về các cơ chế, chính sách khuyến khích của tỉnh trong hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn...

Phản biện bổ sung cụ thể, một số đại biểu nêu ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sungmột số nội dung được quy định tại Nghị quyết 90/2014/NQ-HĐND và Nghị quyết 157/2015/NQ-HĐNDvề sửa đổi, bổ sungmột số điều của Nghị quyết 90/2014/NQ-HĐND theo hướng giảm quy mô, số lượng, mở rộng các đối tượng được hưởng chính sách, bỏ một số quy định khác ràng buộc để có nhiều đối tượng được hưởng lợi. Chẳng hạn, đối với Nghị quyết 90, tại Điều 4 đề nghị bổ sung chính sách giải phóng mặt bằng đối với những vùng sản xuất muối kém hiệu quả, vùng đất hoang hoá sang nuôi tôm thâm canh; tại Điều 5, Khoản 1: Sửa đổi giảm tổng doanh thu (quy định tối thiểu 05 tỷ đồng/năm) đối với các cơ sở chăn nuôi, đề xuất hỗ trợ ngoài hàng rào đối với các cơ sở chăn nuôi lợn liên kết có quy mô trên 500 con/lứa; bổ sung hỗ trợ 50% chi phí phân bón. Tại Điều 19, Khoản 4 nên bỏ quy định "tối thiểu phải liên kết khâu giống", vì hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp sản xuất bò giống, kéo dài thời gian hiệu lực của chính sách để người dân dễ tiếp cận với chính sách...

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đề nghị các cấp Hội Nông dân cần đánh giá đúng về hiệu quả của các chính sách, chuỗi liên kết. Muốn giữ cho được chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phải chỉ ra  hiệu quả của chính sách, đồng thời chỉ ra những bất cấp để phòng ngừa, ngăn chặn lợi dụng chính sách, và điều quan trọng nhất là sau khi triển khai các mô hình hiệu quả thì phải nhân rộng được, khi đó chính sách mới thật sự có hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội.  

Dương Trí Thức - Hội Nông dân tỉnh


    Ý kiến bạn đọc