Những công trình nông thôn mới mang dấu ấn nhân dân ở Đức Thọ
EmailPrintAa
15:37 28/04/2017

Trải qua hơn 5 năm xây dựng nông thôn mới, diện mạo của mỗi làng quê Đức Thọ đã có sự thay đổi rõ rệt. Có được kết quả đó, bên cạnh vai trò của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thì sự vào cuộc, hưởng ứng của người dân là hết sức quan trọng, trong đó có những việc làm, công trình mang đậm dấu ấn của nhân dân.

Làm đường giao thông ở thôn Tân Định, xã Đức Yên

Một số công trình tiêu biểu

Nằm ở khu vực cuối thôn, địa hình thấp trũng, mùa mưa thường bị ngập lụt, đoạn đường vào tổ dân cư số 6, thôn Quang Chiêm, xã Đức Thịnh trước đây nhỏ hẹp, xuống cấp. Năm 2016, xã Đức Thịnh đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, 07 hộ gia đình nơi đây đã đồng lòng, chung sức làm đường giao thông. Mặc dù một số hộ còn khó khăn, song với tinh thần đoàn kết thống nhất, các hộ chia sẻ với nhau, hộ khá bỏ tiền ra trước, hộ khó khăn bỏ tiền sau nên đã làm được tuyến đường dài 140m, nâng cao nền đường 1m, lòng đường bê tông rộng 4m. Ngoài xi măng được cấp, mỗi hộ dân tự nguyện đóng góp 11 triệu đồng. Tất cả các hộ đều tự giác, từ ý tưởng, bàn bạc, đến thực hiện với mong muốn đóng công sức của mình cùng xã nhà về đích nông thôn mới. Con đường làm xong, mỗi hộ dân làm một cột điện chiếu sáng. Giờ đây mỗi người đều cảm thấy phấn khởi, tự hào khi đóng góp làm đẹp cho chính vùng quê của mình.

Thôn Tân Định, xã Đức Yên là thôn có 100% đồng bào giáo dân, thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng với quyết tâm về đích trong năm 2016 của xã nhà, các hộ trong thôn đã làm tuyến đường dài 720m, rộng 5m, trong đó mặt đường bê tông rộng 4m. Làm được tuyến đường này là nhờ sự kết hợp hài hòa trong công tác dân vận. Cấp ủy, chính quyền đưa ra chủ trương, nhưng để tuyên truyền, vận động có sự vào cuộc của Hội đồng Mục vụ, Ban Hành giáo, đặc biệt là sự tâm huyết của Cha Quản hạt Nguyễn Thái Từ nên đã tạo được sự đồng thuận của 70 hộ dân trên tuyến đường nhất trí hiến đất, hiến tài sản mở đường. Tổng cộng các hộ đã hiến 1.200m2 đất, phá dỡ 700m hàng rào xây, 300m hàng rào xanh, có hộ hiến tới 60m2 đất ở, có hộ phá dỡ công trình phụ. Mỗi nhân khẩu đã đóng góp 400.000đ, có hộ 08 nhân khẩu đều đóng góp. Một số con em quê hương và một số người làm kinh doanh vật liệu xây dựng đã ủng hộ làm tuyến đường, góp phần giúp xã đạt tiêu chí Giao thông và đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2016.

Thôn Lai Đồng, xã Đức Đồng nằm bên con sông Ngàn Sâu, một vùng đất thấp trũng hàng năm thường bị thiên tại, lụt lội, đời sống nhân dân nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu thuần nông. Khi Ban Cán sự thôn đề ra chủ trương xây dựng Nhà văn hóa, nhân dân đồng tình rất cao, hăng hái đóng góp tiền của, ngày công lao động. Tháng 12/2015, Nhà văn hóa được khởi công với diện tích 223m2 trong khuôn viên 2000m2. Ngoài nguồn hỗ trợ của huyện, xã, nhân dân thôn Lai Đồng đã tự nguyện đóng góp mỗi khẩu 360.000 đồng trong vòng 3 năm và đóng góp tổng cộng 350 ngày công. Các tổ giám sát do dân bầu thường xuyên giám sát; các tổ thợ xây trong thôn nhận làm, không qua thầu khoán, vì vậy giá thành thấp hơn so với thị trường. Khi hoàn thành, con em xa quê ủng hộ phông màn, loa máy trị giá 42 triệu đồng, mỗi hộ trong thôn đóng góp 01 chiếc ghế, đảng viên là người tiên phong trước, đến nay đã có gần 100 chiếc (mỗi chiếc trị giá 102.000 đồng). Một cách làm sáng tạo nữa của thôn Lai Đồng đó là trong việc tang, mỗi gia đình thay vì cảm tạ sự giúp đỡ của bà con lối xóm bằng cách tổ chức ăn uống như trước đây, nay đóng góp cho Nhà văn hóa, có thể bằng vật phẩm, như: bàn, ghế, quạt, cốc chén… Dần dần, cơ sở vật chất nhà văn hóa đầy đủ, khang trang, vừa thuận được lòng dân, vừa xây dựng Nhà văn hóa đạt chuẩn. Nhờ tinh thần tự giác, ý thức cộng đồng của nhân dân nên kinh phí xây dựng chỉ hết 550 triệu đồng, nhưng Nhà văn hóa đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới.

Làm cho làng quê đẹp hơn, xanh hơn

Ấn tượng khi đến thôn Châu Nội, xã Tùng Ảnh đó là những dãy hàng rào, những cái cổng được tạo nên bằng cây Giới thẳng tắp, xanh mướt, đã trở thành một biểu tượng đẹp cho làng quê nông thôn mới Đức Thọ, trở thành một điểm đến cho những đoàn khách về thăm. Để tạo hàng rào, cổng xanh như vậy, những người dân nơi đây đã tốn nhiều công sức gây dựng, bảo vệ, chăm sóc, cắt tỉa để không chỉ làm đẹp cho nhà mình mà còn làm đẹp cho làng quê.

 
Hàng rào xanh ở thôn Châu Nội, xã Tùng Ảnh  

Những năm gần đây, việc trồng hàng rào xanh đã được nhân rộng ra nhiều địa phương trong toàn huyện, tiêu biểu như xã Đức Yên khá nhiều hộ cũng có hàng rào bằng cây Giới; hay ở các xã khác, tùy điều kiện, địa hình mà người dân trồng các loại cây khác, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp.

Phát huy kết quả đạt được, tiếp tục nhân rộng cách làm hay, sáng tạo, tin rằng thời gian tới, Đức Thọ sẽ có nhiều hơn nữa những công trình “của dân, do dân, vì dân”, góp phần để xây dựng huyện đạt nông thôn mới trước năm 2020.

Trần Quốc Dũng - Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đức Thọ


    Ý kiến bạn đọc