Chuẩn bị nguồn nhân sự cho đại hội phụ nữ các cấp
EmailPrintAa
16:24 22/03/2021

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: “Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt thì công tác cán bộ là then chốt của then chốt”. Là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ Việt Nam, với bề dày 90 năm hình thành và phát triển, vị thế, vai trò của tổ chức Hội ngày càng được khẳng định trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước và trên trường quốc tế. Thành quả Hội có được như ngày hôm nay là nhờ có đội ngũ cán bộ tận tâm, hết mình cống hiến cho sự tiến bộ của phụ nữ, vì mục tiêu bình đẳng giới.

Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII.

Hướng dẫn cụ thể, sâu sát

Năm 2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam sẽ tổ chức đại hội đại biểu phụ nữ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, ngày hội lớn của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam. Thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 28-7-2020 của Ban Bí thư về lãnh đạo đại hội phụ nữ các cấp và Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam (gọi tắt là Đoàn Chủ tịch) đã ban hành Kế hoạch số 888-KH/ĐCT ngày 10-8-2020 về chỉ đạo đại hội đại biểu phụ nữ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Hướng dẫn số 47/HD-ĐCT ngày 18-9-2020 về công tác nhân sự đại hội đại biểu phụ nữ cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở, nhiệm kỳ 2021-2026 (gọi tắt là Hướng dẫn 47) và Công văn số 5415/ĐCT-TC ngày 24-2-2021 hướng dẫn một số vấn đề về tổ chức đại hội đại biểu phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo đó, Đoàn Chủ tịch đã thống nhất quan điểm chỉ đạo bảo đảm sự lãnh đạo thường xuyên, toàn diện, chặt chẽ của cấp ủy cùng cấp và hội cấp trên trực tiếp về việc chuẩn bị nhân sự trước, trong và sau Đại hội; giữ vững nguyên tắc, bám sát các văn bản chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan và các quy định, quy chế, hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch; có sự kế thừa, phát huy những bài học kinh nghiệm, những nội dung còn phù hợp, khắc phục những bất cập, hạn chế khi thực hiện công tác nhân sự của nhiệm kỳ vừa qua. Quá trình tổ chức các hội nghị cho ý kiến về nhân sự tái cử hoặc tham gia lần đầu, tùy điều kiện thực tế, các cấp hội có thể lồng ghép trong cùng một hội nghị nhưng vẫn phải bảo đảm đúng quy trình (giới thiệu nhân sự tái cử trước, giới thiệu nhân sự tham gia lần đầu sau…). Một số quy định về công tác nhân sự liên quan đến độ tuổi, tiêu chuẩn, cơ cấu được sửa đổi, bổ sung so với Kế hoạch số 888/KH-ĐCT ngày 10-8-2020 của Đoàn Chủ tịch về chỉ đạo đại hội đại biểu phụ nữ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2022-2027) để bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế và có tính đến phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động.

Về cơ cấu BCH: Ở cấp tỉnh, cấp huyện, cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách hội, đại diện lực lượng vũ trang, các tổ chức thành viên và tổ chức công đoàn chiếm từ 70% đến 85%, số còn lại là đại diện các ban, ngành, đoàn thể và cá nhân tiêu biểu. Ở cấp cơ sở, số ủy viên BCH là chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên BTV, chi hội trưởng, chi hội phó, tổ trưởng, tổ phó và đại diện lãnh đạo tổ chức hội trong lực lượng vũ trang (nếu có) chiếm từ 85% đến 90%; số còn lại là cơ cấu ngành, cá nhân tiêu biểu. Về độ tuổi, bảo đảm có 3 độ tuổi trong BCH (dưới 40 tuổi, từ 40 tuổi đến 50 tuổi và trên 50 tuổi), trong đó ít nhất có 10% độ tuổi dưới 40.

Số lượng ủy viên BCH ở mỗi cấp do đại hội cấp đó quyết định, đối với cấp huyện và tương đương trở lên thực hiện giảm ít nhất 5% so với nhiệm kỳ trước. Đối với các cơ sở sắp xếp lại đơn vị hành chính, BTV hội chủ động báo cáo, xin ý kiến cấp ủy cùng cấp và hội cấp trên về số lượng ủy viên BCH nhiệm kỳ mới cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Số lượng ủy viên BTV không quá 1/3 số ủy viên BCH. Số lượng phó chủ tịch cấp cơ sở là 1 người, cấp huyện không quá 2 người, cấp tỉnh không quá 3 người. Các trường hợp đặc biệt do cấp ủy cùng cấp quyết định.

Theo Hướng dẫn 47, BCH hội LHPN các cấp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đề án nhân sự nhiệm kỳ 2021-2026 bảo đảm phát huy trí tuệ, tạo sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận trong tập thể BCH, BTV; được thảo luận dân chủ trong cán bộ, hội viên có liên quan ở từng cấp. Nội dung Đề án tập trung vào các nội dung chủ yếu sau: (1) Đánh giá chung về tình hình công tác nhân sự nhiệm kỳ 2016-2021; (2) Quán triệt quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng, các quy định có liên quan của Nhà nước và hướng dẫn của Hội cấp trên về phương hướng nhân sự; (3) Dự báo bối cảnh, tình hình, xác định rõ nhiệm vụ chính trị của BCH 5 năm tiếp theo, khái quát những điểm lớn tác động đến phương hướng công tác nhân sự; (4) Phương hướng công tác nhân sự nhiệm kỳ tới; (5) Danh sách nhân sự cụ thể do BCH cấp triệu tập đại hội đề cử.

Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng

Xác định công tác nhân sự là khâu “then chốt của then chốt”, những năm qua Hội LHPN Việt Nam đã không ngừng quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn được quan tâm theo chuẩn chức danh, vị trí việc làm, yêu cầu công việc, năng lực nghiên cứu, tham mưu, phát hiện; mở rộng về quy mô, đa dạng về hình thức, chú trọng về chất lượng; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng qua thực tiễn, hướng dẫn kèm cặp hay dưới hình thức học trực tuyến. Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được Chính phủ phê duyệt đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực, trình độ và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ hội các cấp, đặc biệt là cấp Trung ương và cơ sở. Đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số, cán bộ hội cơ sở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Trong 10 năm (2009-2019), tỷ lệ cán bộ chủ chốt cấp Trung ương, cấp tỉnh có trình độ đại học và trên đại học đạt 100%, tăng 11%; lý luận chính trị cao cấp là 100%, tăng 11,4%; tỷ lệ cán bộ chủ chốt cấp huyện có trình độ đại học và trên đại học là 97,3%, tăng 38,3%; cao cấp lý luận chính trị là 50,4%, tăng 15,4%.

Cơ cấu BCH các cấp hội ngày càng được mở rộng hơn, mang tính liên hiệp hơn. Với khoảng 20-25% cơ cấu ngành và tiêu biểu, BCH các cấp hội đã tập hợp được sự tham gia của các ngành có ảnh hưởng trực tiếp, quan trọng tới phong trào phụ nữ, tới các hoạt động của cấp hội như công đoàn, ngành nông nghiệp, ngành giáo dục - đào tạo... Bên cạnh đại diện cơ cấu tiêu biểu cho phụ nữ dân tộc, phụ nữ tôn giáo, tham gia bộ máy lãnh đạo các cấp hội đã có đại diện của các nữ doanh nhân, nữ trí thức, nữ lãnh đạo, quản lý. Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ này, tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy ở 3 cấp tăng cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể, ở cấp cơ sở, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy đạt 21%, tăng 2% so với nhiệm kỳ trước. Đối với cấp trên cơ sở, tỷ lệ này đạt 17%, tăng 2% so với nhiệm kỳ trước. Các đảng bộ trực thuộc Trung ương, tỷ lệ này là 16%, tăng 3% so với nhiệm kỳ trước. Ở cả 3 cấp có trên 4.200 cán bộ nữ được giới thiệu và bầu trúng các chức vụ chủ chốt trong Đảng, chính quyền.

Giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ

Để xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ, có năng lực hoạt động thực tiễn, bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu công tác phụ nữ trong điều kiện mới, thời gian tới các cấp Hội cần thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tăng cường bồi dưỡng, giáo dục bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lý tưởng và khát vọng cống hiến cho cán bộ hội các cấp. Phát huy vai trò của tổ chức đảng trong cơ quan chuyên trách các cấp hội và người đứng đầu tổ chức hội trong giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ hội. Quán triệt và thực hành tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng và thực hiện tốt quy chế nêu gương trong đội ngũ cán bộ hội các cấp.

Hai là, xây dựng khung yêu cầu, tiêu chuẩn chức danh cho từng vị trí công tác ở mỗi cấp hội để làm cơ sở phân loại, đánh giá cán bộ một cách thực chất. Các cấp hội cần đặt ra yêu cầu cao đối với cán bộ hội để tạo động lực phấn đấu cho đảng bộ nhưng không “cào bằng”, chung chung mà có sự khác nhau ở từng cấp. Đồng thời, thực hiện việc rà soát, đánh giá chất lượng cán bộ ở các cấp hội, từ đó xây dựng tiêu chuẩn đối với từng vị trí việc làm. Ngày 29-1-2019, Ban Tổ chức Trung ương đã ra Quyết định số 4137-QĐ/BTCTW ban hành tạm thời Danh mục vị trí việc làm, bản mô tả vị trí việc làm công chức Hội LHPN Việt Nam với 32 vị trí việc làm và 30 bản mô tả vị trí việc làm kèm theo. Tuy nhiên, phạm vi áp dụng mới quy định đến cấp huyện. Vì vậy, Hội cần nghiên cứu xây dựng bổ sung mô tả vị trí việc làm của cán bộ hội cơ sở để xác định rõ đầu công việc, khối lượng công việc mà cán bộ hội cơ sở đảm nhiệm để tham mưu, đề xuất chính sách phù hợp cho đội ngũ cán bộ cơ sở.

Ba là, tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội tại trường, lớp, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng thông qua hoạt động thực tiễn và hướng dẫn kèm cặp. Đối với đào tạo, bồi dưỡng tại trường, lớp: Các cấp hội cần tham mưu triển khai có hiệu quả Đề án 1893 “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và chi hội trưởng giai đoạn 2019-2025”. Phân loại đối tượng cán bộ trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh và thực trạng năng lực để có nội dung và hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp: đào tạo chuẩn hóa về chuyên môn, lý luận chính trị và đặc biệt là bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Hội; bồi dưỡng các kỹ năng nhằm nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, chú trọng các kỹ năng đối với cán bộ, công chức ở từng cấp hội; chú trọng cập nhật các kiến thức mới, chuyên sâu, các thông tin chuyên đề về tình hình trong nước, thế giới; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác phụ nữ, bình đẳng giới. Tùy vào đối tượng học viên và nội dung, Hội linh hoạt tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng dưới các hình thức như: Tập trung, ngắn ngày, dài ngày, từ xa, ngay tại địa bàn cơ sở; thí điểm hình thức đào tạo trực tuyến đối với các tỉnh, thành phố có điều kiện. Đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng: Xác định người học là trung tâm trên cơ sở đáp ứng nhu cầu của người học và yêu cầu công việc; sử dụng phương pháp dạy học linh hoạt, phù hợp đối với từng đối tượng học; tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học. Đồng thời, đẩy mạnh việc kiện toàn, phát triển Học viện Phụ nữ Việt Nam đáp ứng yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội, cán bộ nữ trong tình hình hiện nay.
Bốn là, chuẩn bị thật tốt nhân sự tham gia vào cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp hội. Bên cạnh việc nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội, xây dựng Báo cáo chính trị trình Đại hội, các cấp hội cần chủ động trong tham mưu, đề xuất với cấp ủy phương hướng, đề án nhân sự. Trước nhiều cơ hội và thách thức mới, phấn đấu xây dựng một đội ngũ cán bộ Hội đủ tâm, tầm, trí tuệ để lãnh đạo phong trào và hoạt động Hội trong giai đoạn mới. Nhân sự ứng cử cơ quan lãnh đạo các cấp hội phải đủ điều kiện, tiêu chuẩn, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, có kinh nghiệm, bảo đảm sự lãnh đạo, tính liên hiệp, tính đại diện; có sự kế thừa và phát triển. Quan tâm bố trí hợp lý tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số và phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức Hội trong việc giới thiệu nguồn cán bộ nữ cho Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị.

Nguồn: Trần Thị HươngPhó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam/xaydungdang.org.vn

( http://xaydungdang.org.vn/Home/nhan_quyen/2021/14737/Chuan-bi-nguon-nhan-su-cho-dai-hoi-phu-nu-cac-cap.aspx )


    Ý kiến bạn đọc