Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu tại hội nghị thực hiện QCDC ở cơ sở.
Kế thừa và vận dụng tư tưởng “dân làm gốc”, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo đất nước, Đảng và Bác Hồ luôn xác định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, nhân dân vừa là chủ thể vừa là mục tiêu, động lực của cách mạng. Tư tưởng chính trị lấy dân làm gốc là bài học kinh nghiệm, là đường lối chiến lược xuyên suốt góp phần quyết định sự thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những thành tựu của 30 năm đổi mới tiếp tục khẳng định sâu sắc tư tưởng đó, nhiều văn bản của Đảng nhấn mạnh vai trò của nhân dân và công tác dân vận trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Trên cơ sở đó, nội dung công tác dân vận trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục được bổ sung phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, đó là: 1) Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. 2) Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn và đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Quan tâm thể chế hóa mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. 3) Tăng cường và đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước. Thực hiện tốt Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác dân vận.
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, quán triệt sâu sắc Nghị quyết 25-NQ/TW, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, công tác dân vận được tăng cường, tiếp tục đổi mới gắn với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; nêu cao trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu; quan tâm phát huy quyền làm chủ và lợi ích thiết thực của nhân dân; công tác dân vận của các cơ quan nhà nước đạt được kết quả tích cực; Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, làm nòng cốt trong việc nắm bắt tình hình nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường hoạt động giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác dân vận được quan tâm; các phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, đối ngoại, nâng cao đời sống của nhân dân, giải quyết cóhiệu quả nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân; tạo được chuyển biến trong nhận thức và hành động về vai trò, vị trí của công tác dân vận. Những kết quả quan trọng này khẳng định sự tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận, tạo sự đồng thuận, vận động nhân dân tham gia thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Nguyên nhân của những kết quả đạt được đólà, luôn đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng; kết quả của công tác xây dựng Đảng; những chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp uỷ, hệ thống chính trị đối với công tác dân vận; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận; chú trọng quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; sự phối hợp ngày càng đồng bộ của hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, công tác dân vận còn những tồn tại, hạn chế, đó là:
Việc triển khai Nghị quyết 25-NQ/TW, nội dung công tác dân vận trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các văn bản của Đảng liên quan đến công tác dân vận chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, đặc biệt là trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế.
Những mặt còn tồn tại của công tác xây dựng Đảng ảnh hưởng đến công tác vận động quần chúng, chất lượng của tổ chức Đảng ở cơ sở còn hạn chế.
Công tác dân vận của cả hệ thống chính trị chưa thật đồng bộ, một số nơi chưa thực hiện nghiêm Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị của Đảng, công tác phối hợp chưa thường xuyên, chặt chẽ; việc phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị làm công tác dân vận hiệu quả chưa cao.
Công tác dân vận nhà nước chưa thể chế kịp thời, đầy đủ đường lối, quan điểm của Đảng làm cơ sở để tổ chức thực thi, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, phát huy dân chủ của nhân dân.
Nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội chưa đổi mới mạnh mẽ, kịp thời với sự thay đổi của các tầng lớp nhân dân.
Công tác nắm, đánh giá, dự báo tình hình nhân dân, đặc biệt là ở những địa bàn phức tạp, nhạy cảm chưa kịp thời, sâu sát nên việc tham mưu chủ trương, giải pháp chưa thật sát hợp với thực tiễn.
Công tác thông tin, tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ, hiểu đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những chính sách liên quan trực tiếp đến lợi ích thiết thực cũng như thực hiện quyền làm chủ trong khuôn khổ pháp luật của người dân còn hạn chế.
Những tồn tại, hạn chế trên đây đã tác động, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, làm giảm hiệu lực của bộ máy nhà nước, ảnh hưởng đến hình ảnh của cán bộ, đảng viên trong lòng nhân dân, một số hạn chế kéo dài đã tạo nên những hệ lụy không tốt, phải mất thời gian, công sức để xử lý.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên cóyếu tố khách quan đólà, điều kiện kinh tế - xã hội đất nước còn khókhăn, tác động mặt trái của kinh tế thị trường, âm mưu phá hoại của các phần tử xấu, thế lực thù địch, phản động. Bên cạnh đócũng cóyếu tố chủ quan đó là, nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị về công tác dân vận trong tình hình mới; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, hệ thống chính trị ở cơ sở còn hạn chế; việc đấu tranh ngăn chặn, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động còn bị động, hiệu quả chưa cao; một số nơi vai trò nòng cốt của cán bộ, đảng viên còn mờ nhạt; một số nơi việc tổ chức thực thi chính sách, pháp luật chưa nghiêm; một số chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội còn chậm và chưa hiệu quả; một số chương trình, dự án thất thoát, lãng phí… làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân; chất lượng của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới.
Những năm tới, tác động của tình hình kinh tế, xã hội, an ninh chính trị trong nước và quốc tế tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi của tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đất nước ta cũng phải đối diệnvới những khó khăn, thách thức. Đólà sự tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế, nguồn nhân lực chất lượng cao… Các thế lực thù địch, phản động, đối tượng cơ hội chính trị đang ra sức chống phá cách mạng nước ta, gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Những thách thức đóđòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới như sau:
Một là, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động về công tác dân vận của các cấp uỷ đảng, hệ thống chính trị; phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Hai là, thể chế hoá quan điểm, đường lối của Đảng liên quan đến cuộc sống của nhân dân.
Ba là, tăng cường công tác dân vận của các cơ quan nhà nước.
Bốn là, phát huy dân chủ, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng, tạo sinh lực mới cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Năm là, kiện toàn tổ chức, bộ máy; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.
Sáu là, tăng cường công tác phối hợp, thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, trọng tâm là Nghị quyết 25-NQ/TW, Quyết định 290-QĐ/TW, Quyết định 217-QĐ/TW, Quyết định 218- QĐ/TW, Kết luận 120-KL/TW, Quyết định 99-QĐ/TW, Quy định 124-QĐ/TW… đảm bảo hiệu quả, thiết thực.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm của hệ thống chính trị và nhân dân, công tác dân vận trong thời gian tới sẽ cónhững bước chuyển biến mới, thiết thực, hiệu quả hơn. Đây là điều kiện quan trọng để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin yêu của nhân dân đối với Đảng.
Nguồn: Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Trưởng ban Dân vận Trung ương/xaydungdang.org.vn
Tin mới cập nhật
- Ban Dân vận Tỉnh ủy sinh hoạt chuyên đề tháng 11 ( 04/11)
- Ban Dân vận Tỉnh ủy sinh hoạt chuyên đề tháng 5 ( 03/05)
- Người cao tuổi Việt Nam tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc ( 13/03)
- Tạo sự chuyển biến rõ rệt và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội ( 28/12)
- Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận ( 27/12)
- Cán bộ, công chức học tập và làm theo lời Bác về thực hành dân vận trong tình hình mới ( 14/10)