Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Anh hùng Dur Kmăl (huyện Krông Ana - Đăk Lăk).
1. Đại đoàn kết là nội dung xuyên suốt và nhất quán trong toàn bộ hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm phát huy cao nhất sức mạnh toàn dân tộc. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã không ngừng chăm lo, vun trồng cho sự nghiệp đoàn kết toàn dân, tập hợp lực lượng toàn dân tộc trong một Mặt trận Dân tộc Thống nhất. Trải qua 90 năm ra đời và phát triển, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ sáng lập, rèn luyện, từ Hội Phản đế Đồng minh - hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam đến MTTQ Việt Nam ngày nay đã phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc ta, nhân lên gấp bội tinh thần yêu nước của người Việt Nam, đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân thành một lực lượng hùng mạnh để đánh đuổi bè lũ thực dân, đế quốc, giành lại độc lập cho Tổ quốc, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Cùng với quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam qua từng thời kỳ, Mặt trận Dân tộc Thống nhất đã không ngừng được củng cố, mở rộng với những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng của mỗi giai đoạn lịch sử và đã có những cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp vĩ đại của dân tộc, trở thành một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Kế tục truyền thống của Hội Phản đế Đồng minh và Mặt trận Dân chủ Đông Dương, Mặt trận Việt Minh đã tập hợp đoàn kết, vận động toàn dân nổi dậy làm Cách mạng Tháng Tám thành công, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (ngày nay là nước Cộng hoà XHCN Việt Nam). Đoàn kết trong Mặt trận Liên Việt, nhân dân ta đã kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến miền Nam. Đoàn kết trong MTTQ Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Việt Nam, nhân dân ta đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử vẻ vang giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trong cả nước.
Từ ngày nước nhà thống nhất, cả nước đi lên CNXH, MTTQ Việt Nam đã động viên nhân dân tăng cường đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đưa đất nước chuyển sang thời kỳ phát triển mới, đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đời sống mới, tháng 5-1995, nhân kỷ niệm 105 năm Ngày sinh của Người, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát động cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”, sau đó là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Đây là cuộc vận động nhân dân rộng lớn trong cả nước của thời kỳ đổi mới có nội dung toàn diện, diễn ra trong thời gian dài.
Quá trình triển khai cuộc vận động đã phát huy được tính tích cực, sáng tạo và nội lực của người dân, cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự ở từng địa bàn khu dân cư; khơi dậy truyền thống đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, tăng cường củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân thông qua hình thức tự quản ở cơ sở, tích cực xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh… Kết quả của cuộc vận động đã góp phần quan trọng cùng Nhà nước thực hiện đường lối của Đảng về công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tiếp nối thành công của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tháng 11-2015, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát động cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; đồng thời MTTQ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, MTTQ Việt Nam các cấp đã vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa các cuộc vận động ở cơ sở để cổ vũ, động viên nhân dân tham gia phát triển sản xuất - kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh.
Thực hiện Chương trình hành động nhiệm kỳ 2014-2019 của Đại hội lần thứ VIII MTTQ Việt Nam và yêu cầu nhiệm vụ mới, MTTQ Việt Nam tiếp tục củng cố, tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; động viên nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, phát huy mọi nguồn lực góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền quốc gia trong tình hình mới, nhất là chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tổ chức động viên nhân dân tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân; tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân, tăng cường đoàn kết quốc tế, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam.
Tổng kết 10 năm (2-2010 - 2-2020) thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc ban hành quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị , MTTQ Việt Nam các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tinh thần năng động, sáng tạo của cán bộ mặt trận đối với công tác dân vận, với phương châm gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm và gắn bó mật thiết với nhân dân, gương mẫu nơi công tác và nơi cư trú, phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên.
MTTQ Việt Nam các cấp chủ động phối hợp với chính quyền và các ngành để tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các dự án luật, dự án pháp lệnh; tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân, các tổ chức thành viên của mặt trận để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước về những vấn đề nhân dân quan tâm.
MTTQ Việt Nam thực sự có vị trí, vai trò to lớn trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. MTTQ Việt Nam cũng đã thực hiện tốt công tác phát triển tổ chức, kiện toàn bộ máy, bố trí nâng cao năng lực cán bộ, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân trong nhiều vấn đề, qua đó tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng, bảo đảm cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, trên tinh thần “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”. MTTQ đã khẳng định vị trí là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; là các kênh đại diện cho tiếng nói của người dân ở nhiều góc độ khác nhau. Vai trò to lớn này đang được phát huy hơn nữa để củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo nên sự lan tỏa và tạo dựng niềm tin của nhân dân trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chung vui với người dân thôn Quảng Thắng (Thạch Thành, Thanh Hoá) trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.
2. Ngày nay, MTTQ Việt Nam đang đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với chức năng tham gia đóng góp ý kiến, giám sát, phản biện đối với các quyết sách của Đảng. Trước đó, ngày 12-12-2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 217-QĐ/TU kèm theo bản “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội”. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã đề ra những biện pháp cụ thể nhằm phát huy vai trò của nhân dân và MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội trong giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một số cán bộ, đảng viên.
MTTQ Việt Nam đã chủ động, tích cực thực hiện nhiệm vụ này đạt được nhiều kết quả như: Xây dựng Dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; quy định về các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam; phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và một số bộ, ngành, xây dựng, trình Chính phủ ban hành một số Nghị định như: Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của ban thanh tra nhân dân; quy định về giám sát và đánh giá đầu tư, trong đó có những quy định về quyền giám sát đầu tư công của nhân dân, các ban giám sát đầu tư của cộng đồng; quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Năm năm qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã triển khai 4 hình thức giám sát, trong đó tăng cường phối hợp giám sát với các cơ quan tổ chức có thẩm quyền như Quốc hội, HĐND, viện kiểm sát nhân dân. Triển khai 10 chương trình phối hợp giám sát, nội dung chủ yếu hướng tới những vấn đề nhân dân quan tâm. MTTQ Việt Nam ba cấp (tỉnh, huyện, xã) chủ trì 56.689 cuộc giám sát (cấp tỉnh 721 cuộc, cấp huyện 6.404 cuộc, cấp xã 49.564 cuộc) tập trung vào những việc thiết thực, liên quan đời sống, việc làm của người dân, như: thực hiện chính sách, chế độ bồi thường, giải phóng mặt bằng; bố trí tái định cư và tạm cư cho người dân có nhà, đất bị thu hồi; thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, an toàn giao thông; về công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân... Bảo đảm các chính sách hỗ trợ, bồi thường của Nhà nước đến với người dân đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả.
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và cơ quan Trung ương của các tổ chức thành viên đã góp ý, phản biện xã hội đối với hàng chục dự thảo các văn bản quan trọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền khác; tập trung vào hoạt động tập hợp, lấy ý kiến nhân dân góp ý vào dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng, vào Hiến pháp sửa đổi 2013 và nhiều dự án luật khác. Các kiến nghị, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam được dư luận đánh giá cao, nhiều nội dung phản biện được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu và có ý kiến phản hồi tích cực; trở thành một kênh thông tin quan trọng, cần thiết, giúp Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, quản lý, điều hành.
Toàn Đảng ta đang tích cực chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đây là thời điểm rất quan trọng thực hiện việc giám sát, phản biện của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong quá trình hoạch định các chủ trương, chính sách, lựa chọn những người ưu tú vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng và hệ thống chính trị của Nhà nước. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên cần phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ và nâng cao trách nhiệm của MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội, sự chỉ đạo và phối hợp sát sao của các cấp ủy và chính quyền các cấp. Các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước cần quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò của MTTQ trong điều kiện một đảng cầm quyền với yêu cầu xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Chỉ đạo, phối hợp và tạo điều kiện để MTTQ và các đoàn thể ở địa phương tổ chức thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, 90 năm qua, MTTQ luôn là nơi quy tụ đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng hành cùng với Đảng vượt qua mọi thử thách, giành nhiều thắng lợi, để đất nước ta có cơ đồ như ngày nay, đã cho ta bài học quý báu: Chỉ khi nào các cấp ủy đảng và chính quyền từ Trung ương đến địa phương thực sự xem MTTQ và các đoàn thể nhân dân là lực lượng giám sát và phản biện tích cực, thì khi ấy tính chính xác và khả năng thực thi đầy đủ những chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước vào trong đời sống xã hội mới được bảo đảm để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vươn tới thịnh vượng, hùng cường.
Nguồn: Trần Công Huyền/xaydungdang.org.vn
(http://xaydungdang.org.vn/Home/Lyluan-Thuctien-Kinhnghiem/2020/14411/Mat-tran-To-quoc-Viet-Nam-90-nam-phat-huy-suc-manh.aspx)
Tin mới cập nhật
- Ban Dân vận Tỉnh ủy sinh hoạt chuyên đề tháng 11 ( 04/11)
- Ban Dân vận Tỉnh ủy sinh hoạt chuyên đề tháng 5 ( 03/05)
- Người cao tuổi Việt Nam tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc ( 13/03)
- Tạo sự chuyển biến rõ rệt và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội ( 28/12)
- Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận ( 27/12)
- Cán bộ, công chức học tập và làm theo lời Bác về thực hành dân vận trong tình hình mới ( 14/10)