Cẩm Xuyên - Những bước đi vững chắc trong xây dựng nông thôn mới
EmailPrintAa
10:21 04/11/2014

229 mô hình các loại, 23 chợ, 87 tổ hợp tác, 70 hợp tác xã, đứng đầu tỉnh về giải ngân các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ lãi suất với 229,98 tỷ đồng, 3 xã đạt tiêu chí giao thông, 4 xã đạt tiêu chí thủy lợi, 100% hộ sử dụng điện an toàn, 1.700 nhà cho đối tượng chính sách, neo đơn được nâng cấp, xây mới, 6 lò giết mổ gia súc tập trung... là những con số ấn tượng về kết quả ban đầu làm nông thôn mới ở huyện Cẩm Xuyên.
 

Cẩm Xuyên xây dựng Mô hình nuôi lợn thương phẩm liên kết Công ty SP của ông Trần Nghệ Tĩnh xã Cẩm Thăng

 

Nông thôn mới được tiếp cận và triển khai trên nhiều khía cạnh nhưng đối với địa phương có 3 vùng sinh thái (đồng bằng, ven biển, trà sơn) giàu tiềm năng như ở Cẩm Xuyên thì gốc rễ để thực hiện cuộc cách mạng khó khăn này chính là làm sao để nâng cao đời sống nhân dân. Đồng chí Nguyễn Đình Hải - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện cho chúng tôi biết: Muốn phát triển sản xuất phải bắt đầu từ chính sách. Năm 2011, toàn huyện chỉ lác đác vài ba mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp các xã rà soát nhu cầu nuôi lợn thương phẩm theo hình thức liên kết, tiến hành cho các hộ đăng kí xây dựng, tổ chức tham quan, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Sau đó, Ủy ban nhân dân huyện ban hành hỗ trợ 1 mô hình 300 triệu đồng (quy mô 100 con trở lên). Như một lực đẩy, chỉ trong vòng vài năm, đến nay toàn huyện đã xây dựng được 32 mô hình nuôi lợn liên kết có quy mô 100 con trở lên đưa tổng đàn lợn của Cẩm Xuyên lên 90.000 con, đứng đầu tỉnh. Phát triển chăn nuôi lợn giúp nhiều hộ thoát nghèo, làm giàu, đặc biệt, phong trào như chất xúc tác cho những nhân tố điển hình xuất hiện. Ông Trần Nghệ Tĩnh - Giám đốc doanh nghiệp Tĩnh Toàn xã Cẩm Thăng là một trong số đó. Ít ai ngờ được, người đàn ông từng quanh năm làm hàng xáo, buôn bán ngược xuôi lại tích góp được hàng chục tỷ đồng để xây trại nuôi lợn liên kết với Công ty CP. Toàn bộ diện tích đất 4 ha của ông được quy hoạch 8 chuồng trại quy mô nuôi 6000 con/lứa (1 năm/3 lứa), ngoài ra còn có ao cá, nhà xưởng thức ăn, nơi ở cho công nhân. Doanh thu mỗi năm 90 tỷ đồng, lãi ròng trên 4 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 12-15 công nhân với mức lương trên 3 triệu đồng/tháng.

Song song với phát triển các mô hình chăn nuôi tập trung, Cẩm Xuyên đã xây dựng được 5 lò giết mổ tập trung, trong đó có 2 lò giết mổ đã đi vào hoạt động. Ông Nguyễn Hữu Đường - chủ cơ sở giết mổ gia súc thôn Trung Trạm - xã Cẩm Bình cho biết: Một ngày có bình quân khoảng 30 con lợn được đưa đến đây giết mổ, bộ phận thú y xã túc trực kiểm soát chặt chẽ, đóng dấu kiểm dịch trước khi đưa ra tiêu thụ. Hiện tại cơ sở giết mổ của ông Đường phục vụ 6 xã là Cẩm Bình, Cẩm Quang, Cẩm Yên, Cẩm Thành, Cẩm Vịnh và một phần xã Cẩm Huy, góp phần đưa việc giết mổ gia súc, gia cầm vào nền nếp, hạn chế được dịch bệnh và đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Trên đường sang Cẩm Hòa, Cẩm Dương, Thiên Cầm, đồng chí Lê Ngọc Hà - Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện chỉ cho tôi vùng quy hoạch trồng rau trên cát đã làm đất sẵn sàng chuẩn bị xuống giống vụ Đông. Được biết, sau thử nghiệm thành công 20 ha rau củ quả (sản lượng 30 tấn) liên kết với Công ty Mitraco và Công ty cổ phần Công thương Miền Trung, ngoài khai thác tiềm năng trên vùng đất cát hoang, đưa lại năng suất, hiệu quả vượt trội giúp cho người dân tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nuôi trồng chăm sóc mới vào sản xuất, vụ Đông này, huyện tiếp tục mở rộng diện tích 50 ha rau củ quả. Đây là bước tiến mới làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân, hướng tới tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

Là xã về đích nông thôn mới năm 2013, Cẩm Bình hội tụ được nhiều cái nhất, trong đó, điều tôi lưu tâm nhất chính là kết quả từ cuộc vận động quy hoạch chuyển đổi cây trồng, xây dựng vườn mẫu đã đem lại thu nhập tương đối cao cho các hộ. Những khu vườn quy hoạch gọn gàng, quy củ, được các hộ dân chăm sóc công phu, kỹ càng, cho rau quả bốn mùa xanh tốt. Nổi bật là thôn Tân An xây dựng được trên 20 vườn cho thu nhập 100 triệu đồng/năm.

Không chỉ khẳng định được thế mạnh trong chăn nuôi, sản xuất lúa hàng hóa theo phương thức cánh đồng mẫu ở Cẩm Xuyên cũng được xem là điểm sáng. Từ xã tiên phong Cẩm Bình với 423ha (97% diện tích), đến nay 40% diện tích trồng lúa toàn huyện đã thực hiện theo hình thức liên kết với doanh nghiệp xây dựng cánh đồng mẫu, con số này đang được phấn đấu nâng lên 50% diện tích trong vụ Xuân 2015. Theo đồng chí Lê Ngọc Hà, "Sản xuất lúa hàng hóa đòi hỏi lộ trình dài hơi, bước đi cụ thể, trong đó muốn thành công thì người cán bộ đi đầu phải tận tâm, chính sách hỗ trợ ban đầu của cấp trên là đòn bẩy, công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân trong làm quy hoạch phải đi trước và phải kêu gọi, phát huy vai trò "đầu kéo" của các doanh nghiệp trong liên kết để đảm bảo quyền, lợi ích của cả đôi bên (nông dân - doanh nghiệp) vẫn là những điều cốt lõi".

Đến thời điểm này, với sự nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị, ngoài xã Cẩm Bình về đích năm 2013, có 10 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 14 xã đạt từ 7-9 tiêu chí, 3 xã Cẩm Thăng, Cẩm Yên, Cẩm Thành phấn đấu về đích năm 2014. Chặng đường dài phía trước với nhiều khó khăn song, cấp ủy, chính quyền luôn hiểu được xây dựng nông thôn mới là lấy sức dân để lo cho dân, nâng cao đời sống người dân là gốc rễ của thành công.

Phương Huyền - Huyện ủy Thạch Hà


    Ý kiến bạn đọc