Can Lộc dồn sức xây dựng NTM (bài 2): Đồng hành cùng nhà nông
EmailPrintAa
10:11 07/08/2015

Từ thị trấn Nghèn ngược lên phía Tây đến với các xã Thượng Lộc, Phú Lộc, Thường Nga... hay xuôi miền hạ đến Thiên Lộc, Tiến Lộc..., thật khó hình dung vùng đất một thời “chảo lửa, túi bom”, “khô cằn sỏi đá” ngày nào, nay trù phú, xanh tươi đến thế. Sự đổi thay kỳ diệu đó được xây nên từ chính bàn tay, khối óc năng động, dám nghĩ, dám làm của người dân và sự “tiếp sức” hiệu quả của Nhà nước.

Bài 1: “Đòn bẩy” phát triển kinh tế

Về Can Lộc (Hà Tĩnh) trong những ngày tháng Tám lịch sử, trong không khí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức thi đua lập nhiều thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 35, chúng tôi cảm nhận rõ niềm hân hoan, tự tin trên mỗi gương mặt người dân. Bằng những giải pháp cụ thể về xây dựng mô hình, phát triển kinh tế, những vùng đất khô cằn như Thượng Lộc, Sơn Lộc, Phú Lộc… hay ngập mặn, chua phèn như Tiến Lộc, Quang Lộc… hôm nay đang tươi xanh cây trái. Người dân Can Lộc hôm nay không phải sản xuất để “cứu đói” mà là để làm giàu.

Nhiều hộ nông dân đã trở thành triệu phú, tỷ phú từ cam, bưởi, lợn, bò... Thương hiệu cam chanh Thượng Lộc đã vươn ra thị trường thế giới. “Thực hiện chủ trương sản xuất sản phẩm hàng hóa chủ lực, chỉ trong vòng 3 năm, các xã vùng trà sơn đã trồng mới 350 ha cây ăn quả như cam, bưởi..., giá trị thu nhập đạt trên 300 triệu đồng/ha, hiệu quả gấp 5 lần trồng lúa”, Phó Văn phòng nông thôn mới huyện Can Lộc - Nguyễn Văn Lâm giới thiệu.

 

Trang trại bò sữa Đồng Minh Nguyên ở xã Thường Nga, quy mô 150 con, sản lượng sữa gần 1 tấn/ngày, doanh thu trên 350 triệu đồng/tháng.

 

Qua hơn 4 năm thử nghiệm, “sàng lọc” một số loại cây ăn quả, bà chủ trang trại Phan Thị Hiền (xóm Anh Hùng, xã Thượng Lộc) nhận thấy vùng đất này chỉ thực sự thích hợp cho cây cam chanh phát triển. Khi chọn được cây chủ lực, vợ chồng chị không quản ngày đêm đào đất, lật cỏ, biến hơn 10 ha đồi núi hoang vu thành khu vườn đồi lý tưởng. Đến nay, vườn cây ăn quả của chị Hiền có trên 300 gốc cam chanh đã cho thu hoạch. Bình quân mỗi năm, gia đình chị thu gần 1 tỷ đồng. Không chỉ gia đình chị Hiền, ở Thượng Lộc còn có hàng chục mô hình kinh tế vườn đồi đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập bình quân mỗi mô hình từ 100-300 triệu đồng/năm.

Về Thường Nga, được tận mắt chứng kiến những “công nhân - nông dân” đang thuần thục sử dụng máy vắt sữa từ những chú bò sữa căng tròn nhập từ Úc, New Zealand tại trang trại bò sữa Đồng Minh Nguyên mới thấy hết sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm của người dân nơi đây. Trang trại có quy mô ban đầu 150 con với tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng và sẽ mở rộng quy mô, ổn định đàn lên 500 con. Đây là trang trại bò sữa liên kết với Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), với mục tiêu liên kết phát triển vùng nguyên liệu sữa tươi cho Vinamilk, làm hạt nhân để đưa con bò sữa vào nuôi liên kết hộ nông dân tại Can Lộc, Đức Thọ. Bước đầu đi vào hoạt động ổn định, tạo việc làm cho 20 lao động với thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng.

Theo Phó Văn phòng nông thôn mới huyện Nguyễn Văn Lâm, thực hiện nghị quyết của huyện về phát triển chăn nuôi, Can Lộc đã xây dựng vùng chăn nuôi tập trung ở các xã trà sơn, đồng thời, khuyến khích phát triển chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ theo hướng liên kết. Trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều mô hình sản xuất liên kết đem lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân như: ớt cay ở Thuần Thiện, Sơn Lộc, Thượng Lộc; gấc ở Quang Lộc, Phú Lộc, Đồng Lộc, Thường Nga; bí đỏ ở Thượng Lộc, Song Lộc… Đến nay, Can Lộc đã xây dựng được 948 mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, trong đó, có 273 mô hình doanh thu từ 100 triệu - 1 tỷ đồng/năm.

 

Can Lộc là địa phương đi đầu trong việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp

 

Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp được coi là thế mạnh tạo bước chuyển mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp ở Can Lộc. Đến nay, toàn huyện có 2.674 máy làm đất, 34 máy gặt đập liên hợp, là một trong những địa phương dẫn đầu về tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất. Nhiều xã sản xuất cánh đồng mẫu lớn từ 10-100 ha với một loại giống theo hướng hàng hóa và sản xuất giống lúa nhân dân. Giá trị thu nhập đạt 75 triệu đồng/ha/năm.

Trong hành trình phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, người nông dân Can Lộc không đơn độc, mò mẫm tìm hướng đi mà có sự hỗ trợ, đồng hành rất lớn từ chính quyền, tổ chức đoàn thể các cấp.

Chủ tịch UBND huyện Võ Hữu Hào cho biết, cùng với triển khai các chủ trương, chính sách của T.Ư, của tỉnh, huyện đã ban hành khá đồng bộ cơ chế, chính sách, đề án phát triển chăn nuôi theo hướng vừa tập trung, vừa phân tán. 4 năm qua (2011-2014), huyện đã trích ngân sách hàng chục tỷ đồng hỗ trợ người dân đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển sản xuất, mua vật tư, con giống. Tổng số tiền lãi người dân được hỗ trợ theo quyết định 09, 23, 26 của tỉnh trên 8,5 tỷ đồng. Bên cạnh hỗ trợ bằng tiền mặt, vật tư, con giống, huyện và các địa phương cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho người dân, hỗ trợ thành lập HTX sản xuất, tổ chức cho người dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Với tinh thần Xô viết, năng động, dám nghĩ, dám làm, nhân dân Can Lộc đã đồng lòng, chung tay, góp sức làm nên điều kỳ diệu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.

 Theo Thanh Hoài/Baohatinh.vn


    Ý kiến bạn đọc