Chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh
EmailPrintAa
09:21 17/05/2013

Nghị quyết số 26 -NQ/TW, ngày 05/8/2008 của BCH Trung ương (khóa X) đã xác định một trong những giải pháp để phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân là “Tăng đầu tư ngân sách cho nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ để nông nghiệp sớm đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực; ưu tiên đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học để chọn, tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi và quy trình nuôi trồng, bảo quản, chế biến, tạo đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Xây dựng các chính sách đãi ngộ thỏa đáng để khai thác, phát huy tốt các nguồn lực khoa học - công nghệ, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ;…”.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII đã khẳng định: “Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản nhằm nâng giá trị sản phẩm và gắn với thị trường tiêu thụ, nhất là những sản phẩm có lợi thế, sản phẩm sạch. Tạo sự liên kết có hiệu quả giữa “bốn nhà” trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Mở rộng, nâng cao năng lực các cơ sở cung cấp giống nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân về công nghệ bảo quản chế biến sau thu hoạch và thị trường tiêu thụ sản phẩm” nhằm  mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung, hàng hóa, có kỹ thuật, năng suất cao gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái. 

Thực hiện chủ trương đó, những năm qua, Hà Tĩnh đã tập trung nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn. Triển khai thực hiện Đề án nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ, khuyến nông, khuyến ngư phục vụ nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2012 -2015, định hướng đến năm 2020. Hoạt động liên kết giữa nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nước trong việc đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm được đẩy mạnh. 

Sau hơn hai năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã có nhiều mô hình liên kết đạt hiệu quả cao. Toàn tỉnh đã thành lập mới 101 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn lên 368. Tính đến cuối năm 2012 lĩnh vực chăn nuôi có 86 cơ sở liên kết với doanh nghiệp để chăn nuôi lợn quy mô từ 500 - 1.200 con. Trong lĩnh vực trồng trọt đã có một số hộ dân liên kết với doanh nghiệp để sản xuất lúa và rau hàng hóa. Tiêu biểu là ở xã Cẩm Bình, UBND xã đã vận động và thay mặt các hộ nông dân ký hợp đồng với Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An để sản xuất lúa hàng hóa với diện tích 426 ha theo hình thức Công ty cung ứng giống, vật tư phân bón, tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nông dân. Đồng thời, phối hợp với UBND xã theo dõi, chỉ đạo sản xuất. Cuối vụ Công ty mua lúa cho nông dân với giá thỏa thuận cao hơn giá thị trường tại thời điểm 10%. Cách làm này đã được nhân rộng, tạo ra những cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 2.700 ha trên địa bàn 26 xã của 5 huyện, tạo điều kiện để tiếp tục đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật và cơ giới vào sản xuất, góp phần tăng năng suất lúa. 

Việc áp dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa vào sản xuất trong các hình thức kinh tế trang trại được đẩy mạnh. Đến nay, toàn tỉnh có86 trang trại trên các lĩnh vực chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và trang trại tổng hợp. 

Sự nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền nhằm đưa tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn đã góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho dân cư nông thôn, nâng cao hiệu quả xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc đưa tiến bộ của KHCN vào sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn ở tỉnh ta vẫn còn nhiều khó khăn, cần phải tập trung giải quyết:

Công tác tuyên truyền, vận động bà con nông dân cùng tham gia chuyển giao công nghệ, tiếp nhận những kỹ thuật mới chưa thật hiệu quả. Nhận thức của một bộ phận nông dân còn hạn chế, sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa mạnh dạn áp dụng các tiến bộ KHCN hiện đại vào sản xuất. Hệ thống cơ sở vật chất cho nghiên cứu, ứng dụng còn yếu. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học còn mỏng, thiếu nhiều cán bộ khoa học chuyên sâu trong các lĩnh vực. Sản xuất và cung ứng giống chưa đáp ứng yêu cầu. Cácđơnvị cung ứng giống trong tỉnh năng lực còn thấp, giá thành giống tương đối cao. Tĩnh gặp khó khăn trong kiểm soátchất lượng vì phải nhập lợn giống từ bên ngoài. Hầu hết các giống cây trồng cho năng suất, chất lượng cao đều là giống lai do đó nếu không có nguồn cung ổn định, nông dân sẽ khó bảo đảm năng suất trồng trọt.   

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII đã đề ra, trong thời gian tới theo chúng tôi cần đẩy mạnh việc đưa các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và coi đây là khâu đột phá, với các giải pháp cụ thể sau:

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20 -NQ/TW, ngày 30/10/2012 của BCH Trung ương về phát triển khoa học và công nghệ. Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của khoa học và công nghệ, xác định việc ứng dụng khoa học và công nghệ là một nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Từ đó lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ KHCN với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong từng đơn vị và trên phạm vi cả tỉnh.

- Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh.Xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển KHCN; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các thành tựu KHCN phù hợp với từng lĩnh vực, từng địa phương; tạo sự gắn kết giữa định hướng phát triển dài hạn, trung hạn và hàng năm. Cần có sự phân bổ ngân sách nhà nước cho hoạt động KHCN một cách hợp lý, tránh tình trạng đầu tư dàn trải. Bên cạnh đó cần có cơ chế giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KHCN.

- Đẩy mạnh liên kết “bốn nhà” trong sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Cần có các chủ trương, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân cùng liên kết hợp tác để đầu tư phát triển công nghệ mới, hiện đại và ứng dụng cao vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Tăng cường liên kết giữa tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp trong việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực. 

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức KHCN, nhân rộng mô hình sản xuất các giống mới có năng suất, chất lượng cao; chuyển giao, ứng dụng các công nghệ mới (giống lúa VS1, RVT, TH3-3,…mô hình nuôi tôm nhà bạt); các mô hình phát triển sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực. Chăn nuôi theo hướng hàng hóa quy mô lớn, phát triển các hình thức liên doanh. Tiếp tục thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, hình thành các cánh đồng mẫu lớn; phát triển kinh tế trang trại, HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp. Chủ động hợp tác liên kết với các ngành khoa học để xây dựng và triển khai chương trình phát triển thị trường công nghệ. Xác định rõ đối tác chiến lược trong hợp tác nghiên cứu, khai thác, chuyển giao KHCN. Đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông, thủy lợi, điện, mạng thông tin.

- Trong quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, cần xác định rõ cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ KHCN và tạo điều kiện thuận lợi để họ có thể phát triển tài năng của mình đóng góp vào công cuộc phát triến kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề cho lao đông nông thôn nhằm nâng cao khả năng nắm bắt và ứng dụng KHCN vào sản xuất, nâng cao đời sống cho nhân dân, phấn đấu đến 2015 lao động nông nghiệp chiếm 45% tổng số lao động xã hội, trong đó có 35% được đào tạo nghề, số lao động có việc làm sau đào tạo tối thiểu 70%; đến 2020 lao động nông nghiệp chiếm 30% tổng số lao động xã hội, trong đó có 50% được đào tạo nghề, số lao động sau đào tạo có việc làm tối thiểu 80%.

Thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp trên sẽ thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển, góp phần đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đã đề ra.

An Phú, Trường chính trị Trần Phú


    Ý kiến bạn đọc