Chuyện xã viên mua xe máy tặng Giám đốc hợp tác xã
EmailPrintAa
10:17 25/11/2015

Đó là chuyện có thật tại Hợp tác xã chăn nuôi Thạch Long, huyện Thạch Hà. Sau 85 - 90 ngày nuôi, các thành viên hợp tác xã đã xuất bán lứa lợn đầu tiên, trừ các khoản chi phí (con giống, thức ăn, điện, nước, khấu hao chuồng trại), mỗi hộ (nuôi 20 con/lứa) lãi từ 7 đến 13,5 triệu đồng. Nghĩ đến công lao của ông Lê Đăng Sơn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã kiêm Giám đốc Hợp tác, các xã viên đã bàn nhau mua một chiếc xe máy nhãn hiệu Honda Blade 110 có giá gần 20 triệu đồng kèm theo Giấy đăng ký và Giấy chứng nhận bảo hiểm tự nguyện mô tô, xe máy mang tặng ông Sơn. Không chỉ mua xe máy, có ba xã viên còn góp tiền mua một bộ com-lê và chiếc áo sơ mi trắng để "Giám đốc đi họp cho oai".
 
Ông Lê Đăng Sơn kiểm tra đàn lợn của một hộ xã viên  

Tôi hỏi bà Nguyễn Thị Trình ở xóm Đan Trung: “Có ai gợi ý để anh em mua xe máy tặng cho ông Sơn không?”. Bà Trình trả lời ngay: “Không ai gợi ý, tự bà con trong hợp tác xã bàn bạc với nhau. Lứa lợn vừa rồi gia đình tôi lãi được 8 triệu. Có được kết quả này chúng tôi thấy công của ông Sơn rất lớn, vì thế chúng tôi đồng tình mua làm quà cho ông ấy”. Còn ông Trần Công Tùng ở xóm Gia Ngại 2 cho biết: “Gia đình tôi và mọi người rất phấn khởi. Sau khi xuất bán lứa lợn đầu tiên, bà con xã viên bàn nhau góp mỗi người một triệu đồng gọi là chúc Tết, nhưng ông Sơn kiên quyết không nhận, bảo rằng, việc ông vận động để thành lập hợp tác xã và liên kết với các công ty để xây dựng mô hình chăn nuôi là trách nhiệm của người cán bộ Hội Nông dân. Còn kết quả lãi được ít nhiều là công lao động của bà con, ông làm việc đã có tiền lương rồi. Ông nói thế chứ chúng tôi biết, cái chức Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi mới thành lập nên không có lương bổng phụ cấp gì; còn cái chức Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, mỗi tháng được 1.150 đồng may ra đủ tiền xăng đi lại. Thấy ông đang đi chiếc xe "rem tàu" cũ kỹ, nên anh em bàn nhau mua tặng ông chiếc xe của hãng Honda, đồng thời đăng ký tên ông luôn nên ông không thể từ chối”.

Trước tình cảm của xã viên, lúc bà con đưa xe và bộ com-le đến tặng, không thể từ chối món quà mà xã viên giành cho mình, ông Lê Đăng Sơn cảm động đến rơi nước mắt.

 
Ông Sơn và chiếc xe do xã viên tặng  

Để có được thành quả như ngày hôm nay, ngày đầu chuẩn bị thành lập hợp tác xã, ông Sơn khá vất vả. Lúc vận động, bà con không tham gia vì chưa tin tưởng, bởi trước đó có một số mô hình đưa về hiệu quả không cao, "hết mưa là hết nước trọt", khi không còn hỗ trợ nữa thì bà con không làm. Vì thế, ông phải vận động một số cán bộ, hội viên tích cực tham gia để bà con nông dân làm theo. Từ lúc chuẩn bị đến lúc bắt đầu xây dựng, cải tạo chuồng nuôi, hầu như không ngày nào ông không có mặt tại gia đình các thành viên. Ông cho biết, sau khi thả lợn giống, lo nhất là ban đêm bà con gọi điện đến hỏi về các sự cố. Cũng may, năm 1989 ông đã tham gia lớp trung cấp quản lý kinh tế, trong đó có 42 tiết về chăn nuôi thú y, sau này được tập huấn thêm, nên ông biết được một số triệu chứng thường gặp ở lợn con khi thay đổi thời tiết hoặc thay đổi thức ăn, từ đó hỗ trợ, hướng dẫn bà con kịp thời. Tuy Hợp tác xã đã ký hợp đồng với công ty, khâu phòng trừ dịch bệnh công ty phải đảm bảo, nhưng ông rất lo, mỗi con giống giá hơn 2 triệu đồng, nếu có sự cố thì không những gây thiệt hại về kinh tế mà bà con sẽ mất niềm tin vào Hội Nông dân. Vì vậy, bất cứ lúc nào bà con gọi, ông đều có mặt kịp thời để xác định nguyên nhân, từ đó đưa ra biện pháp khắc phục, trường hợp nặng ông gọi cho cán bộ kỹ thuật của công ty. Nhờ xử lý kịp thời các sự cố của ông mà bà con yên tâm, 400 con lợn giống tại 20 hộ từ lúc thả đến lúc xuất chuồng an toàn.

Từ thành công của lứa đầu tiên, hiện nay có thêm 42 hộ đăng ký tham gia hợp tác xã. Đây là tín hiệu vui về sự lan tỏa của một mô hình.

 Trí Thức - Hội Nông dân tỉnh


    Ý kiến bạn đọc