Dẫu hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng tên tuổi đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng vẫn mãi mãi rạng ngời cùng lịch sử dân tộc. Để thỏa nguyện anh linh vị lãnh tụ kính yêu, Tùng Ảnh (Đức Thọ) quê hương cố Tổng Bí thư đang ra sức làm nên cuộc cách mạng xây dựng NTM.
Anh ra đi giờ về lại đất này
Bây giờ đã cuối mùa xuân, Tùng Ảnh như ngập trong mênh mông sắc xanh đương thì của lúa và sắc nắng đầu hạ. Lần theo từng bậc thang lên khu mộ Trần Phú, những câu thơ của Tố Hữu lại chợt về trong tâm thức tôi:
Hỡi những trái tim không thể chết
Chúng tôi đi theo vết các anh
Những hồn Trần Phú vô danh
Sóng xanh biển cả cây xanh núi ngàn.
Mộ đồng chí Trần Phú nằm trên núi Quần Hội, nơi có thể nhìn ra bến Tam Soa dạt dào sóng biếc và Thiên Nhẫn trùng trùng. Con sông La vẫn như đang say sưa kể chuyện về người thanh niên sống trong cảnh “nước mất, nhà tan” sớm nuôi chí lớn đi tìm đường cách mạng để trả “thù nhà, nợ nước”. Chuyện rằng, cậu bé Trần Phú lúc mới 10 tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải sống rau cháo qua ngày và miệt mài đèn sách từ lớp vỡ lòng đến Trường Quốc học Huế. Sau khi đỗ đầu kỳ thi Thành chung (năm 1922), Trần Phú trở thành thầy giáo dạy học Trường Cao Xuân Dục (Vinh). Người thanh niên ấy khi “mặt trời chân lý chói qua tim” đã được tiếp cận với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và trở thành một học trò xuất sắc, trung thành tuyệt đối của Người. Trong quá trình hoạt động cách mạng, dù đã bị địch bắt giam và tra tấn dã man nhưng đồng chí Trần Phú vẫn nêu cao khí tiết bất khuất, trung kiên của người cộng sản cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng vào ngày 6/9/1931.
“Làng đẹp thêm niềm ước nguyện của anh”
Sau bao nhiêu năm bôn ba và nằm lại đất người, giờ đây, hồn cốt Trần Phú đã trở về giữa lòng đất mẹ. Linh hồn người cộng sản - người con ưu tú của quê hương vẫn ngày đêm dõi theo “tiếng đời lăn náo nức”. Làng Tùng Ảnh hôm nay không còn tiếng thoi đưa dệt lụa nhưng còn đó truyền thống hiếu học, đức cần cù, chịu khó làm ăn trong mỗi gia đình, còn đó dòng máu nghĩa khí của những người con yêu nước. Sông La càng dào dạt, tình làng nghĩa xóm càng mặn càng nồng...
Một góc làng Tùng Ảnh
Xã Tùng Ảnh hiện có 2.333 hộ với hơn 7.300 nhân khẩu. Tổng thu nhập bình quân hàng năm hơn 24 triệu đồng/người; sản lượng lương thực đạt 2.100 tấn/năm. Khi hỏi vì sao xã Tùng Ảnh lại dẫn đầu tỉnh, cơ bản hoàn thành sớm các tiêu chí trong lộ trình xây dựng NTM, Bí thư Đảng ủy xã Lê Tự Lập cho biết: “Bài học thành công đầu tiên là ý Đảng, lòng dân. Tùng Ảnh có 581 đảng viên, không ít những đảng viên lão thành sống rất mẫu mực tạo niềm tin cho lớp hậu duệ. Đảng viên hăng hái, quần chúng tích cực nên khi ban hành những chủ trương, chính sách mới hợp với lòng dân thì tất thảy đều hưởng ứng”.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã Tùng Ảnh là một trong 12 đơn vị của tỉnh được chọn làm thí điểm. Chuyện xây dựng NTM với 19 tiêu chí, đưa ra “cân, đong, đo, đếm” rồi trù liệu sức mình, xã nào cũng có những đặc thù và khó khăn riêng. Tùng Ảnh cũng vậy, tuy dân trí cao, mức sống khá hơn so với nhiều làng khác nhưng nếu không phát huy được tính dân chủ thì mọi kế hoạch triển khai sẽ bị ngưng trệ…
Từ nhiều cuộc họp với tinh thần “dân biết, dân bàn…”, cấp ủy và chính quyền xã Tùng Ảnh đã xây dựng được quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế và văn hóa xã hội khá khoa học. Khi quy hoạch được huyện thẩm định và phê duyệt, xã Tùng Ảnh bắt tay ngay vào thành lập BCĐ, ban xây dựng, giám sát công trình, thành lập tổ xây dựng NTM ở các thôn. Có gì vui hơn, rôm rả hơn dưới ánh đèn nê-ông sáng dịu, bên bát nước chè xanh bốc khói, thôn nào cũng hăm hở họp bàn cụ thể từng tiêu chí đặt vào hoàn cảnh cụ thể ở thôn mình. Cán bộ xã, cán bộ thôn lĩnh hội từng ý kiến đầy trách nhiệm, có kinh nghiệm của người cao tuổi, có tư duy sáng tạo của lớp trẻ. Tất cả mọi tiêu chí đều được đặt lên bàn cân, tính toán chi tiết, sát đúng ở từng thôn.
Chủ tịch UBND xã Phan Tiến Dũng cho hay: “Với Tùng Ảnh, mọi việc đều được “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Khi đã được dân đồng thuận, cán bộ xã tập trung chỉ đạo quyết liệt, việc gì dễ tranh thủ làm trước, cái gì khó làm sau. Xây dựng NTM để “đàng hoàng và to đẹp hơn”, tất nhiên phải đầu tư nhiều công sức, tiền của, vì vậy, ngoài nguồn lực sẵn có, chúng tôi còn huy động con em xa quê đóng góp hỗ trợ địa phương. Người dân Tùng Ảnh hầu hết đều đồng thuận, bỏ qua lợi ích nhỏ, cá nhân và hướng tới lợi ích lớn, lâu dài”.
Trạm Y tế xã Tùng Ảnh được đầu tư xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới.
Đến thăm nhà ông Lê Mai, tôi hỏi: “Động lực nào để bác tự nguyện hiến 120 m2 đất, chặt hạ 11 cây mít trong vườn cho thôn mở đường?”, ông Mai nở nụ cười nói: “Nghĩ đến con đường rộng hơn, đẹp hơn là tui sướng lắm rồi, kể chi mít với cam hả chú!”. Ở Tùng Ảnh, người như ông Mai không ít. Số đất nhân dân toàn xã hiến thời gian qua đã lên tới 6.314m2. Trong chuyện xây dựng NTM ở Tùng Ảnh, một điều khá thú vị khiến tôi ngạc nhiên, tâm đắc: những gia đình bị thiệt thòi nhiều về tài sản trong quá trình GPMB xây dựng NTM thì mọi người trong thôn cùng góp tiền, góp công để xây dựng lại. Hành động nhân văn ấy khiến sức mạnh cộng đồng dân cư càng thêm bền chặt.
Về Tùng Ảnh, hình ảnh NTM đang hiện hữu trước mắt tôi với những nét khỏe khoắn, tươi rói, hiện đại. Đường mới mở ra rộn rã tiếng xe, tiếng máy với những công trình mới. Chợ mới rậm rịch kẻ mua người bán. Mây trắng trên núi Quần Hội giăng giăng, những áng mây chiều đang làm mát lòng đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú khi quê hương đang từng ngày đổi thay...
Tin mới cập nhật
- Huyện Kỳ Anh có 03 xã được đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017 ( 08/12)
- Hỗ trợ 24 tỷ cho các xã đăng ký hoàn thành 19 tiêu chí NTM năm 2017 ( 05/09)
- Huyện Đức Thọ tổ chức triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” ( 03/07)
- Kinh nghiệm vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị ở thị xã Hồng Lĩnh ( 01/06)
- Xã Thuận Lộc: Quyết tâm “giữ chuẩn” nông thôn mới ( 24/04)
- Cựu chiến binh Bùi Xuân Đại - gương người tốt việc tốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới ( 30/03)