Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại  góp phần xây dựng nông thôn mới
EmailPrintAa
11:02 15/11/2013

Những năm qua, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hàng hoá; tạo sự liên kết dịch vụ sản xuất, thu hút nguồn vốn nhàn rỗi của nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; chủ động tiếp cận thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm… kinh tế trang trại ở tỉnh ta đã có bước phát triển nhanh chóng, góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác, đẩy nhanh tiến độ xoá đói, giảm nghèo, giúp nông dân vươn lên làm giàu. Đặc biệt, cũng chính nhờ phát triển mô hình kinh tế trang trại đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, tăng thu nhập cho nông dân, từng bước thực hiện hiệu quả các tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Nắm bắt được lợi thế đất đai của xã còn dồi dào, chị Đinh Thị Nga (xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân) đứng ra mạnh dạn xin đấu thầu hàng chục ha khu vực đất trống đồi núi trọc của xã để phát triển kinh tế, đồng thời vận động anh em người thân trong gia đình góp vốn lập trang trại sản xuất chăn nuôi tổng hợp. Sau nhiều năm khai phá, chinh phục vùng đất hoang hoá, trải qua nhiều khó khăn vất vả, đến nay trang trại của chị đã đi vào hoạt động ổn định và quy cũ. Với gần 10 ha đất bằng phẳng chị quy hoạch thành khu chăn nuôi lợn liên kết với Công ty cổ phần chăn nuôi Việt Nam, quy mô 1.800 con/lứa; chăn nuôi bò lai Zê bu quy mô 100 con; trên 5 ha ao nuôi cá, gần 6 ha cây ăn quả; hàng chục ha trồng cây lâm nghiệp và hàng vạn con gia cầm các loại. Doanh thu hàng năm đạt trên 15 tỷ đồng, trừ các chi phí lợi nhuận đạt gần 1,3 tỷ đồng. Đặc biệt, đầu năm 2013 này, chị đứng ra vận động và thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động, với thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ giỏi về cách thức tổ chức, quản lý sản xuất, vợ chồng chị còn tận tình hướng dẫn, tư vấn, giúp đỡ cho nhân dân về lựa chọn giống tốt, thức ăn phù hợp, cách phòng trừ dịch bệnh… góp phần nhân rộng mô hình chăn nuôi trên địa bàn xã. 

Là một trong những cây ăn quả chủ lực của huyện Hương Sơn, những năm qua, rất nhiều hộ dân, đặc biệt là ở các xã Sơn Mai, Sơn Trung, Sơn Thủy, Sơn Trường, Sơn Phúc… đã mạnh dạn đầu tư trồng cam bù theo hướng trang trại, thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Trang trại gia đình anh Ngô Xuân Linh, xã Sơn Mai là một trong những trang trại như thế. Cách đây hơn 10 năm, anh là hộ dân đi tiên phong về việc phát triển kinh tế trang trại dựa vào cây cam. Với nguồn vốn hỗ trợ ban đầu từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, anh đã đầu tư vốn và công sức vào 10 ha cam. Đến nay, trang trại của anh đã được mở rộng với gần 20 ha, trồng trên 8.000 gốc cam đang vào mùa thu hoạch. Kết hợp trồng cam, gia đình anh chăn nuôi thêm 100 con bò, hàng nghìn con bồ câu và 3 ao cá cho hiệu quả kinh tế cao. Lợi nhuận bình quân hàng năm từ trang trại khoảng 1 tỷ đồng. Ngoài ra, còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng.

Mô hình trang trại tổng hợp của anh Nguyễn Huy Phố (Thượng Lộc, Can Lộc) cũng đem lại hiệu quả kinh tế khá cao với nhiều loại cây, con như cây ăn quả, chăn nuôi bò lai sin, lợn, gà... Đến nay, trên diện tích 2 ha, gia đình anh đã trồng hơn 600 cây cam, 150 cây chanh, 20 cây bưởi bắt đầu cho thu hoạch; ngoài ra anh còn xây chuồng trại để nuôi thêm 7 con bò lai sin, 7 con lợn giống sinh sản và trên 100 con lợn thương phẩm, 300 con gà thả vườn và 120 đôi chim bồ câu. Năm 2013, nguồn thu từ cây ăn quả, chăn nuôi, trừ chi phí sản xuất gia đình anh thu lãi khoảng 150 triệu đồng.  

Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 141 trang trại sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn mới (Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT, ngày 13/04/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại). Hầu hết các trang trại đã khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, tập trung chủ yếu ở các huyện như Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Can Lộc… Đặc biệt, việc liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp được hình thành và nhân rộng trên nhiều lĩnh vực. Tiêu biểu, trong chăn nuôi có mô hình liên kết giữa các hộ nông dân với Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, Công ty CP (Thái Lan); trong sản xuất lúa gạo chất lượng cao đã hình thành nhiều cánh đồng mẫu lớn ở Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Thạch Hà, Can Lộc... Ngoài ra, còn có sự liên kết trong sản xuất, chế biến chè, cao su, gỗ nguyên liệu. Việc liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân theo chuỗi giá trị đã tạo sự ổn định đầu ra sản phẩm giúp nông dân yên tâm sản xuất, hỗ trợ lẫn nhau về nguồn lực và chia sẻ rủi ro trong quá trình sản xuất, tăng chất lượng và giá trị sản phẩm, tạo động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn.       

Thực tế cho thấy, sự phát triển của kinh tế trang trại đã góp phần quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế trang trại thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng đất đai, lao động… sẵn có. Kinh tế trang trại mới được phát triển thông qua các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn chứ chưa có chính sách riêng, cụ thể của từng địa phương. Hầu hết các trang trại đều phát triển theo hướng tự phát, quy mô nhỏ, quy hoạch thiếu bài bản, hiệu quả kinh tế chưa cao. Đa số chủ trang trại chưa qua các lớp đào tạo về công tác quản lý cũng như kỷ thuật chuyên môn, sản xuất kinh doanh; phát triển trang trại chủ yếu dựa trên kinh nghiệm chứ chưa xây dựng kế hoạch phát triển lâu dài, chưa hạch toán kinh doanh nên dễ đổ vỡ. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất gặp nhiều khó khăn, từ đó dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, chưa tạo được thương hiệu, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. 

Thời gian tới, để kinh tế trang trại tiếp tục phát triển sâu rộng và bền vững, thiết nghĩ các cấp, ngành cần nhận thức đúng về ý nghĩa, vai trò của kinh tế trang trại, từ đó thực hiện nghiêm túc các chính sách phát triển trang trại đã ban hành; xây dựng đề án quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế trang trại, gia trại gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chủ trương, chính sách riêng, đồng thời có bước đi, giải pháp phù hợp để kinh tế trang trại phát triển. Chẳng hạn như về đất đai, trên cơ sở quy hoạch chung của từng địa phương, cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho nhân dân các vùng có lợi thế phát triển kinh tế trang trại.

Thực hiện tốt việc quy hoạch vùng; xây dựng kế hoạch di dời các trang trại cũ xen lẫn khu dân cư và các trang trại thành lập mới đến nơi quy hoạch tập trung để đầu tư đồng bộ hệ thống đường giao thông, điện, nước vừa có phương án đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh. Cải tiến quy trình, thủ tục cấp đất, giao đất, cho thuê đất, miễn thuế sử dụng đất trong những năm đầu cho các chủ trang trại khi có đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh khả thi. 

Mở rộng đối tượng cho vay vốn, nâng mức vay cho các hộ nông dân, có chính sách hỗ trợ lãi suất ưu đãi hoặc cấp bù lãi suất vay vốn cho loại hình kinh tế trang trại. Tăng cường, khuyến khích liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa trang trại và các doanh nghiệp, thực hiện liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp tạo chuỗi giá trị cho mỗi loại hình trang trại, mỗi loại sản phẩm. Có chính sách hỗ trợ đào tạo, tập huấn về quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các chủ trang trại. 

Từ những chủ trương đúng đắn, cách làm hay trong phát triển kinh tế trang trại đã giúp nhiều hộ có thu nhập khá, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn, góp phần cho kinh tế - xã hội của tỉnh đi lên vững chắc. Đây là đòn bẩy quan trọng trong chiến lược nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn, từng bước đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về chính sách nông nghiệp, nông thôn, nông dân đi vào thực tiễn cuộc sống. Với những định hướng cùng giải pháp sát thực, trong tương lai kinh tế trang trại sẽ là một trong những tiền đề quan trọng để Hà Tĩnh khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh sớm hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Thanh Lâm – VPTU


    Ý kiến bạn đọc