Dệt màu xanh vùng thượng
EmailPrintAa
08:35 03/03/2015

Chiếc xe chuyên dụng có thâm niên 15 năm băng rừng vượt suối của Ngân hàng CSXH vẫn dẻo dai trên con đường rừng núi gập ghềnh đưa chúng tôi đến với những vùng kinh tế mới ở miền thượng Kỳ Anh. Đồng hành với bà con từ ngày vùng đất này còn nổi tiếng là chốn “thâm sơn cùng cốc”, các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH đã góp sức dệt bức tranh thắm sắc xanh trên những xã nông thôn miền núi..

Điểm tựa...

"Chúng tôi chỉ có đôi bàn tay lao động và ước mong thoát khỏi đói nghèo. Muốn làm gì cũng tắc nghẽn ở việc tìm nguồn vốn bởi chẳng có gì để thế chấp mà đi vay, cũng không dám vay tiền lãi cao để chờ đất, chờ rừng trả nợ. Nếu không có nguồn vốn với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng CSXH, gia đình tôi không thể có cơ ngơi hôm nay” - chị Dương Thị Phương (xóm Sơn Bình 1, xã Kỳ Sơn) chia sẻ.

Cơ ngơi mà chị nói đã được tạo dựng qua 10 năm lao động cần mẫn của gia đình cộng với sự tiếp sức bền bỉ của các chương trình tín dụng từ cho vay hộ nghèo đến hộ SXKD vùng khó khăn. Xuất phát điểm thấp nên phương châm sản xuất của chị là “chậm mà chắc”, gia đình chỉ vay vốn ưu đãi cộng với vốn tích lũy để dần mở mang trang trại. “Góp gió thành bão”, đến thời điểm này, trang trại tổng hợp chăn nuôi, trồng trọt của chị Phương đã trở thành mô hình điểm của xã Kỳ Sơn với 14 con trâu bò, 1 ha cỏ, 100 con lợn/năm, 2 ha sắn, 2 ha cây lâm nghiệp, mỗi năm doanh thu đạt khoảng 500 triệu đồng.

 

Nguồn vốn ưu đãi đã giúp gia đình chị Dương Thị Phương, xã Kỳ Sơn (Kỳ Anh) thoát nghèo bền vững

 

Ngay cả mô hình trang trại lớn nhất nhì vùng thượng của ông Lê Viết Hừng (Kỳ Lâm) cũng được khơi mạch nguồn từ kênh vốn tín dụng ưu đãi. Bởi vậy, dẫu bây giờ đã có doanh thu hàng tỷ đồng/năm, ông Hừng vẫn thường nhắc những mốc gian khó gắn với từng đồng vốn vay của Ngân hàng CSXH: năm 2001, vay 5 triệu đồng vốn hộ nghèo; 2005, vay 20 triệu đồng từ chương trình GQVL; 2007, vay 100 triệu đồng vốn chương trình vùng khó khăn... Nguồn vốn lãi suất thấp ở những buổi khởi đầu gian nan đã tạo động lực cho gia đình ông mở con đường rừng 3 km để vào khai hoang vùng đồi Cây Rễ.

Khát vọng lớn cộng với sức khỏe trời cho, vợ chồng ông đã xây dựng nên trang trại rộng 15 ha, trong đó, 12 ha trồng rừng, số còn lại trồng cây ăn quả, chăn nuôi dê, lợn rừng, gà và đào hồ thả cá... Năm 2013, ông Hừng liên kết với Công ty CP Chăn nuôi CP (Thái Lan) xây dựng chuồng trại quy mô nuôi 1.200 con lợn thương phẩm/lứa, mở hướng sản xuất hàng hóa lớn ở các xã vùng thượng Kỳ Anh. Năm 2014, ông lại tiên phong tham gia thành lập HTX Vạn Thành, chuyên thu gom rác thải, dịch vụ vật tư nông nghiệp, quản lý chợ và xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Ở vai trò của một chủ trang trại và là chủ nhiệm của một HTX chủ lực của xã Kỳ Lâm, ông Hừng luôn khẳng định, những bước đi của mình đều có dấu ấn của nguồn vốn tín dụng ưu đãi và còn rất nhiều hộ ở vùng khó khăn cần sự tiếp sức hiệu quả từ kênh vốn này.

Kết quả của “3 trong 1”

Giám đốc Ngân hàng CSXH Kỳ Anh - Phạm Ngọc Cương cho biết, trong quá trình tham mưu Ban Đại diện HĐQT phân bổ nguồn, trên cơ sở nhu cầu thực tiễn, ngân hàng luôn có sự ưu tiên cho các xã vùng thượng. Gắn với việc đưa nguồn tín dụng ưu đãi về với bà con, cán bộ ngân hàng được phân công bám sát địa bàn để chỉ đạo, hỗ trợ người vay phát huy hiệu quả nguồn vốn. Điều quan trọng nhất là ngân hàng đã phối hợp, huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương và tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác. Chính sự hội tụ của cả 3 lực lượng trong một kênh vốn đã làm nên thành công của các mô hình đầu tư tín dụng ưu đãi. Đến thời điểm này, dư nợ cho vay của 11 chương trình tín dụng ưu đãi tại 7 xã vùng thượng: Lâm, Sơn, Thượng, Lạc, Tây, Hợp Trung đạt gần 120 tỷ đồng.

 

Mô hình trang trại lớn nhất nhì vùng thượng của ông Lê Viết Hừng (Kỳ Lâm, Kỳ Anh)

 

Chủ tịch UBND xã Kỳ Lâm - Trần Điểu cho rằng, với dư nợ trên 25 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách, địa phương đã có được nguồn lực quan trọng để phát triển sản xuất, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, xã hết sức coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo các bộ phận chuyên môn, tổ chức hội vận hành kênh vốn này. Đặc biệt, chế độ giao ban hàng tháng giữa chính quyền xã, ngân hàng và các tổ chức, đoàn thể nhận ủy thác, các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn diễn ra đều đặn, hiệu quả, giúp việc cho vay, thu nợ, thu lãi được thực hiện thuận lợi.

Còn Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Sơn - Hồ Văn Thái khẳng định, bên cạnh quán triệt các tổ tiết kiệm và vay vốn tuân thủ quy trình nghiệp vụ mà Ngân hàng CSXH tập huấn và thực hiện việc bình xét đối tượng vay vốn một cách khách quan, chính xác, Hội Nông dân đã phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn sản xuất theo nhu cầu của người dân, đồng thời, gắn nguồn vốn cho vay của Ngân hàng CSXH với các mô hình điểm mà hội xây dựng. Riêng năm 2014, hội đã xây dựng được 6 mô hình kinh tế hiệu quả, trong đó có vai trò hỗ trợ của nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Người nghèo, hộ khó khăn và các đối tượng chính sách ở đây khi được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã đồng thời nhận được nhiều sự hỗ trợ để vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.

Theo Mai Thủy/Baohatinh.vn


    Ý kiến bạn đọc